Điều kiện tự nhiên

Một phần của tài liệu Nghiên cứu sự tác động của các yếu tố bên trong đến định hướng xuất khẩu của các doanh nghiệp tại thành phố cần thơ (Trang 48)

3.1.2.1 Vị trí địa lý

Thành phố Cần Thơ nằm trong vùng trung – hạ lưu sông Cửu Long, nằm ở vùng hạ lưu của Sông Mê Kông, trải dài trên 55 km dọc bờ Tây sông Hậu, nằm cách thành phố Hồ Chí Minh 169 km, cách thành phố Cà Mau 178 km, cách biển khoảng 100 km theo đường sông Hậu. Cần Thơ nằm ở vị trí trung tâm ĐBSCL, phía Bắc giáp tỉnh An Giang, phía Đông giáp tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, phía Tây giáp tỉnh Kiên Giang, phía Nam giáp tỉnh Hậu Giang. Cần Thơ là đầu mối giao thông quan trọng của ĐBSCL và cả nước, nằm ở ngã tư của trục thủy bộ chính. Về đường bộ là trục Tp. Hồ Chí Minh – Cần Thơ – Kiên Giang – Hà Tiên, trục từ Phnongpenh – Châu Đốc – Cần Thơ – Cà Mau. Về đường thủy, trục sông từ Cà Mau qua Cần Thơ đi Tp. Hồ Chí Minh, trục sông Mêkông nối từ biển Đông (qua Cần Thơ 53 km) đến Campuchia.

Với vị trí địa lý thuận lợi như thế, thành phố Cần Thơ không chỉ phát triển ở các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản mà còn cho phép phát triển các dự án trong các lĩnh vực như hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông, thủy sản, du lịch và hạ tầng phục vụ du lịch, các ngành công nghiệp phụ trợ.

3.1.2.2 Địa hình, địa mạo, địa chất

Thành phố Cần Thơ nằm toàn bộ trên đất được bù đắp bởi phù sa của sông Mê Kông và hiện vẫn còn tiếp tục được bồi lắng thường xuyên qua nguồn nước có phù sa của dòng sông Hậu.

Địa hình tương đối bằng phẳng, phù hợp cho sản xuất nông, ngư nghiệp. Cần Thơ có mạng lưới sông, kênh, rạch khá dày, đồng thời thành phố còn có các cồn và cù lao trên sông Hậu như Cồn Ấu, Cồn Khương, Cồn Sơn, Cù lao Tân Lập.

Địa mạo bao gồm 3 dạng chính: Ven sông Hậu hình thành dải đất cao (đê tự nhiên) và các cù lao ven sông Hậu. Vùng tứ giác Long Xuyên, thấp trũng, hàng năm thường chịu ảnh hưởng trực tiếp của lũ.

Địa chất: địa bàn được hình thành chủ yếu qua quá trình bồi lắng trầm tích biển và phù sa của sông Cửu Long, trên bề mặt ở độ sâu 50m có hai loại trầm tích: Holocen (phù sa mới) và Pleistocene (phù sa cổ).

Địa mạo, địa hình, địa chất của thành phố bao gồm 3 dạng: đê tự nhiên ven sông Hậu, đồng lũ nữa mở và đồng bằng châu thổ. Địa bàn được hình thành chủ yếu từ quá trình bồi lắng trầm tích biển và phù sa của sông Cửu Long.

3.1.2.3 Khí hậu

Cần Thơ nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới - gió mùa. Khí hậu điều hoà dễ chịu, ít bão, quanh năm nóng ẩm, không có mùa lạnh. Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 tới tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình năm năm 2012 là 35,6ºC, thấp nhất khoảng 21,5ºC, lượng mưa trung bình năm: 1600 mm. Gió có 2 hướng chính: Đông Bắc và Tây Nam.

 Thuận lợi: Chịu ảnh hưởng khí hậu nhiệt đới gió mùa, chế độ nắng cao và ổn định theo hai mùa trong năm tạo điều kiện thuận lợi cho sinh vật sinh trưởng và phát triển, có thể tạo ra một hệ thống nông nghiệp nhiệt đới có năng suất cao, với nhiều chủng loại cây con, tạo nên sự đa dạng trong sản xuất và trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất.

 Hạn chế: Mùa mưa thường đi kèm với ngập lũ ảnh hưởng tới khoảng 50% diện tích toàn thành phố, mùa khô thường đi kèm với việc thiếu nước tưới, gây khó khăn cho sản xuất và sinh hoạt, nhất là khu vực bị ảnh hưởng của mặn, phèn làm tăng thêm tính thời vụ cũng như nhu cầu dùng nước không đều giữa các mùa của sản xuất nông nghiệp.

Vì vậy, cần có những giải pháp thích hợp để có thể tận dụng những lợi thế, đồng thời thích nghi với những bất lợi của tự nhiên để có thể khai thác tối đa lợi ích từ vùng đất này.

3.1.2.4 Tài nguyên thiên nhiên

Cần Thơ có địa hình rất đặc trưng cho dạng địa hình đồng bằng do nằm trong khu vực bồi tụ phù sa của sông Mêkông. Đất ở đây có 2 loại chính là nhóm đất phù sa (chiếm 84% diện tích) và nhóm đất phèn (chiếm 16% diện tích). Nhờ được bồi đắp phù sa thường xuyên từ sông Hậu và sông Cái nên đất đai tương đối màu mỡ, thích hợp phát triển một nền nông nghiệp đa dạng.

Hệ thống sông ngòi, kênh gạch Cần Thơ chằng chịt cho nước ngọt quanh năm tạo điều kiện thuận lợi cho thủy lợi và cải tạo đất. Trong đó, hai con sông phải nói đến là sông Hậu và sông Cần Thơ. Sông Hậu là con sông lớn nhất với chiều dài là 65km. Tổng lượng nước sông Hậu đổ ra biển chiếm 41% tổng lượng nước của sông Mêkông, lượng phù sa của sông Hậu chiếm gần 1/2 tổng lượng phù sa sông Mêkông. Sông Cần Thơ có nước ngọt quanh năm, vừa có tác dụng tưới nước trong mùa cạn, vừa có tác dụng tiêu úng trong mùa lũ và có ý nghĩa lớn về giao thông. Bên cạnh đó, thành phố Cần Thơ còn có hệ thống kênh rạch dày đặc, với hơn 158 sông, rạch lớn nhỏ là phụ lưu của 2 sông lớn là Sông Hậu và sông Cần Thơ đi qua thành phố nối thành mạng đường thủy, cho nước ngọt suốt hai mùa mưa nắng, tạo điều kiện cho làm thủy lợi và cải tạo đất.

Bên cạnh đó, tài nguyên thủy sinh vật tương đối đa dạng và phong phú bao gồm nhiều loại sinh vật, thực vật đặc trưng cho vùng phù sa ngọt. Tài nguyên khoáng sản của thành phố bao gồm đất sét làm gạch ngói với trữ lượng 16,8 triệu m3, đất sét dẻo, cát xây dựng với trữ lượng 70 triệu m3, than bùn với trữ lượng 30.000 - 150.000 tấn.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu sự tác động của các yếu tố bên trong đến định hướng xuất khẩu của các doanh nghiệp tại thành phố cần thơ (Trang 48)