Ngôn ngữ trần thuật

Một phần của tài liệu Tìm hiểu nghệ thuật trào phúng của Vũ Trọng Phụng qua tiểu thuyết Số đỏ (Trang 73)

Theo từ điển thuật ngữ văn học, trần thuật là “phương diện cơ bản của

phương thức tự sự, là việc giới thiệu, khái quát, thuyết minh, miêu tả, đối với nhân vật, sự kiện, hoàn cảnh, sự vật theo cách nhìn của một người trần thuật nhất định” [7, 364]. Ngôn ngữ trần thuật trong tiểu thuyết Số đỏ rất phong phú và đa dạng.

Trong tiểu thuyết Số đỏ, tác giả đóng vai trò là người trần thuật, từ góc nhìn phê

phán tác giả đã miêu tả một cách hài hước và sinh động về hoàn cảnh, về lời nói, hành động, tính cách của nhân vật bằng ngôn ngữ trần thuật chứa đựng đầy yếu tố mâu thuẫn, nghịch lý. Chẳng hạn như kể về quá khứ bà Phó Đoan: “còn lai lịch bà Phó Đoan thì kể ra cũng hay hay. Hồi còn đương xuân, bà đã bị một lính Tây hiếp, lúc mới ở nhà quê ra tỉnh xem hội đình. Sau vụ hiếp trái phép đến ngay cuộc hiếp đúng luật, nghĩa là cuộc làm phép cưới. Người lính ấy sau này thành ông phó Đoan. Ăn ở với nhau độ mười năm, ông phó Đoan chết, chết trung thành với nước, chết chung tình với vợ, chết như những người yêu vợ quá sức. Rồi bà lấy một ông phán trẻ được hai năm thì ông chồng nội hóa cũng lăn cổ ra chết... Bà chính chuyên đến nỗi chồng bà kiệt lực cạn sức, phải trốn xuống suối vàng” [32, 14-15]. Những cụm từ “hiếp đúng luật”, “chết như những người yêu vợ quá sức”, “ông chồng nội hóa”, “chính chuyên đến nỗi chồng kiệt lực” đã nhấn đi nhấn lại một cách hài hước tính cách “dâm phát sợ” của bà Phó Đoan.

Nhưng cũng có khi người trần thuật mất tính khách quan. Tác giả tham gia vào tác phẩm một cách trực tiếp, ví dụ: “thấy chướng mắt quá thể” [32, 29], “Chao ôi! Thế thì còn gì là tiệm may Âu hóa nữa” [32, 86], “Thế mà nào đã hết cho đâu! Than ôi” [32, 235]. Đây là một số lời nói của nhà văn chứ không phải lời nói của nhân vật. Nhà văn cảm thấy thế nào, muốn nói gì thì diễn đạt trực tiếp nó. Ngoài ra nhà văn cũng bộc lộ thái độ chủ quan của mình qua việc dùng nhiều trạng từ, tính từ kèm theo phó từ như “lắm” hoặc “rất” mang tính phóng đại: “nhớn lắm” [32,

74

29], “rất khó tả, rất kỳ quái” [32, 35], “chuyện trò vui vẻ lắm” [32, 74], “một cách rất đa dâm” [32, 87].

Trong chương II, người trần thuật miêu tả một cách hài hước, châm biếm sở cẩm, một trong những cơ quan thể hiện bộ mặt của chế độ thực dân. Trong sở cẩm có bảy người và trong đó chỉ có bốn người lính thôi nên bốn thầy lính cảnh sát phải thay phiên nhau đạp xe khắp cả mười sáu phố để phạt. Hai thầy đi tuần ở ngoài đường, còn hai thầy khác đi khắp mười sáu phố gần như là việc tập đua xe và một thời gian ngắn sau đã trở nên bốn cua rơ đại tài rồi. “Trong mười sáu phố ấy chẳng may có khi xảy ra một sự gì phạm vào trật tự thì phần nhiều lại không thấy bóng vía các thầy cảnh sát đâu cả! Hàng rong, bồi, bếp, phu xe, ăn may, những người ấy chỉ sau khi thầy cảnh sát đã cắm đầu đạp xe đạp khỏi phố thì mới đái đường, thì mới đánh nhau, chửi nhau...” [32, 17]. Do đó, nhân viên sở cẩm đành phải phạt nhau để tăng thu, chi ngân sách nhà nước.

Ngôn ngữ là một phương tiện nghệ thuật để nhà văn sáng tạo tác phẩm văn học. Ngôn ngữ của nhân vật và ngôn ngữ của người trần thuật góp phần biểu đạt nội dung tư tưởng của tác phẩm. Trong tiểu thuyết Số đỏ, Xuân Tóc Đỏ, bà Phó

Đoan, cụ cố Hồng là những nhân vật điển hình tiêu biểu với ngôn ngữ riêng rất đặc sắc. Ngôn ngữ đối thoại, ngôn ngữ trần thuật đã góp phần nhà văn miêu tả tính cách, bản chất của nhân vật một cách cụ thể, sinh động và lột tả hiện thực xã hội nhốn nháo bấy giờ. Qua đối thoại của các nhân vật, chúng ta có thể thấy một xã hội giả dối, bịp bợm, mọi giá trị đạo đức, mọi chuẩn mực xã hội bị phá vỡ. Đặc biệt, Vũ Trọng Phụng đã sử dùng “ngôn từ hành động, hài hước có một ma lực cuốn hút độc giả, làm cho độc giả chìm đắm vào sự biến chuyển của câu chuyện, sự biến đổi của những cảnh đời, nhân vật và số phận” [52, 242].

Một phần của tài liệu Tìm hiểu nghệ thuật trào phúng của Vũ Trọng Phụng qua tiểu thuyết Số đỏ (Trang 73)