Về phía doanh nghiệp

Một phần của tài liệu Nghiên cứu sự tác động của các yếu tố bên trong đến định hướng xuất khẩu của các doanh nghiệp tại thành phố cần thơ (Trang 75)

Thứ nhất, lãnh đạo các doanh nghiệp cần tự nâng cao nhận thức của mình về lợi ích, tầm quan trọng của định hướng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu cũng như phát triển các mối quan hệ của bản thân với các cơ quan ban ngành, các nhà quản lý, nhà cung cấp trong cùng lĩnh vực và đối tác. Chủ động tham gia những buổi hội thảo về quốc tế, thị trường nước ngoài của các hiệp hội, ban ngành tổ chức. Qua những buổi hội thảo này, những nhà quản lý, chủ sở hữu sẽ nắm bắt được xu hướng của thị trường quốc tế, tích luỹ được thêm kiến thức và kinh nghiệm trong hoạt động xuất khẩu, đồng thời tại đây các nhà

lãnh đạo doanh nghiệp có thể cũng sẽ chia kinh nghiệm, những vấn đề gặp phải trong hoạt động xuất khẩu cũng như những quy định của thị trường nhập khẩu về chất lượng, nhu cầu sản phẩm, v…v. Bên cạnh đó, đây là cơ hội để các nhà quản lý doanh nghiệp phát triển các mối quan hệ tốt với các cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực xuất khẩu, bởi càng có mối quan hệ tốt thì có thể nắm bắt những thông tin sớm nhất về thị trường, quy định quy định của Chính phủ về hoạt động xuất khẩu từ đó có thể vạch ra chiến lược phát triển hoạt động xuất khẩu phù hợp.

Thứ hai, chủ động tìm hiểu về thị trường định hướng xuất khẩu. Trước khi kinh doanh trên bất kỳ thị trường nào, các doanh nghiệp đều phải thu thập thông tin về thị trường đó. Nghiên cứu thị trường giúp nhà quản lý có một hệ thống thông tin về thị trường đầy đủ, chính xác, kịp thời, làm cơ sở cho nhà quản lý doanh nghiệp có những quyết định đúng đắn trong việc lựa chọn thị trường xuất khẩu, đối tác giao dịch thích hợp, đáp ứng được các tình thế của thị trường. Do đó, ngoài việc nắm vững tình hình trong nước và đường lối chính sách, luật lệ quốc gia có liên quan đến hoạt động xuất khẩu, chủ doanh nghiệp cần phải nhận biết hàng hoá kinh doanh, nắm vững thị trường nước ngoài và lựa chọn đối tác kinh doanh. Qua khảo sát cũng cho thấy các nhà quản lý càng hiểu rõ về thị trường, càng có định hướng xuất khẩu, vì thế việc tìm hiểu thị trường cần được thực hiện. Ngày nay, việc tìm kiếm thông tin không chỉ qua các mối quan hệ cá nhân, nhà quản lý còn có thể tìm kiếm thông qua các kênh khác như trên Internet: thông qua website của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI: http://www.vcci.com.vn/), Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam (http://www.vietrade.gov.vn/), Cổng thông tin thị trường nước ngoài (http://www.ttnn.com.vn/), World Business Culture http://www.worldbusinessculture.com/), v...v. Trên những website này có cung cấp hồ sơ về đặc điểm văn hóa, những yêu cầu về sản phẩm của những thị trường mà các doanh nghiệp Việt Nam thường xuất khẩu qua.

Bên cạnh đó, khảo sát cũng cho thấy một số doanh nghiệp xuất khẩu muốn mở rộng hoạt động xuất khẩu tại rất nhiều thị trường khác nhau, nên bản thân nhà quản lý khó có thể nắm bắt hết tất cả những thông tin chi tiết về các thị trường này, vì thế doanh nghiệp có thể thuê các công ty hay có nhóm nghiên cứu thị trường xuất khẩu riêng cho doanh nghiệp, từ đó nhà quản lý sẽ có những quyết định chính xác hơn trong việc lựa chọn thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, các doanh nghiệp có quy mô lớn nên chủ động thành lập nhóm nghiên cứu về thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp có thể chủ động và nắm bắt thông tin một cách nhanh chóng.

Cuối cùng, chủ động xúc tiến và quảng bá về sản phẩm của doanh nghiệp trên thị trường nước ngoài. Khảo sát cho thấy một vài doanh nghiệp vẫn lựa chọn hình thức xuất khẩu gián tiếp, do bản thân không có thương hiệu cũng như không thể tiếp cận được thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó, một vài doanh nghiệp có ý định xuất khẩu nhưng không chủ động tìm kiếm khách hàng mà chờ các đơn hàng từ phía nước ngoài, trong khi chưa đầu tư vào việc quảng bá sản phẩm. Mặt khác, khi thâm nhập vào thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp cần phải tạo ra hình ảnh riêng biệt về sản phẩm của mình, giới thiệu nó đến với người tiêu dùng. Vì thế, doanh nghiệp cần phải tích cực tham gia vào các tham gia các hội chợ, triển lãm do trung tâm hội chợ Triễn lãm quốc tế thành phố Cần Thơ tổ chức (EFC), đồng thời có thể nên tạo các website riêng cho doanh nghiệp giới thiệu về các sản phẩm của doanh nghiệp mình.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu sự tác động của các yếu tố bên trong đến định hướng xuất khẩu của các doanh nghiệp tại thành phố cần thơ (Trang 75)