Kết hợp mục tiêu kinh tế và mục tiêu sinh thái

Một phần của tài liệu phát triển kinh tế xã hội và ảnh hưởng đến môi trường quận 8 thành phố hồ chí minh (Trang 122)

Chúng ta có thể hiểu khi kết hợp mục tiêu kinh tế và mục tiêu sinh thái chính là tạo ra nền kinh tế xanh. Nền kinh tế xanh là nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả tài nguyên và hướng tới công bằng xã hội. Tiếp cận kinh tế xanh không thay thế cho phát triển bền vững mà là một cách thức thực hiện phát triển bền vững, trong đó nhấn mạnh nhiều hơn tới khía cạnh tài nguyên và môi trường.

Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn hiện nay và tầm nhìn đến 2050 tập trung vào 3 mục tiêu chính là: giảm phát thải khí nhà kính, xanh hóa sản xuất và xanh hóa tiêu dùng. Các giải pháp chiến lược đã được đưa ra để thực hiện hiệu quả mục tiêu trên, song vẫn còn nhiều thách thức.

Thực tế, kinh tế Việt Nam trong nhiều năm qua dù luôn đạt được mức tăng trưởng cao với những con số GDP ấn tượng, nhưng mức tăng trưởng này không tính đến những chi phí do suy giảm tài nguyên và thiệt hại môi trường gây tổn hại cho nền kinh tế.

Theo kết quả nghiên cứu, tổng thiệt hại kinh tế của nước ta trong thời gian qua do ô nhiễm môi trường gây ra tối thiểu từ 1,5% - 3% GDP. Ngoài ra, mỗi năm Việt Nam còn phải chịu thiệt hại 780 triệu USD trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng vì ô nhiễm môi trường. Kinh nghiệm từ các nước phát triển đã cho thấy, quá trình phát triển kinh tế mà không quan tâm tới các vấn đề môi trường sẽ đưa lại hiệu quả kinh tế thấp, chi phí cho các hoạt động xử lý ô nhiễm sẽ cao hơn chi phí đầu tư cho các biện pháp kiểm soát ô nhiễm.

Theo bà Nguyễn Lệ Thủy, Phó Chánh văn phòng phát triển bền vững - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện Việt Nam có chất lượng tăng trưởng kinh tế thấp, chưa hiệu quả và sức cạnh tranh còn yếu. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam mới chỉ dựa vào khai thác tài nguyên với cường độ cao, trong khi trình độ công nghiệp còn lạc hậu, lại chậm đổi mới nên mức độ tiêu tốn năng lượng, nước, nguyên vật liệu lớn. Bên cạnh đó, tình trạng suy kiệt nguồn nước đang diễn ra, nhiều loại khoáng sản đang dần dần bị cạn kiệt và chưa được quản lý tốt. Đa dạng sinh học bị suy giảm và môi trường tiếp tục bị xuống cấp trong khi các thảm họa do thiên tai và những diễn biến về thay đổi khí hậu toàn cầu đang tăng nhanh.

Biến đổi khí hậu đang trở thành một thách thức lớn đối với Việt Nam trong thế kỷ 21. Chính vì vậy phát triển Kinh tế Xanh được xem là một chiến lược cần thiết để đạt được phát triển bền vững. Phát triển Kinh tế Xanh không những giảm phát thải khí nhà kính, giảm nhẹ biến đổi khí hậu mà còn nâng cao chất lượng của tăng trưởng, thay đổi cơ cấu sản xuất và tiêu dùng theo hướng bền vững và cải thiện đời sống con người.

Một phần của tài liệu phát triển kinh tế xã hội và ảnh hưởng đến môi trường quận 8 thành phố hồ chí minh (Trang 122)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(142 trang)