Khám nghiệm hiện trƣờng

Một phần của tài liệu Các biện pháp điều tra trong tố tụng hình sự (Trang 55 - 58)

Hiện trường là nơi xảy ra sự việc mang tính hình sự.

Khái niệm này chỉ rõ hình thức tồn tại của hiện trường với tính cách là một địa điểm. Cũng giống như các hiện trường vật chất khác, mỗi loại tội phạm xảy ra đều tồn tại trong một phạm vi không gian, thời gian nhất định, địa điểm gây án, thời gian gây án, hình thức tồn tại chung của mỗi hành vi phạm tội, hình thức tồn tại ấy có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau. Vì thế không có một vụ việc có tính hình sự nào xảy ra lại không có hiện trường.

Sự việc mang tính hình sự xảy ra nghĩa là hành vi phạm tội của bọn tội phạm không chỉ xâm hại đến một khách thể nhất định được pháp luật bảo vệ mà còn tác động vào môi trường xung quanh, gây ra những biến đổi. Những biến đổi này được phản ánh lại trong môi trường vật chất xung quanh với tính cách là một chính thể, nó không những được lưu lại ở dạng ý thức như lời khai của nhân chứng, tố giác tội phạm... mà còn phản ánh bằng những thay đổi vật chất như dấu vết... Cần phải hiểu rõ hiện trường và thủ phạm có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau, tác động lẫn nhau, phản ánh lẫn nhau. Cả hai vừa là cái phản ánh, vừa là cái được phản ánh. Nó thể hiện trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội của tội phạm gây nên những biến đổi vật chất. Những biến đổi này được phản ánh tại hiện trường bằng những dấu vết. Đồng thời nó chịu sự tác động trở lại của hiện trường tức là kẻ phạm tội cũng mang theo những dấu vết của hiện trường như: đất, sỏi, dầu, mỡ...

Hiện trường là nơi chứa đựng nhiều dấu vết, vật chứng và những thông tin chứng minh trực tiếp diễn biến của hành vi phạm tội, vì vậy, việc

khai thác, điều tra tại hiện trường sẽ giúp cơ quan điều tra làm rõ sự thật của vụ việc.

Vì vậy, khi nghiên cứu về hiện trường, chúng ta cần tập trung đi sâu vào nhận thức giữa quan hệ hiện trường và tội phạm. Khi đó mới xác định được một cách toàn diện ý nghĩa hình sự của hiện trường. Đó cũng là cơ sở để xác lập mối quan hệ đồng nhất giữa các mặt đối lập để xác lập chứng cứ xác định tội phạm.

Khám nghiệm hiện trường là biện pháp điều tra trong tố tụng hình sự, do Điều tra viên trực tiếp tiến hành nhằm nghiên cứu, ghi nhận, mô tả hiện trường; phát hiện, thu thập, đánh giá các dấu vết, vật chứng, các tin tức, tài liệu liên quan tại hiện trường phục vụ cho điều tra, xử lý tội phạm, đồng thời phát hiện những nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, phát hiện phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm để phục vụ phòng ngừa tội phạm.

Khám nghiệm hiện trường đóng vai trò quan trọng trong điều tra, xử lý tội phạm. Trong nhiều vụ án, khám nghiệm hiện trường có tính chất quyết định trong việc điều tra.

Thực chất của khám nghiệm hiện trường là sử dụng các phương tiện kỹ thuật chuyên dụng và áp dụng các phương pháp khoa học để phát hiện, thu thập và đánh giá các phản ánh vật chất và phản ánh phi vật thể để phục vụ cho điều tra, xử lý tội phạm. Kết quả khám nghiệm hiện trường là căn cứ khởi tố vụ án hình sự hoặc không được khởi tố vụ án hình sự [26].

Nhiệm vụ của khám nghiệm hiện trường là phải tìm, thu lượm và bảo quản tốt các dấu vết, bởi các loại dấu vết này luôn được sử dụng trong quá trình dựng lại, diễn lại vụ án hoặc dùng làm chứng cứ định tội, truy tố và xét xử người phạm tội.

Một trong những đặc điểm của hiện trường là dễ bị biến đổi bởi sự tác động của tự nhiên, con người… Vì vậy biện pháp khám nghiệm hiện trường có thể được tiến hành trước khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc sau khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự. Việc tiến hành biện pháp khám nghiệm hiện trường trước khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự nhằm kịp thời thu thập những tài liệu, chứng cứ có liên quan làm cơ sở cho việc kết luận có hay không có sự việc phạm tội xảy ra. Mặt khác, khi sự việc xảy ra không tiến hành khám nghiệm hiện trường ngay thì dấu vết, tài liệu, chứng cứ bị tiêu hủy hoặc biến dạng không thu thập được hoặc không còn giá trị chứng minh. Vì vậy, Luật tố tụng hình sự quy định biện pháp khám nghiệm hiện trường được tiến hành trước khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự là hoàn toàn cần thiết cho việc giải quyết vụ án. Trong mọi trường hợp, trước khi tiến hành khám nghiệm hiện trường, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát công tác khám nghiệm hiện trường. Việc quy định Kiểm sát viên phải có mặt tại hiện trường giúp hoạt động khám nghiệm hiện trường được khách quan, chính xác hơn. Hơn nữa, cần phải hiểu thì hoạt động kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường là kiểm sát điều tra, hoàn toàn "không phải là tham gia khám nghiệm hiện trường cùng với Điều tra viên, càng không phải là chứng kiến hoạt động khám nghiệm hiện trường của Điều tra viên" [39].

Quy định là như vậy, nhưng thực tế cho thấy không phải mọi hoạt động khám nghiệm hiện trường của cơ quan điều tra đều có sự tham gia của Kiểm sát viên để kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường. Một số kiểm sát viên chưa nhận thức được đầy đủ về quyền hạn, trách nhiệm của mình khi thực hiện nhiệm vụ do đó không phát hiện được vi phạm, thiếu sót của Điều tra viên và các thành viên khác tham gia khám nghiệm, hoặc có phát hiện được vi phạm nhưng do nể nang nên không đấu tranh yêu cầu khắc phục vi phạm.

Xuất phát từ yêu cầu pháp luật, yêu cầu nghiệp vụ, nhiệm vụ của công tác khám nghiệm hiện trường được quy định: ghi nhận vị trí, trạng thái và quang cảnh của hiện trường bằng cách mô tả, vẽ sơ đồ, chụp ảnh; điều tra thu thập, phân tích, chọn lọc những tin tức, tài liệu có liên quan đến hiện trường cũng như sự việc xảy ra; sử dụng những phương tiện kỹ thuật hỗ trợ, các phương pháp khoa học nhằm phát hiện, thu lượm và bảo quản dấu vết, vật chứng; nghiên cứu, đánh giá tất cả các dấu vết vật chứng và những tin tức, tài liệu thu thập được tại hiện trường nhằm xác lập chứng cứ pháp lý và phương hướng cho công tác điều tra tiếp theo; thiết lập và hoàn chỉnh các văn bản thuộc hồ sơ khám nghiệm hiện trường đúng thủ tục pháp luật, phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong phòng ngừa tội phạm, những phương thức, thủ đoạn gây án mới của bọn tội phạm. Đề xuất các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn một cách tích cực và đấu tranh có hiệu quả đối với các loại tội phạm.

Trên thực tế, công tác khám nghiệm hiện trường là một hoạt động điều tra phức tạp, đan xen nhiều yếu tố về tố tụng, về nghiệp vụ điều tra, kỹ thuật hình sự, tổ chức lực lượng, thậm chí có thể liên quan đến hoạt động điều tra khác được tiến hành đồng thời như việc lấy lời khai. Chính vì vậy, những người trực tiếp thi hành công tác này cần chú ý rèn luyện tư duy tốt về nghiệp vụ điều tra, đầu tư tốt trang bị kỹ thuật phục vụ cho công tác khám nghiệm hiện trường đảm bảo được tính khoa học và hiệu quả cao.

Một phần của tài liệu Các biện pháp điều tra trong tố tụng hình sự (Trang 55 - 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)