3. Vấn đề chuyển thể tác phẩm văn học sang tác phẩm điện ảnh từ góc
3.2. Tiếp thu, bổ sung và cải biên về chi tiết nghệ thuật
Trong tác phẩm văn xuôi tự sự, chi tiết nghệ thuật chính là vật liệu làm tiền đề cho cốt truyện. Một tác phẩm tự sự hay không thể thiếu những chi tiết nghệ thuật hay. Nói về nghệ thuật viết kịch bản phim truyện, nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân cũng khẳng định: “Điện ảnh – đó là chi tiết”. Có thể nói, chi tiết là yếu tố không thể thiếu để làm nên đời sống của một tác phẩm văn học cũng như một tác phẩm điện ảnh. Đối với cả văn học và điện ảnh, chi tiết vừa là chất liệu, là tiền đề thúc đẩy cốt truyện phát triển lại vừa là yếu tố mang thông điệp, góp phần thể hiện chủ đề tư tưởng tác phẩm.
Trong quá trình chuyển thể tác phẩm văn học lên màn ảnh, chi tiết văn học là nguồn chất liệu vô cùng quan trọng đối với người viết kịch bản chuyển thể. Đặc biệt, những chi tiết hay – chi tiết phát sáng trong tác phẩm văn học luôn được nhà làm phim tiếp thu và vận dụng tối đa. Một chi tiết văn học hay không chỉ là chi tiết chân thực, sinh động mà còn mang tính tượng trưng, hàm súc rất cao. Giá trị biểu đạt mạnh mẽ của những chi tiết ấy là “tài sản” vô giá, đáp ứng yêu cầu về tính tập trung, dồn nén của cốt truyện phim. Hầu hết những chi tiết đắt giá của tác phẩm văn học gốc đồng thời trở thành điểm nhấn tạo nên sức hấp dẫn của phim chuyển thể. Trong truyện ngắn Tiếng đàn môi bên bờ rào đá, khi ông Chúng dẫn theo một cô gái trẻ trong đội dân công làm đường về nhà, cả ba người trong cuộc: ông Chúng – Mao (vợ ông Chúng) – Hoa (cô gái đi theo ông Chúng), không ai nói với ai một lời nào nhưng qua hàng loạt những chi tiết nhỏ về ánh mắt, cử chỉ, hành động của từng nhân vật, nhà văn đã khắc họa vô cùng sâu sắc, tinh tế và xúc động diễn biến nội tâm của từng nhân vật trong cảnh ngộ đặc biệt ấy: “Mao lặng lẽ chuyển đồ đạc của mình sang căn buồng của mẹ chồng trước kia… Lúc Mao mang cái hòm riêng
từ ngày về nhà chồng ra thì Chúng đứng ở cửa buồng, đưa tay ra như muốn giữ Mao lại. Mao nhìn vào mắt Chúng, nhìn thẳng. Chúng không chịu được ánh mắt Mao, phải quay mặt để Mao bước ra. Đêm hôm ấy, Chúng ngồi gọt chuôi dao bên bếp lò, muộn lắm mà không đi ngủ. Mao dọn dẹp nhà cửa xong cũng không đi ngủ mà mang bó mùng trắng ra thái. Hai người không nói gì, chỉ nghe tiếng dao thái vào thân mùng phầm phập…”. Người chồng không biết phải bắt đầu như thế nào để giải thích cho vợ hiểu về sự xuất hiện của một người phụ nữ nữa trong gia đình. Người vợ không cần chồng giải thích đã tự hiểu về cảnh ngộ đang đến với mình – và lặng lẽ chấp nhận, và lặng lẽ rút lui… Cái ăn năn, day dứt, khó xử… của người chồng khi chặn vợ ở cửa buồng, không muốn vợ dọn đồ đi. Sự uất ức, tủi hờn, trách móc… trong ánh mắt nhìn thẳng vào mắt chồng của người vợ. Những yêu thương – hờn tủi, những day dứt – giận hờn … gửi cả vào tiếng dao thái vào thân mùng phầm phập, tiếng gọt chuôi dao, gọt mãi, gọt mãi bên bếp lửa bập bùng của đêm dài vô tận… Cửa buồng cài chặt của người vợ cả (Mao) và cửa buồng không cài, chỉ khép hờ của người vợ lẽ (Hoa) trong đêm… Tất cả những chi tiết ấy diễn tả vô cùng tài tình tâm trạng tinh tế, phức tạp của từng nhân vật. Và, chúng đã được nhà biên kịch – đạo diễn Ngô Quang Hải tiếp thu, vận dụng rất hiệu quả khi chuyển thể tác phẩm thành phim Chuyện của Pao.
Tuy nhiên, không phải chi tiết quan trọng nào của tác phẩm văn học cũng được nhà làm phim chuyển thể lên màn ảnh. Trong tiểu thuyết Chùa Đàn, cuộc đàn “tử biệt sinh ly” giữa cô Tơ – Bá Nhỡ - và Lãnh Út được Nguyễn Tuân miêu tả rất tỉ mỉ với khá nhiều chi tiết ma quái: “trong buồng thờ Chánh Thú, có tiếng cười sằng sặc ở sau cái bài vị. Bát hương bàn thờ sứ chẻ sọc làm hai mảnh, tiếng nẻ toác to gọn như mắt tre nổ trong lửa. Hai mảnh sứ nhào lăn xuống nền đất kêu đánh xoảng” [tr401], “Bá Nhỡ vốn đã còm, giờ lại càng khô sút hẳn đi. Máu tuôn ra nhiều quá, đánh đống quanh chỗ Bá Nhỡ
như một khối hồng hoa… Và thân hình ngót dần đi và teo tóp mãi lại chẳng khác gì cái xác người tăng già khổ hạnh” [401], “Phía sau gáy Bá Nhỡ, vụt bay lên một con bướm đen loang lổ những chấm tròn hồng hoàng. Tinh hồn Bá Nhỡ đã xuất thoát ra kia đang díu đôi cánh ốm và biến dần vào bóng khuya” [402]… Khi chuyển thể Chùa Đàn thành phim Mê Thảo thời vang bóng, đạo diễn Việt Linh và nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân đã vận dụng rất thành công những trang viết tài hoa, uyên bác của Nguyễn Tuân để làm nên một cuộc đàn hát độc đáo, ấn tượng, đầy rung cảm trên màn ảnh. Song, hầu hết những chi tiết miêu tả cái chết kỳ lạ của người chơi đàn trác tuyệt bị lược bỏ trong quá trình chuyển thể bởi tính chất ma quái, đậm màu sắc liêu trai của nó không phù hợp với không khí và lô gic của bộ phim.
Phim truyện điện ảnh tái hiện hiện thực đời sống và xây dựng hình tượng nghệ thuật của mình thông qua hình ảnh thị giác – những chi tiết, hành động có thể quan sát được bằng mắt… Vì vậy, ngoài những chi tiết được “cung cấp” từ “bức tranh vẽ sẵn” của tác phẩm văn học gốc, nhà làm phim chuyển thể còn sáng tạo thêm nhiều chi tiết, tình tiết để “hình ảnh hóa” câu chuyện của mình. Rất nhiều chi tiết trong số đó đã trở thành những chi tiết phát sáng, giúp bộ phim thăng hoa. Chi tiết về buổi thả đèn trời trái thời của cậu Nguyễn trong phim Mê Thảo thời vang bóng là một chi tiết như thế. Tục thả đèn trời vốn là một tục lệ đẹp của nhiều vùng quê xưa, chỉ được tiến hành vào dịp lễ Nguyên tiêu (rằm tháng giêng) nhằm thể hiện mối giao hòa giữa con người và trời đất trong những ước nguyện bình an. Vì quá thương người vợ đoản mệnh, cậu Nguyễn vật vã rồi quyết định cho thắp đèn trời cầu xin cho sự hồi sinh của người vợ đã mất: “nguyện cho nàng sống lại hôm nay”. Cũng như những việc làm sai trái của cậu trước đó, quyết định thả đèn trời vào lúc trái thời nghịch tiết của cậu Nguyễn một lần nữa đi ngược lại với quy luật tự nhiên. Chiếc đèn trời cậu thắp không bay được lên cao để nhận thiên phúc mà
cháy tan ngay trên mặt đất như lời cảnh báo cho tai họa sắp giáng xuống. Việc sử dụng hình ảnh thiên – nhân hòa hợp, tương thông (thắp đèn trời cầu thiên phúc) để miêu tả sự nghịch thiên đạo của chủ nhân ấp Mê Thảo là một sáng tạo độc đáo của các nhà biên kịch, đạo diễn phim. Có thể nói, sáng tạo các chi tiết mới là một trong những phương diện thể hiện rõ nét nhất sáng tạo cá nhân và những ý đồ tư tưởng mới của người chuyển thể.