CÔNG TÁC ĐIỀU TRA TRONG GIAI ĐOẠN MỚI
Đấu tranh phòng chống tội phạm là nhiệm vụ nặng nề, khó khăn và phức tạp. Tổ chức hoạt động điều tra các vụ án hình sự không chỉ là hoạt động mang tính nghiệp vụ, pháp lý mà đó còn là hoạt động mang tính khoa học.
Bước sang những năm đầu của thế kỷ XXI, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những biến động phức tạp. Bên cạnh những thuận lợi, nền kinh tế thị trường sẽ tiếp tục có những tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có tội phạm. Lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý kinh tế, quản lý xã hội; hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, chưa theo kịp với tình hình mới, cùng với hàng loạt các vấn đề xã hội cần phải giải quyết. Sự phân hóa giàu nghèo nhanh ở cả thành thị và nông thôn, sự thiếu công bằng trong sự phân phối, sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận dân cư, việc làm cho người lao động, nhất là đối với thanh niên ở nông thôn... đang là những sức ép nặng nề, làm nảy sinh những tiêu cực xã hội, tệ nạn xã hội, tình hình tội phạm sẽ có những diễn biến phức tạp.
Với những điều kiện, hoàn cảnh nêu trên có thể dự báo trong thời gian tới, tình hình tội phạm ở nước ta vẫn có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Cơ cấu, thành phần tội phạm có nhiều thay đổi. Tội phạm là người lao động chiếm tỉ lệ cao, trong đó một phần không nhỏ là những người không có việc làm. Một số loại tội phạm có xu hướng gia tăng, đặc biệt là tình hình tội phạm có sử dụng bạo lực, cướp tài sản, giết người, chống người thi hành công vụ, đâm thuê, chém mướn theo kiểu xã hội đen; tội phạm có tổ chức, hoạt
động liên tỉnh, xuyên quốc gia, tội phạm có tính quốc tế… Tội phạm về ma túy tiếp tục gia tăng, diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sự ổn định của xã hội và làm gia tăng tình trạng phạm pháp hình sự, đặc biệt là tội phạm về ma túy hoạt động xuyên quốc gia.
Tội phạm về kinh tế tiếp tục diễn biến phức tạp với tính chất, quy mô, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt và có tính tổ chức cao, gây hậu quả nghiêm trọng như tham ô, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nhà nước, của doanh nghiệp, tổ chức và công dân; cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng... Bọn tội phạm này sẽ tập trung ở các ngành kinh tế trọng điểm, ở những nơi có nhiều tiền, hàng, vật tư chiến lược quan trọng của Nhà nước như xây dựng cơ bản, tài chính, ngân hàng, kho bạc; khu vực đầu tư liên doanh, liên kết, thương mại, xuất nhập khẩu...
Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trốn thuế sẽ diễn ra với quy mô hoạt động rộng lớn, phức tạp hơn. Một số loại tội phạm mới xuất hiện ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế, xã hội như tội phạm rửa tiền, tội phạm máy tính, tội phạm liên quan đến cổ phần hóa, lĩnh vực cổ phiếu, trái phiếu, thị trường chứng khoán, liên quan đến phá sản doanh nghiệp; các tội phạm liên quan đến bảo hộ về phát minh, sáng chế...
Tình hình mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tranh chấp nhà cửa, đất đai, tài sản; những vấn đề về hình sự, dân sự, kinh tế đan xen không được giải quyết kịp thời, triệt để sẽ phát sinh mâu thuẫn, trở thành nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm.
Trong quá trình đổi mới đất nước, do tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, của xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, tình hình tội phạm ở nước ta trong thời gian vừa qua và trong những năm tới đang và sẽ diễn biến rất phức tạp, không có chiều hướng giảm; tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt về thủ đoạn, phương thức và ngày càng nghiêm trọng về tính chất, mức độ nguy hiểm. Tình hình này đòi hỏi hệ thống cơ quan tư pháp ở nước ta, trong đó cơ
quan điều tra phải được củng cố, kiện toàn, đổi mới toàn cả về quy mô và chất lượng. Có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Tuy nhiên, việc đổi mới mô hình tổ chức cơ quan điều tra cần được đặt trong tổng thể của tiến trình đổi mới hệ thống chính trị, bộ máy Nhà nước và cơ quan tư pháp; phải kế thừa được những ưu điểm của mô hình tổ chức cơ quan điều tra trong quá trình hình thành, phát triển từ năm 1945.
Trong hoạt động điều tra, các cán bộ điều tra giữ vai trò quan trọng, quyết định sự thành công hay thất bại của toàn bộ quá trình điều tra vụ án. Người cán bộ điều tra có nhiệm vụ thực hiện kế hoạch điều tra làm sáng tỏ vụ án, đề xuất các biện pháp xử lý đúng người, đúng tội, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc đấu tranh chống tội phạm, giữ vững an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Tùy từng mặt hoạt động điều tra và căn cứ vào yêu cầu thực hiện đối với mỗi đối tượng, cơ quan điều tra có thể bố trí một hay một nhóm cán bộ điều tra cùng tham gia thực hiện kế hoạch điều tra. Bởi vậy, trong hoạt động điều tra, cán bộ điều tra là chủ thể, là người đại diện cho cơ quan luật pháp, với trọng trách làm sáng tỏ sự thật của vụ án, có quyền sử dụng các biện pháp thực hiện nhiệm vụ điều tra để đưa ra kết luận chính xác về vụ án, về bản thân các đối tượng điều tra.
Trong quá trình điều tra vụ án, người giữ vai trò chủ yếu xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch điều tra chính là các Điều tra viên. Điều tra viên được phân công điều tra vụ án có quyền tiến hành các biện pháp điều tra do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định và phải chịu trách nhiệm về những hoạt động điều tra của mình; được quyền áp dụng mọi biện pháp, cách thức và mưu trí trong hoạt động điều tra, đề xuất với lãnh đạo cho áp dụng các biện pháp nghiệp vụ khác hỗ trợ cho hoạt động điều tra đạt kết quả tốt.
Các cơ quan điều tra cùng với các Điều tra viên được Bộ luật Tố tụng hình sự quy định là chủ thể tiến hành tố tụng trong hoạt động điều tra vụ án. Vì vậy, việc bố trí, sắp xếp đội ngũ Điều tra viên, tổ chức phân công công
việc hợp lý cho từng người có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định sự thành công hay thất bại trong công tác điều tra.
Thực tế công tác điều tra các vụ án hình sự cho thấy số lượng các vụ án xảy ra trên toàn quốc là rất lớn, tính chất cũng rất phức tạp, nhiều cơ quan điều tra phải huy động toàn bộ lực lượng mới có thể đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, lực lượng cán bộ điều tra tuy đông, nhưng số có năng lực, nghiệp vụ không nhiều. Các loại án mà cơ quan điều tra thụ lý đa dạng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, đòi hỏi các Điều tra viên phải am hiểu nhất định các lĩnh vực chuyên môn. Đây cũng là khó khăn không nhỏ, làm hạn chế đến quá trình và kết quả hoạt động điều tra.
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn đấu tranh, các cán bộ điều tra cần không ngừng học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt, tự rèn luyện các phẩm chất nhân cách để ngày càng hoàn thiện mình.
Từ thực tiễn thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm cho thấy: đổi mới cơ quan điều tra bên cạnh yêu cầu thu gọn đầu mối, kết hợp chặt chẽ giữa hoạt động trinh sát và hoạt động điều tra cần hoàn thiện mô hình tổ chức cơ quan điều tra theo nguyên tắc phải tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao để cơ quan điều tra trở thành công cụ đủ mạnh của Nhà nước nhằm ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả mọi hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội..., không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, phục vụ tích cực công cuộc đổi mới đất nước. Đồng thời, việc đổi mới tổ chức cơ quan điều tra phải đáp ứng được yêu cầu kịp thời, nhanh nhạy trong việc điều tra, khám phá tội phạm.
Quán triệt các Nghị quyết 08-NQ/TW và Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp nói chung và đổi mới tổ chức các cơ quan điều tra nói riêng, đồng thời trên cơ sở tổng kết thực tiễn, kế thừa những ưu
điểm và khắc phục những hạn chế của mô hình tổ chức cơ quan điều tra, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004 đã quy định cụ thể về các biện pháp điều tra và tổ chức cơ quan điều tra để đảm bảo chất lượng, hiệu quả hoạt động điều tra trong tố tụng hình sự. Tuy nhiên qua thực tiễn còn có những bất cập, hạn chế từ góc độ quy định của pháp luật cũng như thực tiễn cần được nghiên cứu, hoàn thiện và có những giải pháp cụ thể để đảm bảo cho hoạt động điều tra có hiệu quả hơn.