hiện nay.
2.2.2.2 .Những vƣớng mắc về nhận thức của ngƣời áp dụng pháp luật luật
Các cơ quan tiến hành tố tụng trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình có nghĩa vụ nhân danh nhà nước triển khai các hoạt động thực tiễn về điều tra, truy tố và xét xử trong lĩnh vực tư pháp hình sự để tích cực phòng ngừa, phát hiện và xử lý nhanh chóng, kịp thời các tội phạm, xác định chính xác mức độ lỗi để xử lý một cách công minh và theo đúng quy định của pháp luật những người đã có lỗi trong việc thực hiện tội phạm. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử tội phạm cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy cho thấy có những trường hợp do sự hạn chế nhận thức về quy định của pháp luật, về các tình tiết trong vụ án của những người tiến hành tố tụng mà nhiệm vụ trên trong chừng mực nhất định đã không thực hiện được.
* Nhận thức về tình tiết “phạm tội nhiều lần” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 200 BLHS
Khoản 2 Điều 200 BLHS năm 1999 quy định tình tiết “phạm tội nhiều
lần” và “phạm tội đối với nhiều người” là tình tiết định khung tăng nặng. Việc
hiểu và vận dụng các hướng dẫn áp dụng pháp luật đối với tình tiết này trong khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy còn một số vấn đề khiến những người áp dụng pháp luật lúng túng.
Theo Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC- BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà
án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp tại mục I. 2: “Về một số tình tiết là yếu tố
2.3 Tình tiết “phạm tội nhiều lần” quy định tại ... Điều 200 BLHS... được hiểu là đã có hai lần phạm tội trở lên mà mỗi lần phạm tội có đủ yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại khoản một điều luật tương ứng, đồng thời trong số các lần phạm tội đó chưa có lần nào bị truy cứu TNHS và chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS.
2.4 Tình tiết “phạm tội đối với nhiều người” được hiểu là trong một lần
phạm tội, người phạm tội đã thực hiện tội phạm đối với từ hai người trở lên (ví dụ... trong một lần phạm tội cưỡng bức, lôi kéo từ hai người trở lên sử dụng trái phép chất ma tuý).
Như vậy, “trong một lần” và “cùng một lúc” có gì khác nhau. Khi vận
dụng các tình tiết trên vào thực tiễn, có quan điểm cho rằng: phạm tội nhiều lần được hiểu là trường hợp một người thực hiện hai hoặc nhiều hành vi phạm tội tương tự và người đó chưa bị xử lý về những tội phạm đó, hoặc có nhiều hành vi cấu thành một tội, thực hiện nhiều lần, có dấu hiệu khách quan và chủ quan tương tự nhau, cùng một lúc hay trong những thời gian khác nhau, thực hiện nhiều hành vi phạm tội xâm hại đến khách thể trực tiếp, được thực hiện với cùng một hình thức lỗi, cùng động cơ, mục đích phạm tội và việc truy cứu TNHS đối với tội ấy được áp dụng quy định tại một điều hoặc một khoản của điều luật trong phần các tội phạm của BLHS [11].
Cùng một lúc mà người phạm tội thực hiện nhiều hành vi phạm tội cùng loại chỉ có thể thực hiện đối với nhiều đối tượng khác nhau. Ví dụ: cùng một lúc lôi kéo hai người sử dụng trái phép chất ma tuý thì người đó phạm tội đối với nhiều người. Trong trường hợp: A đến nhà B lôi kéo B sử dụng ma tuý, sau đó trên đường đi về, A gặp C và tiếp tục lôi kéo C sử dụng ma tuý, A phạm tội nhiều lần chứ không phải là phạm tội đối với nhiều người.
Như vậy, cùng một lúc có nhiều hành vi phạm tội cùng loại chỉ có thể là phạm tội đối với nhiều người mà không thể phạm tội đối với nhiều lần. Vậy
hành vi cưỡng bức người khác và hành vi lôi kéo người khác có là hành vi cùng loại?
Thực tế cho thấy, do nhận thức về tình tiết “phạm tội nhiều lần” không
chính xác dẫn đến trường hợp khi hai hành vi cưỡng bức và hành vi lôi kéo cùng được thực hiện đối với một đối tượng thì quá trình điều tra, xét xử thường bỏ qua hành vi lôi kéo. Nếu như hành vi lôi kéo được thực hiện trước và hành vi cưỡng bức được thực hiện sau đều có đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo Điều 200 BLHS thì cũng chỉ bị xét xử về tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý theo khoản 1 Điều 200. Như vậy, vô hình chung đã bỏ qua tình tiết phạm tội nhiều lần đối với bị cáo.
Ví dụ: N.V.Đ lôi kéo P.T.H sử dụng ma tuý, H đã sử dụng (hít hêroin do A cung cấp), sau đó Đ muốn quan hệ tình dục với H nhưng H không đồng ý, Đ đã cưỡng bức H (chích ma tuý vào cơ thể H để H mất khả năng tự vệ). Đây không phải “cùng một lúc” và trường hợp này Đ phải bị xét xử với tình tiết phạm tội nhiều lần theo khoản 2 Điều 200 BLHS.
Bên cạnh đó, việc xét xử tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái
phép chất ma tuý với tình tiết “phạm tội nhiều lần” trong thực tiễn còn gặp
vướng mắc, đặc biệt là trong những vụ án ma tuý phức tạp có đồng phạm. Ví dụ: Hồi 14 giờ ngày 15/01/2008, Công an thành phố H phát hiện, bắt quả tang Tuấn A đang rủ rê, lôi kéo Phạm Văn S, thu giữ của A 01 gói hêroin có trọng lượng 0,04 gam. 15 giờ cùng ngày, tại địa điểm đó, Cơ quan điều tra bắt giữ Đỗ Văn L cất giấu trong túi quần đang mặc 04 gói hêroin trọng lượng 0,38 gam. Quá trình điều tra xác định, Ngô Tuấn A, Đỗ Văn L và Đinh Trọng Y là bạn bè quen biết. Y là đối tượng có 01 tiền án về tội mua bán trái phép chất ma tuý và vừa được mãn hạn tù, còn A và L đều là con nghiện, A có 01 tiền án về tội trộm cắp tài sản. Chiều 14/01/2008, tại quán Bi-a của bà Trịnh
Thị N, Y nói với A và L “Chúng mày muốn có thuốc hút không, tao cho 3 ngày thuốc nếu bọn mày lôi kéo được vài đứa dùng thuốc của tao, càng nhà giàu càng tốt”. Khoảng 19h ngày 14/01/2008, sau khi cả Y, A và L ăn cơm tại nhà Y, Y bỏ ma tuý mua được ra, dùng dao lam chia hêroin làm nhiều phần nhỏ rồi cùng A, L gói lại vào mảnh giấy bạc và dùng nilon gói lại, lấy bật lửa hàn kín được tất cả 12 gói. Y đưa cho A 5 gói, L 3 gói và bảo khi nào kéo được con nghiện đến mua thì sẽ đưa tiếp. A trở về nhà, xé hai gói cho vào 05 điếu thuốc lá, A đến quán bi-a gặp L, H ở đó. A đưa cho H một điếu thuốc
và nói “thử đi, thuốc ngoại đấy, thơm lắm”. H không biết nên hút thuốc.
Khoảng 30 phút sau, thì một người tên là V đến chơi bi-a, biết V là con nhà giàu, A lại mang thuốc đến mời. V đang hút thì bị bắt quả tang.
Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với
Ngô Tuấn A, Đỗ Văn L và Đinh Trọng Y về tội “cưỡng bức, lôi kéo người
khác sử dụng trái phép chất ma túy” theo Điều 200 BLHS. Quá trình giải quyết vụ án đặt ra một số vấn đề như sau: đây có phải là một vụ đồng phạm theo quy định Điều 200 BLHS? Trong vụ án, Y là chủ mưu, A là người trực
tiếp thực hiện tội phạm và đã lôi kéo được hai người sử dụng, tình tiết “phạm
tội nhiều lần” đối với A đã được xác định rõ. Vấn đề đặt ra là Y và L có phải chịu trách nhiệm đối với tình tiết “phạm tội nhiều lần” như đối với A hay không? Bởi lẽ, đây là một vụ án phạm tội đồng phạm tuy không có sự bàn bạc cụ thể, nhưng tất cả các bị cáo đều đồng tình nhất trí (tuy không thể hiện bằng lời nói nhưng thể hiện bằng hành động đồng tình: cùng chia, đóng gói ma tuý, cùng có ý thức lôi kéo càng được nhiều người sử dụng ma tuý càng tốt). Hiện nay vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau xung quanh việc xét xử các bị cáo theo điểm b khoản 2 Điều 200 BLHS trong trường hợp trên.
* Nhận thức về đối tượng tác động của tội phạm và phân biệt với các tội phạm ma tuý khác.
Điều 200 BLHS năm 1999 quy định hai hành vi khách quan là cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma tuý và hành vi lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý. Với quy định có tính chất chung chung như vậy, trong các vụ án ma tuý phức tạp đặt ra cho những người áp dụng pháp luật một vướng mắc: có nhất thiết phải làm rõ đối tượng tác động cụ thể của
tội phạm, “người khác” là ai? Bởi lẽ, việc xét xử người phạm tội theo Điều
200 BLHS phải căn cứ vào tính chất của hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Đối với tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý, hành vi này mang tính chất bị động, nạn nhân bị cưỡng ép trái ý muốn hoặc lúc đầu không muốn nhưng sau khi bị lôi kéo đã tự nguyện sử dụng. Nếu không xác định rõ được đối tượng tác động có hay không có hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý thì có thể truy cứu TNHS người có hành vi cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý theo Điều 200 BLHS?
Hiện nay, do sự phát triển của khoa học công nghệ, tội phạm ma tuý hoạt động với những thủ đoạn ngày càng tinh vi phức tạp hơn. Lợi dụng mạng Internet, các đối tượng buôn bán ma tuý chuyển sang hình thức giao dịch qua mạng, đồng thời thành lập những “hiệp hội lắc” trên các website cá nhân để lôi kéo người khác sử dụng ma tuý, lôi kéo người mua bán. Hành vi khách quan của những đối tượng này không chỉ có hành vi mua bán trái phép chất ma tuý mà còn rủ rê, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý. Tuy nhiên, khi điều tra, bắt giữ được những đối tượng này, việc xét xử họ về tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý gặp nhiều khó khăn. Các cơ quan tố tụng thực sự lúng túng trong việc xác định đối tượng tác động cụ thể của tội phạm, xác định hậu quả của hành vi khách quan - việc sử
dụng trái phép chất ma tuý của nạn nhân, dẫn đến việc định tội danh, quyết định hình phạt gặp khó khăn.
Tóm lại, qua thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý cho thấy, diễn biến của tội phạm này ngày càng phức tạp, mặc dù số lượng các vụ án bị đưa ra xét xử có xu hướng giảm nhưng tính chất nghiêm trọng của tội phạm lại có chiều hướng gia tăng, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật hình sự đối với tội phạm này được áp dụng trong thực tiễn còn có những vướng mắc nhất định làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động đấu tranh, phòng chống tội phạm ma túy nói chung và tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý nói riêng.
Phân tích những vướng mắc trong thực tiễn xét xử tội phạm này có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở để hoàn thiện các quy định của pháp luật hình sự, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng các quy phạm về tội phạm này, góp phần từng bước ngăn chặn và làm giảm dần tội phạm ma tuý nói chung và tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý nói riêng trong đời sống xã hội.