C. Chính sách chú trọng phát triển công nghiệp phần mềm
2.1.2.2. Chính sách cải cách nông nghiệp và phát triển nông thôn
Có thể nói, Ấn Độ đã thoát ra được tình trạng nghèo đói lương thực trong thập kỷ cải cách kinh tế. Khó có thể tìm thấy một nền kinh tế đang phát triển có tốc độ tăng trưởng nông nghiệp khoảng 4% hoặc cao hơn. Trong giai đoạn 1992-1997, Ấn Độ đạt mức tăng trưởng nông nghiệp trung bình là 4,7%/năm. Trong những năm sau đó, do những bất lợi về thời tiết nên tốc độ tăng trong nông nghiệp dừng ở mức tăng trưởng 2%/năm. Tháng 9 năm 1998, Chính phủ đưa ra kế hoạch với nội dung chủ yếu là tăng lao động và thu nhập thông qua tăng năng suất và hoạt động kinh tế nông thôn; khuyến khích xóa đói giảm nghèo; huy động lao động ngoài giờ; phân phối lương thực và giảm giá các mặt hàng cho lớp người sống dưới mức nghèo khổ; tăng gấp đôi sản lượng lương thực trong thập kỷ tới, đạt 300 triệu tấn để đảm bảo cho dân số 1 tỷ người vào năm 2007; mỗi người dân dưới mức nghèo khổ được cấp 10 kg lương thực với giá giảm 50%. Nhà nước đã tiến hành nhập một lượng lớn các mặt hàng nông sản như lúa mỳ, gạo, ngô…sau đó bán hạ giá, chịu lỗ để ổn định thị trường.
Tuy nhiên, do thiên tai, do ảnh hưởng của môi trường bên ngoài và một phần do quản lý yếu kém nên nông nghiệp Ấn Độ vẫn phải chịu nhiều tổn thất. Điều này giải thích tại sao cho đến nay, 1/3 dân số Ấn Độ vẫn sống dưới mức nghèo khổ với thu nhập bình quân chưa đến 1USD/ngày/người. Song, những con số trên không đánh giá bi quan về cải cách nông nghiệp của Ấn Độ. Với một đất nước rộng lớn và đông dân cư, những thành quả cải cách của một thập kỷ qua là đáng tự hào. Trong hai thập niên tới, ngành nông
nghiệp Ấn Độ chắc chắn sẽ có sự phát triển mới nhờ tiềm năng đất đai, sức mạnh của con người và sự ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến.
Hiện Ấn Độ đang đi tiên phong trên thế giới trong việc sử dụng công nghệ thông tin để phục vụ lợi ích cộng đồng ở các vùng quê. Tiêu biểu là tại bang Karnataka, nhờ có công nghệ thông tin, nông dân có thể nắm rất rõ các thông tin về đất và quyền sử dụng đất của gia đình mình thông qua truy cập các thông tin về chủng loại đất, năng suất canh tác, các lô đất được cầm cố, điều kiện thế chấp để vay nợ…tại hơn 200 quầy máy tính tại các cơ quan hành chính trên toàn bang; chấm dứt tình trạng các cán bộ lợi dụng tình trạng mù thông tin của người nông dân để sách nhiễu, lừa gạt họ [43]. Như vậy, công nghệ thông tin đã hỗ trợ người nông dân rất hiệu quả, từ đó góp phần cải thiện diện mạo cho nông thôn.