Nội dung kiến thức cơ bản Lịch sử Việt Nam (1858 - 1918) lớp 11 bao gồm hai chương:
- Chương I: Việt Nam từ năm 1858 đến cuối thế kỉ XIX.
- Chương II: Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến hết chiến tranh thế giới thứ nhất (1918).
Lịch sử Việt Nam giai đoạn 1858-1918 có vị trí quan trọng. Đây là giai đoạn đánh dấu sự hoàn thành quá trình xâm lược lần thứ nhất và đặt ách cai trị của thực dân Pháp ở Việt Nam. Trong từng giai đoạn có những vấn đề sau:
+ Giai đoạn Việt Nam từ năm 1858 đến cuối thế kỉ XIX: Khi chế độ phong kiến Việt Nam đã bước vào giai đoạn khủng hoảng, những mâu thuẫn xã hội nảy sinh, nền kinh tế tiểu nông lỗi thời và lạc hậu. Yêu cầu LS lúc này là thống nhất đất nước, tạo điều kiện cho nền kinh tế hàng hóa và thị trường dân tộc phát triển. Giữa lúc đó, các thế lực phương Tây trên con đường phát triển TBCN ráo riết bành trướng thế lực sang phương Đông.
Giữa thế kỉ XIX, Pháp mới có điều kiện tập trung lực lượng, tổ chức cuộc tấn công đánh chiếm Việt Nam. Do thiếu đường lối chỉ đạo đúng đắn và quyết tâm kháng chiến của triều đình nhà Nguyễn, cuối cùng Việt Nam rơi vào tay thực dân Pháp. Trái với thái độ hèn yếu của triều đình Huế, ngay từ đầu nhân dân đã đứng dậy chiến đấu chống thực dân Pháp. Cuộc chiến tranh nhân dân bền bỉ, dẻo dai, đều khắp với tinh thần dũng cảm vô song… đã khiến thực dân Pháp phải chịu nhiều tổn thất, phải mất hơn 26 năm chúng mới hoàn thành cuộc chiến tranh xâm lược và phải mất thêm 11 năm nữa để tiến hành cuộc bình định quân sự và thiết lập nền thống trị trên toàn cõi Việt Nam.
Cuộc đấu tranh vũ trang chống Pháp của nhân dân ta tiếp tục nổ ra: phong trào Cần Vương, phong trào đấu tranh tự vệ ở các địa phương.
+ Giai đoạn Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến hết chiến tranh thế giới thứ nhất (1918): Sau khi đàn áp cuộc khởi nghĩa cuối cùng trong phong trào Cần Vương là khởi nghĩa Hương Khê, thực dân Pháp bắt tay vào công cuộc khai thác thuộc địa quy mô, có hệ thống trên toàn cõi Đông Dương. Công cuộc khai thác thuộc địa của Pháp đã làm nảy sinh những nhân tố mới:
▪Về kinh tế: Đầu thế kỉ XX ở Việt Nam đã xuất hiện những thành phần kinh tế TBCN.
▪Về xã hội: Cơ cấu xã hội biến động, xuất hiện một số tầng lớp mới: công nhân, tư sản và tiểu tư sản thành thị. Bộ phận sĩ phu đang trên con đường tư sản hóa.
Xuất hiện những cuộc vận động yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản như Đông du, Đông kinh nghĩa thục, Duy tân…
Trong những năm Chiến tranh thế giới thứ nhất, phong trào cách mạng Việt Nam rơi vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc về đường lối và giai cấp lãnh đạo. Trong bối cảnh đó, Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra con đường cứu nước mới cho dân tộc.