Đánh giá chung về thực trạng khai thác tài nguyên nhân văn để phát triển

Một phần của tài liệu khai thác tài nguyên nhân văn phục vụ phát triển du lịch ở thành phố hồ chí minh (Trang 84)

7. Cấu trúc luận văn

2.3.3. Đánh giá chung về thực trạng khai thác tài nguyên nhân văn để phát triển

2.3.3.1. Thuận lợi

TP.HCM tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước. TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung được nhìn nhận là “điểm đến mới” có sức thu hút khách du lịch.

TP.HCM có nhiều di tích văn hóa, lịch sử - cách mạng, kiến trúc cổ thời thuộc địa (hệ thống bảo tàng, đình, chùa, nhà thờ, khu di tích Địa đạo Củ Chi,…) đã được khai thác, đưa vào phát triển du lịch và rất hấp dẫn du khách.

Ẩm thực của TP.HCM hội tụ ẩm thực của nhiều vùng, miền, nhiều nước trên thế giới nên rất đa dạng và phong phú, đáp ứng được nhu cầu của du khách. Hầu hết các nhà hàng, khách sạn đảm bảo được yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Các mặt hàng thủ công, mỹ nghệ tinh xảo, giá cả hợp lý.

TP.HCM có mối quan hệ chặt chẽ với thị trường du lịch truyền thống như Mỹ, Pháp,… có sự gần gũi về văn hóa với một số quốc gia (Trung Quốc, Đài Loan, HongKong, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á).

TP.HCM có hệ thống cơ sở lưu trú tốt nhất cả nước với khả năng phục vụ khách du lịch thương mại, tổ chức các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế.

Du lịch TP.HCM đã tạo được những điểm đến hấp dẫn cho du khách thông qua các chương trình tour như Dinh Độc Lập, Địa đạo Củ Chi, bảo tàng Chứng tích chiến tranh, nhà thờ Đức Bà,… Du khách rất thích thú với những điểm đến ấn tượng đó.

Công tác quảng bá xúc tiến du lịch nhằm giới thiệu điểm đến và các sản phẩm du lịch của Thành phố đến với du khách trong và ngoài nước ngày càng được tăng cường. Việc tổ chức các sự kiện được chú trọng với các hoạt động thiết thực, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và du khách, trong đó điểm nhấn là các sự kiện như Đường hoa Nguyễn Huệ - Lễ hội Bánh tét, Ngày hội Du lịch, Lễ hội Trái cây Nam Bộ,… không ngừng được đổi mới về cách tổ chức, nâng cao chất lượng đã dần trở thành một thương hiệu, nét riêng độc đáo của du lịch Thành phố.

2.3.3.2. Khó khăn

Nhìn chung, môi trường du lịch Thành phố vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là môi trường xã hội. Tình trạng chèo kéo, đeo bám du khách chưa được giải quyết triệt để làm ảnh hưởng đến tâm lí du khách.

TP.HCM có ít các lễ hội và sự kiện có khả năng thu hút khách du lịch, chất lượng dịch vụ còn tương đối.

Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch chưa phát triển đổng bộ, chưa được đầu tư đúng mức và dàn trải, thiếu tập trung.

Các điểm di tích lịch sử, kiến trúc, các điểm tham quan ngày càng xuống cấp, việc tu sửa lại làm mất đi vẻ đẹp và những dấu ấn nhân văn lịch sử sẵn có.

Hệ thống giao thông còn nhiều hạn chế, thường xuyên kẹt xe, gây khó khăn cho việc di chuyển và tham quan của du khách.

Thành phố chưa thực sự đầu tư cho biểu diễn văn hóa nghệ thuật, các tiết mục biểu diễn còn đơn điệu, sân khấu nhỏ, chưa đáp ứng tốt nhu cầu của du khách.

Trình độ nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là hướng dẫn viên du lịch nhìn chung chưa đáp ứng được nhu cầu đối với thị trường khách Nhật Bản, Hàn Quốc, tây Ban Nha, Đức,… Đa số hướng dẫn viên chỉ tập trung vào ngoại ngữ thông dụng là Tiếng Anh.

Trong các tài nguyên nhân văn, ngành du lịch hầu như chỉ mới tập trung khai thác được ở một số di tích, công trình kiến trúc và một số lễ hội. Hệ thống các làng nghề, gần như chưa có làng nghề nào chính thức được đưa vào khai thác phát triển du lịch. Bên cạnh đó, hệ thống các di tích có du khách tới tham quan chỉ trên dưới 10 di tích. Và doanh thu du lịch từ việc khai thác các giá trị nhân văn còn thấp.

2.3.3.3. Thời cơ

Phải khẳng định rằng, TP.HCM là một địa điểm có nhiều tiềm năng du lịch, phong phú và đa dạng có sức hấp dẫn đối với du khách. Hơn nữa lại là một thành phố mang đậm dấu ấn lịch sử từ hai cuộc chiến tranh của dân tộc.

Nước ta có chế độ chính trị ồn định, TP.HCM phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện Đổi mới, hội nhập, mở cửa và vị thế của đất nước đang ngày càng được củng cố - đó là cơ hội cho du lịch Thành phố ngày càng thu hút đông đảo lượng khách quốc tế.

UBND Thành phố luôn quan tâm và có những chính sách tạo môi trường, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Đồng thời đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải, thông tin, dịch vụ du lịch, khu vui chơi giải trí, văn hóa,… Đây chính là sự quan tâm tạo những điều kiện cần thiết để phát triển ngành du lịch của TP.HCM nói riêng và của cả nước nói chung.

Luật Du lịch và các văn bản dưới luật có hiệu lực thực hiện cùng với việc triển khai nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ IX, các Nghị quyết của Thành Ủy và Hội đồng Nhân dân Thành phố về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ - thương mại tạo ra sự tập trung phát triển có tính đột phá cho 9 nhóm ngành dịch vụ, trong đó có du lịch (dặc biệt là du lịch quốc tế) là hành lang pháp lý, động lực thúc đẩy ngành du lịch phát triển trong thế cạnh tranh lành mạnh. Bên cạnh đó, thông qua vai trò Ban Chỉ đạo phát triển Du lịch Thành phố, sự phối hợp, kết hợp trong việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển du lịch của các sở, ngành Thành phố ngày càng gắn bó, nhịp nhàng hơn.

2.3.3.4. Thách thức

Bên cạnh những cơ hội thì ngành Du lịch Thành phố còn phải đối diện với những thách thức lớn đó là:

Lực lượng nguồn nhân lực du lịch nhìn chung còn chưa đáp ứng được nhu cầu về tính chuyên nghiệp và trình độ ngoại ngữ phục vụ du khách quốc tế thời kỳ hội nhập.

Các doanh nghiệp du lịch còn phải đối mặt với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp du lịch của các nước trong khu vực và quốc tế trong khi còn nhiều khóa khăn, hạn chế về hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch (thua các nước Thái Lan, Singapore, Indonexia,…), hệ thống giao thông đường bộ, hàng không, cầu, cảng,… còn lạc hậu, chất lượng thấp, cước phí cao. Hệ thống thông tin viễn thông chất lượng còn hạn chế trong khi giá dịch vụ cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Điện, nước chưa đảm bảo được nhu cầu và giá cả cao. Hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, các tiện nghi phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, ăn uống, vui chơi giải trí còn thiếu, chất lượng hạn chế. Chất lượng sản phẩm du lịch không cao, sản phẩm chưa đa dạng và thiếu phong phú.

Xu thế hội nhập là một thuận lợi nhưng cũng là một thách thức lớn đối với ngành du lịch, tạo ra guy cơ bị tụt hậu so với các nước trong khu vực và thế giới, nguy cơ phá hoại môi trường nhân văn là rất lớn. Đồng thời, quá trình mở cửa và hội nhập du lịch cũng có thể gây ảnh hưởng và làm phức tạp hóa một số vấn đề liên quan đến an ninh, trật tự xã hội, văn hóa, giữ gìn thuần phong mỹ tục của đất nước.

Với sự đầu tư và phát triển mạnh về du lịch văn hóa của các nước láng giềng cùng với nền văn hóa lâu dài như Trung Quốc, Ấn Độ, Campuchia, Thái Lan,… sẽ trở thành thách thức lớn trong việc cạnh tranh thu hút du khách quốc tế của du lịch Thành phố.

CHƯƠNG 3: ĐỊNH HƯỚNG KHAI THÁC TÀI NGUYÊN NHÂN VĂN PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ĐẾN NĂM 2020 VÀ CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

Một phần của tài liệu khai thác tài nguyên nhân văn phục vụ phát triển du lịch ở thành phố hồ chí minh (Trang 84)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)