1. Cốt truyện trong tác phẩm văn xuôi tự sự
1.3 Vai trò của cốt truyện
Trong văn xuôi tự sự truyền thống, cốt truyện rất được coi trọng. Cốt truyện là vấn đề quan tâm hàng đầu của các nhà văn đồng thời cũng là yếu tố quan trọng nhất tạo nên cái hay, cái dở, sự hấp dẫn hay nhàm chán của một tác phẩm tự sự. Nhiều nhà nghiên cứu rất đề cao vai trò của cốt truyện, coi cốt truyện là yếu tố không thể thiếu trong việc quyết định thành công của tác phẩm. Gớt đã nhấn mạnh: “Còn gì quan trọng hơn cốt truyện và nếu thiếu nó thì cả nền lý luận nghệ thuật còn ra gì nữa? Nếu cốt truyện không dùng được thì tài năng ta cũng sẽ lãng phí vô ích”. Nhà nghiên cứu Môôm thì khẳng định: “Nhà văn sống bằng cốt truyện, y như hoạ sĩ sống bằng màu và bút vẽ vậy”. Cốt truyện đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng: bộc lộ tính cách nhân vật, thể hiện xung đột xã hội và bộc lộ phong cách, tài năng của nhà văn.
Ngày nay, trong văn học hiện đại, cốt truyện không còn giữ vị trí độc tôn nữa. Một số nhà phê bình văn học phương Tây khẳng định rằng: “Việc trí tuệ hoá văn xuôi đang diễn ra hiện nay khiến cho cốt truyện trở nên một thành tố ít quan trọng trong văn xuôi”. Nhà văn Anđrê Malraux cũng cho rằng: “Muốn cho nghệ thuật hiện đại ra đời thì cốt truyện cần phải mất đi bởi vì sẽ xuất hiện một cốt truyện mới - sự hiện diện của người nghệ sĩ trong tác
phẩm”. Những quan niệm mới về cốt truyện và vai trò của cốt truyện như vậy đã phần nào lý giải cho sự ra đời của những truyện tâm lý, truyện không có cốt truyện, những tiểu thuyết dòng ý thức… trong văn học hiện đại.
Đặc biệt, đến văn xuôi hậu hiện đại, vai trò của cốt truyện càng mờ nhạt. Nó bị xoá bỏ quan hệ nhân quả, phá huỷ tính hiện thực - những yếu tố không thể thiếu của cốt truyện theo quan niệm truyền thống: “Thay vì duy trì tính thống nhất trong trình tự thời gian và nhân quả của chuỗi sự kiện gắn với hành động của nhân vật chính, tự sự tan vỡ thành một chuỗi lắp ghép các phân đoạn, các mảnh vỡ của cuộc đời nhân vật chính. Thay vì triển khai, tự sự bám vào cuộc phiêu lưu của nhân vật, nhà văn lại biến tự sự trở thành cuộc phiêu lưu của cái viết - sự lắp ghép ngẫu nhiên các mảnh vỡ - những sự kiện phân tán rời rạc” (Trịnh Bá Dĩnh). Nhà nghiên cứu văn học hậu hiện đại Barry Lewish cũng nhấn mạnh: “Cốt truyện bị nghiền nát thành từng viên nhỏ của biến cố và hoàn cảnh, nhân vật được phân tán thành một bó khát vọng và nhức nhối”.
Như vậy, cùng với thời gian, quan niệm về ý nghĩa, vai trò của cốt truyện cũng có những thay đổi… Nhưng dù sao vẫn không thể phủ định sự cần thiết của cốt truyện với tác phẩm văn xuôi tự sự. Cốt truyện và sự hấp dẫn của cốt truyện vẫn là một tiêu chí mang tính cổ điển làm nên sự thành công của tác phẩm văn xuôi. Đặc biệt, trong vấn đề chuyển thể tác phẩm văn học sang tác phẩm điện ảnh, cốt truyện vẫn là yếu tố hàng đầu thu hút sự quan tâm của người chuyển thể kịch bản và các đạo diễn.