Miêu tả nhân vật bằng ngôn ngữ điện ảnh

Một phần của tài liệu Vấn đề chuyển thể tác phẩm văn học sang tác phẩm điện ảnh (Từ góc nhìn từ sự (Trang 56 - 60)

3. Vấn đề chuyển thể tác phẩm văn học sang tác phẩm điện ảnh từ góc

2.3.1.Miêu tả nhân vật bằng ngôn ngữ điện ảnh

Như chúng tôi đã phân tích ở trên, hình tượng nhân vật trong tác phẩm văn học không thể tác động trực tiếp lên giác quan người tiếp nhận. Trên thực tế, nhân vật văn học chỉ tồn tại trong suy nghĩ, trong sự tưởng tượng, liên tưởng của người đọc dựa vào những miêu tả của nhà văn. Bởi vậy, hình tượng văn học mang tính “không xác định”. Cùng một nhân vật văn học: nàng Scarlett O’Hara (tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió), nàng Anna Katerina (tiểu thuyết Anna Katerina), bác sĩ Zhivago (tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago), bố già Vito "Don" Corleone (tiểu thuyết Bố già) hay cậu bé phù thủy thông minh Harry Potter (bộ tiểu thuyết dài tập Harry Potter) … nhưng chắc chắn hình dáng, gương mặt của nhân vật đó trong trí tưởng tượng của mỗi độc giả là khác nhau, không ai giống ai. Trái lại, nhân vật điện ảnh luôn hiện ra cụ thể, xác định và trọn vẹn trên màn ảnh (qua hình ảnh diễn viên thủ vai nhân vật đó). Bởi vậy, khi xem phim chuyển thể từ tác phẩm văn học, nhiều khán giả tỏ

ra bất bình, thậm chí phản ứng dữ dội khi thấy nhân vật trên phim có hình dáng, diện mạo, phong thái, cử chỉ… không giống như tưởng tượng của mình. Khi đọc tiểu thuyết, truyện ngắn, dựa trên văn bản miêu tả của nhà văn, mỗi độc giả đã tự “tuyển diễn viên”, tự “đạo diễn” một bộ phim trong trí tưởng tượng của riêng mình và “nhân vật” trong những “bộ phim” ấy, ở trăm người đều khác nhau cả trăm. Phim truyện chuyển thể được làm theo suy nghĩ, cảm nhận của nhà đạo diễn; nhân vật trong phim do những diễn viên cụ thể thủ vai; luôn hiện ra trực quan, sống động trên màn ảnh và chắc chắn sẽ không giống với tưởng tượng chủ quan của riêng ai. Đây là một đặc điểm thú vị của quá trình đưa nhân vật văn học lên màn ảnh.

Do sự khác biệt về chất liệu sử dụng nên phương pháp miêu tả nhân vật trong điện ảnh và văn học cũng khác nhau. Hình tượng nhân vật văn học là hình tượng ngôn từ. Hình tượng nhân vật trong điện ảnh là hình tượng thị giác. Ngoại hình, tính cách và sự phát triển tính cách của nhân vật trong tác phẩm điện ảnh phải được biểu hiện bằng các hình ảnh, hành động, các cử chỉ, điệu bộ…, bằng những biểu hiện nhìn thấy được. Bởi vậy, từ công trình sáng tạo của nhà văn, nhà làm phim phải hình ảnh hóa các miêu tả trong văn bản văn học, xây dựng nhân vật của mình thông qua những hình ảnh thị giác chân thực, sống động nhất. Ở những tác phẩm văn học giàu “chất điện ảnh”, nhà làm phim có thể tìm thấy các gợi ý về hành động, cử chỉ, thái độ… của nhân vật trên chính văn bản ngôn từ của nhà văn. Đối với những trường đoạn thể hiện diễn biến nội tâm, suy tư thầm kín của nhân vật – mà chỉ ngôn từ văn học mới miêu tả trực tiếp được, nhà biên kịch – đạo diễn sẽ phải sáng tạo các hình ảnh, chi tiết… để làm hiện hình hóa những cảm xúc, suy tư đó. Ai đã từng đọc tiểu thuyết Bệnh nhân người Anh cũng sẽ vô cùng ngạc nhiên, xúc động khi xem bộ phim cùng tên bởi tác phẩm đoạt giải Oscar này đã biểu hiện một cách tài tình thế giới nội tâm riêng tư mà tác giả Michael Ondaatje đã sáng tạo nên. Ở

bộ phim Mê Thảo thời vang bóng, cuộc đàn hát không tiền khoáng hậu và những chuyển động nội tâm dữ dội của các nhân vật mà Nguyễn Tuân miêu tả trong Chùa Đàn cũng đã được đạo diễn Việt Linh chuyển tải rất thành công lên màn ảnh qua âm thanh tiếng đàn, tiếng phách, qua lời ca “giã biệt” xót xa, da diết của bài hát ca trù:

Trần ai tri kỷ luống ngậm ngùi đôi lứa sắp phân ly Cõi nhân tâm dan díu nghiệp tơ tằm

Say cũng lụy, không say thời cũng lụy… …Nợ nhân tình càng vướng càng đau Yêu nhau, yêu mấy, yêu càng nát tan… Thôi xin chàng về nơi núi mờ xa

Nhận em một lạy cho qua một đời…

Và đặc biệt là qua đôi mắt ngấn lệ, thăm thẳm, mênh mang của cô Tơ (diễn viên Thúy Nga thủ vai) – “Đôi mắt cô long lanh ngấn lệ, nhưng nước mắt cứ như tích tụ, mọng lên mãi mà không trào ra được, thể hiện một nội tâm đang nát tan trước mạch sống cứ dần tắt đi trong từng khoảnh khắc nơi người tình của mình” 8.

Đôi mắt đẫm lệ của cô Tơ trong cuộc hát cuối phim Mê Thảo thời vang bóng.

Trong bộ phim Thời xa vắng, từ cái tâm lý ngượng ngùng, dằn dỗi, bực bội đến tức giận, căm ghét của cậu bé Sài đối với “cô vợ người lớn” – từng được nhà văn Lê Lựu diễn giải khá hài hước, thú vị mà chua chát qua giọng điệu trần thuật của người kể chuyện biết tuốt trong tiểu thuyết Thời xa vắng – nay lại được đạo diễn Hồ Quang Minh chuyển thể khá thuyết phục sang ngôn ngữ điện ảnh, qua hàng loạt các hình ảnh, hành động của nhân vật. Đó là gương mặt tức tối, khó chịu của cậu nhóc Sài mỗi lần nhìn thấy cô vợ và gương mặt vui vẻ, hồn nhiên, thoải mái của cậu khi được trốn nhà, trốn mẹ, trốn vợ… ra ngủ trên vó bè của ông Kiên. Đó là cảnh Sài và Tuyết mang xôi, gà về biếu bố mẹ vợ nhân ngày xá tội vong nhân: qua đoạn đường có đông người qua lại, đến đoạn đường vắng, Sài đưa mắt liếc nhìn xung quanh rồi đi chậm dần, tụt lại phía sau vợ, chân bước lết từng bước một cách khó chịu; đến gần cổng vào nhà Tuyết, nó mới sải dài bước hơn để bắt kịp vợ; vào nhà vợ, sau khi đọc một hơi những câu đã học thuộc lòng, Sài xin phép về luôn và không chờ đồng ý, nó quay gót, đi ra một cách hấp tấp như chạy trốn… Và đặc biệt là trường đoạn miêu tả cảnh vợ chồng Sài trong buồng ngủ: Tuyết nằm cong người trên chõng tre, quay mặt vào tường giả vờ ngủ - bị Bà Đồ đẩy vào buồng với vợ, Sài liếc nhìn Tuyết – Tuyết lấy ngón tay vẽ vẽ lên chiếu một cách vô thức – Sài ngồi đầu cúi gầm, suy ngẫm – nghe tiếng chân và tiếng kẽo kẹt bên ngoài, Sài hướng mắt về phía cửa, thấy bà Đồ nằm trên chiếc chõng tre áng trước cửa buồng – Sài quay vào trong, bước đến gần chõng, nơi Tuyết nằm – Tuyết hơi đơ người, ngón tay bấu vào gối chờ đợi – Sài bước một chân lên chõng, rồi hai chân… nhưng là để nhón chân với lấy cái nia tròn to gác dưới mái nhà – Hình ảnh Tuyết nằm ngủ trên chõng, ở chân chõng, Sài nằm co quắp trong cái nia, xoay lưng vào vợ… Chỉ qua những hình ảnh, hành động ấy của nhân vật, người xem có thể hiểu rõ thái độ dứt khoát, quyết tâm “không đội trời chung” với vợ của cậu nhóc Sài, đối nghịch với cái mong đợi,

khát khao thầm kín, nỗi niềm hồi hộp, chờ đợi chồng của Tuyết... Tất cả nỗi niềm, cảnh ngộ hài hước mà xót xa của cặp vợ chồng “cộc lệch” hiển hiện rõ qua những hình ảnh “biết nói” ấy của nghệ thuật điện ảnh. Có thể thấy, các yếu tố của ngôn ngữ điện ảnh: hình ảnh thị giác, âm thanh (thoại, âm nhạc), montage (dựng phim) cũng có khả năng biểu hiện thế giới nội tâm nhân vật vô cùng tinh tế, sâu sắc.

Không chỉ chuyển đổi phương pháp miêu tả nhân vật từ ngôn từ văn học sang ngôn ngữ hình ảnh thị giác của điện ảnh, trong quá trình chuyển thể tiểu thuyết thành phim, nhà làm phim chuyển thể còn có những cải biên, bổ sung về hệ thống nhân vật, tính cách nhân vật… cho phù hợp với đặc trưng riêng của nghệ thuật điện ảnh.

Một phần của tài liệu Vấn đề chuyển thể tác phẩm văn học sang tác phẩm điện ảnh (Từ góc nhìn từ sự (Trang 56 - 60)