Chính sách điều chỉnh trong công nghiệp

Một phần của tài liệu Cải cách kinh tế ở Ấn Độ và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam (Trang 49 - 52)

C. Kinh tế đối ngoạ

A.Chính sách điều chỉnh trong công nghiệp

Ngày 24-7-1991, Chính phủ công bố “Chính sách công nghiệp”, tuyên bố về chương trình điều chỉnh mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghiệp mà người ta gọi là Chính sách Công nghiệp mới của Ấn Độ. Bốn điểm chính trong Chính sách Công nghiệp mới là: +)Nới lỏng quy định cấp phép đầu tư, +)Xoá bỏ hạn chế đầu tư đối với các công ty độc quyền, +)Xoá bỏ độc quyền Nhà nước trong một số ngành, +)Tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Cụ thể như sau:

Nới lỏng quy định cấp phép đầu tư: Chính sách Công nghiệp mới đã xóa bỏ những quy định về xin phép đầu tư trong tất cả các ngành, bất kể mức đầu tư là bao nhiêu, ngoại trừ 18 ngành đặc biệt vẫn phải xin phép (được liệt kê cụ thể trong Phụ lục của Tuyên bố về Chính sách Công nghiệp). Song, theo như cam kết là “chính sách của Chính phủ sẽ luôn đổi mới”, số lượng các ngành đặc biệt này dần giảm xuống chỉ còn 5, đó là sản xuất vũ khí, thiết bị nguyên tử, sản xuất rượu bia, thuốc lá và hóa chất nguy hiểm.

Xoá bỏ hạn chế đầu tư đối với các công ty độc quyền: Chính sách Công nghiệp mới đã tuyên bố: “Luật chống độc quyền sẽ được sửa đổi. Các điều luật về sáp nhập, mua lại, tiếp quản sẽ được điều chỉnh. Tương tự, các điều luật liên quan đến tiếp nhận và chuyển sở hữu cũng sẽ được sửa đổi”. Theo đó, Chính sách Công nghiệp mới cho phép các công ty độc quyền không phải xin phép trước khi quyết định đầu tư. Thay vì yêu cầu các công ty độc quyền phải xin phép trước khi mở rộng đầu tư, mua lại, sát nhập, tiếp quản hay bổ nhiệm vị trí quản lý mới; Chính phủ Trung Ương sẽ quản lý bằng cách chuyển sang trực tiếp quản lý và điều chỉnh độc quyền, ngăn chặn các hoạt động thương mại không công bằng.

Xoá bỏ độc quyền Nhà nước trong một số ngành: Chính sách Công nghiệp mới đã giảm bớt độc quyền Nhà nước, chỉ cho phép độc quyền trong 8

ngành liên quan đến an ninh và chiến lược. Nhưng sau đó, số lượng 8 ngành này rút xuống chỉ còn 2, đó là ngành Đường sắt và Năng lượng nguyên tử.

Tăng cường thu hút FDI: Chính sách này đã xóa bỏ quy định “giới hạn 40% cổ phần của nước ngoài”. Một cơ chế tự động phê duyệt dự án đầu tư nước ngoài bắt đầu được triển khai. Ngoài ra, cơ chế phê duyệt tự động vốn do Ngân hàng Trung Ương Ấn Độ đề ra đã được củng cố, cho phép các công ty nước ngoài có thể sở hữu đến 51% cổ phần trong 35 ngành, các ngành này được công khai trong phụ lục của Tuyên bố. Trong những năm tiếp theo, chính sách này ngày càng được nới lỏng và cơ chế phê duyệt tự động có thể được áp dụng cho hầu hết các ngành, trừ một số ngành độc quyền Nhà nước và một số ngành vẫn cần phải xin phép đầu tư. Trung bình trong 48 ngành chế tạo của Ấn Độ, giới hạn cổ phần của nước ngoài được tự động phê duyệt là 51%. Song nếu xét cá biệt, một số ngành có mức giới hạn này cao đến 74% đó là khai thác mỏ, sản xuất điện, xây dựng đường - cầu - cảng - sân bay. Đối với các hoạt động chế tạo trong khu chế xuất, không có giới hạn trong chế độ phê duyệt tự động, trừ những ngành độc quyền Nhà nước hay là những ngành vẫn cần phải xin phép. Đối với ngành quốc phòng vốn là một ngành trong diện phải xin phép đầu tư, đã được mở cửa hoàn toàn cho khu vực tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài được phép tham gia đến 26% mặc dù vẫn phải xin phép.

Như vậy có thể nói, Chính sách Công nghiệp năm 1991 đã có tác dụng khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đẩy mạnh đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực kỹ thuật cao và các ngành sản xuất cho xuất khẩu. Chính sách này đã quy định việc tổ chức lại và thu hẹp phạm vi hoạt động của thành phần kinh tế Nhà nước, tập trung vào một số ngành công nghiệp then chốt và công nghiệp quốc phòng. Những xí nghiệp làm ăn thua lỗ sẽ bị giải thể, số còn lại sẽ từng bước cổ phần hóa. Kinh tế tư nhân được tự do phát

triển, được phép mở rộng phạm vi hoạt động ra cả những lĩnh vực mà lâu nay chỉ dành riêng cho công nghiệp Nhà nước độc quyền.

Một phần của tài liệu Cải cách kinh tế ở Ấn Độ và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam (Trang 49 - 52)