C. Chính sách chú trọng phát triển công nghiệp phần mềm
B. Ấn Độ đang có vị thế ngày càng tăng trong khu vực Châ uÁ
Kinh tế Ấn Độ hiện nay đang ở giai đoạn cất cánh. Những cải cách kinh tế ngày càng triệt để và phù hợp với nhu cầu thời đại đang giúp Ấn Độ phát huy hết những tiềm năng vốn có của mình, phục vụ cho quá trình tăng trưỏng và phát triển kinh tế. Cùng với sự nổi lên mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc, quyết tâm cải cách kinh tế của Chính phủ Ấn Độ sẽ là một yếu tố quan trọng giúp Ấn Độ tăng cường vai trò và vị thế của mình ở khu vực Châu Á.
Quan hệ Ấn Độ và khu vực Nam Á: Ấn Độ là một quốc gia lớn nhất
trong khu vực Nam Á và hiện đang là thành viên của Tổ chức hợp tác khu vực Nam Á SAARC (South Asia Association for Regional Cooperation) gồm
Ấn Độ, Bangladesh, Butan, Maldives, Nepan, Pakistan và SriLanka. Để cải thiện mối quan hệ kinh tế giữa các nước trong khối SAARC, Ấn Độ và các nước thành viên đã có những cuộc viếng thăm lẫn nhau, cùng giải quyết các bất đồng về kinh tế, đưa ra những chính sách ưu đãi đầu tư, giảm thuế xuất nhập khẩu hàng hóa...[49].
Để thay đổi tình hình và thúc đẩy thương mại trong khu vực, Ấn Độ và các nước SAARC đã ký kết một Hiệp định khung về Thỏa thuận thương mại tự do Nam Á (SAFTA) vào tháng 1/2004 nhằm cắt giảm thuế quan xuống còn 0-5%. Hiệp định này chính thức có hiệu lực kể từ 1/1/2006 và sẽ được hoàn thành vào ngày 31/12/2015; trong đó, thời gian thực hiện đối với Ấn Độ và Pakistan sẽ là 7 năm, SriLanka là 8 năm, và các nước kém phát triển nhất gồm Nepal, Bhutan, Bangladesh và Maldives là 10 năm. Việc ký kết SAFTA đang làm thay đổi môi trường kinh doanh ở Nam Á. Các quốc gia trong khu vực, dù lớn hay nhỏ, đều tăng cường buôn bán thương mại với nhau hơn [50].
SAFTA sẽ giúp Ấn Độ xuất khẩu được nhiều hơn những hàng hóa nông nghiệp, khai khoáng, hóa chất, dược phẩm, dệt may, giày da, sản phẩm viễn thông...sang các nước Nam Á láng giềng; giúp Ấn Độ có tiếng nói lớn hơn trong việc duy trì mối quan hệ thương mại chặt chẽ giữa Nam Á và Đông Nam Á. Hiệp ước SAFTA hy vọng có thể nâng thương mại nội khối lên gấp đôi, đạt 6 tỷ USD mỗi năm và Ấn Độ sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ SAFTA.
Quan hệ với Trung Quốc: Trong thành tích kinh tế ở Châu Á thời
gian gần đây, Trung Quốc được nhắc đến như là một “điểm nóng” về tăng trưởng. Tuy nhiên, Ấn Độ sẽ là đối thủ cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc để khẳng định vị trí là “nước lớn” trong khu vực Châu Á. Với thung lũng Bangalore - nơi tập trung những công nghệ thông tin hiện đại bậc nhất thế
giới - Ấn Độ cũng có những biện pháp phát triển kinh tế để đuổi kịp, hoặc có thể vượt Trung Quốc trong vòng hai mươi năm tới. Cho đến nay, những thành tựu kinh tế cả Trung Quốc và Ấn Độ đạt được đều đáng tự hào, cả hai nước đều đang có những nỗ lực để khẳng định vị trí của mình bằng những lợi thế và cách đi khác nhau.
Cuối thập kỷ 90, Ấn Độ chủ yếu tập trung vào khu vực Nam Á. Tuy chính sách “Hướng Đông” đem lại nhiều lợi ích song chưa đủ để Ấn Độ bành trướng kinh tế sang Đông Á. Nhận thức của Ấn Độ trong vấn đề duy trì sự chi phối của mình ở Đông Á chỉ thực sự sáng tỏ khi Trung Quốc và các nước ASEAN thiết lập Khu Thương mại Tự do vào tháng 11/2001, thời hạn thực hiện 10 năm, kết thúc vào năm 2010. Khu vực Thương mại Tự do Trung Quốc - ASEAN sẽ gồm 1,7 tỷ dân, GDP đạt khoảng 2.000 tỷ USD. Trong năm 2004, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN đạt mức cao kỷ lục là 105,9 tỷ USD, tăng 35% so với năm 2003, vượt chỉ tiêu 100 tỷ USD sớm 1 năm so với kế hoạch mà hai bên đã đề ra; đưa Trung Quốc lên một vị thế mới trong quan hệ với khu vực Châu Á [48].
Chính hoạt động này đã làm Ấn Độ thức tỉnh. Dù chưa thành lập được Khối Thương mại Tự do Ấn Độ - ASEAN như Trung Quốc đã làm, nhưng Ấn Độ đã và đang xúc tiến ký Hiệp định Thương mại Tự do FTA (Free Trade Agreement) với từng nước thành viên ASEAN, cũng như rất tích cực tạo quan hệ thương mại với các quốc gia trong ASEAN. Điều này sẽ được phân tích kỹ trong Chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ.
Chính sách “Hướng Đông” và quan hệ hợp tác thương mại Ấn Độ
- ASEAN: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN có tổng số dân
khoảng 500 triệu người, tổng sản phẩm quốc nội đạt hơn 600 tỷ USD. Đây thực sự là một thị trường đầy tiềm năng mà rất nhiều quốc gia và khu vực trên
thế giới muốn đặt quan hệ hợp tác thương mại. Trong thập kỷ qua, tự do hóa kinh tế cùng với việc đẩy mạnh chính sách “Hướng Đông” (Look East) của Ấn Độ ngày càng thắt chặt hơn nữa mối quan hệ kinh tế vốn có giữa Ấn Độ và ASEAN [13]. Thương mại Ấn Độ - ASEAN đã tăng lên gấp đôi trong thập niên 90. ASEAN trở thành đối tác đầu tư lớn thứ 3 vào Ấn Độ, chỉ sau Mỹ và EU. Trước cải cách, quan hệ thương mại Ấn Độ - ASEAN có tồn tại song không tập trung mà dàn trải. Lí do bởi Ấn Độ chủ trương đóng cửa nền kinh tế đi liền với bảo thủ hướng nội trong hợp tác; còn ASEAN thì muốn đi tìm các đối tác khác hơn là hợp tác với Ấn Độ. Quá trình cải cách của Ấn Độ kết hợp với nguyện vọng tìm kiếm thị trường và cơ hội đầu tư của ASEAN vào Ấn Độ cộng thêm những lí do chính trị khác nữa, đã tạo nên một môi trường thuận lợi cho sự hợp tác kinh tế giữa Ấn Độ và ASEAN.
Trong năm qua, Ấn Độ đã ký các FTA với một số nước Châu Á. Tháng 4/2003, Ấn Độ và Singapore đã ký kết một Hiệp ước Hợp tác Kinh tế toàn diện, trong đó gồm cả FTA. Tháng 10/2003, Ấn Độ ký FTA với Thái Lan. Sau đó, Ấn Độ sẽ nhập khẩu hàng chế tạo của các nước này gồm linh kiện ô tô, vô tuyến, điện thoại không dây, điều hòa nhiệt độ...với mức thuế giảm từ ngày 1/3/2005; và miễn thuế hoàn toàn vào tháng 3/2006. Việc ký kết FTA với Thái Lan và Singapore buộc các nhà sản xuất chế tạo Ấn Độ phải thay đổi phương thức kinh doanh để có đủ năng lực cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài.
Thêm vào đó, Ấn Độ phải tự do hóa hơn nữa chính sách bảo hộ kinh tế tương đối cao hiện nay để tạo hiệu quả và sức cạnh tranh mới. Việc ký kết các FTA với các nước Châu Á cho thấy động cơ của chính sách “Hướng Đông”. Ấn Độ vừa muốn học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế của các nước Đông Á, lại vừa muốn tham gia chia sẻ thị trường Châu Á với các nước lớn khác trong khu vực như Nhật Bản, Trung Quốc. Cho tới nay, Ấn Độ dường như
vẫn nằm ngoài mô hình “đàn nhạn bay” ở Châu Á trong đó Nhật Bản là con nhạn đầu đàn; bởi hầu hết công nghệ nhập khẩu và công nghệ chuyển giao thông qua FDI của Ấn Độ là từ Mỹ và EU; còn của ASEAN và NIEs lại là từ Nhật Bản và các nước trong khu vực Châu Á. ASEAN hiện nay có thế mạnh là thị trường rộng lớn, có kinh nghiệm quản lý kinh tế, vốn lớn, kỹ thuật cao; trong khi Ấn Độ lại nổi trội về nguồn lao động rẻ và dồi dào; một số lĩnh vực khoa học kỹ thuật như công nghệ phần mềm, sản xuất máy bay, công nghiệp năng lượng...Sự bổ sung cơ cấu giữa hai mô hình kinh tế Đông Á và Ấn Độ sẽ đem lại lợi ích cho cả hai phía.
Để tìm kiếm bạn hàng mới và củng cố vị trí của mình ở Châu Á, Ấn Độ còn mở rộng quan hệ kinh tế đa phương và song phương với các nước khác trong khu vực. Năm 1997, Ấn Độ là một trong những thành viên sáng lập ra Tổ chức Hợp tác Kinh tế vùng Vịnh Bengal BIMST-EC (Bangladesh, India, Myanma, SriLanka, Thailand - Economic Cooperation) gồm Bangladesh, Ấn Độ, Myanma, SriLanka và Thái Lan. Năm 2003, kim ngạch trao đổi thương mại của BIMST-EC đã đạt 7,3 tỷ USD. Khối Thương mại Tự do BIMST-EC dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2017.
Ấn Độ còn tích cực ủng hộ cho việc thành lập các tổ chức hợp tác khu vực khác như Tổ chức hợp tác khu vực vành đai Ấn Độ Dương IOR-ARC (Indian Ocean Rim - Association for Regional Cooperation) bao gồm các nước nằm ven Ấn Độ Dương; thành lập tam giác kinh tế Bhutan - Nêpan - Ấn Độ. Các tổ chức hợp tác kinh tế như vậy đang giúp Ấn Độ đẩy nhanh tiến trình tự do hóa thương mại và tăng cường luồng vốn, tìm kiếm vị trí kinh tế mới cho mình ở Nam Á, tiến nhanh sang Đông Nam Á và cả Châu Á - Thái Bình Dương.