Trong DHLS, cũng như các bộ môn khác ở nhà trường phổ thông, ngoài việc tiến hành bài học nội khóa – hình thức dạy học cơ bản, còn có các hoạt động ngoại khóa. Hoạt động ngoại khóa có vai trò hết sức quan trọng, nó góp phần bồi dưỡng, làm sâu sắc, phong phú, toàn diện tri thức LS mà HS thu nhận trên lớp. GV và HS được rèn luyện khả năng độc lập “làm việc” với sách giáo khoa và tài liệu học tập khác, HS có thể thu thập, lựa chọn, xử lý các nguồn tài liệu, rút ra những vấn đề khái quát, những kết luận nhận định. Như vậy, hoạt động ngoại khóa là một hình thức tổ chức dạy học cho bài nội khóa, là nguồn kiến thức không thể thiếu có tác dụng giáo dục, phát triển HS.
Nội dung của hoạt động ngoại khóa trước hết do nhiệm vụ chung của trường phổ thông quy định. Hoạt động ngoại khóa ở trường phổ thông không
phải là hoạt động bắt buộc, nhưng nếu GV tổ chức tốt vẫn góp phần vào việc nâng cao chất lượng bộ môn. Tùy vào điều kiện thời gian, cơ sở vật chất của từng trường và khả năng tổ chức của mỗi GV để lựa chọn các hoạt động ngoại khóa khác nhau như kể chuyện, nói chuyện, đọc sách, tổ chức dạ hội, tham quan, trò chơi lịch sử…
2.4.2.1. Sử dụng tài liệu văn học để kể chuyện Lịch sử
Đây là hình thức hoạt động ngoại khóa hấp dẫn, dễ làm và có tác dụng giáo dục cao. Nội dung câu chuyện kể phải liên quan đến các sự kiện cơ bản trong bài học, chân xác, tránh những chi tiết ly kì không có giá trị khoa học, không phù hợp với yêu cầu học tập. Kể chuyện muốn đạt hiệu quả phải diễn đạt bằng ngôn ngữ súc tích, giàu hình ảnh, sinh động, lôi cuốn và thu hút người nghe. Cách diễn đạt, âm lượng, nhịp điệu, thái độ, ngữ điệu… của GV sẽ tác động không nhỏ đến HS. Người kể phải làm cho người nghe xúc động, phải để cho họ như đang được sống, được chứng kiến, tham gia vào sự kiện lịch sử.
Sau khi kể xong câu chuyện, GV nên hướng dẫn các em trao đổi, thảo luận, trình bày ý kiến riêng của mình về các vấn đề, nhân vật LS vừa tìm hiểu, từ đó rút ra kết luận và bài học LS.
Ví dụ: Kỉ niệm 45 năm thực hiện di chúc của Hồ Chí Minh, nhà trường tổ chức một buổi hoạt động ngoại khóa. GV yêu cầu HS tìm hiểu nội dung chủ đề của buổi ngoại khóa về Bác và sau đó GV kể chuyện Bác Hồ trong buổi đầu hoạt động cứu nước (1911-1918), để giúp HS hiểu được hoàn cảnh gia đình, tình hình quê hương đất nước Việt Nam lúc bấy giờ là động lực để
Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước: “Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, sinh ra và lớn lên trong một vùng quê phong cảnh hùng vĩ, có truyền thống yêu nước từ lâu đời, được hun đúc qua nhiều bước thăng trầm của lịch sử.
Người sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890 với tên Nguyễn Sinh Cung, tại làng Hoàng Trù (làng Chùa), quê mẹ. Quê cha ở làng Kim Liên (làng Sen). Hai làng giáp nhau, cùng chung một xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Nguyễn Sinh Cung là con thứ ba của bà Hoàng Thị Loan và ông Nguyễn Sinh Sắc.
… Nguyễn Sinh Cung cất tiếng khóc chào đời khi đất nước đã mất hoàn toàn về tay thực dân Pháp (sáu năm sau Hiệp ước Patơnốt). Dân tộc Việt Nam đang đứng trước thảm họa diệt vong. Nhiều cuộc nổi dậy chống Pháp, cứu nước đã nổ ra nhưng đều lần lượt thất bại…”. Với nội dung GV cung
cấp cho HS qua câu chuyện về Bác, HS sẽ tái hiện lại những kiến thức đã học trong sách giáo khoa.
“Một sáng mùa xuân năm 1911, thầy trò trường Dục Thanh không còn nghe thấy tiếng còi tập thể dục của thầy giáo Nguyễn Tất Thành nữa. Thầy đã ra đi từ bao giờ!... Trong khi thầy trò trường Dục Thanh đang bâng khuâng vì nỗi chia ly bất ngờ, Nguyễn Tất Thành đã đặt chân lên xứ “Nam Kỳ trực trị”.
Đến thành phố Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành bắt đầu làm quen với những điều mới lạ của đất “trực trị” thuộc Pháp. So với thành phố anh đi qua thì Sài Gòn quả là đồ sộ, sầm uất gấp nhiều lần. Nhịp sống ở đây hối hả, căng thẳng. Chỉ có tới đây Nguyễn Tất Thành mới thấy rõ cách tổ chức cai trị, cách bóc lột tinh vi, tàn nhẫn của bọn tư bản Pháp…
… Để sống và tìm cách đi nước ngoài, Nguyễn Tất Thành phải làm nhiều công việc lao động chân tay trên đất Sài Gòn. Nơi anh thường tạm trú và qua lại nhiều nhất là cảng Nhà Rồng. Đó là cảng sông. Gọi là “Nhà Rồng” vì ở đây, trên nóc ngôi nhà của Sở đại lý hàng hải Pháp có đắp hai con rồng chầu mặt trời.
Nguyễn Tất Thành rất chú ý đến các hãng tàu buôn. Có hai công ty tàu biển lớn chạy đường Pháp – Đông Dương. Đó là hãng Métxagiơri Maritim,
còn gọi là hãng “Đầu Ngựa” và hãng Sácgiơ Rêuyni, còn gọi là hãng “Năm Sao”. Phân biệt hai hãng đó rất dễ, anh chỉ cần nhìn ống khói các tàu vẽ hình đầu con ngựa hay hình năm ngôi sao. Anh được biết hãng Năm Sao có dán nhiều quảng cáo in bằng hai thứ tiếng Pháp và Hán, ghi hành trình của nó: Sài Gòn – Tuaran – Hải Phòng – Xingapo – Côlômbô – Ghibuti – Poxaít – Mácxây – Boócđô – Lơhavơrơ – Đoongkéc. Anh còn biết một điều hấp dẫn nữa là hãng Năm Sao có tuyển “bồi An Nam” để phục vụ hành khách trên tàu. Ý định của anh sớm muộn sẽ thực hiện được. Anh sẽ sang châu Âu, nơi có trào lưu tư tưởng tự do, dân chủ và khoa học kỹ thuật đang phát triển, để xem xét, để nghiên cứu, để tìm ra lý luận cách mạng đúng.
Sài Gòn có điều kiện giúp anh thực hiện ước mơ của mình.
Trưa ngày 2 tháng 6 năm 1911, anh ra bến Nhà Rồng. Tàu của hãng Năm Sao từ Tuaran (Đà Nẵng) vừa cập bến. Anh lên thẳng tàu xin việc làm. Thấy anh, chủ tàu “Amiran Latusơ Tơrêvin” hơi ngần ngại. Nhìn chàng trai khôi ngô, nhưng gầy gò, có dáng học trò hơn là người lao động, ông hất hàm hỏi:
- Anh có thể làm việc gì? - Tôi có thể làm bất cứ việc gì!
Nghe câu trả lời gọn lỏn của chàng trai, chủ tàu hứa:
- Được, ta sẽ lấy anh làm phụ bếp, sáng mai anh đến đây nhận việc. Thế là ngày hôm sau (mồng 3 tháng 6 năm 1911), Nguyễn Tất Thành với tên Văn Ba được nhận vào làm việc trên tàu. Sự nghiệp của anh bắt đầu bằng đôi bàn tay trắng. Viên thuyền trưởng Lui Êđua Maisen giao cho Văn Ba cọ rửa xoong chảo, bát, đĩa và những việc khác như nhặt rau, xúc than, cào lò… Anh sẽ phải làm quần quật suốt cả ngày. Cuộc đời bôn ba của anh bắt đầu từ đây. Anh sẽ lao động để đi.
Ngày 5 tháng 6 năm 1911, tàu Amiran Latusơ Tơrêvin kéo một hồi còi dài nhổ neo, từ từ rời bến Nhà Rồng.
Nguyễn Tất Thành nhìn đăm đắm vào bờ như muốn khắc sâu vào tâm trí hình ảnh cuối cùng trước giây phút ly biệt quê hương muôn vàn yêu dấu. Chào tạm biệt Sài Gòn! Chào tạm biệt quê hương xứ sở!” [27, tr. 7-104].
Nội dung kể chuyện không chỉ có khối lượng sự kiện, tri thức được cung cấp, mà còn bao gồm cả việc phân tích, nêu bản chất của sự vật hiện tượng. Nếu tính logic của câu chuyện kể được xây dựng trên cơ sở những sự kiện, tri thức chính xác thì nó có ý nghĩa giáo dục rất lớn.
2.4.2.2. Sử dụng tài liệu văn học để tổ chức dạ hội Lịch sử
Dạ hội lịch sử là một hoạt động ngoại khóa có tính chất tổng hợp, thu hút tất cả HS trong lớp, trường tham dự. Dạ hội lịch sử có tác dụng củng cố, làm sâu sắc, phong phú thêm nhiều tri thức khoa học và nghệ thuật, gợi dậy những xúc cảm làm cơ sở để giáo dục tình cảm, bồi dưỡng óc thẩm mĩ, gây hứng thú học tập bộ môn.
Muốn tổ chức dạ hội lịch sử, GV phải thực hiện các yêu cầu sau:
- Chọn chủ đề văn học phải sát với LS dân tộc, phải phù hợp với chương trình, trình độ và yêu cầu của HS.
- Lựa chọn nội dung văn học phải đảm bảo yêu cầu giáo dưỡng, giáo dục và phát triển HS, phù hợp với yêu cầu chương trình dạy học và phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý HS.
- Lựa chọn hình thức tổ chức phải phong phú, đa dạng, tạo được khí thế của một đêm lễ hội theo đúng nghĩa, cần thu hút sự tham gia đông đảo của HS vào các hoạt động nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần tập thể của các em.
- Có kế hoạch chuẩn bị chu đáo (thời gian, địa điểm, nội dung, hình thức, kinh phí, khách mời…).
- Có chủ đề cho dạ hội lịch sử như: “Theo bước chân Bác Hồ”, “Hành trình đi tìm chân lí của Hồ Chí Minh”…. Ví dụ, khi tiến hành tổ chức buổi dạ hội theo chủ đề “Theo bước chân Bác Hồ” chúng ta có thể tiến hành theo những nội dung sau:
1. Tổ chức hội diễn văn nghệ
- Tổ chức hoạt cảnh cho GV và HS diễn với nội dung mang chủ đề buổi đầu ra đi tìm đường cứu nước của Bác tại bến cảng Nhà Rồng.
- Hát, múa, đọc thơ ca ngợi về Người. 2. Hái hoa dân chủ
GV chuẩn bị những câu hỏi về kiến thức lịch sử viết vào những băng giấy rồi gập lại theo hình những bông hoa năm cánh treo lên những cành cây đặt trên sân khấu. Sau đó người dẫn chương trình sẽ mời mọi người lên tham gia trò chơi. Mỗi người sẽ lựa chọn cho mình bông hoa năm cánh và đọc to nội dung câu hỏi bên trong, sau đó trả lời. Câu hỏi có thể được thiết kế như sau:
Hãy đọc chính xác tên con tàu mà Nguyễn Tất Thành đã rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước?
Bác lấy tên gì khi làm việc trên tàu? 3. Tổ chức trò chơi lịch sử
Trò chơi lịch sử là một trong những hoạt động ngoại khóa thu hút đông đảo HS tham gia, tạo được sự hấp dẫn, tạo được tinh thần đoàn kết, phát huy được năng lực tư duy sáng tạo của HS. Tham gia trò chơi lịch sử HS sẽ được mở mang kiến thức và cũng là một hình thức giải trí lành mạnh cho HS. GV có thể sử dụng trò chơi “ô chữ bí ẩn” hay đoán ý đồng đội để tổ chức cho HS chơi.
+ Trò chơi “ô chữ bí ẩn”
Trò chơi ô chữ là một trong những nguồn tư liệu trò chơi trí tuệ và hữu ích cho GV và HS trong quá trình dạy học. Đây không chỉ là một hình thức học tập tăng khả năng tư duy của người chơi mà nó được thiết lập và sắp xếp phù hợp với nội dung chương trình học. Thông qua trò chơi, người chơi sẽ thấy hứng thú, tăng cường khả năng ghi nhớ, ôn luyện lại kiến thức đã học.
Trò chơi ô chữ là hình thức mà người tổ chức đưa ra những ô vuông để trống, yêu cầu người chơi phải điền cho đúng những chữ mà người tổ chức đã
gợi ý cho mỗi ô chữ bằng một “chìa khóa”. Căn cứ vào “chìa khóa” và năng lực mà người chơi hoàn thành ô chữ. Khi thiết kế ô chữ GV phải đảm bảo yêu cầu: Sát với chương trình sách giáo khoa, phù hợp đối tượng, tiện lợi, hữu dụng, ngôn ngữ chính xác. Ví dụ: sau khi học xong khóa trình lịch sử Việt Nam (1858 - 1918), GV có thể tổ chức một hoạt động ngoại khóa có lồng ghép trò chơi ô chữ như sau:
Đ A N A N G G I A Đ I N H N G U Y E N T R I P H U O N G N G U Y E N T R U N G T R U C B I E N H O A V I N H L O N G Đ I N H T U O N G T I Đ I A T R U O N G Đ I N H B I N H T A Y Đ A I N G U Y E N S O A I N G Y E N H U U H U A N P H A N T H A N H G I A N O Q U A N T R U O N G H O A N G D I E U
GV đưa ra những ô chữ trống, rồi công bố thể lệ trò chơi: có 3 đội, mỗi đội có 5 lượt tùy chọn với 14 câu hỏi, sau khi mỗi đội chọn số câu hàng ngang, GV sẽ đọc hỏi hoặc câu gợi ý tương ứng. Đội nào có câu trả lời sớm và có tín hiệu xin trả lời nhanh nhất sẽ được trả lời trước. Nếu trả lời đúng các em sẽ được 10 điểm, nếu sai hoặc không đội nào có câu trả lời đúng thì câu hỏi đó tạm thời được bỏ qua (sẽ dành cho khán giả trả lời). Sau hai lượt chọn
các ô hàng ngang (3 đội/ 6 câu), các đội có quyền mở ô hàng dọc nếu tìm ra ô chữ chìa khóa. Nếu đúng các em được 50 điểm, nếu sai sẽ không được chơi tiếp các lượt còn lại. Nếu qua 4 – 5 lượt các đội mới đoán được ô chữ chìa khóa thì chỉ được 25 điểm.
1. Ô thứ nhất (6 chữ cái)
Đây là vị trí thực dân Pháp nổ súng mở màn cho quá trình xâm lược Việt Nam giữa thế kỉ XIX được ca dao viết:
Thần công nó bắn Đạn nổ đùng đùng Nó bắn lung tung Vào thành Đà trấn … 2. Ô thứ 9 (10 chữ cái)
Tên một nhân vật có công trong cuộc kháng chiến chống Pháp được
nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu khóc: Ôi trời Bến Nghé, mây mưa sụt sùi, thương đấng anh hùng gặp bước gian truân; đất Gò Công cây cỏ ủ ê, cám niềm phần tử hết lòng trung ái. Xưa còn làm tướng, dốc rạng giồi hai chữ bình tây; nay thác theo thần, xin dâng hộ một câu phúc thái.
3. Ô thứ 13 (11 chữ cái)
GV đọc hai câu thơ nói về địa danh này để giúp HS mở được ô chữ hàng ngang thứ 13.
Hà Nội xưa,… sót nơi đây
Ô xưa chứng tích chốn này… tháng năm
Sau khi các em trả lời hết các ô hàng ngang, các em sẽ tìm được từ chìa khóa là tên của Bác Hồ lúc sinh thời. Nếu trường hợp HS không trả lời được
GV có thể gợi ý bằng một đoạn văn như sau: Một tin vui đến với gia đình họ Nguyễn Sinh và dân làng: ông Nguyễn Sinh Sắc (cha của Bác Hồ) đậu phó bảng. Dân làng nô nức chuẩn bị trống cờ, võng lọng đi rước quan phó bảng
Nguyễn Sinh Sắc về “vinh quy bái tổ”… Về làng Sen, ông phó bảng làm lễ vào làng cho hai con trai. Chắc ông nghĩ đến mình, đến tương lai của con, bèn ghi tên Sinh Cung là… [27, tr. 25-28]. Đọc đến đây, GV dừng lại và HS
sẽ tìm được từ chìa khóa của ô chữ bí ẩn.
Buổi dạ hội kết thúc, GV thay mặt ban giám khảo cảm ơn các vị khách mời, các thầy cô giáo cùng toàn thể các em HS đã nhiệt tình tham gia tạo nên thành công của dạ hội. Trao phần thưởng cho các đội tham gia trò chơi và hát một tiết mục văn nghệ.
2.4.2.3. Sử dụng tài liệu văn học thông qua các trò chơi Lịch sử
Trò chơi lịch sử là một hình thức ngoại khoá gọn nhẹ, dễ tổ chức và rất hấp dẫn đối với HS. Đây không chỉ là một hoạt động giải trí mà đòi hỏi người tham dự phải phát huy năng lực tư duy, trí thông minh để giải quyết các vấn đề đặt ra. Nếu trò chơi không đòi hỏi sự nỗ lực, không đòi hỏi sự hoạt động tích cực của tư duy thì trò chơi đó chưa đạt yêu cầu.
Có nhiều loại trò chơi lịch sử như “Thi đố vui kiến thức về lịch sử”, “Ô chữ”, “Trò chơi mật mã”, “Xúc xắc”, “Quay số”…Tuỳ vào tình hình thực tế của đơn vị mà trường hoặc tổ chuyên môn có thể tổ chức các loại trò chơi khác nhau.
Ở trường THPT tổ chức ngoại khoá bằng các trò chơi lịch sử sẽ đạt hiệu quả rất thiết thực. Để lôi cuốn HS trong quá trình tham gia, tổ chuyên môn lịch sử đã dựa vào các gameshow trên truyền hình VTV3 như: Rung chuông vàng, Theo dòng lịch sử, Đường lên đỉnh Olympia, Đuổi hình bắt chữ… mà GV có thể sử dụng sao cho phù hợp với trình độ của HS. Sau đây chúng tôi xin đưa ra một số trò chơi phổ biến, dễ thực hiện:
* Trò chơi “ô chữ bí ẩn”