Hoàn thiện hệ thống pháp luật về tố tụng hình sự, đặc biệt là pháp luật về điều tra trong tố tụng hình sự

Một phần của tài liệu Các biện pháp điều tra trong tố tụng hình sự (Trang 76 - 79)

pháp luật về điều tra trong tố tụng hình sự

Hệ thống pháp luật của Nhà nước ta đang dần dần hoàn thiện để bắt kịp với tiến độ phát triển của xã hội cũng như sự giao lưu văn hóa giữa các nước. Việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã mang lại cho chúng ta nhiều cơ hội, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức lớn. Trong đó, đổi mới pháp luật là yêu cầu cấp thiết nhất. Hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng có nghĩa là tạo sự yên tâm cho các đối tác nước ngoài trong việc đầu tư, hợp tác với Việt Nam. Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, việc hoàn thiện văn bản pháp luật kể cả về số lượng và chất lượng vẫn được chú trọng. Tuy nhiên cho đến nay, vẫn còn tồn tại nhiều văn bản pháp luật không phù hợp với thực tiễn.

Tố tụng hình sự là toàn bộ hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và cá nhân, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội nhằm giải quyết vụ án khách quan, toàn diện, nhanh chóng, chính xác và đúng pháp luật [21, tr. 13]. Pháp luật về tố tụng hình sự quy định trình tự, thủ tục, cách thức tiến hành giải quyết một vụ án hình sự. Để đảm bảo được nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa cũng như bảo đảm được các quyền cơ bản của công dân, bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của tập thể thì quá trình giải quyết vụ án hình sự cũng cần được tuân thủ chặt chẽ quy định của pháp luật.

Hiện nay văn bản pháp lý cao nhất về hoạt động tố tụng hình sự là Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003. So với những văn bản về cùng nội dung đã được ban hành trước đó, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 đã khắc phục được nhiều nhược điểm của các văn bản trước, cũng như bổ sung được những điểm còn thiếu sót, để phù hợp hơn với sự phát triển của xã hội.

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 có dành riêng Phần thứ hai quy định về khởi tố, điều tra vụ án hình sự và quyết định việc truy tố. Đây là giai đoạn đầu tiên của quá trình giải quyết vụ án hình sự và cũng là một giai đoạn rất quan trọng. Việc quy định chặt chẽ trình tự, thủ tục trong giai đoạn này giúp cho việc giải quyết vụ án nhanh chóng, kịp thời. Tuy nhiên sau một thời gian được thực hiện, Bộ luật Tố tụng hình sự cũng đã dần dần bộc lộ những điểm còn hạn chế so với yêu cầu đặt ra trong thực tế, cần phải được chỉnh sửa kịp thời trong thời gian tới.

- Về thời hạn của việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm: Khoản 2 Điều 103 quy định kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự trong thời hạn 20 ngày, đối với trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn có thể dài hơn, nhưng không quá hai tháng. Nghị quyết 388/NQ-UBTVQH11 về bồi thường thiệt hại cho người bị oan sai ra đời đã tạo nên được niềm tin đối với quần chúng nhân dân, góp phần làm hạn chế tình trạng oan sai cho người vô tội. Tuy nhiên, Nghị quyết này cũng kéo theo tâm lý thận trọng của những người làm công tác bảo vệ pháp luật. Có những vụ án phức tạp, có tính chất nghiêm trọng, phức tạp, trong thời hạn 2 tháng cũng khó có thể điều tra được đầy đủ. Như vậy, nếu cơ quan điều tra vội vàng ra kết luận, quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án đều sẽ dễ dẫn đến sai lầm, hoặc bỏ lọt tội phạm, hoặc làm oan người vô tội. Chính vì vậy cần quy định thời hạn cho từng giai đoạn giải quyết vụ án hợp lý hơn, vừa đảm bảo

được yêu cầu giải quyết vụ án nhanh chóng, đồng thời, đảm bảo thời gian cho những vụ án có tính chất phức tạp.

- Cùng với việc thực hiện biện pháp điều tra, việc ghi biên bản hoạt động điều tra là hoạt động rất quan trọng phục vụ cho việc giải quyết đầy đủ, khách quan vụ án. Cùng với sự phát triển của khoa học, công nghệ và để đáp ứng yêu cầu kịp thời, nhanh chóng, khách quan của các hoạt động tố tụng, các hoạt động đó cần được ghi nhận lại một cách đầy đủ. Vì vậy, theo chúng tôi nên bổ sung biện pháp ghi âm, ghi hình khi lập biên bản hoạt động tố tụng tại Điều 95, Điều 125 Bộ luật Tố tụng hình sự. Điều này cũng thống nhất với Điều 200 Bộ luật Tố tụng hình sự về việc ghi biên bản phiên tòa.

- Cần bổ sung vào Điều 139 Bộ luật Tố tụng hình sự về đối tượng là băng ghi âm, ghi hình để nhận dạng, phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ hiện nay. Trong rất nhiều trường hợp, người phạm tội có thể được hệ thống camera kiểm soát tại các nơi công cộng, khách sạn, nhà hàng, cơ quan… quay được; hoặc có thể ngẫu nhiên vào ống kính camera của cá nhân. Việc cho người làm chứng, người bị hại nhận dạng người phạm tội thông qua băng hình đó có ý nghĩa rất quan trọng cho việc khám phá, xử lý tội phạm.

- Thực tiễn cho thấy rằng trong những năm gần đây, khi khám xét nơi ở, nơi làm việc, cơ quan điều tra thường thu giữ các máy tính, ổ cứng, đĩa mềm, đĩa CD, ổ USB… của người phạm tội. Thông thường các vật này được niêm phong; nhưng việc mở và khai thác các thông tin được lưu giữ ở trong máy như thế nào thì chưa có quy định cụ thể. Vì vậy, để đảm bảo tính khách quan và quyền lợi của bị can, bị cáo thì Bộ luật Tố tụng hình sự cần có quy định khi cơ quan điều tra mở niêm phong và kiểm tra các thông tin được lưu giữ phải có mặt Kiểm sát viên, chủ sở hữu hoặc người quản lý máy tính, các ổ đĩa máy tính đó.

- Cần quy định về việc cho phép người tham gia tố tụng tự mình yêu cầu giám định (tự chi phí). Trách nhiệm cơ quan giám định và trình độ, thủ tục tiếp nhận kết quả giám định do người tham gia tố tụng xuất trình. Chúng tôi cho rằng, kết quả giám định do người tham gia tố tụng xuất trình phải được xem như các chứng cứ khác mà Bộ luật Tố tụng hình sự cho phép đưa ra trong quá trình tố tụng. Cần tránh những quan niệm sai lầm cho rằng Bộ luật Tố tụng hình sự chỉ quy định cơ quan điều tra mới có thẩm quyền trưng cầu giám định, cho nên chỉ có những kết luận giám định do cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu mới có giá trị chứng minh.

- Một vấn đề nữa đang gây tranh luận trong quá trình xây dựng Bộ luật Tố tụng hình sự là có được chuyển hóa tài liệu trinh sát thành chứng cứ trong tố tụng hình sự hay không. Chúng tôi cho rằng không thể trực tiếp chuyển hóa tài liệu trinh sát thành chứng cứ được bởi vì tài liệu trinh sát tự nó vốn đã được thu thập không theo trình tự, thủ tục mà Bộ luật Tố tụng hình sự quy định (quay phim bí mật, bí mật thu giữ giấy tờ, tài liệu…). Vì vậy, tự nó đã không có tính hợp pháp, nên không thể là chứng cứ tố tụng được.

Tuy nhiên, chúng ta có thể chuyển hóa tài liệu trinh sát thành chứng cứ một cách gián tiếp bằng cách sử dụng tài liệu đó như là một phương pháp tác động tâm lý trong việc hỏi cung bị can, lấy lời khai người tham gia tố tụng, thực nghiệm điều tra, xây dựng và khám nghiệm hiện trường v.v… Để làm được điều này, Bộ luật Tố tụng hình sự cần có những quy định thích hợp.

Một phần của tài liệu Các biện pháp điều tra trong tố tụng hình sự (Trang 76 - 79)