Tuân thủ quy luật nhận thức

Một phần của tài liệu Hình thành và củng cố tri thức lí luận văn học cho học sinh THPT qua dạy học văn học nước ngoài (Trang 35 - 38)

6. Cấu trúc Luận văn

2.1.1. Tuân thủ quy luật nhận thức

Theo quan điểm của Triết học Mác-Lênin, con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý khách quan đi từ "trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn". Hoạt động nhận thức giúp con người hiểu rõ đối tượng cần biết từ tên gọi, khái niệm đến ý nghĩa, từ hiện tượng đến bản chất, quy luật, từ hình thức đến nội dung, từ yếu tố đến hệ thống và các mối liên hệ quy định lẫn nhau. Muốn nhận thức chân lý cần phải đi từ cụ thể đến khái quát, từ thấp đến cao, từ thực tiễn đến lí luận, từ cụ thể đến trừu tượng. Như vậy con người mới đạt tới sự hiểu biết đúng đắn, đầy đủ, chính xác về bản chất và quy luật của các sự vật, hiện tượng cũng như của thế giới khách quan. Việc tiếp nhận tri thức lý luận cũng phải tuân theo quy luật nhận thức chung.

Tuy nhiên, nhận thức trong văn học có những khác biệt so với các lĩnh vực khoa học khác. Bởi văn học nhận thức, phản ánh hiện thực bằng hình tượng, được tạo nên từ những rung động thẩm mỹ, sáng tạo của nhà văn. Theo Hê-ghen, nhận thức cuộc sống bằng nghệ thuật là "khám phá chân lí trong hình thức cảm tính". Vì vậy, ở đó cần có những chi tiết cụ thể, những hình ảnh trực quan sinh động tạo cảm xúc, biểu tượng, để vừa khái quát vừa cụ thể, vừa khắc họa những tính cách, số phận, hoàn cảnh, nhân vật trong tác phẩm. Nếu quá trình nhận thức chung thường là từ nông đến sâu, từ cảm tính đến lý tính, từ cụ thể đến khái quát thì trong văn học cũng vậy. Dù chúng ta sử dụng phương pháp nào thì yêu cầu kết hợp chặt chẽ kiến thức cụ thể với kiến thức khái quát là điều có tính nguyên tắc trong giảng dạy LLVH. Trên

thực tế, học sinh THPT tuy chưa được học các bài học về lí luận văn học ở THCS, nhưng đã được học một số văn bản VHDG, VH cổ điển, VH hiện đại của Việt Nam và nước ngoài. Vì vậy, để hình thành tri thức lí luận giáo viên phải biết dẫn dắt học sinh từ những tác phẩm cụ thể, dể hiểu, đồng thời khơi dậy vốn kiến thức tiềm ẩn ở các em đã được tích lũy từ THCS. Kết hợp dẫn chứng của giáo viên và dẫn chứng của học sinh, từ đó hình thành, củng cố những tri thức lí luận có liên quan. Các khái niệm thực sự hình thành trên cơ sở giáo viên phân tích, tổng hợp các bài học về tác giả, tác phẩm, các hiện tượng văn học cụ thể. Chẳng hạn, học kì 1, khi các em học đoạn trích Tình yêu và thù hận (trích Rô-mê-ô và Giu-li-et của Sếch-xpia), học kì 2 các em học bài Một số thể loại văn học: Kịch, nghị luận. Với cấu trúc chương trình như vậy, học sinh đã được tiếp xúc với văn bản kịch trước khi nắm được những vấn đề cốt lõi, giãn lược về thể loại. Đó là con đường đi từ cụ thể, cảm tính đến trừu tượng, khái quát. Những tri thức về thể loại kịch được hình thành một cách tự nhiên. Phương pháp được hầu hết GV áp dụng để hình thành khái niệm cho học sinh là phương pháp quy nạp, tức là từ sự phân tích các ngữ liệu cụ thể để đi đến khái niệm chung. Cũng có thể hình thành trực tiếp các khái niệm đối với học sinh có khả năng cảm thụ văn học tốt, sau đó minh họa bằng những tác phẩm cụ thể. Tất nhiên, phương pháp diễn dịch hay quy nạp không loại trừ hay đối lập nhau mà giáo viên nên vận dụng sao cho linh hoạt trong từng bài dạy để đạt hiệu quả. Như vậy, việc hình thành khái niệm gắn liền với những ngữ liệu cụ thể giúp học sinh dể hiểu và tiếp thu bài tốt hơn.

Điều quan trọng là trong quá trình hình thành khái niệm lí luận văn học giáo viên cần rèn luyện cho học sinh thói quen và khả năng tư duy lí luận. Quá trình tư duy đi từ tác giả, tác phẩm cụ thể đến các tác phẩm cùng đề tài, chủ đề, cảm hứng sáng tác... từ đó có thể thấy được những đặc điểm chung

của hiện tượng, xu hướng, trào lưu văn học. Qua đó các em dần hình thành kỹ năng phân tích, mở rộng và liên tưởng vấn đề. Nhận thức trong sáng tạo và tiếp nhận văn chương phụ thuộc nhiều vào khả năng cảm thụ cái đẹp, vào cách nhìn, cách diễn đạt và lý giải của người sáng tạo và tiếp nhận. Do vậy quá trình nhận thức văn học trở nên đa dạng và đủ cung bậc, lý giải hiện thực bằng những hình ảnh, hình tượng, cảm xúc. Trong bài thơ Thu hứng của Đỗ Phủ, 2 câu thơ "Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ/ Cô chu nhất hệ cố viên tâm" thật xúc động. Với cách dùng động từ "nhãn tự" - khai (nở) và hệ (buộc) và sự kết hợp rất đặc biệt: khai tha nhật lệ (nở ra nước mắt) và hệ cố viên tâm

(buộc vào trái tim), cách dùng số từ "lưỡng"- là hai và cũng ám chỉ số nhiều. Lệ của hoa hay lệ của người? rất khó phân biệt, nhưng có điểm đặc biệt là cả hai đều chung nước mắt. Nghệ thuật "đối cảnh sinh tình"."Tình thu - tình quê - tình người". "Thu cảnh" cũng chính là "thu tâm". Từ những hình ảnh đó học sinh cảm nhận được nỗi buồn nhớ quê hương và tâm trạng ngậm ngùi cho thân phận mình của nhà thơ Đỗ Phủ và thấy được sự biến ảo nghệ thuật thơ Đường luật với bút pháp tả cảnh ngụ tình.

Để hình thành và củng cố tri thức lí luận cho học sinh chúng ta cũng cần tuân theo quy luật nhận thức từ thấp đến cao. Chương trình, lớp 10 các em làm quen với khái niệm văn bản văn học và cấu trúc của văn bản văn học, gồm: tầng ngôn từ, tầng hình tượng và tầng hàm nghĩa. Các khái niệm thuộc về nội dung của văn bản bao gồm: Đề tài, chủ đề, tư tưởng và cảm hứng nghệ thuật. Các khái niệm thuộc về hình thức gồm: ngôn từ, kết cấu và thể loại. Những khái niệm này sau khi được hình thành các em sẽ có một vốn tri thức lí luận cơ bản để đọc hiểu các văn bản văn học. Phần lí luận văn học lớp 11, các em tìm hiểu một số thể loại văn học gồm: thơ, truyện, kịch, nghị luận. Với bài học lí luận này, các em được hình thành tri thức khái quát về đặc điểm của các thể loại và vận dụng vào đọc hiểu các văn bản trong chương trình. Khi các

em đã nắm được đặc trưng thể loại của văn bản, chương trình lớp 12, với 5 tiết lí luận văn học các em sẽ được nâng cao kiến thức để hiểu về quá trình văn học và phong cách văn học. Bước đầu có ý niệm về các trào lưu văn học tiêu biểu, nhận diện những biểu hiện của phong cách văn học. Có ý thức tự tìm hiểu các quy luật của văn học. Nắm được những giá trị cơ bản của văn học gồm giá trị nhận thức, giá trị giáo dục và giá trị thẩm mĩ. Nắm vững những nét bản chất của hoạt động tiếp nhận văn học. Những kiến thức lí luận đó sẽ dần được hình thành và khắc sâu, các em sẽ vận dụng những tri thức đó như chìa khóa để đọc hiểu bất kì tác phẩm nào có cùng thể loại nhằm làm phong phú vốn tri thức văn học cho mình. Điều này không chỉ trang bị cho các em kiến thức khi đang học tập trong nhà trường mà còn tạo kỹ năng cơ bản cho các em vận dụng trong đời sống xã hội.

Một phần của tài liệu Hình thành và củng cố tri thức lí luận văn học cho học sinh THPT qua dạy học văn học nước ngoài (Trang 35 - 38)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(118 trang)
w