Nhân vật trong phim truyện điện ảnh

Một phần của tài liệu Vấn đề chuyển thể tác phẩm văn học sang tác phẩm điện ảnh (Từ góc nhìn từ sự (Trang 53 - 56)

3. Vấn đề chuyển thể tác phẩm văn học sang tác phẩm điện ảnh từ góc

2.2.Nhân vật trong phim truyện điện ảnh

Khái niệm nhân vật trong phim truyện điện ảnh và trong tác phẩm văn học tương đối giống nhau. Cũng như ở văn học, nhân vật là đối tượng miêu tả chủ yếu và quan trọng nhất của tác phẩm điện ảnh. Phim truyện điện ảnh nhất thiết phải có nhân vật, thậm chí nhân vật là yếu tố đầu tiên mà nhà biên kịch phải nghĩ đến khi bắt tay vào viết kịch bản phim truyện: “Việc đầu tiên của một tác phẩm là phải có những nhân vật sắc nét. Mọi thứ khác: chi tiết, tình tiết, thủ thuật… sẽ đến sau.” (Colleen McCullough – nữ văn sĩ, nhà biên kịch Ailen). Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân cũng tổng kết kinh nghiệm của mình: “Nói tóm lại, khi viết kịch bản nhất thiết phải có nhân vật, có thể là con người, cũng có thể là con vật, đồ vật, thiên nhiên… Tuy nhiên, nếu như không nhằm mục đích làm phim khoa học, giáo khoa thì nhất thiết con vật, đồ vật, cái thiên nhiên đó phải mang hơi hám con người, phải lan tỏa, mang vác nỗi niềm của

con người” [15, tr.157]. Và “Dù với mục đích nào, một bộ phim không thể không có nhân vật. Nhân vật có thể ví với cái hải tiêu mà nhà biên kịch bám vào để phát triển cốt truyện phim” [15, tr.156]. Cùng chung quan điểm này, nhà nghiên cứu David Bordwell và Kristin Thompson trong công trình Nghệ thuật điện ảnh cũng khẳng định: “Trong bất cứ một phim tự sự nào kể cả phim hư cấu hay phim tài liệu, các nhân vật đều tạo ra nguyên cớ và biểu hiện kết quả. Trong hệ thống hình thức của phim, họ làm cho sự kiện xảy ra, làm cho chúng méo mó và làm các sự kiện xoay ngược lại” [5, tr.99]. David Bordwell và Kristin Thompson còn phân tích khá cụ thể những đặc điểm của nhân vật trong phim truyện điện ảnh: “Trong phim tự sự, những nhân vật mang nhiều đặc điểm. Họ thường có một hình thể…Các nhân vật cũng thường có các đặc tính… Nhìn chung những đặc tính của nhân vật được xây dựng nhằm đảm nhiệm vai trò tạo nguyên cớ trong phim tự sự. Đặc tính của nhân vật có thể bao gồm thái độ, kỹ năng, khát vọng tâm lý, các chi tiết cụ thể về trang phục và hình thể, và cả những phẩm chất đặc biệt khác mà bộ phim đã tạo ra cho nhân vật…” [5, tr.99]. Có thể thấy, nhân vật trong phim truyện điện ảnh vừa đóng vai trò tạo ra nguyên nhân sự kiện, vừa biểu hiện kết quả. Cũng như trong tác phẩm văn xuôi tự sự, nhân vật tạo ra diễn biến cốt truyện bởi hành động của nhân vật thúc đẩy cốt truyện phát triển.

Nhân vật trong phim truyện điện ảnh cũng được chia làm nhiều loại: nhân vật chính / nhân vật trung tâm / nhân vật phụ, nhân vật chính diện / nhân vật phản diện… Về số lượng nhân vật, do đặc điểm đặc thù về thời gian trình chiếu của phim truyện điện ảnh (90 phút đến 120 phút) nên nhân vật trong phim cũng cần tập trung, không thể sử dụng quá nhiều nhân vật sẽ làm loãng cốt truyện. Một bộ phim thông thường phải có một nhân vật chính, có thể là nhân vật chính diện và cũng có thể là nhân vật phản diện. Tính cách, hành động và các mối quan hệ của nhân vật chính sẽ làm nên đường dây chính của

cốt truyện phim và qua đó, chủ đề tư tưởng của bộ phim, thông điệp của tác giả sẽ được gửi đến công chúng. Vậy, một bộ phim có thể có nhiều nhân vật chính hay không? Về điểm này, nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân đã tổng kết kinh nghiệm: “… những bộ phim như vậy không nhiều, và xét về mặt nghệ thuật, việc xây dựng đa nhân vật phải xuất phát thỏa đáng từ nội dung cốt truyện hoặc chủ đề tư tưởng. Về kỹ thuật, việc xây dựng đa nhân vật đòi hỏi nhà biên kịch phải có khả năng quán xuyến nhiều đường dây cùng lúc. Nếu nhà biên kịch không điều hành các đường dây hợp lý – trên cơ sở đối chiếu, so sánh, phản hồi giữa các nhân vật – thì sẽ dẫn đến tình trạng rối mù, khán giả không biết phải “bám” vào ai để hiểu bộ phim” [15, tr.158]. Đây không chỉ là kinh nghiệm mà đã trở thành “nguyên tắc” đối với các nhà biên kịch khi bắt tay vào viết kịch bản phim truyện.

Nếu nhân vật văn học được xây dựng bằng chất liệu ngôn từ, mang đậm tính chất phi vật thể - tính không xác định – tính lược đồ của hình tượng ngôn từ thì đặc điểm này hầu như trái ngược hoàn toàn với hình tượng nhân vật trong phim truyện điện ảnh. Là một loại hình nghệ thuật tổng hợp, tận dụng được cả phương thức biểu đạt bằng âm thanh và hình ảnh, điện ảnh có thể trực tiếp tác động cả vào thị giác và thính giác người tiếp nhận. Bởi vậy, hình tượng điện ảnh có tính trực quan, sống động nhất trong các loại hình nghệ thuật. Nó luôn hiện ra cụ thể, xác định và trọn vẹn trên màn ảnh. Phương thức diễn đạt bằng hình ảnh, âm thanh đòi hỏi mọi đường nét tâm lý, tính cách phức tạp, bí ẩn nhất của nhân vật đều phải được thể hiện ra bằng những gì nhìn thấy được, nghe thấy được mà trước hết là bằng những hình ảnh thị giác cụ thể nhất. Hình tượng điện ảnh trước hết là hình tượng thị giác. Nó thiên về biểu hiện những “hoạt động bên ngoài” của nhân vật. Đời sống nội tâm, những biến động tâm lý, tính cách… được “hiện hình hóa” một cách tối đa thành những cử chỉ, điệu bộ, động tác, hành vi… có thể quan sát được. Lời

thoại trong điện ảnh gần gũi với ngôn từ văn học, cho phép nhà làm phim có thể trình bày trực tiếp những suy nghĩ, tư tưởng của nhân vật. Song, loại thoại đó luôn bị hạn chế sử dụng trong tác phẩm điện ảnh. Thoại nói riêng và âm thanh nói chung chỉ có vai trò cung cấp thông tin, bổ sung, phụ trợ cho hình ảnh chứ không thay thế được diễn xuất hình ảnh. Việc lạm dụng thoại sẽ làm giảm tính điện ảnh của phim. Trong ngôn ngữ điện ảnh, hình ảnh một đôi mắt ngấn lệ, một khuôn ngực phập phồng, một gương mắt hoảng hốt… có sức biểu đạt vô tận mà không ngôn từ nào thay thế được. Điện ảnh xây dựng hình tượng nhân vật, diễn đạt tư tưởng của mình bằng hành động bên ngoài, bằng hình ảnh thị giác.

2.3. Vấn đề chuyển thể tác phẩm văn học sang tác phẩm điện ảnh từ góc nhìn nhân vật

Một phần của tài liệu Vấn đề chuyển thể tác phẩm văn học sang tác phẩm điện ảnh (Từ góc nhìn từ sự (Trang 53 - 56)