Các thiền sư có công hoằng dương Phật giáo

Một phần của tài liệu khảo sát loại hình tiểu truyện thiền sư trong thiền uyển tập anh (Trang 42)

6. Cấu trúc luận án

1.2.4.Các thiền sư có công hoằng dương Phật giáo

Các thiền sư nói chung dù cộng tác với phía vương quyền có chặt chẽ đến đâu, song rút cuộc họ vẫn hướng theo tôn chỉ đời sống tu hành; hoặc cố cộng tác song vẫn giữ thái độ an nhiên, sẵn sàng trở về nơi am thanh cảnh vắng khi có điều kiện; hay nói khác đi, dó là sự cộng tác theo cung cách các thiền sư, và ngay cả khi được phong thưởng, gia ơn thì họ vẫn dành vinh hạnh đó phục vụ cho công việc hoằng dương Phật giáo. Cá biệt có những vị như

Thiền sư Trường Nguyên (1110-1165) được vua Lý Anh Tông triệu kiến nhưng rút cuộc đã

không đến kinh đô; còn Thiền sư Hiện Quang (? -1221) lại kiên quyết theo cách khácc : “Vua Lý Huệ Tông kính trọng đức vọng của sư, nhiều lần đưa lễ vật đến mời về kinh, nhưng lần nào sư cũng lánh mặt, bảo người hầu trả lời sứ giả rằng :

- Bần đạo ở đất vua, ăn lộc vua, thờ Phật tại núi này đã lâu năm, thửa công đức chưa thành lựu, tự lấy làm hổ thẹn. Nếu ép bần dạo về yết kiến vua thì chẳng những không bổ ích gì cho việc trị đạo mà cũng chuốc lấy sự hủy báng của chúng sinh. Huống chi ngày nay Phật pháp đang thịnh, các bậc thầy mẫu mực trong bản đạo đã có đủ để chầu hầu lễ nghi nơi điện

các. Xin bệ hạ đoái lượng cho kẻ mặc áo cà sa thổ lạnh này được nương thân Phật đạo trong chốn núi rừng, khỏi phải đến kinh đô.

Từ đó sư quyết không xuống núi”...

Trong đường hướng chung, có thể nói các thiền sư đã dành tất cả tâm sức cho việc hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sinh, đặc biệt thể hiện rõ ở việc quan tâm xây dựng chùa tháp. Đó là các vị như Thiền sư Trí Bảo (? -1190) : “Sau khi thành đạo bèn chống gậy xuống núi. Từ đó sư di phổ khuyến các nơi để lo việc sửa cầu, dựng chùa tháp, không nghĩ đến điều lợi”; Thiền sư Trì Bát (1049-1117): “Bấy giờ, tướng quốc Thái uy Lý Thường Kiệt là thí chủ cúng dâng nhiều tài sản, sư đều dùng hết vào việc Phật : trùng tu các chùa Pháp Vân, Thiền Cư, Thế Tâm, Quảng An để báo đáp công ơn pháp nhũ”; Thiền sư Bản Tịch (? - 1139) : “Sư đến nơi nào đều bố thí mưa pháp lộng khắp, làm chấn động huyền phong, tăng ni sĩ thứ đều qui mộ”; Thiền sư Giới Không (?-?): “Về già sư trở về bản hương lo việc trùng tu các chùa hoang phế, tất cả được 95 sở”; Thiền sư Chân Không (1046-1100): “Bấy giờ có Thái úy Lý Thường Kiệt, Thứ sử Lạng Châu, Tướng quốc họ Thân đặc biệt giữ lễ tôn kính đối với sư, thường xuất của cải cúng dàng rất trọng hậu. Sư đem dùng của công đức ấy vào việc sửa chùa, xây tháp, đúc chuông để lưu truyền muôn đời”; Thiền sư Viên Học (1073- 1136): “Các việc làm cầu, sửa đường, không việc gì sư không tự mình đứng ra làm trước. Sau sư đến chùa Quốc Thanh ở hương Phù Cầm lo liệu việc trùng tu, đúc chuông chùa”;

Thiền sư Y Sơn ( ? - 1216): “Sư tùy phương hành hóa, có chí làm điều lợi cho mọi người. Có

tiền của riêng, sư đều dùng vào việc Phật”... Ngoài việc dựng chùa là công việc hiện thực, trực tiếp, một kiểu tạo nghiệp công đức và hoằng dương Phật pháp thì ngay cái cách chữa bệnh của các thiền sư có khi cũng nhằm mục đích tuyên truyền Phật giáo rất rõ ràng. Các thiền sư không chỉ chữa các bệnh thân xác mà còn chữa cả “tâm bệnh”, chữa bằng lời khuyên nhủ, khuyến giáo cả vua chúa, quan tướng đến công chúa, vương tôn công tử. Đơn cử một đoạn đối thoại ở tiểu truyện Thiền sư Đại Xả (1120 - 1180): “Một hôm vua Lý Anh Tông vời sư đến hỏi:

- Trẫm nhiều phiên cảm, có phép gì chữa khỏi không? Sư nói:

- Phép thập nhị nhân duyên là gốc rễ của vòng sinh tử tuần hoàn. Bệ hạ dùng phép ấy thì đó là thuốc chữa bệnh vậy”.

Còn như Thiền sư Ma Ha ( ? - ?) đã chủ ý khuyên dân chúng trấn Sa Đãng ở Ái Châu nên ăn chay kiêng thịt, từng vận phép lạ chữa bệnh hủi, từng ăn mặn mà nôn thức ăn hoá thành loài thú như một kiểu biểu diễn phép lạ và chinh phục lòng tin chúng sinh: “Vậy bây giờ các ngươi đã chịu theo đạo ta chưa ?”, khiến cho: “Mọi người kinh lạ khiếp sợ... Người làng đều sụp xuống lạy tạ”... Đồng thời cũng có những lần sự đảo vũ kỳ lạ lại liên quan đến chính ngay công việc hội chùa, dựng chùa, đúc chuông - chứ không chỉ cầu mưa thuận gió hòa phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Đó là sự kiện được ghi chép trong tiểu truyện Thiền

sư Tịnh Giới ( ? - 1207): “Năm Trinh Phù thứ tư (1179), chùa Chân Giáo ở núi Vạn Bảo làm

xong, vua triệu các bậc danh tăng có đức vọng về dự hội khánh thành. Sư ứng chiếu đến cửa khuyết, nghỉ ở gác Lâm Tê. Bấy giờ trời mưa dám, đường xá lầy lội phương hại đến việc mở hội chùa. Sư lập đàn cầu tạnh, mưa liền ngớt. Xong hội chùa bẩy ngày trời lại mưa như cũ.

Sau sư trở về bản hương lo liệu trùng tu chùa Quảng Thánh. Trong lúc đi các nơi quyên mộ để đúc chuông làm trống, có khi nơi kéo mây đen sắp mưa, sư đứng giữa sân giơ gậy trừng mắt nhìn lên, chỉ trong chốc lát mây tan, mặt trời lại xuất hiện. Về sau qua nhiều lần binh quả mà qủa chuông do sư đúc ở chùa Quảng Thánh đến nay vẫn còn”... Như vậy, các dẫn chứng này cho thấy rõ mức độ tham dự của phương thức nghệ thuật “lạ hóa” trong mục đích hành hoá, thu nạp đệ tử vì xây dựng chùa chiền. Có thể nói, đan xen và hoà đồng với các công việc thế tục khác thì chính những việc làm công đức nhằm hoằng dương Phật giáo cũng là một biện pháp thực hành tu tập, thậm chí có ý nghĩa trọng yếu trong cuộc đời hành đạo của các vị thiền sư. Những đặc điểm này hầu như đã trở thành một định hướng hành động, một sự kiện, một nội dung tạo ấn tượng có tính qui phạm không thể thiếu được ở loại hình tiểu truyện các thiền sư, tạo nên dấu ấn khu biệt tiểu truyện thiền sư với loại hình truyện cổ tích, liệt truyện Nho giáo, thần tích, thánh tích.

Từ toàn bộ sự phân tích và phân nhóm các chủ điểm, phân lập theo các mức độ lạ hoá và theo cách thức biểu hiện hành động trong cuộc đời... có thể thấy rõ các thiền sư dù có gắn với thế tục lại vẫn tuân thủ một số nguyên tắc sống và mục đích hành động của người tu hành. Những phương diện này góp phần tạo nên cấu trúc của mỗi tiểu truyện thiền sư. Ở những tiểu truyện tiêu biểu nhất, cấu trúc cốt truyện tiểu sử thường được diễn tả theo tuyến tính thời gian, khởi đầu từ việc đi tầm sư học đạo với tư cách người đệ tử, sau khi đắc đạo có thể được trọng dụng hoặc phát huy ảnh hưởng với vương triều, thế lục; về cuối đời thường quan tâm tới việc xây dựng chùa chiền, hoằng dương Phật pháp, biên soạn sách giáo

lý và chăm lo đào tạo đệ tử. Xét trên phương diện tư duy nghệ thuật, ở từng chặng tiểu sử, từng đoạn đời, từng sự kiện quan trọng nhất vẫn thường thấy có sự tham dự của yếu tố “lạ hoá” với những mức độ đậm nhạt khác nhau, có thể là khác lạ, phi phàm hay siêu nhiên, siêu phàm. Các yếu tố, cách thức, biện pháp nghệ thuật lạ hóa đó có thể là giấc mơ tiên tri, có thể là những khả năng phi phàm và siêu phàm khi đã đạt đạo, có thể là việc đảo vũ ứng nghiệm và trổ tài phương thuật thần bí thu phục niềm tin chúng sinh [160], [161], [163]. Tất cả những đặc điểm đó trong cuộc đời hành hoá của các thiền sư góp phần tạo nên tính loại hình của các tiểu truyện thiền sư trong tác phẩm Thiền uyển tập anh. Việc mở rộng mối liên hệ và quan sát về hành trạng cuộc đời đức Phật hay tiểu truyện các thiền sư Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản... càng cho thấy rõ hơn các đặc trưng loại hình tiểu truyện thiền sư là có tính văn hoá khu vực.

Một phần của tài liệu khảo sát loại hình tiểu truyện thiền sư trong thiền uyển tập anh (Trang 42)