Nông nghiệp và phát triển nông thôn

Một phần của tài liệu Cải cách kinh tế ở Ấn Độ và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam (Trang 27 - 28)

Sau khi giành độc lập năm 1947, Ấn Độ phải đối mặt với một thách thức lớn là giải quyết tình trạng thiếu đói kéo dài từ thời thực dân. Tình hình nông nghiệp lúc đó của Ấn Độ kém phát triển bởi một loạt các nguyên nhân như đất canh tác quá ít, chế độ sở hữu ruộng đất bất bình đẳng, thời tiết khắc nghiệt, hệ thống thủy lợi yếu kém, hệ số sử dụng đất thấp, kỹ thuật canh tác lạc hậu… Do vậy, Chính phủ đã cấp bách tiến hành cải cách ruộng đất và thực hiện quảng canh - đưa vào sử dụng diện tích đất hoang. Năm 1966-1967, một chiến lược nông nghiệp có tên là Cuộc Cách mạng xanh được triển khai, nội dung chính là phát triển các giống lúa cao sản, áp dụng phương pháp trồng trọt hiệu quả…Đến 1970, Ấn Độ tiếp tục thực hiện Cuộc Cách mạng

trắng, tập trung chủ yếu vào chăn nuôi trâu, bò, dê lấy sữa. Ngoài ra, Chính

phủ còn tiến hành một loạt các biện pháp phát triển nông nghiệp như công nghiệp hóa thủy lợi, cải tiến nông cụ truyền thống, phát triển máy móc nông

nghiệp hiện đại, áp dụng công nghệ sinh học vào sản xuất, ưu tiên điện khí hóa nông thôn, khuyến khích các ngành nghề thủ công truyền thống…

Nền kinh tế Ấn Độ đã đạt được những thay đổi mang tính lịch sử, từ một “trung tâm đói kém” của thế giới trở thành một quốc gia không những tự túc lương thực mà còn dành một phần để xuất khẩu. Chính sách ưu tiên cho nông nghiệp của Ấn Độ vừa có ý nghĩa sách lược vừa có ý nghĩa chiến lược bởi nó không chỉ giải quyết nạn đói trước mắt mà còn tạo cơ sở vững chắc cho quá trình công nghiệp hóa.

Tuy nhiên, nông nghiệp Ấn Độ vẫn còn khó khăn. Sau độc lập, bởi chính sách của Ấn Độ là phát triển một nền kinh tế tự lực tự cường nên nông dân Ấn Độ bị cô lập khỏi thị trường quốc tế, không có cơ hội để giao thương với nước ngoài. Hơn thế nữa, xuất phát từ quan điểm tự lực tự cường, Ấn Độ muốn tạo lập cho mình một nền tảng công nghiệp vững chắc. Do đó, trong khi công nghiệp được bảo hộ bởi chính sách thay thế nhập khẩu thì nông nghiệp lại không được hưởng những ưu đãi như thế.

Một phần của tài liệu Cải cách kinh tế ở Ấn Độ và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam (Trang 27 - 28)