Phân biệt tội cƣỡng bức, lôi kéo ngƣời khác sử dụng trái phép chất ma túy và tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy

Một phần của tài liệu Tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy trong luật hình sự Việt Nam 2 (Trang 56 - 63)

chất ma túy và tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy

Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý là hành vi chủ động tụ tập và tạo những điều kiện cần thiết để có thể tiến hành được việc sử dụng trái phép chất ma tuý.

Qua thực tế xét xử các vụ án ma tuý cho thấy sự nhầm lẫn giữa hành vi của tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý và hành vi được quy định ở tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý là không thể tránh khỏi. Vì vậy, khoa học LHS cần xây dựng các tiêu chí cơ bản phân biệt hai tội phạm này. Các tiêu chí đó tương ứng với các dấu hiệu pháp lý của cấu thành tội phạm. Đó là: (1) Khách thể của tội phạm; 2) Mặt khách quan của tội

phạm; (3) Mặt chủ quan của tội phạm; (4) Chủ thể của tội phạm và (5) Trách nhiệm hình sự và hình phạt đối với tội phạm.

Những điểm giống nhau chủ yếu giữa tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý (Điều 200 BLHS) và tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý (Điều 197 BLHS) có thể nhận thấy trên các phương diện sau:

Về khách thể của tội phạm: các tội phạm đều xâm phạm đến chế độ độc quyền quản lý của nhà nước về chất ma túy, làm lan truyền tệ nạn nghiện hút, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội.

Về mặt khách quan của tội phạm: đều có hành vi đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể người khác. Như đã phân tích, hành vi này có thể là hút, hít, tiêm, chích... chất ma túy vào cơ thể người khác một cách trái phép. Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Bất cứ người nào có hành vi tổ chức sử dụng cũng như có hành vi cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy dù là thực hiện lần đầu vẫn bị truy cứu TNHS, đã gây ra hậu quả hay chưa gây ra hậu quả thì người thực hiện hành vi vẫn bị coi là tội phạm và phải chịu TNHS. Tội phạm hoàn thành từ thời điểm người phạm tội thực hiện hành vi khách quan.

Về chủ thể của tội phạm: là bất kỳ người nào có năng lực TNHS và đạt độ tuổi từ 16 tuổi trở lên (khoản 1 Điều 197 và khoản 1 Điều 200) hoặc từ 14 tuổi trở lên (theo khoản 2,3,4 Điều 197 và khoản 2,3,4 Điều 200).

Về mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy cũng giống như tội phạm cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy, chủ thể nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi nhưng vẫn cố tình thực hiện hành vi và có ý thức mong muốn hậu quả xảy ra hay nói cách khác, tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý. Động cơ, mục đích không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm.

Về trách nhiệm hình sự và hình phạt: Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý và tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý đều được quy định có 4 khung hình phạt. Cụ thể:

Khoản 1 quy định hình phạt tù từ 2 năm đến 7 năm, áp dụng đối với trường hợp phạm tội không có tình tiết tăng nặng ở khoản 2,3 và 4.

Khoản 2 quy định hình phạt tù từ 7 năm đến 15 năm, áp dụng đối với người phạm tội có một trong các tình tiết tăng nặng như: phạm tội nhiều lần, phạm tội đối với nhiều người, phạm tội đối với phụ nữ mà biết là có thai, phạm tội đối với người đang cai nghiện...

Khoản 3 quy định hình phạt tù từ 15 năm đến 20 năm đối với người phạm tội thuộc một trong số các trường hợp như: gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc gây chết người, phạm tội đối với trẻ em dưới 13 tuổi, gây bệnh nguy hiểm cho nhiều người....

Khoản 4 quy định hình phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân (đối với tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý) và hình phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình (đối với tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy) trong trường hợp phạm tội sau: gây chết nhiều người, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng....

Người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền.

Sự khác nhau cơ bản giữa tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý và tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý thể hiện ở một số điểm sau:

Về khách thể bị tội phạm xâm hại:

Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý chỉ tác động làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người thông qua hành vi chủ động tụ tập, tạo điều kiện cần thiết để tiến hành việc sử dụng trái phép chất ma tuý.

Còn tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý không chỉ xâm phạm trực tiếp đến sức khoẻ của con người mà còn xâm phạm đến quyền tự do, quyền được hành động phù hợp với đạo đức, pháp luật. Người có hành vi cưỡng bức đã ép buộc nạn nhân sử dụng trái phép chất ma tuý trái với ý muốn của họ, xâm phạm đến sức khoẻ và quyền tự do của người đó.

Đối tượng tác động của tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý là những người có nhu cầu sử dụng ma túy, người sử dụng ma tuý có tính chất tự nguyện, thậm chí họ còn tự tìm đến các chủ chứa nghiện hút.

Ở tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý, đối tượng bị tác động phần lớn là những người không có nhu cầu sử dụng nhưng cũng không loại trừ có trường hợp cá biệt nạn nhân là người có nhu cầu sử dụng. Người sử dụng trái phép chất ma tuý mang tính chất bị động, bị người phạm tội tác động, lôi kéo thậm chí cưỡng bức người đó sử dụng ma tuý trái ý muốn. Đây cũng là điểm khác nhau cơ bản giữa hai tội phạm này.

Về hành vi khách quan của tội phạm: Hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý là một trong các hành vi sau:

- Chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể người khác.

- Chỉ huy, phân công, điều hành việc chuẩn bị, cung cấp chất ma tuý, địa điểm, phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma tuý, tìm người sử dụng chất ma tuý.

Người thực hiện một trong các hành vi sau đây theo sự chỉ huy, phân công, điều hành của người khác thì đồng phạm về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý:

- Cung cấp trái phép chất ma tuý cho người khác để họ sử dụng trái phép chất ma tuý.

- Chuẩn bị dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ, sản xuất....) nhằm đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể người khác.

- Chuẩn bị địa điểm (thuê địa điểm, mượn địa điểm, sử dụng địa điểm không thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc đang do mình quản lý để làm nơi đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể người khác).

- Chuẩn bị dụng cụ, phương tiện dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma tuý dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ..) nhằm sử dụng để đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể người khác.

- Tìm người sử dụng chất ma tuý để đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể của họ.

Hành vi khách quan của tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy gồm có:

- Hành vi cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma tuý. - Hành vi lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý.

Thực chất về mặt khách quan, hành vi cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý hoàn toàn khác với hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý. Tuy nhiên, để tránh tình trạng không xác định đúng tội danh, bỏ lọt tội phạm, cần có sự phân biệt cụ thể hai hành vi này dưới khía cạnh sau: trong hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý có hoạt động rủ rê, lôi kéo thậm chí cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy. Điều này có thể thấy ở những hành vi tổ chức chặt chẽ, tinh vi chia thành nhiều giai đoạn: thành lập tụ điểm, phân công người canh gác, cung cấp phương tiện, công cụ phương tiện tiêm chích, hút hít, tổ chức mạng lưới "vệ tinh" đi "tìm người sử dụng chất ma tuý", rủ rê, lôi kéo thậm chí cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma tuý. Lúc đầu "vệ tinh" của các ổ tiêm

chích thường dùng thuốc mời mọc những người chưa nghiện, kích thích thói hiếu thắng, ham đua hưởng lạc của thanh niên. Sau một thời gian được bọn này cho hút không mất tiền, những người này trở thành nghiện nặng, không dứt ra được nữa. Tất cả những hành vi nói trên được thực hiện trong một chuỗi liên hoàn theo sự chỉ đạo của người cầm đầu [16, tr 78-79]. Ví dụ: Q buôn bán ma tuý đã đứng ra tổ chức sử dụng ma tuý. Q giao nhiệm vụ cho H chuẩn bị địa điểm thuận tiện, tránh sự theo dõi của công an. Đồng thời giao nhiệm vụ cho C đi tìm người có nhu cầu sử dụng ma tuý. C đã tìm gặp những thanh niên con nhà khá giả, thích ăn chơi, đua đòi và rủ rê, lôi kéo các đối tượng này (có cả những người nghiện và những người không nghiện) đến địa điểm H chuẩn bị để sử dụng ma tuý. Như vậy, trong trường hợp này C đồng phạm về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy hay phạm tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy? Cũng cần lưu ý, hành vi của C có tính chất chủ động tập hợp, lôi kéo nhằm đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác - đặc điểm của tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Có ý kiến cho rằng hành vi trong trường hợp này Q phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý và H, C là người đồng phạm. [16, tr78-80]

Hai tội phạm này đều có hành vi đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể người khác. Tuy nhiên, đối với tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, hành vi đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể người khác mang tính chất tự nguyện. Người sử dụng ma tuý hoàn toàn tự nguyện, thậm chí còn chủ động tìm đến các chủ chứa nghiện hút. Còn đối với tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý, hành vi này mang tính chất bị động, nạn nhân bị cưỡng ép trái ý muốn hoặc lúc đầu không muốn nhưng sau khi bị lôi kéo đã tự nguyện sử dụng. Tính chất tự nguyện của người sử dụng đôi khi không dễ xác định, ví dụ nguời có hành vi khiêu khích hoặc khích bác để người khác chủ động sử dụng ma tuý có được coi là bị rủ rê, lôi kéo người khác sử dụng ma tuý?

Về trách nhiệm hình sự và hình phạt:

Ngoài một số tình tiết tăng nặng được quy định giống nhau tại Điều 197 và Điều 200 BLHS, tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý còn được quy định hai tình tiết tăng nặng tại khoản 2 Điều 200 BLHS: “phạm tội có tổ chức”“phạm tội vì động cơ đê hèn”; Tội tổ chức sử dụng

trái phép chất ma tuý còn được quy định tình tiết tăng nặng: “gây tổn hại cho

sức khoẻ của nhiều người mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%” (điểm b khoản 3) hoặc “...từ 61% trở lên" (điểm a khoản 4). Tình tiết “gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người” không được quy định là tình tiết tăng nặng của tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý. Điều này xuất phát từ đặc điểm của tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý là có nhiều người tham gia, đồng thời có nhiều đối tượng bị tội phạm tác động đến, gây tổn hại về sức khoẻ. Do đó, việc quy định tình tiết này là tình tiết tăng nặng của tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý là hợp lý.

Mức hình phạt cao nhất được áp dụng đối với hành vi cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý là tù chung thân và đối với hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là hình phạt tử hình. Ngoài việc quy định hình phạt tiền là hình phạt bổ sung, người phạm tội tổ chức sử dụng ma tuý còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

Như vậy, từ những phân tích trên có thể khẳng định hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý có tính chất nguy hiểm cho xã hội cao hơn hành vi cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý và bị áp dụng hình phạt nghiêm khắc nhất, đó là tước đoạt mạng sống con người - hình phạt tử hình. Vì thế, trong thực tiễn xét xử cần xác định đúng tội danh, tránh tình trạng nhầm lẫn về hành vi phạm tội giữa tội phạm được quy định tại Điều 197 BLHS và Điều 200 BLHS.

Một phần của tài liệu Tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy trong luật hình sự Việt Nam 2 (Trang 56 - 63)