5. Cấu trúc của luận văn
3.2. Giọng điệu tự sự
Có thể nói đối với nhà văn, nếu không tạo ra được tiếng nói của mình, không tạo được một nốt riêng độc đáo, tức là không tìm ra một giọng điệu
riêng, liệu tên tuổi của nhà văn có thể được nhắc đến? Vấn đề càng trở nên cấp thiết hơn khi mà trong cuộc sống hiện đại, con người cá nhân ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ để phủ định con người chức năng, con người cộng đồng thời trung đại.
Trong thế giới văn học nghệ thuật, mỗi nhà văn đều tự muốn khẳng định phong cách cá nhân, nét riêng của mình. Giọng điệu góp phần quan trọng làm nên nét khu biệt đó.
Từ điển thuật ngữ văn học quan niệm: “Giọng điệu là thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hình tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm”
Còn M.Bakhtin, qua nhiều công trình nghiên cứu về thi pháp văn xuôi tự sự, đưa ra khái niệm đa âm (đa thanh) như một sự cách tân giọng trong văn học tự sự. Ông cho cũng cho rằng, giọng điệu bao giờ cũng thể hiện thái độ, lập trường, tư tưởng của chủ thể đối với sự vật hiện tượng được miêu tả. Một nhà văn tài năng bao giờ cũng tìm được cho mình một giọng điệu riêng biệt, độc đáo bởi giọng điệu là một trong những yếu tố tạo nên phong cách và dấu ấn sáng tạo của người nghệ sĩ.
Như vậy, giọng điệu là yếu tố quan trọng giúp độc giả nhận ra dấu ấn và phong cách của chủ thể sáng tạo. Giọng điệu thuộc phạm trù thẩm mỹ của tác phẩm văn học. Nhà văn không thể hoàn thành tác phẩm nếu thiếu một giọng điệu nhất định. Có thể nói giọng điệu cũng chính là phần hồn của toàn tác phẩm. Không có hồn, câu chuyện xem như nhạt nhẽo, vô vị, dù nó được diễn tả dưới nhiều từ ngữ bóng bẩy đến đâu. Đối với nghệ thuật ngôn từ, giá trị không nằm ở số lượng thông tin mà còn cần ở đằng sau câu chữ, phần hồn của tác phẩm. vì vậy mà giọng điệu chính là cái mang lại thần thái cho mỗi
tác phẩm. Nó bao giờ cũng được tổ chức công phu và là kết quả của một quá trình sáng tạo thực thụ.
Đứng trước một văn bản truyện kể, ta có thể đặt ra câu hỏi: “Ai nói?”, “Ai kể chuyện?”, “Người kể chuyện thể hiện thái độ, giọng điệu như thế nào về các vấn đề trong truyện kể?” Những câu hỏi đó rõ ràng có thể cho ta biết về giọng điệu tự sự trong tác phẩm là của ai và như thế nào?
Tác phẩm văn học, xét đến cùng là một phát ngôn của con người về đời sống, vì vậy giọng điệu cơ bản của một tác phẩm là sự bộc lộ các sắc điệu, tình cảm của chủ thể phát ngôn nên không phải lúc nào trong tác phẩm cũng chỉ có một giọng điệu thuần nhất, mà nó có thể bao gồm nhiều giọng điệu khác, tùy thuộc vào mục đích phát ngôn của nhà văn.
Từ đó, ta có giọng điệu trong văn bản: là giọng điệu của người kể chuyện, nhân vật trong truyện kể. Ta lại có giọng điệu ngoài văn bản với tư cách như là giọng điệu của tác giả. Hai kiểu giọng điệu ấy có thể tồn tại trong thế đối lập nhau, nhưng cũng có thể song hành cùng nhau. Sự đan xen, lồng ghép giữa hai kiểu giọng điệu này cũng sẽ tạo nên tính chất đơn thanh hay đa thanh, độc thoại hay đối thoại của tác phẩm.
Và đến lượt mình, tính chất này lại hết sức quan trọng, bởi đôi khi, không sức mạnh nào nhanh hơn là từ trái tim đến trái tim bằng giọng nói. Tư tưởng - linh hồn của tác phẩm - những tình cảm, suy nghĩ, nhận thức của tác giả - sẽ được độc giả đọc lên khi nghe giọng diệu tự sự của những đứa con tinh thần của người nghệ sĩ.
Khảo sát 103 truyện ngắn Nguyễn Công Hoan trước cách mạng, chúng tôi thấy có sự kết hợp của nhiều giọng điệu đa dạng, tạo nên tính phức điệu trong giọng điệu tự sự Nguyễn Công Hoan. Song, chúng cũng có một giọng điệu chung, giọng điệu chủ yếu, tạo nên âm hưởng chung cho toàn bộ các tác phẩm: đó là giọng điệu trào phúng của Nguyễn Công Hoan.