THỰC TRẠNG QUẢN LÝ CHI NGÂN SÁCH HUYỆN THỌ XUÂN TỈNH THANH HÓA GIAI ĐOẠN 2010-
2.1.2 Tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện
Thọ Xuân là vùng đất địa linh nhân kiệt, là huyện có bề dày lịch sử, văn hoá cách mạng với 25 di tích được xếp hạng, trong đó 7 di tích Quốc gia
và 18 di tích cấp tỉnh. Nơi đây đã sản sinh ra nhiều anh hùng kiệt xuất nổi tiếng như vua Lê Đại Hành và vua Lê Thái Tổ.
Toàn huyện có 38 xã và 3 thị trấn. Dân số huyện đứng thứ hai trong tỉnh với 213.066 người tính đến hết ngày đến ngày 1/4/2009, trong đó dân tộc Kinh chiếm khoảng 80% dân số, dân tộc Mường, Thái chiếm 20%. Mật độ dân số cao và phân bố không đều, năm 2009 là 709 người/km2, gấp 2,1 lần mật độ dân số trung bình của tỉnh Thanh Hoá (330 người/km2) và gấp 2,8 lần mật độ dân số trung bình cả nước (252 người/km2).
Do thực hiện tốt chương trình phổ cập giáo dục và chăm sóc sức khoẻ nhân dân nên huyện đã đạt phổ cập giáo dục THCS đúng độ tuổi và chất lượng dân số của huyện không ngừng được nâng cao.
Hầu hết dân cư của huyện sống ở địa bàn nông thôn, chiếm trên 90,3% dân số toàn huyện, dân số thành thị chiếm 9,7%, thấp hơn so với bình quân chung của tỉnh (9,8%) và thấp hơn nhiều so với trung bình của cả nước (27%). Điều này cho thấy mức độ đô thị hóa, phát triển công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn huyện còn thấp.
Trong những năm qua huyện đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các tổ hợp sản xuất, hộ gia đình, liên kết phát triển các ngành, nghề truyền thống và du nhập thêm các nghề mới như: Nghề làm tranh thuê nghệ thuật xuất khẩu (Xuân Giang), nghề sản xuất tăm hương (Xuân Thắng), nghề mộc cao cấp (Xuân Bái), làm bánh gai (Thọ Diên), kẹo lạc (Xuân Yên), nem nướng (thị trấn Thọ Xuân), bánh lá răng bừa (Xuân Lập), thổ cẩm (Xuân Phú), nón lá (Thọ Lộc), cót (Bắt Căng)... Đến nay, toàn huyện có khoảng 10.000 lao động làm nghề tiểu thủ công nghiệp. Trong 2 năm 2010, 2011 đã có 748 lao động nông thôn được đào tạo nghề theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Việc khôi phục, phát triển nghề truyền thống, du nhập và nhân cấy nghề
mới trong những năm qua đã tác động tích cực đến quá trình hình thành các khu vực, các điểm kinh tế động lực cho mỗi vùng, mỗi cụm, mỗi địa phương, góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp 6 tháng đầu năm 2012 của huyện Thọ Xuân đạt khoảng 105,6 tỷ đồng.
Năm 2011 huyện có hơn 180 doanh nghiệp, doanh thu trên 500 tỷ đồng, nộp thuế Nhà nước trên 8 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 3.500 lao động. Tuy đã đạt được những kết quả ban đầu, nhưng hiện nay một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện vẫn còn hoạt động cầm chừng, chưa có chiều sâu, chưa có chiến lược hoạt động lâu dài, ít quan tâm đến xây dựng, cũng cố thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp.
Cùng với việc thực hiện tốt các chỉ tiêu kinh tế, công tác xã hội cũng được quan tâm phát triển. Năm 2010 - 2011 toàn huyện có 50 trường chuẩn quốc gia; đã xây dựng được 184 làng, khu phố, cơ quan văn hoá; phong trào thể dục thể thao phát triển mạnh theo hướng xã hội hoá; có 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên năm 2010-2011 ở mức 0,5- 0,6%, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 16,5%. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm rất nhanh, năm 2001 là 30,2% đã giảm dần năm 2005 là 26,2% đến năm 2010 còn 12,0%. Hệ thống dịch vụ, đặc biệt là thông tin và truyền thông phát triển mạnh, đến năm 2010 các xã, thị trấn đã có bưu điện văn hoá xã, 100% xã, thị trấn có điện thoại. Dịch vụ vận tải phát triển mạnh ở các địa phương trong huyện, dịch vụ du lịch, lễ hội đang từng bước được coi trọng.
Kết quả chuyển dịch lao động của huyện còn chậm so với bình quân chung của toàn tỉnh. Lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, là lĩnh vực có năng suất thấp vẫn chiếm tỷ lệ cao, số lao động làm việc trong các ngành có năng suất cao như công nghiệp, dịch vụ, còn chiếm tỷ lệ thấp.
Thu nhập bình quân đầu người, năm 2009 đạt 5,8 triệu đồng, trong khi đó năm 2008 chỉ đạt 5,2 triệu đồng, và ước năm 2010 đạt 6,6 triệu đồng.
Những năm qua, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, bằng sự cố gắng nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân trong huyện, kinh tế của huyện đã đạt được nhịp độ phát triển ổn định, toàn diện và khá cao. Năm 2001 tổng giá trị gia tăng (theo giá cố định) toàn huyện đạt 560.5 tỷ đồng, tăng lên 872 tỷ đồng năm 2005, đạt 1415.9 tỷ năm 2009 và năm 2010 đạt 1604 tỷ đồng.
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đều vượt kế hoạch tỉnh giao, đáp ứng chi thường xuyên, đảm bảo quy định của luật Ngân sách, vừa tăng chi đầu tư cho các chương trình mục tiêu.
Nguồn thu cho ngân sách chủ yếu trông chờ vào ngân sách của cấp trên. Thu ngân sách từ cấp trên vẫn chiếm chủ yếu trong tổng thu ngân sách hàng năm của huyện (81,8%). Thu ngân sách trên địa bàn huyện chỉ chiếm 18,1%. Mặc dù, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện Thọ Xuân khá cao nhưng phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của huyện; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn diễn ra chậm; tiến độ quy hoạch các cụm điểm công nghiệp tuy đã có chuyển biến tích cực song việc triển khai còn chậm; cơ sở vật chất văn hoá - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn chưa đáp ứng được yêu cầu hiện nay.