Phương thức miêu tả ngẫu nhiên

Một phần của tài liệu yếu tố ngẫu nhiên trong tiểu thuyết triệu phú khu ổ chuột của vikas swarup (Trang 67)

6. Cấu trúc luận văn

3.2.1. Phương thức miêu tả ngẫu nhiên

Nhân vật văn học chỉ xuất hiện qua sự trần thuật, miêu tả bằng phương tiện nghệ thuật. “Các phương thức thể hiện hết sức đa dạng” [36, 129]. Trong sự đa dạng ấy chúng ta có thể nhận thấy phương thức miêu tả được chia thành hai

biện pháp chính sau đây. Một, miêu tả trực tiếp. Nhà văn chọn cách miêu tả chi tiết về chân dung, ngoại hình, hành động, tâm trạng để giúp người đọc hình dung về ngoại hình lẫn diễn biến nội tâm của nhân vật. Phương thức này bao gồm cả việc đặt nhân vật vào những xung đột, mâu thuẫn, sự kiện… làm cho nhân vật bộc lộ phần sâu kín nhất trong tâm hồn mình. Hai, miêu tả gián tiếp. Tác giả miêu tả tính cách, nội tâm thông qua miêu tả ngoại cảnh, môi trường, đồ vật xung quanh; hoặc thông qua lời kể của nhân vật khác.

Qua việc khảo sát nhân vật, chúng tôi nhận thấy nhân vật xuất hiện trong tiểu thuyết Triệu phú khu ổ chuộtcủa Vikas Swarup qua các biện pháp miêu tả ngẫu nhiên sau: Chú trọng miêu tả ngoại hình; hành động bộc lộ tính cách.

3.2.1.1. Miêu tả ngoại hình ngẫu nhiên

Kết quả khảo sát mười bốn chương của tác phẩm cho thấy: phần lớn các nhân vật đều được miêu tả ngoại hình. Đúng với tính chất của cái ngẫu nhiên, bất chợt, thấy thế nào tả thế ấy, ngoại hình của nhân vật được miêu tả ngay khi nhân vật xuất hiện. Mỗi nhân vật một dáng vẻ riêng, không trùng lặp. Đồng thời dáng vẻ được miêu tả ngẫu nhiên, bất chợt ấy tạo hiệu ứng tiếp nhận nhân vật nơi người đọc: thân thiện, hoài nghi, lo lắng…

Ở chương mở đầu, nhân vật Neil Johnson - người đại diện cho New Age Telemedia - vừa xuất hiện, nhân vật Ram nhìn thấy: “Da trắng, đầu trọc lóc”, “com lê, cà vạt”, “mắt xanh sẫm và cái mũi hồng hồng” [66, 11]. Cái vẻ trắng trẻo, mập mạp này thể hiện sự phè phỡn, cách biệt với nhân vật chính, gầy ốm, đói khát: “Cơn đói trong bụng dâng lên cổ làm tôi hoa cả mắt. Tôi gập người lại mà ho” [65, 17]. Ở chương Sự quan tâm dành cho trẻ khuyết tật, nhân vật Sethji (Maman) đã được miêu tả như một gangster, những dấu ấn khác thường đã ngẫu nhiên trở thành điểm nhấn trong miêu tả: “Nước da ngăm đen và bộ râu đen rậm giống như râu của tên thổ phỉ Veerappan. Ông mặt bộ vest bangala. Một sợi dây chuyền vàng vừa dày vừa dài buông thòng lõng từ cổ ông ta tới tận cúc áo thứ hai. Các ngón tay của ông ta đeo đầy nhẫn có đính các viên ngọc đủ màu sắc.

Vài viên màu đỏ, vài viên màu xanh da trời, vài viên màu xanh lá cây” [66, 117]. Giữa không gian chật hẹp, nghèo túng, kém sạch sẽ của trại giáo dưỡng, ngẫu nhiên xuất hiện một diện mạo như thế tạo sự phản cảm, xa cách và cảm giác nhân vật này thiếu chân thành.

Thậm chí những nhân vật chỉ lướt qua bằng vài dòng lời kể cũng được ghi chú rõ về diện mạo. Ông Agnihoti, người đứng đầu trại giáo dưỡng ở Dehil, được nhắc đến trong một câu kể ngắn gọn: “Một ông già tốt bụng, thường mặc pyjama kurtu may bằng vải hồ bột”, nhưng ngoại hình cũng được nhấn nhá ở việc miêu tả trang phục: “thường mặc pyjama kurtu may bằng vải hồ bột”. Hay như: “Cậu bé Ashok, mười ba tuổi, có một cánh tay dị dạng”; “Raju, bị mù”; “Radhey, một đứa con trai mười một tuổi bị mất một chân”.

Khi miêu tả diện mạo nhân vật, trang phục đã ngẫu nhiêu trở thành yếu tố chung trong miêu tả. Người đàn bà không tên trong giấc mơ: sari trắng. Ông Agnihoti: pyjama kurtu may bằng vải hồ bột. Maman: vest bangala. Neil Johnson - người đại diện cho New Age Telemedia: com lê trắng. Cha Jonh trẻ:

áo khoát da bó sát. Ông bố trên chuyến tàu miền Tây: mặc chiếc áo ghi lê hàng hiệu màu đen. Cô con gái: mặc bộ salwar kameez màu xanh dương

Điểm độc đáo của việc miêu tả chi tiết ngoại hình nhân vật là: có những chi tiết sẽ trở thành “từ khóa ngoại hình” để nhận diện nhân vật hoặc “từ khóa ngoại hình” biểu đạt tầng sâu ý nghĩa của chi tiết.

Nhân vật Gupta được miêu tả: “Ông ta là người tồi nhất trong tất cả những người ở đó, một kẻ lùn tịt, lông lá, người lúc nào cũng bốc mùi da thuộc và nhai paan cả ngày. Ông ta đeo quanh cổ hai sợi dây chuyền vàng to tướng kêu đến nhức cả tai theo mỗi bước chân và cầm một cây gậy trúc ngắn mà ông ta dùng để quật chúng tôi bất cứ khi nào ông ta muốn” [66, 104]. “Lông lá”, “hai sợi dây chuyền vàng to tướng” trở thành từ khóa nhận diện Rupta trong cái đêm Salim bị gọi vào phòng, Ram đứng nhìn qua khe cửa. “Những sợi dây chuyền kêu leng keng” = Gupta đang tiếng đến gần Salim. “Tôi nhìn thấy cái mông lông

lá của ông ta” = Gupta đã tụt quần xuống, chuẩn bị cho hành vi xâm phạm Salim.

Cha Jonh trẻ với diện mạo khác biệt với các cha xứ khác: “tay đầy hình xâm rắn, áo khóa da, quần bó sát”. Những hình ảnh ấy trở thành từ khóa để nhận diện nhân vật trong chi tiết Ram bị đánh vào đầu khi đang trên đường mang thực phẩm về nhà thờ. “Tôi nghe tiếng xe máy ở phía sau… Ông ta phát vào đầu tôi rồi phóng vù đi… Ông ta có vẻ là người to béo, mặc áo khoác da và quần bó màu đen, đèo theo một người đàn ông ăn mặc y hệt như thế ở đằng sau” [66, 64]. Đồng thời, hình xăm rắn còn là biểu tượng cho tình dục, áo khoác da, quần bó là dấu hiệu nhận dạng người đồng tính.

Hình ảnh chiếc sari trắng, mái tóc dài buông xõa của người phụ nữ không rõ mặt xuất hiện đơn thuần như cách hình dung về ngoại hình của người mẹ. Nhưng xuất hiện trong hoàn cảnh khác, nó biểu đạt một ý nghĩa rộng hơn. Trong giấc mơ của Ram sau khi nghe giới thiệu về nữ diễn viên bi kịch Neelima Kumari, hình ảnh chiếc sari trắng xuất hiện: “Đêm đó tôi mơ thấy mình đến một ngôi nhà ở Juhu Vile parle. Tôi nhấn chuông và đợi. Một người đàn bà cao ráo ra mở cửa. Cô vận sari trắng… Mái tóc đen dài của cô ấy bay lòa xòa… Tôi nhìn xuống và choáng váng phát hiện ra mình không có chân. Tôi chòang tỉnh, người ướt đẫm mồ hôi” [66, 129]. Chiếc sari trắng, mái tóc dài trong trường hợp này biểu đạt cho một tâm lý lo sợ, hoang mang, mong được chở che, cứu vớt từ một ai đó để thoát khỏi nguy cơ bị biến thành công - cụ - tàn - phế kiếm tiền cho Maman. Ở chương Vụ giết người trên chuyến tàu miền Tây, khi cô gái tên Meenakshi bị tên cướp làm nhục, hình ảnh chiếc sari trắng, mái tóc dài lại xuất hiện trong ảo giác của Ram: “Nhưng tôi không nhìn thấy cảnh đang diễn ra. Tôi nhìn thấy một người phụ nữ cao ráo và mái tóc chảy dài… Cô quấn một tấm sari trắng bằng lụa mỏng rung rinh và bay bay như một con diều…” [66, 218]. Cảm giác mơ hồ nhưng hành động rất thực và quyết liệt: Ram lao lên cướp súng của

tên thổ phỉ và ngộ sát hắn. Hình ảnh chiếc sari trắng, mái tóc buông dài trong chi tiết này chính là chất kích thích của tình yêu thương, sức mạnh và sự chở che.

Có những nhân vật không được miêu tả chi tiết về ngoại hình như ông bà Thomas, ông bà Shantaram, cô hàng xóm Gudya. Ở khía cạnh này, tác giả đã rất tôn trọng tính khác quan của ngẫu nhiên. Ông bà Thomas xuất hiện khi Ram còn quá bé, “nước da ngâm đen” của bà Thomas được nhắc đến trong lời kể của người trong nhà thờ, ngoài ra không có thêm chi tiết nào được nhắc đến. Ông Shantaram được miêu tả sơ lược: trung tuổi, người thấp. Bà Shantaram được nhìn lướt qua ngoại hình: Tóc hoa râm. Gydya cũng chỉ được thoáng thấy: Tóc dài. Những người hàng xóm này được miêu tả sơ lược, phù hợp với tính tình khép kín, cộc cằn, hà khắc, không muốn gắn bó với khu Chawl của ông Shantaram.

Với cách miêu tả ngoại hình trên, chúng tôi nhận thấy nó trở thành một điểm nhấn đặc biệt về thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Triệu phú khu chuột

của Vikas Swarup. Dấu hiệu để nhận biết sự tồn tại của nhân vật khác - thông qua ngôi kể tôi - là bằng mắt (nhìn diện mạo) hoặc bằng tai (nghe âm thanh phát ra từ nhân vật). Trong tiểu thuyết này, tác giả chú trọng cách nhận biết bằng mắt. Việc miêu tả ngoại hình được xem là yếu tố ngẫu nhiên thuộc hệ thống nhân vật, bởi tác giả “trung thành” với tính bất chợt và ngẫu nhiên trong gặp gỡ.

3.2.1.2. Hành động ngẫu nhiên bộc lộ tính cách

Theo đúng ngôi kể thứ nhất - xưng “tôi”, diễn biến tâm lý chỉ tập trung vào nhân vật chính Ram Thoamas Mohammad. Tâm lý, tính cách của hệ thống nhân vật còn lại chủ yếu được bộc lộ qua hành động. Những hành động được miêu tả cũng là những hành động mang tính ngẫu nhiên. Mỗi hành động mang tính ngẫu nhiên bất chợt lại là dấu hiệu nhận biết, là hành vi tiêu biểu cho tính cách.

Khảo sát riêng từng chương, chúng tôi nhận thấy có những hành vi, bất chợt, ngẫu nhiên và tính cách tương ứng hành vi như sau:

Chương mở đầu, Neil Johnson - Đại diện cho New Age Telemedia có hành vi: “nhìn người khác như một con khỉ giống mới”. Cách nhìn này tiêu biểu cho bản chất soi mói, khinh rẻ người khác.

Chương Gánh nặng của một vị linh mục, hành động của cha John trẻ khi bị đổ súp lên người: “đứng phắt dậy và lời đầu tiên rời khỏi cửa miệng của ông ta là “Mẹ kiếp!”. Hành vi này khiến cha Timothy phải: “khẽ nhíu mày im lặng không nói gì”. Khi biết Ram đã nhìn thấy những quyển tạp chí khiêu dâm trên giường mình, cha John quát: “Cút ngay!”, hành động này tiêu biểu cho bản chất xấu xa, thiếu phẩm hạnh của kẻ đội lốt linh mục.

Chương Lời hứa của một người em trai, hành động của nhân vật Shataram - nhà thiên văn học: “đóng của khi thấy tôi nhìn”, nói dối, đe dọa cấm con gái giao du, uống rượu, bạo hành… Những hành vi thể hiện sự xa cách với mọi người xung quanh, luôn tiếc nuối về quá khứ, ảo tưởng về tương lai nhưng luôn trong trạng thái bế tắc, quạu quọ ở hiện tại.

Chương Sự quan tâm dành cho trẻ tàn tật, thầy giáo Joshi dạy tại trung tâm giáo dưỡng Turman Gate được miêu tả ngắn với các hành động: “chuyên ợ và ngoáy mũi”, “không dạy gì cả”, “hay ngủ gật trong lớp”. Đây là hành vi tự tố cáo mình của một người thầy giả mạo.

Chương Một chuyện tình, Lajwanti đi trộm vàng của chủ nhân nhưng vẫn nhặt kim cài, lượt chải tóc đặt lên đúng vị trí do thói quen thích gọn gàng. Hành động ngẫu nhiên phản ánh bản chất lương thiện trong Lajwanti. Chị chỉ ăn cắp do hoàn cảnh ép buộc, chị vẫn là chị, không hề biết toan tính, lừa gạt. Anh thợ sửa giày Bihari sau khi con trai chết, trở về từ bệnh viện, anh “đặt đứa con đã chết ở giữa cái sân rải sỏi gần vòi nước do thành phố cung cấp và gọi mọi người ra ngoài. Rồi anh chửi một thôi một hồi rất thậm tệ. Anh ta không chửi riêng một ai mà chửi tất cả… Sau nửa giờ chửi rủa gào hét không ngừng, anh ta đổ sụp xuống sân nức nở. Anh ôm đầu đứa con dã chết trong tay và khóc than cho đến khi cạn cả nước mắt, khan cả tiếng” [66, 335]. Trong chương này, tác giả chỉ

nhắc đến tên và miêu tả nhân vật Bihari trong một trang truyện. Không một lời bày tỏ về số phận hay tính cách nhân vật nhưng lời tả đã bộc lộ được tất cả. Bihari đầy tự trọng, là người sau cùng mượn tiền Ram - vì phải cứu chữa cho con. Cách chửi bới than khóc của Bihari biểu hiện sự tức giận và đau khổ tột cùng, đó là sự bộc phát sau thời gian dài nhẫn nhịn. Dường như trân trọng cảm xúc của nhân vật, dường như muốn thay lời nhân vật bày tỏ sự bất công ở Agra, tác giả đã cho thời gian ngưng đọng ở khoảnh khắc bộc phát ngẫu nhiên của Bihari.

Tác giả có thể chọn lựa hai phương thức miêu tả nội tâm, tính cách nhân vật: Một, lời kể trực tiếp - tức miêu tả trực tiếp nội tâm, tính cách nhân vật, dẫn người đọc vào ngõ ngách tâm hồn nhân vật; hai, miêu tả hành động ngẫu nhiên bộc lộ cá tính, bản chất nhân vật. Với cách miêu tả thứ nhất, mạch truyện dễ đi vào nhàm chán, nặng nề và áp đặt tâm lý tiếp nhận nơi người đọc. Tác giả đã chọn cách thứ hai, miêu tả nội tâm nhân vật thông qua hành động. Điều đó khiến mạch truyện thêm sinh động, tình tiết thêm lôi cuốn, câu văn giàu hình ảnh tạo hiệu ứng hấp dẫn, cuốn hút người đọc hơn.

Một phần của tài liệu yếu tố ngẫu nhiên trong tiểu thuyết triệu phú khu ổ chuột của vikas swarup (Trang 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)