Hỏi cung bị can

Một phần của tài liệu Các biện pháp điều tra trong tố tụng hình sự (Trang 30 - 36)

Hỏi cung bị can là biện pháp điều tra trong tố tụng hình sự, do Điều tra viên tiến hành bằng cách tác động trực tiếp vào tâm lý bị can nhằm mục đích thu được lời khai trung thực, đúng đắn và đầy đủ về hành động phạm tội

của bị can và đồng bọn cũng như những tin tức cần thiết khác góp phần làm sáng tỏ sự thật của vụ án.

Trong hoạt động hỏi cung bị can, Điều tra viên là chủ thể chính với tư cách là người đại diện cho cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng, có vai trò tổ chức và thực hiện kế hoạch hỏi cung bị can. Điều tra viên được pháp luật cho phép áp dụng mọi phương pháp, biện pháp hợp pháp; sử dụng mọi khả năng, kinh nghiệm nghề nghiệp và những hiểu biết trong lĩnh vực chuyên môn của mình để tiến hành công tác hỏi cung bị can. Đối tượng được hỏi cung là những người đã bị khởi tố với tư cách là bị can. Bị can được pháp luật quy định quyền và nghĩa vụ trong khi thực hiện việc khai báo về hành vi phạm tội của bản thân và đồng bọn cũng như các thông tin khác cần thiết theo yêu cầu của Điều tra viên để làm sáng tỏ sự thật về vụ án.

Thông qua hoạt động hỏi cung, cơ quan điều tra có thể làm rõ tính chất của vụ án, vai trò và hành động của từng bị can. Đồng thời cũng chính thông qua hỏi cung, Điều tra viên thu thập những chứng cứ kể cả buộc tội và gỡ tội, chứng minh mức độ phạm tội của từng bị can, và trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được về diễn biến của vụ án mà có kết luận điều tra đúng đắn.

Hoạt động hỏi cung hướng vào việc thu thập các tài liệu về âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các tổ chức tội phạm để mở rộng công tác đánh địch, kịp thời áp dụng các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cần thiết. Cùng với sự hỗ trợ của các biện pháp trinh sát bí mật, hỏi cung có thể phát hiện được bọn tội phạm đang lẩn trốn để kịp thời truy bắt, phát hiện ra các vật chứng, nơi cất giấu và tẩu tán vật chứng để kịp thời thu giữ.

Hoạt động hỏi cung cũng đòi hỏi phải đảm bảo bí mật các thủ pháp nghiệp vụ, chuyển hóa tài liệu trinh sát thành chứng cứ, đồng thời tạo điều kiện mở rộng phạm vi điều tra...

Ngoài ra, hoạt động hỏi cung còn có thể góp phần tích cực vào việc nghiên cứu, làm rõ nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm, phát hiện những sơ hở, thiếu sót của các cơ quan nhà nước trong việc chấp hành chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để đề xuất các biện pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả của công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

Hỏi cung bị can là một biện pháp cơ bản của hoạt động điều tra tố tụng hình sự. Trong thực tiễn, đây là một biện pháp điều tra phổ biến nhất, có khả năng thu nhiều tin tức nhất về vụ án đang điều tra cũng như các tin tức khác mà cơ quan điều tra cần thu thập. Xét hỏi tốt có thể tìm ra nguyên nhân, điều kiện phát sinh, thúc đẩy tội phạm, cũng như những sơ hở, thiếu sót của ta mà kẻ phạm tội đã lợi dụng để làm việc phạm tội. Lời cung khai trung thực, đầy đủ là những nguồn chứng cứ rất có giá trị; ngược lại, lời khai giả dối, bịa đặt lại rất nguy hiểm, có thể cho ta nhận định sai sự thật, bỏ lọt kẻ phạm tội, làm oan người vô tội, gây tổn thất cho xã hội.

Điều 131 Bộ luật Hình sự quy định:

1. Việc hỏi cung bị can phải do Điều tra viên tiến hành ngay sau khi có quyết định khởi tố bị can. Có thể hỏi cung bị can tại nơi tiến hành điều tra hoặc tại nơi ở của người đó.

Trước khi hỏi cung, Điều tra viên phải đọc quyết định khởi tố bị can và giải thích cho bị can biết về quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này. Việc này phải được ghi vào biên bản.

Nếu vụ án có nhiều bị can thì hỏi riêng từng người và không để họ tiếp xúc với nhau. Có thể cho bị can tự viết lời khai của mình.

2. Không hỏi cung vào ban đêm, trừ trường hợp không thể trì hoãn được, nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.

3. Trong trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên có thể hỏi cung bị can. Việc hỏi cung bị can được tiến hành theo quy định tại Điều này.

4. Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên bức cung hoặc dùng nhục hình đối với bị can thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 299 hoặc Điều 198 của Bộ luật Hình sự [8].

Về hình thức, hỏi cung bị can là hoạt động hỏi - đáp giữa Điều tra viên và bị can. Nhưng xét về bản chất, hoạt động hỏi cung thể hiện mối quan hệ tương tác về mặt tâm lý giữa Điều tra viên và bị can của vụ án. Trong đó, Điều tra viên tiến hành tiếp xúc, xét hỏi bị can làm cho bị can khai báo về hành vi tội lỗi của mình và của đồng bọn. Đó là quá trình Điều tra viên tiếp xúc, tác động đến tâm lý của bị can, hướng tới và buộc bị can phải khai báo trung thực, đầy đủ và đúng đắn những vấn đề có liên quan đến vụ án đang điều tra. Điều tra viên có trách nhiệm trực tiếp điều khiển cuộc hỏi cung theo các nguyên tắc tố tụng nhằm xem xét một cách đầy đủ, khách quan và toàn diện các tình tiết của vụ án và những yếu tố có liên quan, ảnh hưởng tới tâm lý và động cơ khai báo của bị can. Còn bị can trả lời các câu hỏi của Điều tra viên, khai báo các hành vi phạm tội của mình và đồng phạm, cung cấp các thông tin có liên quan đến vụ án mà mình biết.

Hỏi cung bị can lấy cảm hóa kết hợp với sử dụng mâu thuẫn, sử dụng chứng cứ để giải quyết tư tưởng cho bị can làm cơ sở cho phương pháp hỏi cung. Theo quy định tại khoản 2 Điều 49, việc hỏi cung không được tiến hành vào ban đêm, trừ trường hợp không thể trì hoãn được nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản. Trường hợp không thể trì hoãn được được hiểu là trường hợp mà do yêu cầu cấp bách có tính chất quyết định, quan trọng với hoạt động điều tra vụ án tại thời điểm đó buộc cơ quan điều tra và Điều tra viên phải tiến hành hỏi cung bị can ngay để thu thập chứng cứ giải quyết tình huống điều tra này.

Hỏi cung là một biện pháp quan trọng để xác định sự thật khách quan của vụ án. Tuy nhiên, hỏi cung cũng dễ dẫn đến sai lầm chủ quan, xâm phạm nghiêm trọng tới quyền lợi của bị can, chính vì vậy mà khoản 2 Điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 đã quy định lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội.

Việc hỏi cung phải được lập thành biên bản. Biên bản là văn bản phản ánh chân thực quá trình điều tra cũng như các giai đoạn khác trong việc giải quyết một vụ án hình sự. Biên bản cũng thể hiện rõ nét việc tuân theo pháp luật của những người tiến hành tố tụng, xem các hoạt động đó có diễn ra đúng trình tự, thủ tục và nguyên tắc mà pháp luật quy định hay không. Trong quá trình hỏi cung phải lập biên bản ghi đầy đủ lời trình bày của bị can, các câu hỏi và các câu trả lời. Sau khi hỏi cung phải đọc biên bản cho bị can nghe hoặc để bị can tự đọc. Nếu có sửa chữa hoặc bổ sung biên bản thì bị can và Điều tra viên cùng ký tên xác nhận. Nếu biên bản có nhiều trang thì bị can ký vào từng trang của biên bản. Trong trường hợp bị can tự viết lời khai thì điều tra cùng ký xác nhận vào lời khai đó. Nếu việc hỏi cung bị can được ghi âm thì sau khi hỏi cung phải phát lại để bị can và Điều tra viên cùng nghe. Biên bản phải ghi lại nội dung việc hỏi cung, bị can và Điều tra viên cùng ký xác nhận. Trong trường hợp hỏi cung bị can có người phiên dịch thì Điều tra viên phải giải thích quyền và nghĩa vụ của người phiên dịch, đồng thời giải thích cho bị can biết được quyền yêu cầu thay đổi người phiên dịch. Người phiên dịch và bị can cùng ký tên vào từng trang biên bản hỏi cung. Khi hỏi cung có mặt người bào chữa, người đại diện hợp pháp của bị can thì Điều tra viên phải giải thích cho họ biết quyền và nghĩa vụ trong khi hỏi cung bị can. Bị can, người bào chữa, người đại diện hợp pháp cùng ký vào biên bản hỏi cung.

Dưới góc độ tâm lý học, hỏi cung bị can là quá trình nhận thức gián tiếp của cơ quan điều tra về vụ án thông qua những tài liệu, thông tin mà bị

can cung cấp. Để có được các thông tin chính xác, khách quan và đầy đủ về vụ án, Điều tra viên phải sử dụng nhiều phương pháp, chiến thuật tác động tới tâm lý của bị can, thúc đẩy và điều chỉnh sự khai báo đúng đắn của bị can.

Kết quả của hoạt động hỏi cung luôn được đánh giá bằng sự trung thực, đầy đủ và đúng đắn qua các lời khai của bị can. Để có được lời khai đó, Điều tra viên phải bằng nhiều hoạt động khác nhau, linh hoạt và sáng tạo áp dụng các phương pháp, chiến thuật tác động tâm lý của bị can.

Điều 131 quy định: "Việc hỏi cung bị can phải do Điều tra viên tiến hành ngay sau khi có quyết định khởi tố bị can", nhưng không quy định trong khoảng thời gian nào, điều này sẽ gây khó khăn cho quá trình áp dụng. Cần quy định rõ ràng thời gian hỏi cung là bao nhiêu tiếng sau khi có quyết định khởi tố bị can để đảm bảo quyền lợi cho bị can, cũng như đảm bảo được việc thu thập chứng cứ của vụ án đúng thời gian luật định. Có những trường hợp có thể hỏi cung bị can ngay, cũng có những trường hợp cần phải đợi đến khi có luật sư mới tiến hành hỏi cung.

Cũng có trường hợp cơ quan điều tra lập hồ sơ và kết luận điều tra đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn quyết định khởi tố bị can về một tội, nhưng Viện kiểm sát thấy chưa đủ căn cứ để truy tố về tội đó mà lại thấy có đủ căn cứ truy tố về một tội khác. Viện kiểm sát trả lại hồ sơ cho cơ quan điều tra, trong trường hợp này, nếu cơ quan điều tra chỉ thay đổi quyết định khởi tố bị can mà không tiến hành hỏi cung lại có thể sẽ dẫn đến vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của bị can, cũng như bỏ qua những chứng cứ có thể thu thập thêm được thông qua lần hỏi cung lại. Trong khi đó, pháp luật lại không có quy định trong trường hợp này cần phải làm như thế nào. Điều này cũng ít nhiều gây khó khăn cho những người tiến hành tố tụng; và hậu quả là mỗi nơi áp dụng theo một cách hiểu khác nhau, dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất.

Một phần của tài liệu Các biện pháp điều tra trong tố tụng hình sự (Trang 30 - 36)