6. Cấu trúc luận văn
2.2.2. Giấc mơ và ảo giác
Rải rác ở các chương, chi tiết giấc mơ xuất hiện ngẫu nhiên và khá lạ theo từng tình huống. Qua khảo sát tiểu thuyết Triệu phú khu ổ chuột, chúng tôi nhận thấy chi tiết giấc mơ xuất hiện với tần số cao và tồn tại như một điểm nhấn độc đáo.
Kết quả khảo sát như sau: Chi tiết giấc mơ 10 lần được nhắc đến trong tác phẩm, ở các trang: 54, 64, 84, 91, 108, 119, 129, 153, 212, 377. Trong đó: 8 lần được miêu tả cụ thể; 2 lần khẳng định rằng nhân vật “đã thường xuyên mơ”; 2 lần là giấc mơ của nhân vật Salim và Shankar; 8 lần là của nhân vật Ram Mohammad Thomas. Hình ảnh xuất hiện thường xuyên nhất trong giấc mơ là hình ảnh người phụ nữ mặc sari trắng, tóc dài.
Freud đã nhận định như sau về giấc mơ: “Vậy giấc mơ chính là sự phản ứng của linh hồn chống lại những sự kích động phát sinh ra trong giấc ngủ. Đến đây chúng ta có ta đã tìm thấy một con đường bỏ ngỏ trong việc tìm kiếm giấc mơ. Chúng ta có thể tìm xem có những hành động nào đã làm cho giấc ngủ không yên và người ngủ phản ứng lại”[68, 6]. Các chuyên gia tâm lý học đã tiếp thu Thuyết phân tâm học của Freud nhưng không dùng khái niệm “linh hồn”, đồng thời luận giải rõ hơn về cái gọi là “sự phản ứng lại” và “những sự kích động”, “những hành động”. Các chuyên gia tâm lý cho rằng giấc mơ là kết quả của yếu tố thần kinh và hoạt động của cuộc sống con người. Những giấc mơ sẽ tổng kết, tái hiện những sự việc đã xảy ra trong ngày hay trong một giai đoạn của cuộc đời. Những người nằm mơ có thể trải qua những cảm xúc mãnh liệt khi đang mơ. Người hay nằm mơ là những người thường lâm vào trạng thái thần kinh căng thẳng, nhiều suy nghĩ, lo lắng, buồn phiền hay những người phải thường xuyên vận động đồng thời cơ bắp lẫn thần kinh. Tác giả Vikas Swarup đã khéo léo vận dụng những kiến thức về sinh lý học thần kinh nêu trên vào việc xây dựng chi tiết giấc mơ trong tiểu thuyết của mình. Những giấc mơ trong
Triệu phú khu ổ chuộtxuất hiện ngẫu nhiên như bảng tổng kết cô đọng về cuộc sống qua sự thẩm thấu của những nhân vật trẻ; đồng thời cũng là cảm xúc mãnh liệt “bật ra” một cách ngẫu nhiên của những tâm hồn ấy trước cuộc sống.
Những giấc mơ mang tính chất tổng kết như: Giấc mơ được đề cập ở trang 119, chương Sự quan tâm dành cho trẻ khuyết tật. Nhân vật Ram - giai đoạn bảy tuổi - cùng Salim đang sống tại trại trẻ mồ côi dành cho các bé trai. Gupta, một nhân viên của trại trẻ mồ côi đã bị Ram phát hiện ra bí mật xấu xa của hắn: thích xâm phạm tình dục các bé trai. Ram trở thành “cái gai trong mắt” hắn, do vậy khi tên chăn dắt trẻ Maman muốn mua Salim, hắn đã nài ép Maman nhận thêm Ram như một kiểu khuyến mãi mua một tặng một. Đêm ấy, Ram mơ thấy mình là người bán trái cây dạo ở lề đường, người mua là Maman, Ram sau khi “bỏ
những trái xoài vào túi ông ta, rồi bí mật bỏ vào đó một quả chuối thối. Miễn phí!”. Đây là sự tái hiện ngắn ngọn, có tính tượng trưng về cuộc giao dịch lúc ban ngày, kèm theo một chút dí dỏm khi nhân vật tôi tự ví mình như quả chuối thối, miễn phí, không hữu dụng với Gupta, nên được đẩy cho Maman. Hay như chi tiết giấc mơ của Shankar ở chương Một chuyện tình. Như cách “giao đãi” của kịch, qua giấc mơ ngẫu nhiên ấy, toàn bộ sự thật được phơi bày: Shankar là ai? Mẹ cậu là ai? Vì sao cậu không nói được như thường? “Tôi căng tai ra nghe xem cậu ấy lẩm bẩm những gì và suýt giật nảy mình. Vì dám thề là Shankar đã nói, “Xin đừng đánh con, mẹ ơi.” […] Ngực cậu ấy rung lên như đang co giật và đờm dãi từ miệng chảy ra. “Sao mẹ lại đuổi con đi, mẹ?” Cậu lẩm bẩm. “Con xin lỗi mẹ, đáng lẽ con nên gõ cửa. làm sao con biết chú đang ở trong ấy với mẹ cơ chứ? Mẹ, con yêu mẹ. Con đã vẽ những bức tranh về mẹ. Cuốn nhật kí màu xanh da trời của con đầy những bức tranh về mẹ. Những bức tranh về mẹ, con yêu mẹ, mẹ ạ. Con yêu mẹ rất nhiều. Đừng đánh con, mẹ ơi. Con hứa con sẽ không kể với ai, mẹ ơi, mẹ ơi, mẹ ơi…”” [66, 377]. Nhân vật Ram thấu hiểu Shankar và đưa ra nhận định: “Shankar nói bằng giọng một trẻ sáu tuổi. Cậu ấy đã đi ngược trở lại thời đã qua từ lâu. Trở lại thời cậu ấy có mẹ. trở lại thời cuộc sống của cậu ấy, lời nói của cậu ấy, có ý nghĩa” [66, 377]. Tác giả đã sử dụng giấc mơ như một phương thức hay, độc đáo, cần thiết để kể về quá khứ, tạo sự bất ngờ đột biến nơi người đọc.
Những giấc mơ thể hiện cảm xúc mạnh mẽ của nhân vật như giấc mơ về mẹ của Ram Mohammad Thomas. Những giấc mơ về mẹ của Ram được tái hiện thường xuyên với hình ảnh người phụ nữ mặc sari trắng, tóc dài, buông xõa: “Một người phụ nữ trẻ cao ráo và duyên dáng, quấn một tấm sari trắng […] Mái tóc đen dài bay loà xoà khắp mặt người phụ nữ ấy” [66, 53]; “Đêm ấy tôi mơ thấy một người đàn bà quấn sari trắng bế một đứa bé trong tay. Gió rít phía sau lưng làm tóc bà ấy bay loà xoà che khuất khuôn mặt” [66, 91]; “Tôi nhấn
chuông và đợi. Một người đàn bà cao ráo ra mở cửa. Cô ấy vận sari trắng. Gió mạnh bắt đầu rít lên, làm cho mái tóc đen dài của cô ấy bay lòa xòa, che khuất khuôn mặt” [66, 129]. Những giấc mơ có nội dung thế cứ trở đi trở lại, đấy là sự ám ảnh trong nhận thức của một đứa bé mồ côi, luôn khát khao một người mẹ, trong tâm tưởng của cậu bé ấy, mẹ cậu là một người phụ nữ đẹp, cao ráo, duyên dáng, quấn sari trắng và có mái tóc dài. Những hình ảnh “mái tóc che khuất khuôn mặt”, tạo nên “sự không nhìn rõ”, “không biết rõ”, đó là sự bức bối, trăn trở hằng ngày của cậu bé trong vô thức về nguồn gốc của mình, về việc mẹ mình là ai, sao lại bỏ mình như thế. Ở đây, ta nhận thấy một lần nữa sự ảnh hưởng của Freud với Vikas Swarup. Những giấc mơ về mẹ của Ram cho thấy Vikas Swarup thông hiểu về sinh lý học thần kinh và tâm lý học, đồng thời những giấc mơ ấy có tính mỹ học rất cao. Những giấc mơ về mẹ vừa nhân văn trong nhận thức vừa u buồn, mờ ảo về mặt hình ảnh.
Những giấc mơ trong đêm của Salim là sự ám ảnh và hoảng sợ về gia biến của mình. Cậu nghe: “Tiếng thét của mẹ vang vọng bên tai mình”. Cậu thấy: “Cảnh anh cậu quằn quại trong lửa”… Giấc mơ ngẫu nhiên, nhưng lại rất khoa học, hợp với thực tại vừa xảy ra với nhân vật. Những giấc mơ ấy là kết quả của cú sốc quá lớn trong đời đối với một đứa trẻ thơ bảy tuổi trước những rúng động, bạo lực của xã hội.
Những giấc mơ trong Triệu phú khu ổ chuột thường gắn với thời thơ ấu của nhân vật. Các nhân vật Ram, Salim, Shankar đều có chung đặc điểm là có những giấc mơ thời ấu thơ. Ở giai đoạn trưởng thành của Ram và Salim, người đọc không còn thấy những giấc mơ nữa. Ở đặc điểm này, chi tiết giấc mơ ngẫu nhiên càng thể hiện rõ hơn dụng ý của tác giả trong việc xây dựng tâm lý nhân vật. Lúc tuổi thơ, hiện thực tàn khốc của Ấn Độ trở nên quá lớn đối với tâm hồn thơ bé, nó ám ảnh đeo bám nhân vật ngay cả trong giấc ngủ. Hay nghĩ cách khác, giấc mơ ý nói cuộc đời như một cơn ác mộng, nó quá khủng khiếp đối với những
tâm hồn trẻ thơ chưa đủ sức để đối diện với cuộc đời như thế. Về sau, nhân vật càng trưởng thành hơn, đủ sức để đối diện, để chấp nhận. Khi chai sạn và nghị lực sinh tồn cao hơn, nhân vật không mơ, không nép vào những giấc ngủ dài, không chỉ ước ao phi thực tế mà nhân vật đã chuyển sang hành động, vẫy vùng để vươn lên.
Giấc mơ ngẫu nhiên và ảo giác xuất hiện rải rác ở từng chương, tạo nên một điểm nhấn nghệ thuật, đó cũng chính là nét độc đáo trong kết cấu tác phẩm. Chi tiết giấc mơ song hành với những chi tiết tả thực đã làm nổi bật hơn giá trị hiện thực của tác phẩm. Đồng thời, tác phẩm càng hoàn mỹ hơn với sự kết hợp giữa yếu tố lãng mạn và yếu tố hiện thực. Lãng mạn và hiện thực, giấc mơ và thực tại, vừa là những cặp phạm trù đối lập vừa thống nhất, bổ sung, làm “đẹp” hơn tiểu thuyết này.