Khi nghiên cứu về nguồn đặc điểm sinh trưởng ở cây dưa chuột, Tatlioglu (1993) đã phát hiện ra một loại dưa chuột sau một thời gian sinh trưởng trên đỉnh ngọn của thân xuất hiện một chùm hoa và cây ngừng sinh trưởng về chiều cao. Hiện tượng này được gọi là dạng hình sinh trưởng hữu hạn và do gen lặn de kiểm soát còn gen trội De kiểm soát dạng hình sinh trưởng vô hạn. Ở giai đoạn cuối của thời kỳ sinh trưởng, gen de cũng đóng vai trò làm giảm số đốt và làm ngắn đốt trên cây do đó sẽ làm giảm chiều dài của cây. Theo quan điểm của Franken (1981), dạng hình sinh trưởng hữu hạn có quan hệ đến chiều cao cây, số lượng đốt và chiều dài
đốt là do hàng loạt gen kiểm soát, hoạt động đa gen lại chịu tác động bởi điều kiện môi trường.
Năm 1998, Carlos cho biết có ít nhất 70 gen quy định các tính trạng trên cây dưa chuột. Các gen quy định đặc điểm cây, đặc điểm quả như: gen dw quy định dạng cây bụi, gen td kiểm soát việc ức chế hình thành tua cuốn, gen trội B quy định gai quả màu đen, gai mầu đen hoặc mầu nâu trội so với gai màu trắng (Tkachenco, 1935). Nhưng gen B quy định màu sắc gai lại có liên kết chặt với gen R xác định màu quả chín đỏ và cũng liên kết với gen H quy định phân bố dạng lưới nhăn trên vỏ quả. Nghiên cứu cho biết gen c quy định tính trạng vỏ quả dưa chuột khi chín có màu trắng kem, gen này tương tác với gen R và di truyền ở F2 theo tỷ lệ 9 màu đỏ
(RC) : 3 màu cam (Rc) : 3 màu vàng (rC) : 1 màu kem (rc). Hầu hết các giống dưa chuột Châu Âu có gen Tu, khi có mặt gen này các u vấu phát triển trên bề mặt quả
khi quả còn xanh, đây cũng là chỉ tiêu mà nhiều người tiêu dùng ưa thích.