Vị trí, nhiệm vụ của hoạt động ngành in đã được Đảng và Nhà nước ta khẳng định rõ qua Luật xuất bản cũng như qua các văn kiện, chỉ thị: Văn kiện Đại hội VIII Đảng Cộng sản Việt Nam, Chỉ thị 08 ngày 31/03/92 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII), Chỉ thị 22 ngày 17/10/97 của Bộ Chính trị, Luật xuất bản được Quốc hội thông qua ngày 07/07/93. Các văn bản trên đã thể hiện rõ vị trí, nhiệm vụ của ngành, đó là:
Hoạt động xuất bản (bao gồm cả xuất bản, in và phát hành) là hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, không phải là hoạt động kinh doanh đơn thuần, lợi nhuận không phải là mục tiêu của hoạt động xuất bản.
Hoạt động xuất bản đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật.
Nhiệm vụ của hoạt động xuất bản là nâng cao dân trí, góp phần ổn định chính trị, tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, đấu tranh chống mọi tư tưởng và hành vi làm tổn hại lợi ích quốc gia.
Hoạt động văn hóa (trong đó có cả hoạt động của ngành in) phải nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người Việt Nam với tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, tình cảm cao đẹp, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh cho sự phát triển xã hội.
Trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì hoạt động xuất bản góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, thông qua phổ biến những tác phẩm về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ, văn học nghệ thuật. Giới thiệu những di sản văn hóa của dân tộc và thế giới, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, mở rộng giao lưu văn hóa với các nước, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.