Các kiểu giọng điệu

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945 (Trang 124 - 157)

5. Cấu trúc của luận văn

3.2.2. Các kiểu giọng điệu

3.2.2.1. Giọng trung tính, khách quan

Giọng điệu kể chuyện của Nguyễn Công Hoan rất khách quan, trầm tĩnh, mang tính chất trần thuật, ít khi thấy ông bộc lộ tình cảm yêu ghét rõ ràng với nhân vật trong truyện. Ông không bao giờ áp đặt người đọc theo một

mục đích nào đó mà nhà văn đã định sẵn, thông thường tác giả dẫn dắt người đọc một cách tự nhiên đi sâu khám phá bản chất nhân vật rồi người đọc tự nhận thức, tự rút ra thái độ với nhân vật: xót xa, thương cảm, khinh bỉ hay căm phẫn. Vd cụ chánh bá mất giày

Sở trường của Nguyễn Công Hoan là miêu tả những nhân vật xấu, đáng ghét, đáng khinh, bởi ở đó ngòi bút ưa đả kích, châm biếm, hài hước có cơ hội để diễn tả một cách thành công nhất, khách quan nhất. Song chính nguyên tắc khách quan và sở trường này lại dẫn đến một hạn chế trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan. Đó là khi miêu tả những người nghèo, người đọc có cảm giác như ông ít trân trọng, thậm chí có lúc sa đà chỉ phục vụ cho tính gây cười, dị biệt, nhà văn đã bóp méo hình ảnh của họ (Thằng ăn cắp). Sự khách quan, bình thản ấy trong nguyên tắc xây dựng hình tượng khiến người đọc có cảm giác không nhận ra trực tiếp tình cảm của tác giả. Đặc điểm này có phần khác biệt với các nhà văn hiện thực cùng thời với Nguyễn Công Hoan như Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng. Với hai nhà văn này, nhiều khi nước mắt của nhà văn như hòa chung dòng nước mắt của nhân vật. Cảnh chia lìa của mẹ con chị Dậu thật là một cảnh quay xúc động, ngập tràn nước mắt:

“Chị Dậu lã chã hai hàng nước mắt:

- U van con, u lạy con, con có thương thầy thương u thì con cứ đi với u, đừng khóc lóc nữa đau ruột u lắm. Công u nuôi con sáu bảy năm trời tốn kém bao nhiêu tiền của! Bây giờ phải đem bán con u đã chết từng khúc ruột rồi đấy con ạ…!

Cái Tí vẫn khóc rưng rức. Chị Dậu cũng vừa đội rổ chó con vừa khóc nức nở nhưng vẫn cố kiếm lời thấm thía, xót xa để khuyên con” (Tắt đèn).

Không như Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng - Nguyễn Công Hoan kể chuyện với tư cách một người chứng kiến, quan sát khách quan, và giọng điệu của

người kể chuyện cũng mang giọng trung tính, khách quan, ít bộc lộ cảm xúc, thái độ của cái tôi nhà văn đối với số phận nhân vật. Song thực chất ẩn giấu đằng sau những dòng chữ tưởng như lạnh lùng khách quan ấy là một tấm lòng tha thiết yêu thương và giàu lòng nhân đạo. Giọng điệu này phần nào gần gũi với giọng điệu của nhà văn Nam Cao ở một số tác phẩm, có thể ví như một chiếc phích nước mà bên ngoài thì lạnh, nhưng bên trong lại luôn ấm nóng tình người.

Nguyễn Công Hoan thường đặt các nhân vật trong những tình thế éo le, hài hước đáng buồn cười, ít gây xúc động mạnh. Nhưng đằng sau tất cả, người đọc lại thấy được tiếng cười chua xót cho những kiếp người, nhất là kiếp sống quẩn quanh, cùng quẫn, bế tắc của những người thuộc tầng lớp dưới đáy xã hội. Chẳng hạn, Người ngựa, ngựa người, Hai thằng khốn nạn, Vợ là

những truyện ngắn tiêu biểu được viết bằng giọng điệu đó.

3.2.2.2. Giọng điệu trào phúng

Tuy nhiên, cùng với giọng khách quan, lạnh lùng, dễ dàng nhận thấy trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan, giọng điệu trào phúng là giọng điệu chủ đạo. Như nhà văn tự nhận xét về mình:

“Tôi coi thường tất cả, tất cả đối với tôi chỉ là trò cười. Vì vậy, tôi hay pha trò cười. Tôi viết tiểu thuyết cũng mang cái giọng nói thường của tôi là trào phúng và hài hước” (Đời viết văn của tôi).

3.2.2.2.1. Giọng hài hước

Thường, giọng hài hước được nhà văn sử dụng trong một số truyện mà chủ đề chưa thật tiêu biểu, chưa mang ý nhĩa xã hội sâu sắc. (Giết nhau là một truyện ngắn như vậy.

Những nét chân dung xấu xí của bọn có tiền có quyền, qua ngòi bút nhà văn trào phúng, được phác họa khá đậm nét và đậm tính hài hước. Đó chính là

cách tác giả “vật hóa” “thô kệch hóa” chân dung nhân vật trong truyện ngắn của mình.

Giọng kể của tác giả bật ra rất tự nhiên, ngộ nghĩnh như khi miêu tả cái béo quá đỗi của một ông quan: “Chà! Chà! Béo ơi là béo! Béo đến nỗi giá có thằng dân nào vô ý, buột mồm nói ra một câu sáo rằng: “Nhờ bóng quan lớn”, là ông tưởng ngay nó nói xỏ ông. Tức thì, mặt bàn là một, mặt nó là hai, bị vả đôm đốp” (Đồng hào có ma).

Hay lại một cái béo khác của một quan bà: “Nguyên bà béo quá - gớm! Béo đâu mà béo lạ béo lùng đến thế. Béo đến nỗi hai má chảy ra. Béo đến nỗi bụng xệ xuống. Béo đến nỗi trông phát ngấy lên.” (Hai cái bụng).

Trong một số truyện ngắn, nhà văn thường sử dụng giọng điệu kể chuyện linh hoạt, vui nhộn bằng cách dùng lối nói của nhân vật với những từ ngữ, tiếng lóng, tiếng bồi, vừa gián tiếp bộc lộ tính cách, vừa làm cho câu chuyện thêm sống động, hóm hỉnh. Như truyện Thật là phúc kể về một gã

lính cơ ván cách định hiếp vợ một anh bánh giò, ông dùng một lối văn lính tráng, xen lẫn những tiếng bồi rất ngộ nghĩnh: “ma phàm anh hàng giò”, “măng đen”, “lập goòng”, “đề mi tua”, “a la văng”, “cẩm ma lách”, “tăng xương”, “kèn la vầy”…

Chính Vũ Ngọc Phan – một bạn của nhà văn cũng nhận xét về lối viết văn rất vui, rất hóm hỉnh của ông: “Những truyện ngắn của ông tiêu biểu cho một thứ văn rất vui, thứ văn mà có lẽ ngay từ ngày nước Việt Nam có tiểu thuyết viết theo lối mới người ta chỉ thấy ở ngòi bút của ông thôi”.

3.2.2.2.2. Giọng mỉa mai, giễu cợt

Trong nghệ thuật truyện ngắn của mình Nguyễn Công Hoan sử dụng giọng điệu mỉa mai để bật lên tiếng cười trào phúng.

Ngôn ngữ mỉa mai giễu cợt của Nguyễn Công Hoan tiêu biểu nhất ở đoạn văn sau:

“Hình như trời đã đặt một cái khuôn riêng để đúc nặn các người làm bà lớn. Nên chẳng mấy chốc, bà phủ đã được đúng kiểu mẫu. Chỉ riêng có bộ mặt đã long trọng. Người ta tưởng chiếc bánh dầy đám cưới, ở giữa đặt một quả chuối ngự, và ngay đầu quả chuối, nằm dài hai múi cà chua. Rồi khi hai múi cà chua tách ra để theo nhịp với cặp mắt híp, đưa quan ông vào chốn nát – bàn, thì ai cũng phải thấy một cái hô sâu thăm thẳm, sâu như bụng dạ đàn bà.”

Song quan ông lại có hình thể khác hẳn! “Vì ở người ngài cái gì cũng cong, từ cái sống mũi đến cái lương tâm, từ cái lưng đến cách xử kiện…” (Đàn bà là giống yếu). Ca dao Việt Nam vẫn thường dùng cỏ cây hoa lá diễn tả vẻ đẹp của cô gái, Nguyễn Công Hoan dùng cỏ cây, nhưng lại là tả vẻ xấu với “quả cà chua, quả chuối”. Nhất là ông lại mượn cái “cong” của “hình thể” để nói tới cái “cong” của “lương tâm” thì quả là tinh quái.

Để mỉa mai một cô gái, tác giả cũng dúng cách này:

“Vì bà muốn cho cô An, lần đầu tiên ra bãi bể, khoe cùng mặt trời, sự trẻ và sự đẹp của cô, nhân thể để cô có dịp phơi ra ngoài ánh sáng, bộ xương mông, xương quai xanh và xương sườn cụt.” (Cho tròn bổn phận)

Sự trẻ và đẹp – đặt bên – bộ xương mông, xương quai xanh và xương sườn cụt. Vậy còn đâu trẻ, đẹp nữa!

Hay để mỉa mai quan lại, nhà văn mượn lời nhân vật:

“Nếu tao có thể xử đê tiện đểu giả thế, thì bây giờ ít ra tao cũng làm đến tuần phủ rồi, chứ lại chịu nghèo xơ thế này à?” (Nạn râu)

Như vậy, mỉa mai là phương thức biểu hiện cái hài trong văn học trao phúng. Như nhà văn tự nhận xét: “Khi tôi viết, tôi cố ý đặt những câu bình

đúng là của tôi, hay pha trò, hay ỡm ờ, hay chế giễu, hay chua chát” (Đời viết

văn của tôi).

3.2.2.2.3. Giọng châm biếm, gai góc

Giọng điệu này ở Nguyễn Công Hoan xuất phát từ niềm phẫn nộ của tác giả đối với sự giả dối bất lương, vì vậy, đối tượng hài của ông có khi phải gánh trên vai một tiếng cười lớn hơn nó, tiếng cười ra nước mắt.

Giọng châm biếm cay độc thường hướng đến đối tượng chủ yếu là xã hội thực dân phong kiến và những sản phẩm của nó. Chúng là lũ người giả dối, bất nhân, lố lăng và độc ác. (Trong các truyện như: Đồng hào có ma, Đàn

bà là giống yếu, Thịt người chết)

Đoạn bình luận mở đầu truyện ngắn Đồng hào có ma đã thể hiện ngay

giọng châm biếm tố cáo. Trong khi dẫn vào mạch truyện và miêu tả ngoại hình nhân vật, tác giả đã tố cáo bản chất tham lam, ti tiện, hống hách, ngang ngược của tên huyện Hinh:

“Tôi cực lực công kích sách vệ sinh đã dạy ta ăn uống phải sạch sẽ, nếu ta muốn được khỏe mạnh, béo tốt. thuyết ấy sai. Trăm lần sai! Nghìn lần sai! Vì tôi thấy sự thực, ở đời này, bao nhiêu những anh béo, khỏe, đều là những anh thích ăn bẩn cả… Mà rồi thằng khốn nạn ấy, ông truy cho cùng, không còn có thể làm ăn mở mày mở mặt ra được. Bởi vì ông có sẵn trong tay hàng mớ pháp luật, thì ông ngại gì không khép thằng bảo quan béo vào tội “làm rối cuộc trị an”. Thế là việc công việc tư ông đều được trọn vẹn.”

Với các truyện ngắn trào phúng thì giọng điệu Nguyễn Công Hoan khá đắc dụng. Nó hỗ trợ cho các phương diện nghệ thuật khác để tạo nên hiệu quả to lớn. Song có thể nói, cái hài hước, giễu nhại vừa là sở trường vừa là cái tật của ngòi bút Nguyễn Công Hoan. Trong một vài trường hợp hoàn toàn không có gì đáng cười hoặc khó gợi ra tiếng cười thì ngòi bút Nguyễn Công Hoan

vẫn sa vào những chi tiết gây cười hoặc cố gây cười trở thành thái quá. (Gói

đồ nữ trang, Thằng ăn cắp, Hai cái bụng, Hai thằng khốn nạn, Ngậm cười…).

Chính là ở những truyện ấy mà có nhà phê bình đã cho rằng đôi lúc cái cười của Nguyễn Công Hoan là cái cười sặc sụa, hả hê của người ngoài cuộc. Tuy nhiên, giọng điệu hóm hỉnh, tinh quái, giọng châm biếm sâu cay của Nguyễn Công Hoan về cơ bản vẫn là “đắc địa”.

Nguyễn Công Hoan đã thực sự tạo nên một giọng điệu riêng trong sáng tác. Đó cũng chính là một phương diện tài năng của nhà văn. Đúng như Turghênhép đã nói: “Cái quan trọng trong tài năng văn học… và tôi nghĩ rằng cũng có thể trong bất kì một tài năng nào là cái mà tôi muốn gọi là “Tiếng nói của mình”. Đúng thế, cái quan trọng là tiếng nói của mình, cái quan trọng là giọng riêng biệt của mình không thể tìm thấy trong cổ họng của bất kì một người nào khác. Đó chính là đặc điểm phân biệt chủ yếu của một tài năng sống độc đáo.”

Ngôn ngữ và giọng điệu ấy góp phần quan trọng làm nên thành công của nhà văn trên con đường nghệ thuật để tất cả mọi người đều ngưỡng mộ và ca ngợi: “Văn châm biếm của Nguyễn Công Hoan là vũ khí của cái thiện. Chính vì các cuốn sách của ông cất tiếng tố cáo dữ dội, chính vì lòng nhiệt thành của ông phục vụ con người mà Nguyễn Công Hoan trở nên thân yêu đối với bạn đọc” [39, 368].

KẾT LUẬN

Nguyễn Công Hoan từng nói: “Chưa bao giờ tôi dám tự nhận là nhà văn... Theo tôi nghĩ, một người, nếu chuyên về việc viết văn, thì hãy chỉ nên coi mình là người viết văn. Còn như có là nhà văn hay không, là do độc giả công nhận... ” (Đời viết văn của tôi)

Thực sự, Nguyễn Công Hoan đã được biết đến như một nhà văn có một “đời văn lực lưỡng”! Ông trước hết là một nhà văn tiêu biểu cho sức sáng tạo bền bỉ, mãnh liệt. Là người vinh dự cắm cột mốc có thể nói là sớm nhất mà không kém phần sâu đậm trên con đường hiện đại hóa nền văn học Việt Nam, nói chung Nguyễn Công Hoan được cả độc giả và các nhà phê bình đánh giá cao tài năng nghệ thuật và tinh thần sáng tạo của ông. Ông là một tài năng lớn, độc đáo, đặc sắc, “chưa từng có tới hai lần”, và là một nhân cách đẹp, trung thực, chân thành và dung dị. Nói đến Nguyễn Công Hoan là nói đến một nhà văn yêu nước, một ngòi bút chiến đấu vì lẽ phải bằng tiếng cười chính nghĩa và tài năng trong văn chương.

Bằng tài năng của mình, Nguyễn Công Hoan đã phản ánh hiện thực trong sự đa dạng. Ngòi bút của ông không bỏ qua bất kì một sự ngang trái, một điều phi lí nào, dù là vấn đề của số phận cá nhân bé nhỏ đến những vấn đề nóng bỏng của thời đại. Cuộc sống của con người diễn ra như nó có trong thực tế với cả hai mặt bi – hài của nó.

Khi kể lại một câu chuyện, Nguyễn Công Hoan bao giờ cũng đặt các vấn đề của truyện trong mối liên hệ lôgic, có mở đầu và có kết thúc, có những điểm nhấn kịch tính quan trọng trong tác phẩm. Ông không kể lại câu chuyện với một cấu trúc nghệ thuật rối rắm, khó hiểu mà ngược lại, ông tập trung vào một vấn đề nổi bật của xã hội, hay số phận của một nhân vật cụ thể, trong sự liên hệ với môi trường xung quanh. Các vấn đề ông đặt ra, tưởng chừng như rất đơn giản, phổ biến trong xã hội, nhưng với cách nhìn nhận, cách viết độc

đáo của mình, ông soi tỏ chúng dưới một ánh sáng mới, khiến người đọc phải sửng sốt và suy nghĩ về những gì ông viết.

Vì vậy, nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan thực sự trở thành một “kĩ thuật” rất tự nhiên và có nhiều ý nghĩa trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan cũng như trong dòng mạch văn học hiện đại của dân tộc ở những thời điểm khởi đầu. Trong truyện ngắn trước Cách mạng, Nguyễn Công Hoan thực sự rất thành công với nghệ thuật kể chuyện vừa mang đậm yếu tố truyền thống, vừa rất mới lạ.

Trước hết, nghệ thuật tự sự Nguyễn Công Hoan chú trọng đến hình tượng người kể chuyện. Nghệ thuật xây dựng truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan từ hình tượng người kể chuyện rất phong phú, đa dạng, thể hiện tài năng của nhà văn và cũng là một yếu tố hấp dẫn bạn đọc. Người kể chuyện có sự linh động của các điểm nhìn ở mỗi tác phẩm: điểm nhìn từ ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba, người kể chuyện lúc thì mang một diện mạo cụ thể và xưng “tôi”, lúc thì hàm ẩn dưới điểm nhìn nhân vật bên trong truyện. Nhân vật, sự kiện, biến cố được soi rọi từ nhiều góc độ trở nên rõ ràng, sống động hơn.

Hình tượng người kể chuyện có vai trò rất lớn trong việc tổ chức kết cấu tác phẩm, tạo ra mạch tự sự của tác phẩm. Như chính Timôphiép cũng khẳng định: “Hình tượng này có tầm quan trọng rất to lớn trong việc xây dựng tác phẩm, bởi các quan niệm, các biến cố xảy ra, cách đánh giá các nhân vật và biến cố, đều xuất phát từ cá nhân người kể.” [74, 204] Với các cách kể khác nhau, cách xuất hiện khác nhau của người kể chuyện, người kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan với sự tài tình, khéo léo đã kết nối các sự kiện, chi tiết thành một mạch tự sự thống nhất, hấp dẫn cho mỗi tác phẩm. Hình tượng người kể chuyện (nhất là kể chuyện theo điểm nhìn bên trong của nhân vật trong truyện) cũng chứng tỏ phần nào sự tiệm cận của truyện ngắn Nguyễn Công Hoan với kĩ thuật xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết và truyện ngắn hiện đại thế kỉ XX.

Cấu trúc không gian – thời gian tự sự là yếu tố tưởng như không được chú trọng bằng cốt truyện, bằng hành động của kiểu truyện ngắn – kịch Nguyễn Công Hoan. Song qua quá trình khảo sát, chúng tôi nhận thấy rằng đây cũng là một yếu tố nghệ thuật rất quan trọng và hiệu quả trong nghệ thuật

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945 (Trang 124 - 157)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(157 trang)