Những năm gần đây các xí nghiệp, công ty in ở phía Bắc được trang bị nhiều máy móc thiết bị tốt, nên một phần công việc trước kia được thực hiện ở phía Nam nay được gia công ở phía Bắc, đã làm cho thị trường ngành in của Thành phố bị giảm sút. Bên cạnh đó sách giáo khoa chiếm tỷ trọng trang in rất lớn trong ngành in, nhưng trong những năm qua liên tục xuống giá do cạnh tranh gay gắt trong ngành, giá gia công in sách giáo khoa năm 1999 so với 1998 giảm 10,75% đã gây không ít khó khăn cho nhiều doanh nghiệp. Mặt khác nhiều doanh nghiệp in để đảm bảo chỉ tiêu sản lượng và giá trị sản xuất được giao đã phá giá in, chấp nhận lỗ. Điều này ảnh hưởng đến lợi ích chung của toàn ngành và cũng thể hiện thiếu sự hợp tác trong cùng một ngành.
Cạnh tranh là rất cần thiết, là điều tất yếu xảy ra, nhưng nếu cạnh tranh bằng chất xám, bằng đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động, để hạ giá thành sản phẩm, đảm bảo hiệu quả sản xuất ngày càng cao, đời sống công nhân ổn định và phát triển thì đáng khuyến khích. Nhưng thực tế những năm qua cho thấy ngành in đã xảy ra hiện tượng cạnh tranh không bình thường, bằng những điều kiện không bình đẳng (nghĩa vụ đối với Nhà nước, chế độ chính sách đối với người lao động và các hoạt động xã hội). Nếu như cạnh tranh này còn kéo dài sẽ dẫn đến sự thua lỗ của hàng loạt doanh nghiệp Nhà nước, đời sống của hàng ngàn công nhân in hết sức khó khăn.
Trước đây, trong ngành in chủ yếu là sở hữu Nhà nước, hầu như không có nhà in tư nhân. Từ khi Nhà nước tiến hành công cuộc đổi mới, đến nay đã có hơn 5.000 cơ sở in tư nhân với các quy mô từ nhỏ đến lớn. Hiện tượng tư nhân đầu tư trái phép, đặt máy trong các doanh nghiệp in Nhà nước, mượn pháp danh để kinh doanh và trốn thuế đang là vấn đề bức xúc, gây cạnh tranh quyết liệt hiện nay để giành và giữ công việc. Nhiều doanh nghiệp in Nhà nước đang lâm vào tình trạng thiếu việc làm. Thị trường in Việt Nam đang có hiện tượng “cung” vượt “ cầu”. Các doanh nghiệp cũng đã nổ lực tìm kiếm các hợp đồng in gia công cho nước ngoài nhưng kết quả còn rất khiêm tốn.
Ngành in Thành phố không những chỉ cạnh tranh trong nhành mà còn phải cạnh tranh với nhiều ngành khác như mạng internet, băng đĩa từ, photocopy…
Trong giai đoạn hiện nay, qua mạng internet con người có thể khai thác rất nhiều thông tin mà trước đây người ta chỉ có thể có qua các tài liệu sách báo, các sản phẩm của ngành in. Mạng internet ngày càng phổ biến với nhân dân ở thành phố do giá thuê bao
và khai thác ngày càng rẻ sẽ là mối đe dọa đối với ngành in thành phố, mặc dầu không lớn lắm.
Băng đĩa từ với sức chứa lớn các thông tin cũng cạnh tranh không kém mạng internet. Các thông tin mà trước đây con người chỉ có thể lưu trữ bằng các kho sách báo vĩ đại thì hiện nay các thông tin này nằm gọn trong một số rất ít các băng đĩa từ.
Ngoài ra photocopy cũng cạnh tranh với ngành in rất đáng kể. Đặc biệt là sự phát triển không ngừng của photocopy với tốc độ ngày càng nhanh, giá thành photocopy ngày càng thấp đã làm cho nhiều người chấp nhận sử dụng các tài liệu photo chất lượng kém chất lượng in để làm tài liệu nghiên cứu và lưu trữ. Hơn nữa các tài liệu photo thường không phải trả tiền bản quyền nên giá thành sản phẩm càng thấp.
Bảng 2.9 : Sản phẩm chủ yếu của các ngành
Sản phẩm ĐVT Năm 96 Năm 97 Năm 98 Năm 99
Băng audio các loại Băng 1.580.000 1.093.000 1.688.089 1.575.000
Băng Video Băng 1.098.000 992.000 1.065.541 741.800
Dĩa CD Dĩa 80.000 670.000 1.839.161 1.711.800
Tại các doanh nghiệp in Thành phố, việc xác định, dự báo, thiết lập và thỏa mãn các nhu cầu mong muốn của người tiêu dùng đối với sản phẩm và dịch vụ còn ở mức đơn giản và chưa có hệ thống, thường chỉ được dưạ vào cảm tính và thiếu cơ sở khoa học.
Hiện nay, các doanh nghiệp in chỉ chú trọng đến chức năng bán hàng mà chủ yếu là hoạt động chào hàng, chiêu hàng, quan hệ với khách hàng. Việc phân khúc thị trường, phân loại mặt hàng là rất quan trọng vì mỗi loại sản phẩm đều có công dụng riêng, phương pháp in ấn sản xuất đặc thù, có thị trường tiêu thụ riêng. Có thể phân loại thị trường sản phẩm ngành in thành các loại sau đây:
- Thị trường tiền và các giấy tờ có giá trị như tiền, sách, báo tạp chí, nhãn bao bì, giấy tờ quản lý hành chính kinh tế, xã hội v.v..
- Thị trường sách, báo, tạp chí đáp ứng nhu cầu về thông tin, tuyên truyền, giáo dục, giải trí v.v.. Có những loại sách nghiên cứu cần lưu giữ lâu phải thêm một số công đoạn sản xuất thường được sản xuất trên máy in offset cuộn có tốc độ nhanh, giá thành hạ. Tỷ trọng trang in toàn ngành, mang ý nghĩa quan trọng, số lượng này sẽ tăng lên theo đời sống văn hóa, dân trí và học sinh, sinh viên ngày càng tăng lên.
- Thị trường nhãn, bao bì, hàng hóa phục vụ cho các ngành công nghiệp thực phẩm như: bánh kẹo, đường sữa, mì phở ăn liền, thủy hải sản khô, rựu bia , nước ngọt, vv.. hay nhiều ngành khác như xà bông, dầu gội ,mỹ phẩm, may mặc, vv.. Cơ cấu loại sản phẩm này chiếm tỷ trọng lớn trên 30% tổng sản lượng trang in ngành và có xu hướng tăng nhanh, phát triển rất đa dạng, phong phú, muôn màu muôn vẻ, vì vậy một phương pháp in offset không thể đáp ứng nhu cầu của xã hội. Loại sản phẩm này cần được phân khúc nhỏ hơn, nhãn bao bì in trên giấy thường sử dụng phương pháp in offset, flexo hay letterpress, nhãn bao bì in trên màng nhựa, màng phức hợp thường sử dụng phương pháp in ống đồng, flexo, loại bao bì thùng carton thường sử dụng phương pháp in flexo, hay kết hợp 2 phương pháp in flexo và offset, xu hướng chuyển dịch nhãn, bao bì trên phương pháp in ống đồng và flexo ngày càng cao hơn so với những năm trước.
- Thị trường áp phích, quảng cáo, catalogue, lịch v.v.. là các sản phẩm của ngành in phục vụ cho các ngành công nghiệp khác trong cơ chế thị trường, chúng giữ vai trò quan trọng, giúp các ngành sản xuất tự giới thiệu trong cạnh tranh có xu hướng ngày càng tăng nhanh phục vụ công tác quảng cáo, đòi hỏi mẫu mã đa dạng, in ấn nhanh chóng, đẹp và có chu kỳ sống ngắn.
- Thị trường hóa đơn, biểu mẫu, giấy tờ phục vụ cho quản lý, danh thiếp, thiệp cưới v.v.. mà mọi ngành kinh tế, mọi lĩnh vực hoạt động xã hội đều cần thiết, công nghệ in ấn không đòi hỏi kỹ thuật cao, nhưng xu hướng cũng tăng lên theo sự phát triển của xã hội, tỷ lệ trang in thường chiếm tỷ lệ 20% trong tổng sản lượng in ấn trong các năm qua.
- Thị trường tiền và các loại giấy tờ có giá trị như tiền – đây là loại sản phẩm đặc biệt của ngành in, dùng để điều hành tài chính nền quốc gia.
Các doanh nghiệp in trên thành phố Hồ Chí Minh có thuận lợn hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành khác là có thị trường rộng lớn, tiêu thụ mạnh. Dân số đông, đời sống người dân cao, mức hưởng thụ văn hóa lớn, nhiều nhà máy, công sở đặt trên địa bàn Thành phố là những cơ hội cho ngành in Thành phố.
Đại hội Đảng bộ Thành phố diễn ra từ 19-23/12/2000. Dự thảo báo cáo Chính trị Đại hội nêu mục tiêu của TP.HCM (giai đoạn 2001-2010): GDP tăng bình quân 11%, công nghiệp – xây dựng 13%, thương mại – dịch vụ: 9,5%. Năm 2005 GDP bình quân đầu người đạt 2000USD và năm 2010 tăng lên 3000USD/người. Dự đoán này nói lên triển vọng, cơ hội lớn cho ngành in Thành phố Hồ Chí Minh.
Các tỉnh, thành phố bạn thường đặt in ở Thành phố Hồ Chí Minh những sản phẩm có yêu cầu chất lượng cao, phức tạp, đòi hỏi nhiều tính sáng tạo và đa dạng về chủng loại.
Mặt khác, trình độ tay nghề công nhân kỹ thuật in ở Thành phố khá cao so với trong nước, và có điều kiện học tập, tiếp cận văn hoá Âu Mỹ nên rất nhạy bén trong việc sử lý, điều chỉnh máy móc thiết bị, suy nghĩ tìm tòi giải pháp kỹ thuật mới.