Vai trò của sự giao lưu văn hóa Việt Chăm trong văn hóa Ninh Thuận

Một phần của tài liệu giao lưu văn hóa việt chăm ở ninh thuận từ 1832 đến 2012 (Trang 91)

7. Bố cục luận văn

3.2. Vai trò của sự giao lưu văn hóa Việt Chăm trong văn hóa Ninh Thuận

Quá trình cộng cư và giao thoa văn hóa Việt - Chăm trong quá trình người Chăm hòa nhập vào cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam là một hệ quả tất yếu của lịch sử hai dân tộc cùng sống trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay. Từ đường biên lãnh thổ giữa hai quốc gia với hai nền văn hóa khác biệt đến sự thống nhất về một đường biên văn hóa chung là một quá trình phức hợp, lâu dài. Trong đó khó có thể nhận diện rõ ràng đâu là yếu tố Việt hoặc Chăm hoặc cái nào ảnh hưởng đến cái nào nhưng bản thân chúng đã toát lên sự hòa quyện những giá trị tinh hoa của hai nền văn hóa Chăm – Việt.

Lịch sử trôi qua, người Chăm trở thành một bộ phận thiêng liêng không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, họ là người có công khai phá vùng đất miền Trung, họ cùng chung sức đánh giặc, bảo vệ đất nước. Ngày nay, các thế hệ người Chăm dù sinh sống ở đâu, dù theo tôn giáo nào cũng luôn có ý thức vươn lên trong cuộc sống, lao động sản xuất, học tập cũng như giữ gìn và phát triển văn hóa dân tộc mình. Với bản chất hiền hòa, dễ thích nghi, người Chăm đã nhanh chóng hòa nhập vào cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam, cùng với các dân tộc anh em trên mảnh đất này xây dựng Tổ quốc Việt Nam thống nhất ngày càng giàu đẹp, văn minh. Bên cạnh đó cũng phải thấy rằng, bản thân người Việt khi đến các vùng đất do người Chăm làm chủ cũng tỏ ra thích ứng cao, biết hòa nhập cùng cư dân Chăm xây dựng đất nước. Bản chất của người Việt là dễ hấp thụ những yếu tố văn hóa hay, tốt đẹp từ bên ngoài để xây dựng cho mình một cuộc sống ngày càng hoàn thiện.

Nếu tra cứu trên các trang mạng về Văn hóa Ninh Thuận hoặc Văn hóa vùng đất Ninh

Thuận, chúng ta có thể tìm thấy những kết quả về văn hóa người Chăm hay lịch sử, văn hóa

Champa. Trong các tài liệu sách báo, các công trình nghiên cứu về Văn hóa Ninh Thuận

cũng không có nhiều tư liệu ngoài nội dung về văn hóa Chăm. Nếu tra cứu trên trang http://vi.wikipedia.org về Văn hóa Ninh Thuận, kết quả tìm được như sau:

Người Chăm là dân tộc bản địa lâu đời. Các nhà khảo cổ đã phát hiện được ở Nhơn Hải -Ninh Hải của Ninh Thuận các mộ cổ chôn cùng với đồ đá, đồ sắt thuộc nền Văn hóa Sa huỳnh cách đây khoảng 2500 năm. Ninh Thuận còn là nơi gìn giữ được nhiều di sản quý báu của nền văn hoá Champa, bao gồm chữ viết, dân ca và nghệ thuật múa, trang phục và nghề dệt thổ cẩm, nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc.

Tỉnh có hơn 20 làng người Chăm, trong đó có những làng vẫn duy trì các tập quán của chế độ mẫu hệ. Ninh Thuận có gần như còn nguyên vẹn hệ thống tháp Chăm xây dựng

90

trong nhiều thế kỷ trước, tiêu biểu là cụm Tháp Hòa Lai xây dựng thế kỷ thứ 9, cụm Tháp

Po Klaong Garai xây dựng thế kỷ 13 và cụm Tháp po Rome xây dựng thế kỷ 17

[http://vi.wikipedia.org/wiki/Ninh_Thuận]

Tác giả dẫn nội dung trên đây để thấy rõ hơn điểm nổi bật của văn hóa Chăm trong văn hóa vùng đất Ninh Thuận. Nhắc đến văn hóa Ninh Thuận, người ta nghĩ ngay đến văn hóa Chăm.

Năm 1471 đánh dấu sự giao lưu văn hóa của hai tộc người Chăm – Việt, khi người Việt di cư đến vùng Bắc Champa theo chân các đội quân phong kiến Đại Việt. Nhưng mãi đến 1692, khi các chúa Nguyễn lập phủ Bình thuận tại vùng Nam Champa – Panduranga, thì các lớp cư dân người Việt mới di cư vào sinh sống nhiều hơn. Do đó, xét về thời gian thì giao lưu văn hóa Việt – Chăm ở vùng Bắc Champa đã xảy ra trước Nam Champa hơn hai thế kỷ. Hai thế kỷ trôi qua, hai nền văn hóa của hai dân tộc đã gần như hòa làm một. Sự giao lưu về văn hóa cũng như về nhân chủng đã làm mờ nhạt nền văn hóa Chăm rực rỡ mà thay vào đó là sự “Kinh hóa, Việt hóa”. Khó có thể nhận ra trong văn hóa Đại Việt lúc bấy giờ đâu là yếu tố thuộc văn hóa Việt, đâu là yếu tố văn hóa Chăm. Người ta cứ nói đó là sự giao lưu văn hóa của hai tộc người nhưng không thể khẳng định sự giao lưu ấy xảy ra bao giờ, là sự giao lưu hai chiều hay một chiều. Panduranga–tức là hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận ngày nay, theo cách gọi của người Chăm bao gồm các xứ Panrang, Parik, Pajai, Kraung. Đây là địa bàn sinh sống lâu đời của cư dân Champa, trải qua bao biến cố lịch sử thịnh suy, người Chăm vẫn gìn giữ được những công trình kiến trúc đền tháp, tiếng nói, trang phục, sinh hoạt tôn giáo mang tính chất truyền thống. Có thể nói rằng, xứ Panduganga là nơi hội tụ những nét đặc trưng các tinh hoa của nền văn minh Champa đã từng hiện diện trong lịch sử Đông Nam Á.Người Chăm coi Panduranga là thành trì cuối cùng của một Champa đã từng có thời kỳ huy hoàng, rực rỡ. Hơn nữa, sự giao lưu văn hóa các tộc người ở Việt Nam có điểm đặc trưng là: Các tộc người gia nhập vào cộng đồng dân tộc Việt Nam vẫn giữ cho mình một bản sắc văn hóa, một tính cách tộc người riêng biệt, riêng biệt ngay với cả người đồng tộc trong cùng quốc gia cũng như ở các quốc gia kề cạnh, vì họ được hưởng những sáng tạo văn hóa của các tộc người đã cùng họ hình thành dân tộc Việt Nam. Đồng thời, nét riêng biệt của văn hóa tộc người còn phụ thuộc vào địa bàn cư trú của tộc người, sự phát triển về văn hóa của tộc người ấy. Do đó, sự giao lưu văn hóa giữa dân tộc Chăm và dân tộc Việt tại Ninh Thuận có thể phân biệt rạch ròi đâu là yếu tố Chăm hóa, đâu là yếu tố Việt hóa. Chính vì vậy, sự giao lưu văn hóa của hai tộc người này càng được thể hiện rõ nét hơn,

91

đặc trưng hơn. Nó được coi như một “sản vật” của vùng đất Ninh Thuận. Mặc dù có sự giao thoa về văn hóa, thậm chí có hiện tượng hòa huyết trong một thời gian dài; mặc dù có nhiều nét văn hóa Chăm bị “Kinh hóa” nhưng sự giao lưu văn hóa Việt – Chăm tại Ninh Thuận vừa giữ được bản sắc nền văn hóa Chăm bản địa, vừa tạo ra sự đa dạng văn hóa cho một vùng đất.

Ngoài ra, tại vùng đất Panduranga này trong lịch sử đã diễn ra một sự kiện có tác động đến tư tưởng của bộ phận người Chăm. Đó là sự kiện năm 1832. Sau sự kiện này, người Chăm từ vị trí người làm chủ một quốc gia chính thức trở thành một tộc người thiểu số của dân tộc Việt Nam. Dù cho đó là hệ quả tất yếu của nhiều sự kiện lịch sử kéo dài nhưng đó cũng là một vết thương trong tâm thức người Chăm. Chính trên “kinh đô” này nhiều cuộc tàn sát đẫm máu đã diễn ra, nhiều di sản mà vương quốc Champa xây dựng bị triều đình phong kiến nhà Nguyễn phá hủy, chính sách đồng hóa về văn hóa đã gây ra sự tổn thương dẫn tới sự khép kín, nép mình của người Chăm tại vùng đất này. Đó là quá khứ. Quá khứ nên khép lại, để tương lai được diễn ra. Thời gian trôi qua, người Chăm đã không còn nép mình, sống khép kín, không còn chôn chặt quá khứ nữa. Họ đã cùng với người Việt chung lưng đấu cật, đấu tranh với những biến cố của đất nước. Không ít tấm gương người Chăm đã hy sinh thân mình trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Và trên hết, trong quá trình cộng cư với nhau, hai bộ phận Chăm – Việt đã cùng nhau xây dựng một vùng đất hiền hòa, đoàn kết ngày càng phát triển. Người Chăm và người Việt tại Ninh Thuận đã sinh sống cùng nhau hơn hai thế kỷ. Đó là quãng thời gian không dài so với lịch sử của quốc gia, nhưng đó cũng là khoảng thời gian đủ để minh chứng khả năng thích nghi và hòa hợp của hai tộc người. Văn hóa Chăm và văn hóa Việt tại Ninh Thuận cùng nhau hòa quyện để tạo nên sự đặc sắc, đa dạng của văn hóa Ninh Thuận nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung.

Cùng với quá trình thụ đắc từng phần lãnh thổ Champa vào lãnh thổ Đại Việt là quá trình hòa nhập của văn hóa Champa vào văn hóa Đại Việt, cũng là sự hòa nhập của nhiều cộng đồng văn hóa tạo ra một quốc gia đa văn hóa.

Chính văn hóa Chăm cùng nhà nước Vua – Thần theo mô hình Ấn Độ đã tập hợp các cộng đồng văn hóa này làm nên tính đặc sắc của văn hóa Champa. Nhưng khi nhà nước Champa sụp đổ, người Việt tiến vào, văn hóa Việt cộng sinh với văn hóa Chăm, đóng vai trò chủ thể tiếp tục việc tích hợp đó thì văn hóa Chăm lại trở thành một trong những bộ phận của văn hóa Việt Nam. Quá trình tích hợp mà văn hóa Việt trở thành chủ thế không phải là

92

một tiến trình áp đặt. Lịch sử thụ đắc lãnh thổ có thể từ một sự kiện chính trị hay quân sự mang theo nhiều nỗi đau nhưng hòa nhập văn hóa chỉ có thể là hệ quả tất yếu của một quá trình cộng cư văn hóa với những mối liên hệ lịch sử lâu dài.

Trước hết có thể thấy cả hai nền văn hóa đều có chung cơ tầng văn hóa bản địa Đông Nam Á. Cơ tầng bản địa này đã không hề phai nhạt trong quá trình Champa tiếp thu Ấn Độ giáo, đặc biệt là tại vùng Nam Champa. Trong khi đó cư dân Champa dù chịu ảnh hưởng tôn giáo Ấn Độ nhưng đời sống kinh tế xã hội của họ chủ yếu là văn hóa bản địa, đó là đời sống của cư dân trồng lúa nước, xã hội vẫn bảo lưu đậm nét yếu tố mẫu hệ và những tín ngưỡng dân gian. Do đó khi văn hóa Việt đóng vai trò chủ thể thì các cộng đồng của Champa tập hợp vào đó như một sự thuận chiều của văn hóa cùng nguồn gốc.

Do đó, ngày nay, trong đời sống của người Chăm luôn hiện diện sự ảnh hưởng, tác động của văn hóa Việt và ngược lại, trong đời sống người Việt ở Ninh Thuận có sự ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa Chăm. Cư dân người Việt tại vùng đất này đã học hỏi được rất nhiều từ kinh nghiệm sống của cư dân bản địa để tồn tại trên một mảnh đất “gió như phan, nắng như rang”, khô cằn, khắc nghiệt. Bên cạnh đó, người Chăm cũng ngày càng cởi mở hơn, hòa nhập hơn với người Việt để phát triển kinh tế, xây dựng đời sống ngày càng phát triển. Hai dân tộc cùng sống trên một vùng đất đã có sự cộng sinh, tương hỗ để cùng tồn tại và phát triển.

Nếu ai đã từng đến Ninh Thuận, đều được thấy sự hiện hữu của văn hóa Chăm tại Ninh Thuận như một nét đặc trưng nổi bật nhất. Các địa điểm du lịch nổi tiếng của Ninh Thuận mang đậm màu sắc văn hóa Chăm: Hai cụm tháp Chăm uy nghi và hùng vĩ (ở phía bắc, có cụm tháp Po Kloang Garai; ở phía nam của tỉnh có cụm tháp Hòa Lai); Bảo tàng Chăm vừa được xây dựng; Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm Ninh Thuận – nơi lưu giữ nhiều tài liệu quý về văn hóa Chăm, Làng dệt Mỹ Nghiệp–nơi lưu giữ kỹ thuật dệt độc đáo của người Chăm, Làng gốm Bàu Trúc-nơi lưu truyền kỹ thuật tạo hình gốm bằng tay.

Sự giao thoa văn hóa Chăm –Việt đã tạo nên bức tranh văn hóa Ninh Thuận mang nhiều dấu ấn riêng biệt. Tại vùng đất này diễn ra các lễ hội quanh năm của cả cộng đồng người Chăm và người Việt. Bạn có thể chứng kiến trên một bãi biển có cả người Chăm và người Việt cùng nô đùa, tắm biển trong dịp Tết Nguyên đán và Tết Nguyên Tiêu. Bạn cũng có thể bắt gặp hình ảnh các cô gái Việt mặc áo dài truyền thống tại các đền tháp Chăm để tham dự lễ Katê của người Chăm.

93

đình người Việt đến nhà chơi vào dịp lễ Ramuvan, lễ Katê. Điều đó làm cho tình đoàn kết, thân ái giữa cộng đồng người Chăm và người Việt tại Ninh Thuận thêm bền chặt, hữu nghị và keo sơn.

Tình cảm ấy, sự hòa quyện trong văn hóa ấy là minh chứng chắc chắc cho sự thành công của chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta trong vấn đề xây dựng nền văn hóa đậm đà, bản sắc dân tộc, xây dựng mối đoàn kết toàn dân, để tạo nên sức mạnh toàn dân tộc chống lại mọi luận điểm xuyên tạc về chính sách dân tộc của các thế lực thù địch trong và ngoài nước.

Tình cảm ấy, sự hòa quyện trong văn hóa ấy cũng là bài học kinh nghiệm quý báu để Đảng ta tiếp tục xây dựng chính sách dân tộc ngày càng hoàn thiện hơn, góp phần phát huy vai trò của các dân tộc thiểu số trong việc xây dựng nền văn hóa dân tộc ngày càng đa dạng, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc.

Một phần của tài liệu giao lưu văn hóa việt chăm ở ninh thuận từ 1832 đến 2012 (Trang 91)