Đặc điểm cư dân Ninh Thuận

Một phần của tài liệu giao lưu văn hóa việt chăm ở ninh thuận từ 1832 đến 2012 (Trang 59)

7. Bố cục luận văn

2.1.3.Đặc điểm cư dân Ninh Thuận

Theo số liệu của Cục thống kê tỉnh Ninh Thuận năm 2002, dân số tỉnh Ninh Thuận có 554.359 người cư trú ở 5 huyện, thị xã với 44 xã, 11 phường, 3 thị trấn và 265 thôn. Trong đó dân tộc Kinh có số dân đông nhất chiếm 73 %, dân số các dân tộc thiểu số có 122.011 người (chiếm 21,99%) dân số toàn tỉnh. Ninh Thuận tuy là một tỉnh nhỏ nhưng có tới 27 dân tộc anh em sống xen kẽ trên địa bàn từ vùng miền núi đến miền duyên hải. Trong đó có hai dân tộc thiểu số có số dân đông nhất là dân tộc Chăm (62.643 người, chiếm 11,29%), dân tộc Raglai (52323 người, chiếm 9,43%) dân số của toàn tỉnh.

Theo số liệu của Cục thống kê tỉnh Ninh Thuận năm 2003, dân số tỉnh Ninh Thuận có 503.000. Trong đó số lượng người Việt là 393.000 chiếm 78,3%, có 26 dân tộc ít người với tổng số 111.850 người. Dân tộc Chăm 61.359 chiếm 11,3% dân số toàn tỉnh, dân tộc Raglai có 47.596 chiếm 9,4%. Còn lại 24 dân tộc thiểu số khác với số lượng không nhiều như: Hoa, Churu, Tày, Cơ ho, Nùng….

Theo kết quả điều tra dân số ngày 01/04/2009, dân số tỉnh Ninh Thuận là 564.993 người. Mật độ dân số: 168 người/km2

Tại thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 27 dân tộc anh em sinh sống. Trong đó, đông nhất là người Kinh (Việt - 76,65%), người Chăm (11,93% dân số toàn tỉnh, 41,60% số người Chăm của cả nước) và người Raglai (10,44% dân số toàn tỉnh, chiếm 48,19 số người Raglai củacả nước).

Ninh Thuận – một vùng đất với điều kiện khí hậu khắc nghiệt nhất nước, thiên nhiên ưu đãi cho những bãi cát trắng, những bờ biển dài và đẹp, cộng với sự đa dạng về tộc người đã làm cho nơi đây có những nét văn hóa đặc trưng không thể lẫn vào đâu được. Khi nhắc đến Ninh Thuận và văn hóa Ninh Thuận, người ta không thể không nhắc đến người Chăm và văn hóa Chăm. Có thể khẳng định rằng: người Chăm và văn hóa Chăm là nét tiêu biểu của văn hóa Ninh Thuận. Sự đặc sắc và tính bản địa của văn hóa Chăm Ninh Thuận; những đền tháp Chăm còn tồn tại theo thời gian ở Ninh Thuận; những điệu múa mê hoặc, bài ca Chăm đã là “đặc sản” của Ninh Thuận, là niềm tự hào của vùng đất cực nam Trung bộ này.

Bên cạnh nét độc đáo của văn hóa Chăm, thì văn hóa Ninh Thuận còn mang dấu ấn của các dân tộc ít người khác. Trong đó, không thể không nhắc đến văn hóa Raglay. Nếu lấy quốc lộ 27 chạy theo trục Đông-Tây thì tộc người Raglai Ninh Thuận có hai mảng sắc thái văn hóa: Văn hóa Raglai Bắc và văn hóa Raglai Nam.

58

Người Raglai Nam, gồm các palei của các xã Ma Nới, Phước Hà. Đặc điểm đời sống văn hóa của người Raglai ở đây gần gũi với đời sống văn hóa của người Chăm. Đây là địa bàn cư trú mà tộc người Raglai “được xem là con út” nên được các vua - thần Chăm xứ Panduranga xưa gởi gắm bảo vật. Hẳn chúng ta còn biết những địa phương người Raglai đã và đang lưu giữ bảo vật như ở thôn Giá (Njak) xã Phước Hà, huyện Thuận Nam lưu giữ bảo vật của Pô Inâ Nâgar - Hữu Đức; thôn Tân Điền, xã Phan Diền, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận lưu giữ bảo vật Pô Dam. Hàng năm đến ngày lễ Katé, họ lại đưa về làng Chăm.

Người Raglai Bắc chiếm số lượng dân cư lớn, tập trung đông đảo ở huyện Bác Ái, ngoài ra còn ở các huyện Ninh Sơn, Thuận Bắc cũng có người Raglai sinh sống tương đối đông. Rất thú vị là làng ở các huyện đó có dòng họ trùng tên với một tộc họ lớn ở làng Chăm này, đó là dòng tộc Aia Mâthin. Người Raglai gọi tên dòng tộc này là Aia Masit, tên một loại cỏ có bộ rễ rất cứng. Ông Thành Mây, Chủ tịch Hội người Cao tuổi xã Bắc Sơn cũng đã xác nhận rằng, hiện nay ở làng Xóm Bằng có một số người trong tộc họ anh sinh sống từ mấy chục năm qua.

Hai tộc người Chăm và Raglai trong quá trình tồn tại đã có những mối quan hệ sâu sắc, câu tục ngữ ngàn đời vẫn còn lưu “Cam sa-ai Raglai adei” nói lên quan hệ ruột thịt. Hai tộc người cùng nói thứ tiếng Mã Lai Đa Đảo, cùng số lượng hệ thống ngữ âm. Cái đáng nói hơn cả là hai cộng đồng cùng tôn thờ Pô Inâ Nâgar (Bà Chúa xứ) và Pô Nai Tang mà hai loại hình chức sắc của hai dân tộc tham gia cúng tế trên ngôi đền của thôn Ú Tà Lâm, xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn mà người Chăm gọi là palei Uk Dalam-Hamu Ranâc.

Một phần của tài liệu giao lưu văn hóa việt chăm ở ninh thuận từ 1832 đến 2012 (Trang 59)