Giao lưu trong tín ngưỡng

Một phần của tài liệu giao lưu văn hóa việt chăm ở ninh thuận từ 1832 đến 2012 (Trang 67)

7. Bố cục luận văn

2.3.1.Giao lưu trong tín ngưỡng

Theo nhà nghiên cứu Hải Liên8F

9, cách đây vài thập niên ở Ninh Thuận có hiện tượng người Chăm và người Việt cùng tham gia một nghi thức lễ của người Chăm. Đó chính là lễ Plao Kassat – lễ cúng ở cửa sông. Nghi lễ này được diễn ra tại ba cửa sông ở Ninh Thuận : Đầm Nại – Ninh Hải; Phú Thọ - Đông Hải, Phan Rang – Tháp Chàm, Cà Ná – Phước Nam9F

10

.

Plao Kassat hay còn gọi là Lễ cầu đảo: Lễ cầu cho điều hòa hoa màu tổ chức vào tháng giêng Chàm. Lễ hội cầu đảo (cầu mưa) là một trong những lễ hội truyền thống quan trọng của người Chăm nhằm tôn vinh thần cai quản nông nghiệp, cầu cho mưa thuận gió hòa. Diễn ra vào ngày 16 tháng 5 âm lịch hằng năm hoặc những khi mưa trễ, hạn hán nặng nề, lễ hội cầu đảo thường tổ chức ở các đền tháp Chăm và ở các cửa biển cho chung cả hai cộng đồng Chăm Ahier (Bà la môn) và Chăm Awal (Hồi giáo). Thời gian tiến hành nghi lễ cầu mưa diễn ra cùng một lúc. Tại cửa biển Cà Ná do chức sắc và dân làng thuộc vùng Tháp Pô Rôme cúng lễ. Tại cửa biển Đầm Nại thì do chức sắc và dân làng thuộc đền Pô Nưgar phụ trách. Tại cửa biển Phú Thọ việc cúng lễ do chức sắc và dân làng vùng tháp Pô Klaong Garai đảm trách.

Vì sao một lễ hội truyền thống quan trọng của người Chăm lại có sự tham gia của người Việt. Cũng theo ý kiến của nhà nghiên cứu Hải Liên, thì có thể lý giải nguyên nhân của vấn đề này như sau:

- Khí hậu khô hạn của vùng đất Ninh Thuận gây nhiều khó khăn cho cuộc sống cũng như canh tác nông nghiệp. Vấn đề khô hạn không chỉ gây khó khăn cho đời sống người Chăm mà còn tác động lớn đến người Việt. Vì vậy, họ cũng mong trời không hạn hán, mong

9Nhà nghiên cứu Hải Liên – tên đầy đủ là Nguyễn Hải Liên, nguyên là Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Ninh Thuận. Ông là nhà nghiên cứu về văn hóa Chăm, Raglai. Ông có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về văn hóa Chăm và văn hóa Raglai.

10

Theo tài liệu điền dã và ghi chép của tác giả luận văn trong cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu văn hóa Hải Liên tại nhà riêng của ông, ngày 25/5/2013.

66

mưa thuận gió hòa để canh tác, sinh hoạt. Do đó, họ cùng tham gia với người Chăm.

- Khi người Việt di cư đến vùng đất này, người Chăm còn sinh sống tại các vùng đồng bằng ven biển. Người Việt đến đây đã đẩy dần người Chăm xa rời biển. Nhưng trước khi di chuyển đến các đồng bằng khô hạn gần núi, người Chăm đã tiến hành các phong tục cầu khấn tại các vùng cửa biển này, do đó, người Việt đã chứng kiến, và có sự tham gia.

Về thờ thành hoàng

Người Chăm và người Việt đều có tục thờ thần làng. Đó là một phong tục rất phổ biến ở hai dân tộc. Người Chăm gọi thần làng là Yang palei (thần làng), người Việt hiện nay gọi là thành hoàng. Tên gọi Yang palei là thuần Chăm.

Về thần Điện: Trước hết xin đối chiếu thần Điện của các vị thần ở làng của hai dân tộc. Ở làng Chăm - Bỉnh Nghĩa, Ninh Thuận, việc thờ thần làng có tính phức hợp. Tại đây có đến 19 vị thần được định danh, chia làm 3 nhóm:

- Nhân vật lịch sử: Chế Bồng Nga, Pô Klaong Garai, Pô Rôme. - Thiên thần như Pô dah dih (thần tứ phương).

- Thần vật linh như Pô Riyak (thần sóng biển), Pô Tang, Pô Gilaw (thần rừng tram, rừng quế), Pô Thang (thần nhà), Pô Chok (thần núi).

- Thần của tôn giáo ngoại nhập như Pô Ginon Mư tri (thần Siva), Poh Sah Inu (đại diện cho Thánh Ala – Hồi giáo).

- Một hệ thống Pô Inư Nugar (thần mẹ xứ sở). Pô Pô Inư Nugar so với thần thoại các dân tộc có nét riêng biệt, thần khai sáng văn hóa nguyên thủy đào biển, đắp núi, lấy nước lấy lửa và các tổ sư dạy nghề.

Trong lễ cúng Pô Nugar Hamu Kút có mời các vị thần sáng thế của người Chăm như Thần Trời ( Po yang Mư), thần đào biển đắp núi (Kay Du, Kay Dai) chứ bản thân Pô Nugar Hamu Kut không nhập vào các vị thần này.

Theo Nguyễn Đình Tư, thần Điện của làng Việt nói chung và làng Việt ở Ninh Thuận cũng mang tính phức hợp như vậy. Theo Nguyễn Duy Hinh, thần Điện thành hoàng làng Việt gồm:

- Nhân thần và các nhân vật anh hùng lịch sử, những tiền hiền khai hoang lập ấp, tổ sư các nghề.

- Thiên thần là những nhân vật thần tiên không phải nhân vật lịch sử. - Thần Đá, Cây, Rừng, Đất, kể cả Nõ Nường (thần sinh thực khí).

67

thiên nhiên, kể cả rắn,…

Qua đó ta có thể thấy, làng Chăm hay làng Việt đều thờ cúng thần làng tích hợp các lớp tín ngưỡng tôn giáo từ nguyên thủy đến cận đại như:

- Tín ngưỡng vật linh - Tín ngưỡng phồn thực

- Nhân thần có thật trong lịch sử. - Nhân thần không có thật.

- Thần linh của các tôn giáo ngoại nhập.

Điều đáng chú ý ở điện thần làng Chăm, lực lượng thần linh của tín ngưỡng nguyên thủy đông đảo, mạnh và rõ nét. Qua lễ nghi thờ cúng càng thấy rõ điều này: việc múa sinh thực khí trong lễ Rija Nư gar (lễ múa tống ôn đầu năm) là một ví dụ:

- Cụ ông múa phồn thực - Bà Bóng múa phồn thực

Về nghi thức thờ cúng:

Xét về nghi thức thờ cúng thần làng Chăm và thành hoàng Việt đều có hai phần lễ và hội. Về cơ bản quy trình lễ và hội ở hai dân tộc có nhiều nét tương đồng.

Quy trình lễ hội ở người Chăm gồm: - Lễ rước y phục - Lễ mở cửa đến - Lễ tắm tượng - Lễ mặc y phục - Đại lễ - Hội

Quy trình lễ hội người Việt gồm: - Lễ rước nước

- Lễ mộc dục (tắm tượng) - Tế gia quan (mặc áo mũ) - Đám rước

-Đại tế -Hội

Các bước quan trọng mà lễ hội dân tộc đều phải thực hiện là tắm tượng và mặc y phục cho tượng thần rước và đại tế.

68

Sự khác nhau là người Chăm nghi lễ có tính tự nhiên; ở người Việt, nghi lễ đã được khoác áo một sinh hoạt triều đình phong kiến với mọi nghi vệ rườm rà của nó. Có thể nghĩ rằng trước khi được khoác bộ áo vua quan này nghi thức cúng thần ở làng người Việt cũng bình dị như ở làng người Chăm.

Trong nghi thức thờ cúng của hai dân tộc đều có việc hầu bóng lên đồng. Ở người Chăm hoạt động này phổ biến rộng, ở nhiều buổi tế với các nhân vật thầy lễ chuyên môn được gọi là bà Bóng (nữ) và ông In (nam). Ở người Việt hoạt động hầu bóng, lên đồng hiện nay chỉ thấy tập trung ở tín ngưỡng thờ Mẫu. Nhưng không thể phủ định mối quan hệ của hoạt động có tính saman này giữa hai dân tộc Chăm và Việt.

Trong việc thờ cúng cá ông – thờ Thần Nam Hải

Những cư dân Việt sống bằng nghề đánh bắt hải sản thường xuyên phải đối mặt với sóng to gió lớn, không có cách gì để chống lại hiểm nguy, do vậy lòng tin vào các thế lực siêu nhiên càng mạnh, nhiều lăng Ông lăng Bà thờ cúng các vị thủy thần được dựng lên để cầu mong sự bình an. Cá voi được xem như là một vị cứu nạn của ngư dân, do vậy có tục thờ cá ông ở vùng ven biển, hàng năm ngư dân đều tổ chức lễ cúng bái, tạ ơn thánh thần và tưởng nhớ những người đã bỏ mình trên biển

Trong tín ngưỡng thờ cá Ông/voi, nhiều nơi tại miền Trung đã lập miễu thờ tự là hình thức tiếp biến tín ngưỡng của người Chăm sang người Việt miền Trung dưới danh xưng khác là thần Nam Hải cự tộc. Hằng năm, tùy theo điều kiện mỗi địa phương, các làng chài ven biển đều có tổ chức lễ hội cầu ngư, cúng thần Nam hải cự tộc mong sẽ đánh bắt được nhiều tôm cá, nhưng ước vọng lớn nhất là cầu xin thần Nam hải cự tộc giúp cho trời yên biển lặng trong những lần ra khơi,... Với ý nghĩa thiết thực và thiêng liêng đó, nhân dân các làng chài ven biển duyên hải miền Trung mở hội cầu ngư. Và khi tiếp biến hình thức thờ cúng cá Ông /voi sang người Việt, trong lễ hội thể hiện tính sáng tạo thêm qua hình thức hát múa dân gian kèm theo vũ đạo với chiếc dầm bơi ghe trong lúc hát-múa. Đây chính là yếu tố mang tính tín ngưỡng mà người Việt tiếp thu của người Chăm. Cũng giống như nhiều tỉnh thành khác ở miền Trung, ngư dân Ninh Thuận cũng có tập tục thờ cá Ông/ voi

Có thể tìm hiểu về sự giao lưu trong tín ngưỡng Chăm – Việt trong thờ cá Ông tại Mũi Dinh -làng chài Sơn Hải. Theo nhà nghiên cứu Hải Liên thì tại làng chài Sơn Hải - thôn Vĩnh Trường, trước đây có một đền thờ bằng đá thờ thần Pô Ryza (Thần sóng) do người Chăm lập nên. Ngư dân người Việt khi đi biển đến Sơn Hải đã vào đầy để cầu nguyện, xin thuận buồm xuôi gió, thuyền đầy cá tôm. Vào thế kỷ 19, có một cơn bão lớn đã làm sụp đền

69

thờ, những ngư dân người Việt tại đây đã thỉnh tượng thần Pô Ryza đến một địa điểm cách đó vài km, làm lễ, xây dựng một đền thờ khác10F

11. Địa điểm đó ngày nay chính là Mũi Dinh- Sơn Hải. Sau khi sửa san lại đền thờ tại địa điểm mới, “người Việt lại gọi tượng thần bằng đá là thần Nam Hải, đặt tên cho đền thờ là Đền Ngọc Lân, người dân gọi là lăng Ông. Cho đến ngày nay, người Chăm vẫn đến cúng vào ngày 2 tháng 2 âm lịch” [34, tr.158].

Theo nhà văn Inrasara, người con của làng Mỹ Nghiệp, thì ngay tại làng Mỹ Nghiệp (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) hiện nay vẫn còn đền thờ thần Pô Riyak. Ông thần này được xem như thần Thành hoàng của làng, mọi người vẫn xem Pô Riyak, thần Nam Hải, thần cá Ông đều là một. Trước đây, trên tường của đền thờ có vẽ người cưỡi cá voi đi giữa biển khơi. Vào năm 2009, ngôi đền đã được xây mới lại, có làm tượng thờ.

Đối với cư dân ven biển miền Trung, cá Ông là con vật thiêng nên họ gọi một cách thành kính là “cá Ông”. Trong tín ngưỡng Chăm cũng như Việt, con vật nào họ thật tâm thành kính thì họ phải kiêng không dám gọi thẳng tên mà phải gọi bằng “Ông”. Ví dụ: Ông Cọp, Ông Voi, người Chăm gọi là Ông Rimon, Ông Limân. Riêng người Chăm, cá Ông đã hóa thân thành thần linh thật sự qua nhân vật thần Pô Riyak trong truyền thuyết vừa nêu trên. Cá Ông là đấng “bảo hộ” giữa phong ba bão táp, chiếc thuyền của con người mong manh như chiếc lá trên biển, cái sống và cái chết kề trong gang tấc. Họ đã gửi gắm tất cả niềm tin vào đấng thiêng liêng hằng phù hộ cho họ trong đánh bắt cũng như lúc gặp nạn giữa biển khơi. Niềm tin ấy càng nhân lên gấp bội, khi cá voi với đặc tính sinh học của mình, những khi biển động thường hay tìm các vật trôi nổi trên biển để nương vào bờ, nên ngẫu nhiên cứu được nhiều tàu thuyền cũng như người rơi trên biển.

Vì lý do trên, với tấm lòng thành kính thiêng liêng, cho nên ở làng Sơn Hải (xã Phước Dinh, huyện Ninh Phước), làng Mỹ Nghiệp (huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) hiện vẫn còn các lăng thờ cá voi do người Chăm dựng lên. Các làng Chăm ở Vĩnh Trương, Hữu Đức, Thành Vụ, Ma Lâm, Phước Đồng cũng đều có đền thờ Pô Riyak. Người Việt cũng lập lăng Ông ở khắp cả tỉnh Ninh Thuận để thờ cúng như: Vĩnh Hy, Thái An, Tri Thủy, Khánh Hội, Dư Khánh, Hải Chử, Sơn Hải, Cà Ná và lăng Cô thì ở Ninh Chữ, Sơn Hải và Cà Ná.

Một phần của tài liệu giao lưu văn hóa việt chăm ở ninh thuận từ 1832 đến 2012 (Trang 67)