Đặc điểm dịch tễ học bệnh giun xoắn (Trichinella spiralis)

Một phần của tài liệu Kỷ yếu 50 năm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ (1956 2006) (Trang 109 - 110)

II. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2. Đặc điểm dịch tễ học bệnh giun xoắn (Trichinella spiralis)

- Đặc điểm nơi có ở dịch:

Trong các năm 1967, 1970 đã có 3 ổ dịch (2 ổ dịch ngoại lai tới và 1 ổ nội địa). Vào tháng 2/1967 ổ dịch ngoại lai của Lào, có 27 bác sĩ, y tá bị nhiễm bệnh, có 21 người mắc bệnh và 3 người chết. Tháng 6/1968 cũng có ổ dịch ngoại lai của Lào, có 133 bộ đội Việt Nam ăn thịt chưa nấu chín, 68 người mắc bệnh, tỷ lệ mắc bệnh 51,1%, có 4 người chết.

Tháng 1/1970 vào dịp tết của dân tộc Mèo ở bản Na Han, xã Chế Tạo, huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái đã xẩy ra 1 ổ bệnh giun xoắn từ lợn lây sang người. Sau bữa cơm có thịt lợn (thịt muối ở bản) trong số 62 người ăn thì có 34 người mắc bệnh, trong đó có 4 người chết, 12 người ốm nặng và 18 người ốm nhẹ. Nơi có ổ bệnh là 1 bản hẻo lánh của đồng bào Mèo ở độ cao trên 2000m; gồm 8 gia đình sống rải rác trên 1 quả đồi. Đàn gia súc có 258 con, gồm 8 loài (lợn, chó, mèo, ngựa, trâu, bò, dê và gà). Tập quán chăn nuôi lợn lạc hậu, nuôi thả rông.

- Tập quán ăn có liên quan chặt chẽ với tình hình nhiễm bệnh.

Bệnh thường xẩy ra ở những vùng mà người có tập quán ăn thịt hun khói, thịt chưa nấu chín, thịt sống (thịt tái, nem chua, nem lạp - thái thịt nạc thành lát mỏng, rồi lấy lá cây, quả chua ở rừng về thái trộn với thịt sống để ăn). Theo thống kê, 3 vụ dịch giun xoắn thấy tính chất phát bệnh phụ thuộc vào tập quán ăn sống hay chín.

+ Món ăn là thịt giăm bông: 20 người ăn, 20 mắc bệnh, tỷ lệ 100%, chết 3 người. + Thịt kho mặn: 21 người ăn, không mắc bệnh.

+ Tiết canh: 6 người ăn, không mắc bệnh.

+ Nem chua: 133 người ăn, mắc bệnh 68, tỷ lệ 51 %, chết 4 người. + Nem lạp: 62 người ăn, mắc bệnh 34, tỷ lệ 54,3%, chết 4 người.

Theo Cameron (1962), bệnh thường có trong một số loài ăn thịt ở Bắc cực, do thói quen ăn sống của người Eskimo và sự thiếu dầu để đun nấu nên có nhiều, thậm chí có khi cả bộ lạc chết hết trong mùa đông.

-Xác định vật chủ nhiễm giun xoắn:

Với phương pháp xét nghiệm ép cơ và tiêu cơ, đã xét nghiệm hàng chục nghìn mẫu cơ thịt của 11 loài động vật (chó, mèo, lợn, trâu, bò, chuột, hoẵng, lợn rừng, rắn...). Qua kết quả xét nghiệm của Đại học Quân y Việt Nam (1967) thấy có 2 loài động vật bị nhiễm giun xoắn là chuột và lợn, với tỷ lệ nhiễm lần lượt là 8,06 - 86,9%, ở bản Na Han - Yên Bái đã kiểm tra thấy có 3 loài động vật nhiễm là mèo, chó, lợn; tỷ lệ lần lượt là 100%, 35,4 và 5,7%. Còn các địa điểm khác như Hà Nội, Hoà Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ, Lạng Sơn... đã xét nghiệm 13.488 con lợn đều chưa tìm thấy giun xoắn. Bệnh giun xoắn nguy hại chung cho người và súc vật, cần bỏ hẳn tập quán ăn thịt sống, thịt tái.

Một phần của tài liệu Kỷ yếu 50 năm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ (1956 2006) (Trang 109 - 110)