Mục tiêu môn hóa học trường THCS

Một phần của tài liệu Một số biện pháp nâng cao chất lượng dạy học hóa học hóa học theo hướng tích cực hóa nhận thức cho học sinh trường THCS huyện Như Xuân tỉnh Thanh Hóa (Trang 59 - 60)

7. Điểm mới của đề tài

2.1.1. Mục tiêu môn hóa học trường THCS

Môn hóa học ở trường THCS có vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu đào tạo của nhà trường THCS. Môn hóa học cung cấp cho học sinh một hệ thống kiến thức phổ thông, cơ bản và thiết thực đầu tiên về hóa học, hình thành ở các em một số kĩ năng phổ thông, cơ bản và thói quen làm việc khoa học, góp phần giáo dục đạo đức, phát triển năng lực nhận thức, năng lực hành động, chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động.

Chương trình môn hóa học ở trường THCS có nhiệm vụ giúp cho học sinh đạt được các mục tiêu cụ thể sau đây:

a) Về kiến thức: Học sinh có được một hệ thống kiến thức phổ thông, cơ bản ban đầu về hóa học bao gồm:

- Hệ thống khái niệm hóa học cơ bản, học thuyết, định luật hóa học như: nguyên tử, nguyên tố, phân tử, phản ứng hóa học, đơn chất, hợp chất, mol, định luật bảo toàn khối lượng…

- Một số chất vô cơ và hữu cơ quan trọng, gần gũi với đời sống và sản xuất như: oxi, hiđro, nước, một số kim loại và phi kim, một số hợp chất oxit, axit, bazơ, muối, hiđrocacbon, dẫn xuất của hiđrocacbon, polime…

Học sinh có được một số kiến thức cơ bản, kĩ thuật tổng hợp về nguyên liệu, sản phẩm, quá trình hóa học, thiét bị sản xuất hóa học và môi trường.

b) Về kĩ năng: Học sinh có được một số kĩ năng phổ thông cơ bản và thói quen làm việc khoa học như là:

- Biết cách làm việc khoa học và hoạt động để chiếm lĩnh kiến thức. - Biết thu thập, phân loại, tra cứu và sử dụng thông tin tư liệu.

- Biết phân tích, tổng hợp, so sánh, khái quát hóa, có thói quen học tập và tự học.

- Có kĩ năng cơ bản để làm việc với hóa chất, dụng cụ hóa học, quan sát, mô tả hiện tượng và tiến hành một số thí nghiệm hóa học đơn giản trong môn học.

- Có kĩ năng giải bài tập hóa học và các phương pháp tính toán trong hóa học.

- Biết vận dụng kiến thức để góp phần giải quyết một số vấn đề của thực tiễn có liên quan đến hóa học.

c) Về thái độ và tình cảm: Học sinh có được những thái độ tích cực như: - Có hứng thú và ham thích học tập hóa học, có niềm tin về sự tồn tại và biến đổi của vật chất, về khả năng nhận thức của con người, về vai trò của hóa học đã và đang góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

- Có ý thức tuyên truyền và vận dụng tiến bộ của khoa học nói chung và hóa học nói riêng vào đời sống sản xuất của gia đình và địa phương.

- Có những phẩm chất, thái độ cần thiết của người lao động như: tính cẩn thận, tỉ mỉ, kiên trì, chính xác, trung thực.

- Có ý thức trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội để có thể hòa nhập với thiên nhiên, môi trường và cộng đồng.

Một phần của tài liệu Một số biện pháp nâng cao chất lượng dạy học hóa học hóa học theo hướng tích cực hóa nhận thức cho học sinh trường THCS huyện Như Xuân tỉnh Thanh Hóa (Trang 59 - 60)