6. Cấu trúc luận văn
2.2.3. Ngẫu nhiên đánh mất và chạy trốn
Đánh mất, đánh rơi, lạc mất là cách nói thông dụng, nhằm mô tả sự mất mát về vật chất lẫn tinh thần. Chạy trốn, lẩn trốn là cách né tránh, không đối mặt đồng thời với thái độ lo lắng, ám ảnh, sợ hãi. Trong phạm vi khảo sát về những mất mát và chạy trốn của nhân vật theo diễn biến của câu chuyện, chúng tôi dùng từ “đánh mất” và “chạy trốn”. Việc ngẫu nhiên đánh mất của các nhân vật trong Triệu phú khu ổ chuột bao gồm cả những mất mát về vật chất lẫn tinh thần. Hành vi chạy trốn thể hiện rõ nhất trong hành động di chuyển về mặt không gian.
Nhân vật chính Ram Mohammad Thomas đã nhiều lần đánh mất những thứ quan trọng của đời mình một cách ngẫu nhiên, đột ngột.
Đánh mất gia đình: Cha Timothy chết vì thi hành sứ mệnh của một cha sứ, Ram phải lưu lạc và vào trại giáo dưỡng. Chỉ sau một giấc ngủ đêm, “bị đánh thức bởi hai tiếng súng từ nhà thờ vọng tới”, cuộc sống êm đềm đẹp đẽ đã không còn nữa. “Tôi gục xuống người cha Timothy khóc như một đứa trẻ tám tuổi khóc
khi nó mất đi tất cả mọi thứ trong đời” [66, 72]. Neelima Kumari, Salim, Gudiya, Shankar vừa là bạn vừa là gia đình của Ram nhưng cậu cũng đành đánh mất, rời xa khi Neelima Kumari tự sát, khi cậu xô ngã Shantara, khi Shankar chết vì bệnh dại.
Trên chuyến tàu tìm về Mumbai, Ram mang theo số tiền năm mươi nghìn rupi và ăn mặc bảnh bao, đường hoàng như một vị khách sang trọng. “Hôm nay tôi là là một vị khách đích thực, sẽ tới Mumbai trên toa tàu có giường nằm, đúng thế, với một chỗ được đặt trước hẳn hoi. Tôi đang mặc một chiếc sơ mi thụng hồ bột màu trắng làm từ một trăm phần trăm cotton và chiếc quần bò Levi’s mua từ chợ Tibetan” [66, 203]. Và rồi số tiền công của Ram bất ngờ bị cướp hết, đồng thời cậu lại ngộ sát tên cướp. Trong một đêm cậu mất cả tiền và mất cả bình yên, lâm vào sợ sự hãi và bắt đầu một cuộc trốn chạy mới. Sau nhiều lần nhảy tàu, 9 giờ sáng hôm sau, Ram oai vệ của ngày hôm trước đã trở nên đói khát, lôi thôi lếch thếch: “Tôi nhảy ra khỏi tàu, mặc chiếc áo sơ mi thụng một trăm phần trăm coton đã rách và bị mất ba chiếc cúc, chiếc quần bò Lievi’s đóng két bụi bẩn và nhọ nhem nhọ thỉu, đeo chiếc đồng hồ kĩ thuật số giả” [66, 223].
Khi đến Agra, Ram gầy dựng một cuộc sống mới với tên Raju Sharma. Sau vài lần gặp gỡ, tình yêu của Ram và Nita bắt đầu đơm hoa, đang lóe lên những hy vọng về tự do thì Nita bị bạo hành và phải nhập viện. Cơ hội chuộc thân cho Nita ngỡ đâu đã đến khi Ram hồ hỡi mang bốn mươi vạn rupi đến bệnh viện nhưng lại vuột mất ngay tức khắc vì lời đe dọa của anh Nita: “Nita sẽ không đi đâu hết. Bác sĩ nói phải mất bốn tháng nó mới hồi phục được. Và mày phải chịu trách nhiệm về những vết thương của nó, mày nên trả cả tiền chữa trị cho nó nữa. […] Vậy nên nếu muốn có Nita thì mày hãy quay lại đây với sáu mươi vạn, nếu không thằng bạn tao sẽ chăm sóc mày” [66, 390]. Nỗi đau mất mát này đã đả kích mạnh mẽ tới tinh thần nhân vật Ram: “Đầu óc tôi dường mụ đi và tôi nhìn thấy quanh mình toàn một màu đen. Cơn buồn nôn tấn công tôi” [66, 390].
Ngoài những chi tiết đánh mất của nhân vật chính, sự mất mát bất ngờ còn xảy ra với các nhân vật khác. Chỉ sau một đêm, Ian mất đi cha ruột của mình là cha Timothy khi cứ ngỡ là đến Ấn Độ, cha con sẽ được ở cạnh nhau. Salim mất đi gia đình trong cuộc bạo động tôn giáo đầy bất ngờ: “Khi đám người quá khích ấy ập đến nhà cậu, Salim đang chơi bên ngoài lều còn bố mẹ và anh trai cậu đang uống trà ở bên trong. Họ châm lửa đốt căn lều ngay trước mắt cậu” [66, 108]. Việc Salim mất đi một hình mẫu phấn đấu khi phát hiện diễn viên thần tượng của mình là người đồng tính bệnh hoạn chuyên quấy rối trẻ trai cũng rất đột ngột và đầy ngẫu nhiên: Amann Ali chọn một bé trai để quấy rối trong rạp chiếu phim và nạn nhân lại chính là Salim. Shankar bị đánh đuổi ra khỏi cung điện chỉ vì một phút vô tình bước vào phòng mẹ mình mà không gõ cửa.
Ước mơ, hạnh phúc không bao giờ là trọn vẹn với Ram và các nhân vật khác. Được và mất là hai khái niệm khác nhau nhưng lại luôn song hành cùng nhau. Điều này khiến chúng tôi liên tưởng giáo lý nhà Phật về sự vô thường của cuộc đời: Sắc tức vị Không, Không tức vị Sắc. Sự mãn nguyện không giữ lâu và sự mất mát luôn gắn liền với việc mở ra một giai đoạn mới. Cứ thế, mạch truyện được tiếp nối bởi những luân phiên của được mất ngẫu nhiên.
Đồng thời với những mất mát là chạy trốn. Nhân vật Ram đã nhiều lần chạy trốn: chạy trốn khỏi khu trại của Maman, trốn khỏi nhà Neelima Kumari khi cô ấy chết, trốn khỏi khu Chawl để đến Dehil, trốn khỏi chuyến tàu về miền Tây đến Agra sau khi ngộ sát một tên cướp. Hình ảnh chiếc xe jeep nhấp nháy đèn đỏ xuất hiện 11 lần trong hiện thực và 4 lần được nhắc đến trong nỗi sợ hãi của Ram. Nhưng về sau, nhân vật đã không bỏ trốn nữa mà mạnh dạn đối diện với những mất mát, bất hạnh. Bởi chạy trốn là hành động chối bỏ thực tai, chối bỏ cuộc sống, nhưng “chối bỏ cuộc sống là hành động không có tính thực tiễn cao” và nó buộc người ta “phải công nhận cuộc sống và thế giới” [1, 16].
Ấn Độ tồn tại đồng hành hai dòng tư tưởng: công nhận cuộc sống và thế giới; chối bỏ cuộc sống và thế giới. Theo quan niệm của nhiều nhà tư tưởng,
dòng tư tưởng chối bỏ cuộc sống và thế giới tồn tại phổ biến ở giai đoạn đầu lịch sử dân tộc và bị hạn chế dần khi quan niệm đạo đức phát triển. Bởi quan niệm này buộc con người phải hành động vì con người trong khi quan niệm chối bỏ thì không như thế. Để tránh bị triệt tiêu, luồng tư tưởng chối bỏ cuộc sống và thế giới đã đặt ra quan niệm: đạo đức không hành động. Quan niệm đạo đức không hành động yêu cầu con người hai điều: “Một là trên tinh thần sống nhân hậu, hoàn toàn không thù hận, con người phải đạt tới một sự hoàn thiện về tâm hồn. Con người phải chứng minh sự hoàn thiện ấy bằng cách kiềm chế không giết chóc và làm hại bất cứ môt sinh vật sống nào. Hai là nói chung, tiết chế mọi hành động không xuất phát từ tình yêu thương và cảm thông. Không đòi hỏi con người phải có tính yêu thương thiết thực bằng hành động” [1, 17]. Và quan niệm này ít nhiều vẫn còn bó buộc con người trong phạm vi muốn chối bỏ cuộc sống và thế giới.
Với Ram, khi đánh mất tất cả: mất bạn thân, không cứu được người tình, trong đau khổ và thất vọng não nề ấy, cậu không hề chối bỏ cuộc sống, bởi cậu đã chọn phương pháp: Đạo đức CÓ hành động. Số tiền đang có dù không cứu được Nita, nhưng cậu dùng nó để cứu mạng một đứa trẻ mà mình không hề quen biết đang lên cơn bệnh dại. Khi đối mặt cùng Prem Kurmar, cậu lại từ bỏ cơ hội trả thù, chọn cơ hội chiến thắng, bởi hành động đó thiết thực và có đạo đức hơn. Tư tưởng của sử thi Mahabharata đã nêu rõ: “Trên thiên đường không có chỗ cho lòng thù hận” nhằm khẳng định tinh thần hòa hợp, hòa bình của Ấn Độ. Đồng thời với tinh thần hòa hợp, vị tha đó, Vikas Swarup đã cho nhân vật Ram chối bỏ cuộc sống theo một cách khác: chối bỏ khi thực tại chưa tốt đẹp và chối bỏ bằng cách làm cho thực tại ấy tốt đẹp hơn. Có thể nói, nhân vật Ram là một hình mẫu lí tưởng cho niềm tin, tình yêu thương và nghị lực sống của giới trẻ Ấn Độ.