6. Cấu trúc luận văn
2.1. Khái niệm tình tiết và cốt truyện
Từ “tình tiết” được sử dụng rộng rãi trong ngôn ngữ đời thường và trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Đặc biệt trong lĩnh vực văn học, tình tiết là một khái niệm luôn được bàn luận rất kĩ. Theo từ điển Thuật ngữ văn học, tình tiết được hiểu là: Sự việc nhỏ trong quá trình diễn biến của sự kiện, tâm trạng. Như vậy, sự kiện (sự việc có ý nghĩa ít nhiều quan trọng đã xảy ra) là kết quả của phép cộng các tình tiết. Tình tiết sẽ được sắp xếp có trật tự, để làm nên những diễn biến liên hoàn, logic.
Trong quá trình sáng tác, người nghệ sĩ sẽ có quyền chọn lựa một tình tiết nào đấy trong vô vàn những tình tiết có thể chọn. Việc nhà văn chọn tình tiết X trong tổng thể X, Y, Z… luôn nhằm vào mục đích đẩy sự việc đi tới. Nó thay đổi hiện tại của nhân vật và gây bất ngờ với người đọc. Như vậy tình tiết ngẫu nhiên không phải là tình tiết buông lơi, tùy tiện mà là một tình tiết bất ngờ, phù hợp cho việc tạo ra một thực tại mới.
Trong Triệu phú khu ổ chuột, nhân vật Salim có một chiếc máy ảnh dùng một lần với cuộn phim chụp được 30 tấm ảnh. Cậu đã dùng 26 tấm và không
muốn phí phạm 4 tấm còn lại nên đã xách máy đi rong chụp một vài nơi trước khi đem máy ảnh đi rửa. Nếu sự việc chỉ có vậy thì đó chỉ là một tình tiết đơn thuần. Tác giả có thể cho xuất hiện một hiện tượng thiên nhiên tuyệt đẹp trong bức ảnh cuối để Salim đem bán ảnh, lấy tiền, hoặc là một cô gái xinh đẹp lọt vào tầm ngắm để họ kết thân và yêu nhau. Nhưng tác giả đã cho xuất hiện trong bức ảnh cuối cùng là Maman, tên chăn dắt trẻ em lâu nay cố truy đuổi Salim và Ram. Họ nhận ra nhau, một bên tức giận rượt đuổi và một bên hoảng sợ bỏ chạy. Bằng việc chọn lựa đó, tình tiết này được xem là tình tiết ngẫu nhiên, ngẫu nhiên gặp lại, đầy bất ngờ trong diễn biến của câu chuyện.
2.1.2. Cốt truyện và cốt truyện ngẫu nhiên
Cốt truyện không phải là yếu tố tất yếu cho mọi loại tác phẩm văn học mà chỉ tồn tại trong những tác phẩm thuộc loại tự sự (tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn, truyện thơ...), kí và các tác phẩm kịch. Trong một số tác phẩm thuộc loại kí, không có yêu cầu xây dựng cốt truyện một cách chặt chẽ. Loại tác phẩm trữ tình không có yếu tố cốt truyện vì tác phẩm trữ tình chủ yếu thể hiện trực tiếp tâm trạng, tình cảm, ý nghĩ cảm xúc... của tác giả, nó không đòi hỏi nhà văn phải xây dựng những sự kiện, biến cố, hành động thành một hệ thống liên tục làm cơ sở cho sự triển khai các tính cách. Như vậy, cốt truyện là tất cả các hành động, biến cố được phát triển trong tiến trình kể chuyện. Khi thuật lại một câu chuyện, ta có thể kể lại các biến cố ấy theo một trình tự logic có thể hiểu được.
Ta có thể ví: tình tiết tạo nên biến cố, sự kiện trong tác phẩm văn học tương đồng với nguyên tử tạo nên phân tử cấu thành vật chất trong khái niệm của vật lí hay hóa học. Tình tiết là các hạt vật chấtnhỏ, li ti tạo nên một vật chất
trọn vẹn, lớn hơn, đó là toàn bộ cốt truyện, nội dung câu chuyện, cái sẽ được viết ra, kể lại. Với những tình tiết ngẫu nhiên, sẽ hình thành nên một cốt truyện đậm tính ngẫu nhiên tương ứng.
2.2. Các kiểu tình tiết ngẫu nhiên
Ngoài phần mở đầu và kết thúc, tác phẩm gồm có 12 chương. Nhân vật chính, Ram Mohammad Thomas xuất hiện xuyên suốt và gắn liền với từng tình tiết. Riêng ở ba chương: Chương Hãy giữ lấy cúc áo của cậu; Chương Chuyện một người lính; Chương Quyền giết người, cậu đóng vai trò là người nghe kể chuyện. Tình tiết ngẫu nhiên ở các chương này chỉ trực tiếp gắn với các nhân vật khác, nhưng ngẫu nhiên trở thành một phần trong hồi ức của Ram khi tham gia trò chơi truyền hình Ai là triệu phú.
Từ cấu trúc tác phẩm, chúng tôi thống kê, phân loại tình tiết ngẫu nhiên theo các dạng thức sau: Ngẫu nhiên gặp gỡ và gặp lại, giấc mơ ngẫu nhiên, ngẫu nhiên khám phá, ngẫu nhiên đánh mất và ngẫu nhiên trùng hợp.
2.2.1. Ngẫu nhiên gặp gỡ và gặp lại
2.2.1.1. Hồi ức và 12 câu hỏi
Tác giả Vikas Swarup cho biết ông quyết định viết tiểu thuyết Triệu phú khu ổ chuột trong một khoảnh khắc bừng ngộ: “Đó là một loạt khoảnh khắc bừng ngộ. Tôi muốn viết một cái gì đó khác thường… Và rồi tôi chợt nảy ra ý nghĩ: Sao mình không khai thác trò chơi hỏi đáp trên truyền hình đang trở thành một hiện tượng toàn cầu?” [66, 428]. Ông ngẫu nhiên biết đến trò chơi truyền hình Ai là triệu phú, qua việc đọc được bài báo viết rằng trẻ em đường phố tại một khu ổ chuột ở Ấn Độ đã bắt đầu tự mình học cách sử dụng dịch vụ gọi điện thoại qua internet. Tác phẩm đã ra đời trên cơ sở kết hợp ngẫu nhiên hai chủ đề: trò chơi truyền hình và một người chơi không được học hành bài bản, không nghiên cứu sách vở, chỉ có những kiến thức “đường phố”. Chính sự kết hợp này đã tạo nên một tình tiết ngẫu nhiên độc đáo: trong 12 câu hỏi, có 9 câu ứng với 9 tình tiết đã xảy ra trong đời nhân vật chính, 3 câu hỏi nhắc đến 3 tình tiết mà nhân vật chính được nghe kể trực tiếp.
Tham gia chương trình ở kỳ thứ mười lăm và chiến thắng số tiền một tỷ rupi, Ram Thomas Mohammad trở thành người đầu tiên trong lịch sử của trò
chơi này đạt kết quả tuyệt đối. Mười hai câu hỏi ngẫu nhiên đúng với những gì đã xảy ra, ám ảnh và khắc sâu vào kí ức của Ram. Những ngẫu nhiên ấy gây bất ngờ đến mức bản thân nhân vật Ram cũng khẳng định: “Đó là may mắn”. Ở chương Câu hỏi thứ mười ba, cái ngẫu nhiên đã mặc định cho sự chiến thắng, phá vỡ hoàn toàn tính tất yếu nhưng tình tiết ấy lại rất chân thực, thuyết phục. Với câu hỏi thứ mười hai: “Tên của bố vợ Mumtaz Mahal là gì?”, Prem Kumar - người dẫn chương trình truyền hình đã chế giễu: “Tôi dồn cậu vào thế bí rồi, đúng không? Cậu sẽ không thể trả lời được câu hỏi này trừ khi cậu có bằng thạc sĩ lịch sử trung đại. Vậy hãy nói lời chia tay vối một trăm triệu mà cậu vừa giành được và chuẩn bị trở về với công việc bồi bàn của cậu đi” [66, 404]. Nhưng câu hỏi trên đã bất ngờ, ngẫu nhiên giao thoa với một giai đoạn “vinh quang” trong đời của Ram với nghề làm hướng dẫn viên du lịch tại đền Taj Mahal. Những hồi ức hiện ra trong chớp nhoáng và cậu có chọn lựa chính xác. “Tôi cũng cười to đáp lại. “Ha! Tôi không có bằng thạc sĩ lịch sử, nhưng tôi biết câu trả lời cho câu hỏi này […] Bởi vì tôi đã làm hướng dẫn viên du lịch tại lăng Taj Mahal hai năm”” [66, 405].
Những câu hỏi đã không dồn hết vào một thời điểm, một không gian mà đã “chạm” đều vào những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời của Ram. Câu hỏi thứ nhất: Tên của bộ phim bom tấn mà Armaan lần đầu tiên đóng cặp với Priya
ngẫu nhiên tương ứng với khoảng thời gian cậu sống cùng Salim ở khu Chawl khi cậu 12 tuổi. Salim có ước mơ trở thành diễn viên điện ảnh, thần tượng của cậu là Armaan Ali. Salim thường kể cho Ram nghe những thông tin về Armaan và rủ rê Ram đi cùng đi xem những bộ phim có Armaan thủ vai. Đồng thời Priya là nữ diễn viên mà Ram ấn tượng. “Cô là một nữ diễn viên cao ráo, xinh đẹp từng đoạt danh hiệu Hoa hậu thế giới mấy năm trước. Thân hình cô như được tạc nên với một vẻ đẹp cổ điển, bộ ngực đầy đặn và eo lưng thon gọn. Cô là nữ diễn viên tôi yêu thích trong thời gian gần đây” [66, 36]. Câu hỏi: Dãy chữ cái nào thường được khắc lên cây thánh giágắn với thời gian đầu đời khi Ram sống
ở nhà thờ St Mary cùng cha Timothy. “Tôi yêu thích nhà thờ. Đó là một tòa nhà cổ cây năm 1878 với những ô cửa sổ bằng kính màu và mái nhà bằng gỗ trông rất đẹp. Bàn thờ được chạm trổ rất đẹp. Phía trên bàn thờ là cậy thánh giá lớn có các chữ cái INRI” [66, 59]. Câu hỏi thứ 6: Thủ đô của Papu New Guinea là gì, ngẫu nhiên tương ứng và có thể so sánh với những điều cậu được nghe về Haiti khi làm phục vụ trong một quán rượu ở Mumbai, bởi Prakash Rao. “Vâng. Tôi biết đó không phải là là Port-au-Prince, thủ đô của Haiti, cũng không phải Port, một thành phố ở Mauritius. Và đó cũng không phải là Port Adelaide bởi vì Adelaide ở Australia. Vậy nó phải là C. Port Moresby” [66, 200]… Những tình tiết này chính là sự thú vị của yếu tố ngẫu nhiên mà tiểu thuyết mang lại cho người đọc.
Chúng tôi nhận thấy, khía cạnh trùng hợp ngẫu nhiên giữa câu hỏi và quá khứ một cách sát sao đã thành một cái cớ rất lạ và thú vị cho câu chuyện được kể lại. Mỗi chương là một câu hỏi, là một giai đoạn cuộc đời được nhắc đến, là một bức màn bí mật được từ từ vén lên, là một câu chuyện gần như tách bạch, hoàn chỉnh cùng những suy ngẫm sâu sắc. Đồng thời, việc đảo lộn các sự kiện trong 17 năm cuộc đời theo trật tự các câu hỏi là một hiệu ứng độc đáo về mặt nghệ thuật. Các giai đoạn thời gian được sắp đặt ngẫu nhiên không tuân theo trật tự chương. Tình tiết lồng vào tình tiết, hồi tưởng lồng vào hồi tưởng. Mạch truyện không phải là một đường thẳng nhàm chán, nó là một tòa nhà có kiến trúc huyền bí, mỗi căn phòng là một bất ngờ. Người đọc cứ nhẹ nhàng, từ tốn nhưng cũng không kém phần háo hức lần mở từng cánh cửa.
2.2.1.2. Gặp gỡ và gặp lại người cũ
Khảo sát diễn biến của cốt truyện, chúng tôi chọn nhân vật Ram làm trục diễn biến chính và nhận thấy có những gặp gỡ ngẫu nhiên như sau:
Ram gặp cha Timothy: cuộc gặp gỡ định mệnh, Ram bị bỏ rơi, cha Timothy là người cưu mang. Ram gặp Neelima Kumari: cuộc gặp gỡ trên đường trốn chạy, chứa trong nó sự khát khao thiêng liêng về tình mẫu tử. Ram được ôm
vào lòng như một đứa con đang sà vào lòng mẹ. Neelima Kumari được sống những khoảnh khắc thực nhất của người phụ nữ. Cả hai cuộc gặp gỡ này đều mang lại sự chở che và hạnh phúc cho nhân vật chính. Đó là điểm sáng, niềm hy vọng trong câu chuyện. Với những cuộc gặp gỡ dạng này, nhân vật không bơ vơ lạc loài.
Ram gặp cha John, Maman: Đây là cuộc chạm trán ngẫu nhiên giữa một bên là tâm hồn trẻ thơ, một bên là những kẻ xấu xa, tàn ác, áp bức bóc lột trẻ em. Những cuộc gặp gỡ dạng này đẩy nhân vật vào biến cố, thay đổi số mệnh nhân vật. Cuộc đời của Ram sẽ không có gì thay đổi, sẽ lớn lên trong bình an và trờ thành người của nhà thờ St Mary nếu như không có sự xuất hiện cha John trẻ. Cha John đã trực tiếp gây nên cái chết cha Timothy và Ram trở thành mồ côi thực sự. Maman đã mang Ram ra khỏi trại giáo dưỡng, nơi Ram đang dần gầy dựng được uy tín - có thể xin thức ăn, đề xuất ý kiến về chỗ ở - và đẩy Ram vào những ngày tháng bôn ba, trốn chạy.
Ram gặp những đứa trẻ ở trại giáo dưỡng, Salim, Gudiya: cuộc gặp gỡ của những tâm hồn trẻ thơ, của những người cùng số mệnh. Những cuộc gặp gỡ này không chỉ góp phần hình thành tâm lý, tính cách, hành vi nhân vật, mà còn mở ra góc nhìn nơi người đọc về một thế giới trẻ em bất hạnh, một xã hội Ấn Độ còn nhiều góc tối. Ở đấy, trẻ em hiển nhiên trở thành nạn nhân của bạo hành, xâm hại tình dục, của nạn chăn dắt trẻ em. Ram và Salim gặp nhau và trở thành đôi bạn thân thiết, gắn bó cùng nhau lúc hoạn nạn cũng như lúc vinh quang. Ram cùng Gudya kết nên tình chị em, mối quan hệ xung quanh Ram cũng trở nên đa dạng: “cha - con”, bạn bè, tình chị em…
Cuộc gặp gỡ giữa Ram và Nita là cuộc gặp gỡ bắt đầu cho tình yêu và sự tranh đấu. Cuộc gặp giữa Ram và Nita có khởi đầu là tình dục. Cái ngẫu nhiên ấy đến với Ram một cách hợp lí khi nhân vật là trẻ lang thang, sống trong xã hội nổi tiếng về tôn giáo và nghệ thuật tình dục. Cuộc gặp ngẫu nhiên này bắt đầu cho những chuyện trò tâm sự và nảy nở một tình yêu. Từ đấy Ram đã có thêm một
thứ quan trọng mà mình cần phải bảo vệ và lo lắng. Nếu Ram không có gì để mất thì truyện đã không có thắt nút để dẫn đến cao trào và mở nút.
Ram và Shankar là đôi bạn có điểm tương đồng: đều bị mẹ bỏ rơi, có những giấc mơ mang tính chất mơ hồ, ám ảnh và khát khao tình mẹ. Tình cảm giữa Ram và Shakar mang tính chất anh em nhiều hơn. Ram trưởng thành, ý tứ, chở che cho Shakar ngây thơ, yếu ớt. Những cuộc gặp gỡ giữa Ram và tổng thể những con người nơi khu trọ xứ Agra dường có tính tương đồng so với khu Chawl ở Dehil. Nơi khu trọ cạnh cung điện, vẫn có những người nghèo như anh thợ sửa giày túng thiếu, cậu sinh viên nghèo khó, những trẻ chết từ nguyên nhân của cái nghèo, chị Lajwanti ân cần tốt bụng phảng phất chút gì của Gudya. Nhưng vai trò của Ram 17 tuổi khác hơn so với vai trò của Ram 8 tuổi. Ram của khu Chawl trẻ con, háo hức, bất lực. Ram của khu nhà trọ xứ Agra thông minh, lém lỉnh, nhiều nghị lực nhưng u buồn và toan tính. Những cuộc gặp gỡ này đều nên tạo diện mạo của đất Ấn và khắc sâu vào nhận thức của nhân vật.
Ram gặp giáo viên dạy tiếng Anh, ông Utpal Chatterjee là một chi tiết ngẫu nhiên gây nhiều bất ngờ nhất. “Khi tôi vào phòng cấp cứu, một người đàn ông trung tuổi đeo kính, mặt lởm chởm râu ria và mái tóc rối bù va phải tôi. Tôi ngã xuống sàn gạch và cái túi màu nâu tuột khỏi tay. Những tờ giấy bạc rơi tóe loe khỏi túi. […] “Tiền này của cậu, nhưng tôi xin cậu, người anh em, hãy cho tôi mượn số tiền này” [66, 388]. Một cuộc gặp gỡ thoáng qua trong tích tắc, nhưng có tính chất thử thách đối với lòng nhân hậu của Ram. Trong khó khăn, đau khổ vì đã không cứu được Shankar, không chuộc thân được cho Nita, liệu nhân vật chính có đủ lòng nhân để yêu thương người khác hay chỉ nghĩ đến nỗi đau của riêng mình? “Tôi ra hiệu cho ông ta. […] Tôi đưa cái túi ra. “Tôi có bốn mươi vạn rupi ở trong túi. Đi cứu con trai ông đi”” [66, 391]. Và Ram đã chọn lòng nhân, sẵn sàng vứt bỏ tất cả theo kiểu tích cực: dùng số tiền ít ỏi để giúp người, Ram trở lại với hoàn cảnh một đứa trẻ lang thang đúng nghĩa: không tiền,
chỉ có tình yêu và đầy ấp những dự định. Tình tiết ấy gây xúc động mạnh mẽ nơi người đọc.
Tiểu thuyết Triệu phú khu ổ chuột có nhiều cuộc gặp lại mang tính ngẫu nhiên, không do sắp đặt trước.
Ram gặp lại Salim trong một hoàn cảnh rất bất ngờ, khó lòng tiên liệu được, khả năng gặp lại là một phần ngàn trong vô số khả năng có thể xảy ra. “Có nhiều mối nguy hiểm tiềm ẩn trong việc đi bộ một cách lơ đãng ở Mumbai. Bạn có thể giẫm phải một cái vỏ chuối và ngã sóng soài. Bạn có thể bất ngờ nhận thấy bàn chân của mình ngập trong một bãi phân chó ướt nhoét. Bạn có thể đột ngột xóc nảy cả người lên vì bị một con bò cái ngang ngạnh từ phía sau húc