Ứng dụng chiến lược này để đón đầu thời cơ về nhu cầu in ấn của thị trường còn rất phong phú, đa dạng và ngày càng tăng lên theo nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân. Doanh nghiệp phải linh hoạt trong sản xuất kinh doanh, khai thác được nhiều nguồn hàng từ nhiều lĩnh vực khác nhau, đẩy mạnh thị trường sẵn có, mở rộng thêm thị trường theo nhu cầu kinh doanh đa dạng, hiện đại hóa được thiết bị in, cũng cố chất lượng và uy tín để tăng trưởng thêm sản lượng, song song đó tìm các thị trường mới bằng việc đẩy mạnh công tác tiếp thị, phát triển các sản phẩm mới mà nhu cầu thị trường đang đòi hỏi.
Ngoài việc quan tâm đến thị trường trong nước mà ngành in Thành phố đang chiếm lĩnh phần lớn, ngành in Thành phố cần phải phát triển thị trường sang các nước trong khu vực mà trước hết là thị trường có yếu tố nước ngoài như: in gia công cho các khu chế xuất, khu công nghiệp tại thành phố và các tỉnh hay in gia công tái xuất cho nước ngoài.
Nhu cầu về trao đổi thông tin hai chiều giữa khách hàng và nhà in đòi hỏi nhanh chóng và hiệu quả hơn. Khách hàng không chỉ cần thông tin cho sản phẩm đang làm mà còn cần trao đổi thông tin cho những ý tưởng mới, dịch vụ kỹ thuật, phương thức vận chuyển v.v..
Các doanh nghiệp in lớn (Công ty Liksin, Công ty in Trần Phú, Nhà in Lê Quang Lộc, Xí nghiệp in số 7), nên thành lập bộ phận giúp đỡ khách hàng, tăng cường trao đổi thông tin hai chiều giữa khách hàng và nhà in qua nhiều hình thức: phỏng vấn, hội nghị khách hàng, triển lãm, tổ chức điều tra qua phiếu điều tra….
Các doanh nghiệp in sách, báo, tạp chí Thành phố cũng cần phải sử dụng mã số sách tiêu chuẩn quốc tế ISBN – International standard book number (sách), ISSN (báo).
Sách báo của hầu hết các nước trên thế giới đều có ISBN. Vì không có ISBN nên chúng ta gặp nhiều khó khăn trong khâu nhận dạng, tra cứu, quản lý sách bằng các phương tiện điện tử hiện đại. Đồng thời sách của ta cũng chịu nhiều thiệt thòi trong việc giao lưu và hợp tác với nước ngoài (kể cả việc thiêu thụ).