Khái niệm cốt truyện trong phim

Một phần của tài liệu Vấn đề chuyển thể tác phẩm văn học sang tác phẩm điện ảnh (Từ góc nhìn từ sự (Trang 26 - 28)

2. Cốt truyện trong phim truyện điện ảnh

2.1. Khái niệm cốt truyện trong phim

Nghệ thuật điện ảnh phát triển nhanh chóng nhờ sự hấp thụ tinh hoa, học hỏi kinh nghiệm của các bộ môn nghệ thuật khác, đặc biệt là văn học. Đồng thời, ngành nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh cũng tiếp thu, vận

dụng rất nhiều từ hệ thống khái niệm và các phương pháp nghiên cứu của bộ môn nghiên cứu văn học. Hầu hết các khái niệm về hình thức tự sự trong tác phẩm điện ảnh đều được viết ra từ lý thuyết văn học.

Khái niệm cốt truyện phim về bản chất rất gẫn gũi với khái niệm cốt truyện trong tác phẩm văn học. Nó cũng là “một chuỗi những sự kiện trong một mối liên hệ nhân quả xảy ra trong không gian và thời gian” [5, tr.95]. Khán giả hiểu một bộ phim tự sự bằng cách xác định các sự kiện và liên kết chúng bằng nguyên nhân và kết quả, thời gian và không gian. Trong cuốn

Nghệ thuật làm phim (Nhà xuất bản Trẻ, 2002), đạo diễn Lê Dân cũng cho rằng: “Cốt truyện là hình thức trong đó sự sáng tạo nghệ thuật đã xuất hiện dưới dạng sắp đặt, bố trí thứ tự các sự kiện, tổ chức các mối quan hệ của các nhân vật trước những sự kiện một cách chi tiết, nhằm đạt tới hiệu quả tối đa đối với người thưởng thức”. Như vậy, về cơ bản, cốt truyện của phim cũng chính là hệ thống sự kiện được xếp đặt, tổ chức nhằm bộc lộ xung đột, mâu thuẫn, phát triển tính cách nhân vật, mối quan hệ giữa các nhân vật … trong phim.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu phê bình điện ảnh rất chú trọng việc phân biệt giữa hai khái niệm: câu chuyện (Story) và cốt truyện (Plot). Câu chuyện (Story) là “một tổ hợp của tất cả các sự kiện trong một tự sự, cả những sự kiện được biểu hiện ra bên ngoài và những sự kiện mà người xem phán đoán đều tạo nên câu chuyện” [5, tr.97]. Bên cạnh đó, “thuật ngữ cốt truyện được sử dụng để mô tả bất cứ sự hiện diện một cách có thể nhìn thấy hoặc nghe thấy trên phim trước chúng ta” [5, tr.97]. Cốt truyện phim bao gồm tất cả các sự kiện của câu chuyện được mô tả trực tiếp trên phim và, cốt truyện của phim cũng có thể bao hàm cả các tư liệu nằm ngoài thế giới câu chuyện (ví dụ: danh sách đạo diễn - diễn viên, nhạc nền…) nhưng được xuất hiện trên phim. Nói cách khác, cốt truyện phim trình bày thông tin câu chuyện với người xem. Như vậy, khái niệm câu chuyện và cốt truyện phim chồng chéo

nhau ở một số khía cạnh và cũng phân biệt nhau ở một số khía cạnh khác. Hệ thống sự kiện được đưa vào phim là điểm chung của cả hai khái niệm này. Ngoài ra, câu chuyện mở rộng hơn cốt truyện bởi nó bao hàm cả những sự kiện khác, nằm trong ranh giới truyện kể nhưng người xem không bao giờ được chứng kiến trên màn ảnh mà chỉ phán đoán nhờ vào các gợi ý trên phim. Mặt khác, cốt truyện cũng vượt ra khỏi thế giới câu chuyện bởi sự hiện diện của các hình ảnh và âm thanh ngoài ranh giới truyện kể - những yếu tố có thể tác động lên cách hiểu câu chuyện của khán giả. Ta có thể hình dung rõ mối quan hệ giữa khái niệm câu chuyện và cốt truyện của phim truyện điện ảnh qua sơ đồ sau:

Câu chuyện

Các sự kiện giả thiết và phán đoán

Các sự kiện hiện diện trên phim

Các tư liệu phụ ngoài ranh giới truyện kể

Cốt truyện

Sự phân biệt khái niệm cốt truyện và câu chuyện của phim sẽ giúp ta xác định được mối quan hệ giữa thời lượng câu chuyện - thời lượng cốt truyện – và thời lượng trình chiếu của một bộ phim, trật tự sự kiện trong cốt truyện và trong câu chuyện, tần số sự kiện… từ đó mà hiểu được đặc điểm của cốt truyện phim.

Một phần của tài liệu Vấn đề chuyển thể tác phẩm văn học sang tác phẩm điện ảnh (Từ góc nhìn từ sự (Trang 26 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)