KHOA CHĂN NUÔI – THÚ Y

Một phần của tài liệu Kỷ yếu 50 năm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ (1956 2006) (Trang 73 - 81)

III. THỜI KỲ 1996 ĐẾN NAY

KHOA CHĂN NUÔI – THÚ Y

hoa Chăn nuôi-Thú y, ngoài nhiệm vụ đào tạo, đã có bề dầy kinh nghiệm về nghiên cứu khoa học (NCKH) và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật (TBKT) vào sản xuất trong 50 năm qua kể từ ngày thành lập (1956-2006). Các hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN) của Khoa đã có nhiều đóng góp quan trọng không những cho khoa học mà cho cả công tác đào tạo và trực tiếp phục vụ sản xuất.

Các hoạt động KHCN của Khoa qua nhiều thế hệ cán bộ và sinh viên đã tập trung theo các hướng cụ thể thuộc các lĩnh vực chăn nuôi, thú y và nuôi trồng thuỷ sản như sau:

- Nghiên cứu các đặc điểm sinh học và tính trạng kinh tế cơ bản của các loại vật nuôi bản địa.

- Đánh giá sức sản xuất và khả năng thích nghi của các giống vật nuôi nhập nội và các loại con lai.

- Nghiên cứu di truyền, chọn lọc và lai tạo giống vật nuôi.

- Đánh giá giá trị dinh dưỡng của các loại thức ăn, xây dựng các khẩu phần ăn và chế độ nuôi dưỡng hợp lý cho các loại gia súc, gia cầm và thuỷ sản.

- Nâng cao khả năng sử dụng các loại phụ phẩm làm thức ăn chăn nuôi thông qua các giải pháp tận thu, chế biến, dự trữ và bổ sung dinh dưỡng hợp lý.

- Nghiên cứu phát triển tập đoàn cây thức ăn chăn nuôi. - Sản xuất chế phẩm sinh học phục vụ chăn nuôi và thú y. - Môi trường chăn nuôi và các giải pháp vệ sinh thú y.

- Độc tố trong thức ăn và các chất tồn dư có hại trong sản phẩm chăn nuôi. - Nghiên cứu dược lý và sản xuất thuốc thú y.

- Bệnh ký sinh trùng trên vật nuôi và các bệnh truyền lây giữa động vật và người. - Nguyên nhân gây bệnh, bệnh lý, phương pháp chẩn đoán, phòng và trị các bệnh truyền nhiễm, nội khoa, ngoại khoa và sản khoa thú y.

- Các giải pháp nâng cao khả năng sinh sản và nhân giống của gia súc. - Các giải pháp ngoại khoa và châm cứu thú y.

- Nghiên cứu ngành hàng và hệ thống chăn nuôi.

Các hoạt động KHCN của Khoa theo các hướng nghiên cứu trên đã gắn liền với việc thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học (đề tài KHCN các cấp), với việc đào tạo sinh viên đại học và sau đại học, với các chương trình hợp tác quốc tế (HTQT), các hợp đồng NCKH và chuyển giao công nghệ (CGCN). Chỉ riêng trong giai đoạn 2001- 2006 Khoa đã chủ trì 1 đề tài cấp nhà nước, 2 nhiệm vụ nghị định thư, 31 đề tài cấp bộ, 117 đề tài cấp trường, 42 đề tài nhóm sinh viên NCKH và trên 70 đề tài khác do các dự án và các công ty tài trợ. Đặc biệt, các chương trình và dự án hợp tác quốc tế trong thời

gian gần đây (với Bỉ, Pháp, Australia, NaUy, Nhật, Hà Lan, Đức, Hungari, Mỹ, Rumani...) đã có vai trò rất quan trọng, có ý nghĩa thiết thực trong các hoạt động KHCN và nâng cao năng lực khoa học cho cán bộ của Khoa. Hợp tác NCKH với các viện, các trường, các địa phương và các cơ sở sản xuất ở trong nước cũng là một truyền thống rất tốt của Khoa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ nguồn lực và kinh nghiệm.

Kết quả thu được từ các hoạt động KHCN của Khoa cho đến nay là rất phong phú, đa dạng và không thể thống kê hết được trong ấn phẩm này. Tuy nhiên, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Trường và Khoa, một số công trình nghiên cứu và bài báo khoa học đã được tập hợp để minh chứng cho các hoạt động KNCN của Khoa qua các thời kỳ. Có thể tóm tắt những thành quả có được cho đến nay như sau:

- Xác định được các đặc tính sinh học cơ bản (các chỉ tiêu về hình thái, sinh lý, sinh hoá, huyết học và nhiễm sắc thể), năng suất sinh sản và tính năng sản xuất của các giống vật nuôi bản địa và các giống nhập nội để làm cơ sở cho việc định hướng cho công tác giống vật nuôi của nước ta.

- Đánh giá được chất lượng các loại con lai và tìm ra được một số công thức lai giống phù hợp cho các loại gia súc và gia cầm chính nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm chăn nuôi.

- Cung cấp được nhiều dữ liệu cho việc xây dựng các bảng thành phần hoá học và giá trị dinh dưỡng của các loại thức ăn của Việt Nam, cũng như đã đưa ra được một số giải pháp về khẩu phần ăn hợp lý.

- Tìm ra được nhiều phương pháp hữu ích cho việc chế biến và dự trữ các nguồn phụ phẩm nông nghiệp (rơm lúa, thân cây ngô sau thu bắp, bã dứa, bã sắn, ngọn lá mía..) làm thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là để khắc phục tình trạng thiếu thức ăn thô vụ đông xuân cho gia súc nhai lại. Trên cơ sở các nghiên cứu này, một số quy trình công nghệ đã được xây dựng và thử nghiệm trong sản xuất cho hiệu quả tốt, đã được phổ biến rộng rãi qua các hệ thống thông tin đại chúng và được chuyển giao trực tiếp cho nhiều địa phương khác nhau (Hà Nội, Hà Tây, Hoà Bình, Sơn La, Bắc Giang, Ninh Bình, Thanh Hoá, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, v.v...) và cũng đã được các đồng nghiệp nước ngoài ứng dụng ở một số nước khác nhau (Campuchia, Lào, Australia, Malaixia, Indonesia, Iran,..).

- Tuyển chọn và xây dựng được quy trình trồng, chăm sóc, sử dụng tập đoàn cây thức ăn gia súc cho một số vùng sinh thái nông nghiệp.

- Sản xuất được một số chế phẩm sinh học nhằm nâng cao khả năng phòng bệnh và kích thích sự sinh trưởng ở lợn.

- Xác định một số đặc tính sinh học của một số chủng virus vacxin (đậu gà chủng C, Gumboro, Newcatle, dịch tả ngỗng, viêm gan vịt, dịch tả vịt ngan) và xây dựng được các quy trình sản xuất vacxin.

- Xác định được nguyên nhân gây bệnh và đề xuất được các phương pháp chẩn đoán, phòng và trị cho một số bệnh quan trọng đối với các loại gia súc và gia cầm khác nhau.

- Xác định mức độ ô nhiễm môi trường nước và không khí trong chăn nuôi, độc tố nấm mốc trong thức ăn, mức tồn dư một số loại thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật và các kim loại nặng nguy hiểm trong các sản phẩm chăn nuôi.

- Đánh giá được tác dụng dược lý và ứng dụng của nhiều dược liệu thảo mộc để sản xuất các chế phẩm dùng trong chăn nuôi và thú y.

- Tìm ra được một số giải pháp can thiệp ngoại khoa và châm cứu thú y có hiệu quả (thiến gia súc, vá mũi trâu bò, châm tê phẩu thuật và châm cứu điều trị các bệnh sản khoa...).

- Tìm ra được một số giải pháp nâng cao hiệu quả truyền giống nhân tạo (môi trường pha loãng tinh dịch, điều khiển giới tính, cải tiến dụng cụ và phương pháp dẫn tinh...) và một số chế độ xử lý hoóc môn thích hợp nhằm nâng cao khả năng động dục và rụng trứng ở gia súc cái.

- Xây dựng được bản đồ về khu hệ ký sinh trùng vật nuôi cho các địa phương và xác định được đặc điểm dịch tễ học của một số bệnh truyền lây chung giữa vật nuôi và người.

- Các nghiên cứu về ngành hàng gần đây đã có nhiều kết quả góp phần cho việc định hướng phát triển một ngành chăn nuôi bền vững phù hợp với các điều kiện của một nền kinh tế đang định hướng thị trường.

Những thành tựu KHCN của Khoa trong 50 năm qua đã được ghi nhận qua nhiều giải thưởng khoa học và công nghệ khác nhau, trong đó có Giải thưởng Hồ Chí Minh, Bằng lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhiều giải thưởng VIFOTEC, nhiều tiến bộ kỹ thuật được công nhận, nhiều bằng khen do Chính phủ, các Bộ và các địa phương trao tặng. Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, có hàng trăm bài báo khoa học đã được đăng tải ở các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước. Một số sách chuyên môn cũng đã được xuất bản rộng rãi. Nhiều cán bộ của Khoa đã được mời tham gia các hội thảo khoa học quốc tế. Một số sản phẩm của các cán bộ trong khoa đã có mặt trên thị trường thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y. Nhờ uy tín chuyên môn cao, nhiều cán bộ đã được mời làm tư vấn và chuyển giao TBKT cho các công ty chăn nuôi, các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y cũng như nhiều dự án phát triển ở các vùng khác nhau trong nước.

Trong thời gian tới, Khoa CNTY vẫn tiếp tục các hoạt động KHCN theo các định hướng truyền thống đã được thiết lập như đã nêu trên. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh mới, đặc biệt trước yêu cầu hội nhập kinh tế và toàn cầu hoá, trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin và công nghệ sinh học, trước những thách thức do suy thoái và ô nhiễm môi

trường, trước nguy cơ sự xuất hiện các bệnh dịch nguy hiểm, trước yêu cầu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng, vệ sinh và an toàn thực phẩm, một số trọng tâm nghiên cứu được nhấn mạnh hơn là:

- Bảo tồn quỹ gen vật nuôi và đa dạng sinh học.

- Chọn lọc và lai tạo giống vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội của từng vùng trong nước và/đòi hỏi của các thị trường xuất khẩu khác nhau.

- Tạo nguồn thức ăn thô xanh chủ động, đặc biệt nâng cao hiệu quả sử dụng phụ phẩm nông nghiệp và các loại cây (bản địa hay nhập nội) làm thức ăn cho gia súc nhai lại.

- Nghiên cứu dịch tễ học, cách phòng trừ các bệnh truyền lây chung giữa động vật và người do vi sinh vật và ký sinh trùng gây ra.

- Ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ sinh học trong chăn nuôi và thú y. - Nghiên cứu sản xuất các dược phẩm thú y có nguồn gốc tự nhiên.

- Các giải pháp vệ sinh thú y và an toàn súc sản, thực phẩm.

- Nghiên cứu các ngành hàng, đặc biệt là ngành hàng bò thịt chất lượng cao.

Tóm lại, các hoạt động KHCN trong nửa thế kỷ qua thực sự đã tạo nên sức sống và thương hiệu khoa học cho Khoa Chăn nuôi-Thú y nói riêng và Trường Đại học Nông nghiệp I nói chung. Những kinh nghiệm và thành quả có được đó là hành trang khoa học quan trọng cho cán bộ và sinh viên của Khoa để tiếp tục thành công trong sự nghiệp khoa học trong thời gian tới với nhiều cơ hội mới nhưng cũng đầy thách thức ở phía trước.

Một phần của tài liệu Kỷ yếu 50 năm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ (1956 2006) (Trang 73 - 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(160 trang)