8. Kết cấu luận văn
3.3.1. Ngôn ngữ lịch sử trang trọng, cổ kính
Trong tiểu thuyết lịch sử lớp ngôn ngữ lịch sử là không thể thiếu. Nó giúp người đọc nhận ra được thời đại lịch sử của câu chuyện được kể, phân biệt được quá khứ và hiện tại. Nó có chức năng tạo dựng không khí lịch sử cho tác phẩm và lớp ngôn ngữ này thường trang trọng, cổ kính. Đây là lớp ngôn từ không thể thiếu vắng trong bất cứ cuốn tiểu thuyết lịch sử nào bởi lẽ nó là dấu hiệu để phân biệt thời đại đích thực của câu chuyện, phân biệt những gì đã qua với hôm nay. Hay nói cách khác, chính lớp ngôn ngữ này có khả năng tạo dựng không khí lịch sử cho tác phẩm mà nói như Luscas: “Tiểu thuyết lịch sử kể lại những sự kiện của quá khứ và về mặt ngôn ngữ nó tạo ra
mối liên hệ với hiện tại, bởi vì người kể chuyện hôm nay nói cho người nghe của hôm nay” [8].
Trong tiểu thuyết lịch sử, ngôn ngữ lịch sử thường xuất hiện ở ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật. Đó là thứ ngôn ngữ mang đậm màu sắc quan phương, quy phạm nhằm gợi lại không khí trang trọng của thời đại lịch sử nhất định. Bởi vì, tiểu thuyết lịch sử thường viết về nhân vật lịch sử, sự kiện và thời đại lịch sử nên nó phải giúp độc giả hình dung được con người thời đại ấy đã ăn nói, cư xử, đã suy ngẫm cụ thể như thế nào. Tiểu thuyết lịch sử Minh sư của Thái Bá Lợi được sử dụng lớp ngôn ngữ lịch sử, cổ kính, trang trọng.
Trước hết là ngôn ngữ ghi lại những dấu mốc thời gian lịch sử, chúng thường in đậm dấu ấn của thời đại phong kiến mà nhân vật Nguyễn Hoàng sống như: Mậu Ngọ 1558 Đoan quận công Nguyễn Hoàng thoát ra khỏi sự khống chế của người anh rể, Chính trị năm thứ 11(1568) năm trấn quốc công Bùi Tá Hán mất;Vào năm Hồng Phước thứ nhất đời Anh Tông (1572), Tháng Giêng năm Ất Dậu (1573) thì vua bị bắt ở Lôi Dương, năm Tân Mão (1591) Trịnh Tùng sai Quận công... trấn thủ các cửa biển, tháng 3 Quang Hưng thứ 21(1598) Hải Dương lại nổi phỉ, ngày Mậu Ngọ tháng 5 năm Quý Sửu, Hoằng định thứ 14 (1613) cầm tay con dặn dò.... Cách đo đếm thời gian như trên đã gợi lại không khí lịch sử của thời đại trong quá khứ mà nhân vật đã sống và từng trải qua, các sự kiện lịch sử của thời đại ông như nhắc với người đọc là câu chuyện thuộc về một thời đại xa xăm.
Không chỉ lớp ngôn ngữ chỉ thời gian mang dấu ấn lịch sử mà những đối thoại, địa danh, chức danh, thế giới đồ vật... trong tiểu thuyết lịch sử cũng đòi hỏi phải được miêu tả bằng ngôn ngữ mang màu sắc quá khứ thuộc thời điểm câu chuyện xảy ra. Tác giả phải giúp người đọc hình dung con người của thời đại ấy đã ăn nói, cư xử như thế nào. Họ là vua, chúa, quan, lính... nên
ngôn ngữ cũng phải tương xứng với địa vị. Những người có địa vị trong xã hội thời đó thì đều phải sử dụng thứ ngôn ngữ cung đình trang trọng. Mỗi lời nói của họ đều mang tính quy phạm từ cách xưng hô, đối đáp. Nguyễn Hoàng là quan của triều đình trấn thủ xứ Thuận Hoá thì xưng hô với thuộc hạ cấp dưới như Đỗ Chiêu, Nguyễn Thiệu, Phạm Dữ... nhất nhất phải là "ta" và gọi người bề dưới là'' ông”, “anh '', còn ngang cấp như Tống Phước Trị... thì xưng là ''Tôi'' và ''ngài''. Lời lẽ và cách xưng hô của vua Anh Tông với Nguyễn Hoàng: ''Trẫm vẫn mong ngày gặp lại Đoan quận công, hôm nay mới có ngày gặp lại..." [32;243]. Nguyễn Hoàng chắp tay trước ngực, lưng hơi cúi xuống nhưng mắt nhìn thẳng: "Tâu, thần vẫn ngày đêm chờ đợi ngày về gặp bệ hạ cùng Thái sư...'' [32;243]. Nhìn nhận về lịch sử, lựa chọn được lớp ngôn ngữ trang trọng, cổ kính theo đúng cách nói truyền thống của người Việt chứng tỏ nhà văn rất am hiểu về văn hoá. Ngoài ra, ngôn ngữ trang trọng, quan phương, điển phạm của tiểu thuyết lịch sử đã tạo ra độ tin cậy về tính xác thực lịch sử. Người đọc được chứng kiến hiện thực đời sống thế kỷ XVI-XVII của nước Đại Việt với bao thăng trầm của thời đại.
Một thủ pháp nghệ thuật nữa cũng được tác giả sử dụng trong khi lựa chọn ngôn ngữ cho tiểu thuyết lịch sử của mình đó là việc gia tăng các từ Hán Việt và cách nói dùng điển cố, điển tích: "Các anh là tâm phúc của quận công. Tôi chỉ nói những việc cấp thời các anh phải làm'' [32;91]. Mong anh minh lý soi xét'' [32;240], hoặc ''Thôi ta nghỉ ở đây mai cậu còn vào yết kiến hoàng thượng'' [32;240]...
Sự thành công trong việc sáng tạo ngôn ngữ mang tính lịch sử của tác giả còn thể hiện ở chỗ kết hợp được yếu tố văn hoá và lịch sử trong một hệ thống ngôn ngữ thống nhất, đa dạng. Có thể tìm thấy thứ ngôn ngữ chau chuốt, giàu hình ảnh theo cảm quan và cách nói của người phương Đông: Bình An Vương viết cho Nguyễn Hoàng một lá thư lời lẽ vừa dỗ dành vừa
doạ dẫm : “Tiên tổ qua đời, tiên khảo Minh Khương Thái vương được giao phó trọng trách lo việc nước, đối với cậu có tình thân thế phụ... Nếu không như thế thì lấy kẻ thuận đánh kẻ nghịch'' [32;39]. Lời của Lập Bạo khi đưa quân vào đánh chiếm Ái Tử "Trên đời không mấy khi rồng gặp được mây, ngựa được bãi cỏ lớn, diều hâu nhìn thấy đàn gà con không gà mái" [32;281]
Có thể nói, ngôn ngữ cổ kính, trang trọng được Thái Bá Lợi sử dụng trong tác phẩm lịch sử Minh sử mang lại bản sắc thời đại cho tác phẩm, đảm bảo tính xác thực lịch sử, tạo ra độ tin cậy đối với người đọc và đó chính là thành công của văn học. Có thể khẳng định rằng, với tiểu thuyết lịch sử, lớp ngôn ngữ cổ kính giữ vai trò rất quan trọng. Nó không chỉ mang lại không khí thời đại trong tiểu thuyết mà còn là phương tiện để tác giả khám phá đời sống chính sự và đời sống tâm hồn của “những người muôn năm cũ”. Tuy nhiên, bên cạnh lớp ngôn ngữ lịch sử còn có ngôn ngữ đời thường thô mộc.