TRƢNG CẦU GIÁM ĐỊNH

Một phần của tài liệu Các biện pháp điều tra trong tố tụng hình sự (Trang 63 - 68)

Trưng cầu giám định là việc cơ quan hoặc người tiến hành tố tụng đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, kết luận một vấn đề về chuyên môn, kỹ thuật cần được làm rõ trong vụ án hình sự trong những trường hợp do pháp luật quy định hoặc khi cần thiết.

Khoản 3 Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định các trường hợp sau đây bắt buộc phải trưng cầu giám định:

- Nguyên nhân chết người, tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khỏe hoặc khả năng lao động;

- Tình trạng tâm thần của bị can, bị cáo trong trường hợp có nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ;

- Tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc người bị hại trong trường hợp có nghi ngờ về khả năng nhận thức và khai báo đúng đắn đối với những tình tiết của vụ án;

- Tuổi của bị can, bị cáo, người bị hại, nếu việc đó có ý nghĩa đối với vụ án nếu không có tài liệu khẳng định tuổi của họ hoặc có nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó;

- Chất độc, chất ma túy, chất phóng xạ, tiền giả.

Ngoài ra, xét thấy cần thiết thì cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định. Trước hết, về việc trưng cầu giám định "nguyên nhân chết người, tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khỏe hoặc khả năng lao động", có thể thấy rằng đây là những tình tiết rất quan trọng, liên quan đến tính mạng, sức khỏe của con người. Việc xâm phạm nhóm đối tượng này liên quan đến nhóm tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người, là nhóm tội phạm nghiêm trọng thứ hai được Bộ luật Hình sự xếp sau nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: "Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm". Đối tượng tác động ở đây là con người và tầm quan trọng của các quan hệ xã hội cần được bảo vệ nên chính sách hình sự và đường lối xử lý của Nhà nước đối với các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người là rất nghiêm khắc. Chính vì vậy, việc xác định nguyên nhân chết người, tính chất

thương tích, mức độ tổn hại sức khỏe hoặc khả năng lao động có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định có xảy ra sự việc phạm tội hay không và mức độ tội phạm như thế nào? Đây là những tình tiết quyết định đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự một người cũng như xác định khung hình phạt trong trường hợp có tội phạm xảy ra. Hơn nữa, nguyên nhân chết người, tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khỏe hoặc khả năng lao động không thể được xác định bằng mắt thường hay bằng những kinh nghiệm khác của cán bộ điều tra mà phải thông qua việc giám định mới có thể xác định chính xác.

Trong các yếu tố cấu thành tội phạm thì yếu tố về chủ thể là yếu tố quan trọng. Chủ thể phải là người có đủ tuổi và có năng lực trách nhiệm hình sự. Nếu một hành vi nguy hiểm cho xã hội được thực hiện bởi người chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và không có năng lực trách nhiệm hình sự thì không phải là tội phạm và không phải chịu trách nhiệm hình sự, chính vì vậy mà xác định "tình trạng tâm thần của bị can, bị cáo trong trường hợp có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ" và "tuổi của bị can, bị cáo, người bị hại nếu việc đó có ý nghĩa đối với vụ án và không có tài liệu khẳng định tuổi của họ hoặc có sự nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó". Việc xác định tuổi của người bị hại cũng có ý nghĩa trong việc xác định khung hình phạt dành cho người phạm tội.

Ví dụ: khoản 4 Điều 111 quy định "Phạm tội hiếp dâm người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm", trong khi đó, ở khoản 1, mức hình phạt dành cho tội này chỉ từ hai năm đến bảy năm. Rõ ràng, độ tuổi của người bị hại cũng có ảnh hưởng rất lớn đến việc quy định hình phạt dành cho người phạm tội. Việc xác định độ tuổi cũng như tình trạng tâm thần của những người có liên quan không thể thực hiện trên giấy tờ, mà phải thông qua các biện pháp nghiệp vụ cụ thể của công tác giám định.

Việc xác định chất độc, chất ma túy, chất phóng xạ, tiền giả cũng cần được trưng cầu giám định, bởi lẽ đây là những vật chất thuộc danh mục Nhà nước cấm lưu hành. Mọi hoạt động mua bán, sử dụng, tàng trữ, vận chuyển... trái phép các đối tượng này đều cấu thành tội phạm. Chính vì vậy, trong quá trình điều tra cần trưng cầu giám định để xác định đó có phải là vật Nhà nước cấm lưu hành hay không.

Như vậy, có thể nói rằng những trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định là những trường hợp liên quan trực tiếp đến việc xác định tội danh, cũng như khung hình phạt dành cho người phạm tội, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền công dân của những người này, đồng thời cũng không đảm bảo được quyền lợi đáng được bảo vệ của những người liên quan. Việc xác định đúng sẽ giúp cho việc giải quyết vụ án khách quan, toàn diện hơn, việc xác định sai sẽ dẫn đến bỏ lọt người, lọt tội hay làm oan người vô tội.

Quyết định trưng cầu giám định phải nêu rõ yêu cầu giám định vấn đề gì; họ tên người được trưng cầu giám định hoặc tên cơ quan tiến hành giám định; ghi rõ quyền và nghĩa vụ của người giám định.

Có thể thấy trưng cầu giám định là một biện pháp tố tụng quan trọng do cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện nhằm thu thập tài liệu, chứng cứ, phục vụ cho việc xác định sự thật khách quan của vụ án.

Hoạt động giám định bao gồm những hoạt động xác định các vấn đề chuyên môn cần làm rõ dưới dạng các câu hỏi; yêu cầu các tổ chức hoặc cá nhân nhất định phải tiến hành giám định tư pháp theo trình tự và thủ tục theo luật định.

Trưng cầu giám định được cơ quan điều tra sử dụng nhằm xác định thủ phạm, phương pháp, phương tiện, thủ đoạn phạm tội... từ đó làm cơ sở áp dụng các biện pháp như bắt giữ, khám xét, hỏi cung...

Trưng cầu giám định có thể được sử dụng để xác định đối tượng tác động của tội phạm và những thiệt hại xảy ra, góp phần xác định khách thể trực tiếp của tội phạm cụ thể, xác định có hay không có tội phạm xảy ra, tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.

Trưng cầu giám định còn được cơ quan điều tra sử dụng nhằm xác định năng lực trách nhiệm hình sự của bị can hay người bị nghi phạm tội, hoặc năng lực nhận thức, năng lực khai báo đúng đắn của người làm chứng, người bị hại đối với những tình tiết của vụ án trong trường hợp có sự nghi ngờ về tình trạng tâm thần của những người này.

Trong quá trình giám định, giám định viên có thể phát hiện cho cơ quan điều tra những nguyên nhân, điều kiện thực hiện việc phạm tội; những sơ hở, thiếu sót của ta và những thủ đoạn hoạt động của kẻ phạm tội. Điều đó có ý nghĩa phòng ngừa tội phạm hoặc có tác dụng đấu tranh đối với hoạt động phạm tội.

Cơ quan điều tra có trách nhiệm bảo đảm thực hiện các quyền và nghĩa vụ của giám định viên, tạo điều kiện để giám định viên tiến hành giám định có kết quả tốt. Trong quá trình giám định, cơ quan điều tra không được can thiệp vào nghiệp vụ chuyên môn của giám định viên nhưng có quyền tham dự trong quá trình giám định đó. Đồng thời, có thể yêu cầu giám định viên giải thích những vấn đề cần thiết có liên quan đến nội dung giám định. Việc tham dự này phải được báo trước cho giám định viên biết.

Cơ quan điều tra có quyền thay đổi giám định viên khi có những lý do cho rằng việc thực hiện giám định của giám định viên không đảm bảo tính chất khách quan của vụ án. Trong trường hợp xuất hiện khả năng giám định viên và hoạt động giám định bị đe dọa sự an toàn, cơ quan điều tra phải lập tức tiến hành tổ chức việc phong tỏa, bảo vệ giám định viên và hoạt động giám định, phối hợp các lực lượng để ngăn chặn, phòng ngừa sự tấn công đó.

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và Pháp lệnh Giám định tư pháp năm 2004, người giám định là người có kiến thức cần thiết về lĩnh vực cần giám định và được các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự trưng cầu theo quy định của pháp luật. Việc trưng cầu giám định là một hoạt động tố tụng cần thiết để kết luận về phương diện khoa học những vấn đề cần phát sinh trong quá trình chứng minh.

Việc giám định có thể do cá nhân người giám định thực hiện và chịu trách nhiệm cá nhân về kết luận giám định của mình hoặc có thể do hội đồng giám định thực hiện theo nguyên tắc kết luận theo đa số nhưng tôn trọng và bảo lưu quan điểm khác biệt của các thành viên trong hội đồng.

Pháp luật quy định khi có những vấn đề cần xác định theo quy định hoặc khi xét thấy cần thiết thì cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định. Không có quy định nào về việc cá nhân tự mình trưng cầu giám định. Điều này sẽ đặt ra việc áp dụng pháp luật không thống nhất. Trong nhiều trường hợp kết quả cá nhân tự trưng cầu giám định sẽ được cơ quan điều tra xác minh và chấp nhận, nhưng có những cơ quan điều tra lại không chấp nhận việc tự trưng cầu giám định của cá nhân. Thu thập chứng cứ theo luật định phải do những người có thẩm quyền tố tụng thực hiện. Những người tham gia tố tụng có quyền đưa ra chứng cứ. Việc trưng cầu giám định của người tham gia tố tụng cũng là một hoạt động để đưa ra chứng cứ chứng minh cho vụ án, vì vậy cần phải được tôn trọng. Cơ quan điều tra có thể sử dụng những kết quả trưng cầu giám định của người tham gia tố tụng phục vụ cho quá trình chứng minh sự thật của vụ án sau khi đã thẩm định lại tính hợp pháp và sự chính xác của kết quả đó.

Một phần của tài liệu Các biện pháp điều tra trong tố tụng hình sự (Trang 63 - 68)