Tích hợp linh hoạt, sáng tạo

Một phần của tài liệu Hình thành và củng cố tri thức lí luận văn học cho học sinh THPT qua dạy học văn học nước ngoài (Trang 38 - 41)

6. Cấu trúc Luận văn

2.1.2. Tích hợp linh hoạt, sáng tạo

Tích hợp là một trong những xu thế dạy học hiện đại đang được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới. Ở nước ta, vấn đề xây dựng môn học tích hợp với những mức độ khác nhau đang được tập trung nghiên cứu, thử nghiệm và áp dụng vào nhà trường phổ thông. Đến nay chương trình ngữ văn THPT đã được thay đổi dựa trên tinh thần tích hợp của ba phân môn làm văn, tiếng việt và đọc văn. Trong đó phần văn học Việt Nam và văn học nước ngoài thiết kế đan xen nhau nhằm giúp học sinh không chỉ có cái nhìn toàn diện về nền văn học nước nhà mà còn có cơ hội so sánh đối chiếu với nền văn học các nước trên thế giới.

Tích hợp trong dạy học văn nói chung và VHNN nói riêng nhằm góp phần hình thành cho học sinh năng lực, kiến thức, kĩ năng và thao tác trong quá trình tiếp nhận tác phẩm. Tích hợp nhấn mạnh khả năng sáng tạo và cách vận dụng kiến thức vào các tình huống khác nhau. Đồng thời xác lập mối liên hệ giữa các kiến thức, kĩ năng khác nhau của môn học để bảo đảm cho HS

khả năng huy động một cách hiệu quả những kiến thức và năng lực của mình. Các tác phẩm VHNN được lựa chọn giảng dạy cũng thể hiện một điều, đó là sự đa dạng phong phú về thể loại như: sử thi, thơ, kịch, tiểu thuyết... Đây cũng là cơ sở quan trọng để học sinh đối chiếu với các tác phẩm văn học trong nước có cùng thể loại. Trong cấu trúc chương trình, nội dung của phần VHNN được sắp xếp đan xen với văn học Việt Nam, cách sắp xếp như vậy sẽ giúp học sinh có cái nhìn so sánh mang tính chất tổng thể với văn học nước nhà. Đó chính là chất keo kết dính làm nên mối quan hệ mật thiết giữa nền văn học các dân tộc. Và trong sự đối sánh, chúng ta sẽ nhận thấy sự khác biệt, những nét riêng của các tác phẩm, các trào lưu văn học. Trong quá trình hình thành và củng cố kiến thức LLVH cho học sinh, dạy học tích hợp có nhiều ưu thế, đó là việc lĩnh hội kiến thức được xác định rõ ràng, tránh hiện tượng bị trùng lặp. Kiến thức gắn liền với kinh nghiệm sống và hiểu biết của học sinh, nhằm thiết lập mối liên hệ giữa các khái niệm đã học, các kiến thức liên quan. Học sinh sẽ cảm thấy quá trình học tập có ý nghĩa vì giải quyết được những tình huống, vấn đề trong thực tiễn cuộc sống từ đó có điều kiện phát triển kỹ năng của chính mình.

Tuy nhiên, trong khi thực hiện dạy học tích hợp giáo viên cũng gặp phải không ít khó khăn do quan điểm, cách nghĩ và cách dạy. Thực tế vẫn có tình trạng khá nhiều giáo viên khi hướng dẫn học sinh tìm hiểu tác phẩm chỉ chú ý khai thác ý nghĩa nội dung, tư tưởng của tác phẩm mà không tích hợp kiến thức cho học sinh, không chú ý đến mối liên hệ giữa các tác phẩm trong chương trình hoặc giữa các nền văn học. Chẳng hạn, trong chương trình lớp 10, khi dạy đoạn trích Uy-lít-xơ trở về (trích sử thi Ô-đi-xê của Hy Lạp) giáo viên nên liên hệ với sử thi Ra-ma-y-a-na của Ấn Độ và sử thi Đăm Săn của Việt Nam để thấy được những điểm tương đồng và khác biệt ở 3 bộ sử thi của 3 dân tộc. Từ đó, củng cố, khắc sâu một số tri thức lý luận về thể loại sử thi.

Muốn tích hợp kiến thức LLVH có hiệu quả, giáo viên phải không ngừng tích lũy kiến thức, kỹ năng, phương pháp và vận dụng một cách sáng tạo. Có những vấn đề chỉ cần giáo viên linh hoạt là bài học sẽ sinh động và vấn đề sẽ được soi chiếu một cách nhất quán. Đặc biệt là ở phần hình thành và củng cố kiến thức cho học sinh, nếu biết vận dụng khéo léo, học sinh không chỉ nắm được kiến thức bài học mà giúp các em ôn tập những kiến thức đã học và có sự liên tưởng, đối sánh nhằm khắc sâu kiến thức LLVH. Ví dụ, khi dạy bài Thu hứng của Đỗ Phủ, bài Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng của Lí Bạch, giáo viên tích hợp cho các em những bài thơ đã học ở THCS như bài Xa ngắm thác núi Lư của Lí Bạch, bài Bài ca nhà tranh bị gió thu phá của Đỗ Phủ để các em nắm được những đặc trưng thi pháp của Thơ Đường, qua đó giáo viên kết hợp hình thành và củng cố tri thức thể loại về thơ Đường luật cho học sinh.

Dạy học VHNN không chỉ là dạy những kiến thức về VHNN mà qua đó giúp học sinh hiểu thêm về Văn học Việt Nam và tìm ra những nét gần gũi, ảnh hưởng với văn học Việt Nam. Khi dạy bài Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng, giáo viên cho học sinh thấy được tình bạn cao đẹp, chân thành, gắn bó giữa Lí Bạch với Mạnh Hạo Nhiên và liên hệ với tình bạn giữa Nguyễn Khuyến với Dương Khuê qua bài Khóc Dương Khuê của Nguyễn Khuyến. Dạy bài Bài thơ số 28 của Ta-go giáo viên liên hệ với bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh để cảm nhận được chất trữ tình, cũng như những cảm xúc, cung bậc tình yêu và giá trị nhân văn của tác phẩm. Qua đó, củng cố thêm cho học sinh những tri thức lý luận về thơ trữ tình.

Có thể thấy, tích hợp là một nguyên tắc quan trọng trong việc rèn luyện và phát triển kĩ năng tư duy, phân tích tổng hợp và khái quát cho học sinh nhằm hình thành và phát triển năng lực cảm thụ văn chương cho HS một cách hiệu quả. Đặc biệt với tính đặc thù của tri thức lý luận, nguyên tắc tích

hợp hết sức cần thiết đối với việc hình thành, củng cố tri thức LLVH cho học sinh qua đọc, hiểu văn bản văn học, trong đó có VHNN, góp phần thực hiện tốt mục tiêu dạy học VHNN trong chương trình Ngữ văn THPT.

Một phần của tài liệu Hình thành và củng cố tri thức lí luận văn học cho học sinh THPT qua dạy học văn học nước ngoài (Trang 38 - 41)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(118 trang)
w