Sự tác động của nền kinh tế thị trƣờng

Một phần của tài liệu Tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy trong luật hình sự Việt Nam 2 (Trang 69 - 72)

Sau một thời gian chuyển đổi sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, nền kinh tế nước ta đã đạt được những bước tăng trưởng đáng kể. Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố tích cực của nền kinh tế thị trường bao giờ cũng tồn tại những tiêu cực nhất định. Chính những yếu tố tiêu cực đó là nguồn gốc phát sinh tội phạm nói chung và tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý nói riêng.

Trong cơ chế thị trường, cùng với sự phân hóa giàu nghèo ngày càng sâu sắc, sự chênh lệch quá lớn trong thu nhập, mức sống của các tầng lớp nhân dân, cơ hội làm ăn kinh tế tăng lên, mục đích lợi nhuận, mục đích kinh tế được coi là trên hết. Chỉ vì lợi ích kinh tế mà các giá trị đạo đức bị xuống cấp,

nhiều người có thể làm bất cứ điều gì để duy trì sự tồn tại, để làm giàu bất chấp tất cả, cả việc thực hiện tội phạm.

Trong bối cảnh đó, ma tuý là một mặt hàng với tính chất siêu lợi nhuận không ai có thể phủ nhận được đã dẫn nhiều nhiều người đến hành vi phạm tội. Không có tội phạm nào mang lại lợi nhuận nhanh và nhiều như tội phạm ma tuý. Nền tài chính của tội phạm về ma tuý quốc tế hàng năm ước tính tới 400-500 tỉ USD. Người ta nói sản xuất và buôn bán ma tuý đem lại lợi nhuận siêu ngạch là không sai.

Một đặc điểm nữa của ma tuý là lợi nhuận này không ngừng tăng tới mức “chóng mặt”. Giá thuốc phiện những năm 1995 ở Việt Nam là 1,2 triệu đồng/kg thì năm sau 1996 tăng hơn 6 lần (7,6 triệu/kg) và hiện nay lên tới trên 10 triệu đồng/kg. Nếu tính giá bán trung bình là 7 triệu đồng/kg so với gần 1triệu đồng/kg giá gốc ở biên giới thì bọn buôn lậu đã thu được 6 triệu đồng/kg, chưa kể nếu đem bán lẻ cho người nghiện thì còn lãi gấp hàng chục lần số này [39, tr 12]. Giá hêroin ở Việt Nam vào thời điểm năm 2000 là 10.000 USD/kg thì hiện nay khoảng 25.000 USD/kg tương ứng khoảng 425.000.000 đồng /kg, nếu đem bán lẻ như hiện nay 25.000 đồng đến 50.000 đồng /liều thì có thể thu tới 1 tỉ đồng/kg. Lợi nhuận cao luôn là động lực thúc đẩy người ta bằng mọi cách có được nó. C. Mác khi nghiên cứu quy luật giá

trị đã nói: “Khi lợi nhuận đạt 300% thì dù có bị treo cổ, nhà tư bản vẫn làm”.

Và vì vậy người ta luôn có động lực mạnh mẽ để thực hiện các tội phạm về ma tuý. Việc buôn bán ma tuý đem lại lợi nhuận cao trong kinh doanh nên bọn tội phạm không chỉ sử dụng thủ đoạn tinh vi trong mua bán, vận chuyển mà còn tìm mọi cách để đưa ma tuý vào cộng đồng, lôi kéo, dụ dỗ mọi thành phần trong xã hội đặc biệt là thế hệ trẻ sử dụng ma tuý. Từ đó tạo nên một thị trường ma tuý với quy luật cung cầu: Càng có nhiều ma tuý do bọn buôn bán ma tuý cung cấp, những hoạt động lôi kéo người khác sử dụng ma tuý ngày

càng nhiều để tạo nguồn “cầu”, tiếp đó số người nghiện hút tăng lên, giá cả ma tuý tăng theo lại là động lực thúc đẩy việc buôn bán ma tuý hoạt động mạnh, tìm kiếm lợi nhuận.

Đã có nhiều cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng do hành vi phạm tội về ma tuý gây ra và cũng có rất nhiều bản án tù chung thân, tử hình mà pháp luật dành cho người phạm tội về ma tuý nhưng dường như những tác động đó không hề có ý nghĩa gì khi đặt bên cạnh họ là lợi nhuận khổng lồ và nhanh chóng từ việc thực hiện tội phạm ma tuý. Và như vậy khi lợi nhuận do việc thực hiện các tội phạm ma tuý mang lại càng cao đồng nghĩa với việc càng có nhiều người lao vào con đường phạm tội về ma tuý. Vì lợi nhuận từ việc buôn bán ma tuý quá lớn, những người phạm tội tìm mọi cách dụ dỗ, lôi kéongười khác sử dụng ma tuý nhằm tạo ra “cầu”, tăng số lượng con nghiện và bán được nhiều ma tuý hơn. Mặt khác, những đối tượng đang mắc nghiện mong muốn được mua rẻ ma tuý, được thưởng ma tuý từ phía người buôn bán, tiếp tục rủ rê, lôi kéo thậm chí cưỡng bức người khác sử dụng ma tuý nhằm tiếp tay cho bọn buôn bán ma tuý.

Tất cả những diễn biến phức tạp trên phản ánh đặc điểm siêu lợi nhuận của nhóm tội phạm về ma tuý là động cơ, mục đích dẫn người phạm tội đến hành vi cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý .

Như vậy, có thể nói, ma tuý đã tấn công vào tâm lý con người: lòng tham lam, tính ích kỷ, khát vọng làm giàu bằng nhiều cách kể cả bằng cách không chính đáng, chà đạp lên luân thường đạo lý. Tâm lý tiêu cực thu lợi là mục đích của hầu hết các trường hợp phạm tội về ma tuý. Tâm lý tiêu cực thu lợi luôn vận động và phát triển trong con người, khi gặp các điều kiện thuận lợi, chúng tấn công làm hình thành quan điểm, lối sống lệch lạc lấy đồng tiền làm mục đích và động lực phấn đấu, chạy theo lối sống hưởng thụ, khoái lạc. Trong điều kiện nền kinh tế thị trường, quan điểm coi trọng đồng tiền, coi

trọng lợi ích vật chất, lợi ích cá nhân được đề cao hơn nhiều mối lợi ích chung, lợi ích toàn xã hội, con người tìm mọi cách để có tiền kể cả việc đó là tiêu cực, vi phạm và phạm tội.

Như vậy lợi nhuận và siêu lợi nhuận từ việc phạm tội ma tuý chính là động lực mạnh mẽ thúc đẩy con người đến hành vi phạm tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý, làm cho tội phạm này không ngừng gia tăng.

Mặt trái của nền kinh tế thị trường còn là lối sống ích kỷ, trụy lạc, sống không có trách nhiệm với bản thân, với mọi người xung quanh. Với lối sống ấy, con người khi vấp phải khó khăn, thất bại dù nhỏ trong công việc hay trong chuyện tình cảm sẽ vào trạng thái bi quan, chán nản tột cùng, dễ dàng nghe theo lời rủ rê, dụ dỗ tìm đến ma tuý nhằm giải toả nỗi buồn chán.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng bởi lối sống thực dụng, sống gấp, sống hưởng thụ một cách cực đoan cũng khiến nhiều gia đình tan vỡ, nhiều người đang có cuộc sống hạnh phúc, công việc ổn định nhưng chỉ vì một phút suy nghĩ phải biết hưởng thụ, muốn thử cảm giác lạ đã sử dụng ma tuý dẫn đến nghiện.

Có thể nói những yếu tố tiêu cực của nền kinh tế thị trường đã tác động lên đời sống nhân dân, làm nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội trong đó có tệ nạn ma tuý. Chính mặt trái của nền kinh tế đó tạo tiền đề cho tội phạm ma tuý nói chung và tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý nói riêng phát sinh, phát triển. Vì vậy, để ngăn chặn và loại trừ tội phạm nhất thiết phải khắc phục được những yếu tố tiêu cực, mặt trái của nền kinh tế thị trường.

Một phần của tài liệu Tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy trong luật hình sự Việt Nam 2 (Trang 69 - 72)