Khoảng thời gian ngắn, hạn hẹp

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945 (Trang 88 - 92)

5. Cấu trúc của luận văn

2.2.2. Khoảng thời gian ngắn, hạn hẹp

Về thời lưu (hay khoảng thời gian) - tức độ lâu của các biến cố trong câu chuyện so với độ dài văn bản. Mỗi biến cố có thể được kể dài hay ngắn (tình theo độ dài của câu, chữ, trang) so với thời gian mà đáng lẽ biến cố đó phải có (tính theo giờ, ngày, tháng, năm...). So với thời gian câu chuyện phải có, thì thời gian thuật lại (thời gian văn bản) có khi gia tốc, có khi giảm tốc. Gia tốc thường thực hiện ở các thủ pháp tỉnh lược, vắn tắt. Giảm tốc thì thường ở những quãng ngưng, đặc tả hay miêu tả tỉ mỉ con người, tâm lí hay cảnh vật.

Truyện ngắn có một đặc điểm chung là thời gian sự kiện rất ngắn. Nhiều truyện được xây dựng trong một thời gian hạn hẹp ngày hoặc giờ. Có khi ngắn hơn, chỉ là thời gian của một buổi gặp mặt, một cuộc đối thoại, một quãng đường đi, một mẩu hồi ức... Còn thời gian văn bản thì mở rộng hoặc thu hẹp tùy theo trạng thái tâm lí, tình cảm hoặc mục đích của tác giả. Truyện ngắn Nguyễn Công Hoan cũng tuân theo những đặc điểm đó.

Tiếp xúc với những truyện ngắn Nguyễn Công Hoan, có một đặc điểm dễ nhận thấy: đó là những trang truyện rất ngắn, thường mỗi truyện chỉ từ 4 đến 5 trang, với số lượng nhân vật ít và đơn giản (Phụ lục). Đây có lẽ là một đặc điểm mang tính đặc trưng của riêng ông, nó nằm trong ý đồ sáng tác của nhà văn.

Nhà văn quan niệm: “Truyện ngắn không phải là truyện mà là một vấn đề được xây dựng bằng chi tiết với sự bố trí chặt chẽ và bằng thái độ với cách đặt câu dùng tiếng có cân nhắc”, và còn nhấn mạnh: “Nên nhớ rằng ngắn (là hình thức) và thanh giản (là tinh thần) đó là hai đức tính cơ bản của truyện ngắn.” (Đời viết văn của tôi).

Vì vậy, trước hiện thực cuộc sống bề bộn, phức tạp và đa dạng, nhà văn luôn làm chủ được ngòi bút của mình, biết chắt lọc, lựa chọn, cô đúc những điều nhận thức từ cuộc sống tạo nên những thiên truyện ngắn độc đáo. Chỉ với

một số trang ít ỏi, khiêm tốn, nhưng từ đó nhà văn đặt ra nhiều vấn đề xã hội sâu sắc. Người đọc được nhận thức rõ nét về bản chất của xã hội Việt Nam thực dân nửa phong kiến, với những mâu thuẫn giữa tầng lớp thống trị và bị trị, với những thói hư tật xấu, sự lừa đảo bịp bợm của cả một lũ người sống trên mồ hôi, nước mắt của nhân dân lao động.

Do truyện viết ngắn, số trang ít nên Nguyễn Công Hoan không ôm đồm nhiều sự kiện, nhiều ý mà ông biết gạn lọc, lựa chọn thích hợp để mỗi truyện chỉ nêu một ý, một chủ đề: “Truyện ngắn của tôi chỉ có thể tóm tắt bằng một câu, nêu lên một ý. Vì nó chỉ là sự chắp nhặt những chi tiết để mô tả một việc, một cảnh ngộ, một nỗi lòng” (Đời viết văn của tôi). Với đề tài như vậy, truyện thường được xây dựng trên bối cảnh không gian hạn hẹp, và gắn với đó là thời gian cũng ngắn, hạn hẹp.

Thời hạn chung của hầu hết các truyện ngắn Nguyễn Công Hoan là rất ngắn Các sự kiện thường xảy ra dồn dập trong khoảng thời gian rất ngắn, có khi không quá hai mươi bốn giờ, xa hơn, các sự kiện ấy được soi sáng bằng quá khứ của chúng, nhưng đó cũng là quá khứ gần với hiện tại, chỉ trong vài giờ, vài ngày hay vài tháng là cùng (Phụ lục). Đặc điểm này khiến cho mỗi truyện mang tính thời sự nhiều hơn. Có truyện chỉ giống như một lát cắt ngang của cuộc đời nhân vật hay của đời sống xã hội ở làng quê… nhưng vẫn không kém phần hấp dẫn bởi chất kịch tính do chính sự dồn nén thời gian các sự kiện tạo ra.

Ví dụ: Truyện ngắn Tinh thần thể dục chủ yếu viết dưới dạng các đối

thoại, nên các sự kiện nói năng đều có thời hạn rất ngắn. Còn thời hạn chung của truyện là khoảng vài ba ngày trước hôm 29 tháng Giêng. Các đoạn đối thoại ấy khiến người đọc có cảm giác trực tiếp về sự kiện, như chúng đang diễn ra trước mắt, điều này vừa tăng tính thời sự, vừa gia tăng hiệu quả chân thật, khách quan của sự kiện đáng phê phán.

Truyện ngắn Kép Tư Bền có thời hạn chung của truyện là xấp xỉ hai tháng. Như vậy, chỉ trong vòng hai tháng thôi mà Tư Bền, một nghệ sĩ tài danh đã bị đẩy vào một bi kịch hết sức éo le (buộc phải diễn trò bông lơn khi cha hấp hối) để rồi sẽ phải ân hận, dằn vặt suốt cuộc đời. Đó là một bằng chứng cho thấy trong xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám, cuộc sống và số phận con người lao động thật bấp bênh, không có gì đảm bảo.

Có những truyện thời hạn diễn ra rất ngắn, chỉ trong vài phút (như truyện ngắn Mất cái ví là những đối thoại và tâm lý nhân vật chỉ trong vài phút buổi sáng sớm, Xuất giá tòng phu cũng là những đối thoại và hành động trong chưa đầy một giờ, Xà lù: khoảng 10h đến 11h…).

Tốc độ kể chuyện giãn chậm (giảm tốc) thường được nhà văn sử dụng với dạng truyện như Mất cái ví, Anh Xẩm - truyện có khoảng thời gian ngắn, vài phút, vài giờ. Trong truyện, thời gian trần thuật (độ dài văn bản) gần như đồng nhất với thời gian sự kiện. Truyện giãm chậm còn bởi những “quãng ngưng” do độc thoại của nhân vật (suy nghĩ, phán đoán của ông cụ trong truyện Mất cái ví), hoặc những quãng ngưng miêu tả (không gian lặp lại nhiều lần trong Anh Xẩm, không gian chờ đợi kéo dài trong Thịt người chết).

Tốc độ kể chuyện dồn nhanh (gia tốc) thường được nhà văn sử dụng với truyện có khoảng thời gian dài, nhiều sự kiện kịch tính, nối tiếp như Kép Tư Bền (hai tháng), Vợ (một tháng), Tôi chủ báo, anh chủ báo, nó chủ báo (sáu tháng)… Gia tốc của truyện thường biểu hiện ở những đoạn tóm tắt, tỉnh

lược, chẳng hạn chỉ một lời thông báo đã tỉnh lược cho mọi sự kiện trong khoảng thời gian 3 tháng: “Ba tháng đã qua.” (Bà chủ mất trộm), “Hơn mười năm cầm càng xe” (Được chuyến khách)…

Như vậy, khoảng thời gian ngắn, hạn hẹp là một đặc điểm độc đáo trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan, tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho mỗi tác phẩm.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945 (Trang 88 - 92)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(157 trang)