Điểm nhìn trần thuật

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết lịch sử minh sư của thái bá Lợi(LV1186) (Trang 84)

8. Kết cấu luận văn

3.1.2.Điểm nhìn trần thuật

Muốn hiểu sâu sắc tác phẩm văn học, người đọc cần phải tìm hiểu điểm nhìn nghệ thuật bởi lẽ, để miêu tả, trần thuật, nhà văn buộc phải xác định, lựa chọn điểm nhìn hợp lí. Trong văn học, điểm nhìn trần thuật được hiểu là vị trí người trần thuật quan sát, cảm thụ và miêu tả, đánh giá đối tượng. Điểm nhìn nghệ thuật được xem như một camera dẫn dắt người đọc vào mê cung văn bản ngôn từ. Khi nghiên cứu điểm nhìn, người ta có thể chia thành các loại: điểm nhìn tác giả, điểm nhìn nhân vật, điểm nhìn tâm lí, điểm nhìn tư tưởng... Cho dù trong tác phẩm, mỗi nhà văn có cách thiết tạo điểm nhìn riêng biệt nhưng việc tổ chức điểm nhìn trần thuật bao giờ cũng mang tính sáng tạo cao độ. Những tài năng nghệ thuật lớn là những người luôn có ý thức tạo dựng nhiều điểm nhìn để tái hiện lại cuộc sống trong tính đa dạng và phong phú của nó.

Tiểu thuyết lịch sử Minh sư đã được nhà văn xác định cho mình một

điểm nhìn tương đối độc lập, là ngôi thứ ba ẩn mình. Thái Bá Lợi đứng ngoài câu chuyện giữ một thái độ khách quan, nhà văn không đưa ra những thiên kiến đánh giá mà tập trung miêu tả nhân vật một cách khách quan, tái hiện các sự kiện như là nó vốn có. Như vậy, tác phẩm Minh sư đã thoát khỏi lối ghi

chép sử biên niên của những tiểu thuyết lịch sử cổ điển phương Đông nhưng vẫn tạo ra cảm giác chân thực đối với người đọc. Thái Bá Lợi không áp đặt chủ quan của mình cho lịch sử không phải vì tác giả không có chủ kiến rõ ràng trước đó, mà ông muốn người đọc tự cảm nhận, tự đánh giá những giá trị lịch sử cha ông đã tạo nên. Điểm nhìn trần thuật khách quan sẽ giúp cho tác giả dễ dàng tái hiện lại bối cảnh không gian rộng lớn, những tình tiết phức tạp... Điểm nhìn ấy tạo cho tác giả vị trí như nhà đạo diễn tài ba, kiêm nhà quay phim, lướt ống kính của mình đến mọi không gian, thời gian, nắm bắt nhân vật không chỉ ở lời nói, hành động mà còn ở cả chiều sâu tâm trạng với

những uẩn khúc. Nhờ vậy, thế giới tiểu thuyết lịch sử không còn là sự lược thuật lịch sử mà trở thành những thước phim sống động.

Nhờ có tính khách quan của điểm nhìn trần thuật mà tác giả có thể dễ dàng gửi gắm tình cảm của mình tới nhân vật lịch sử Nguyễn Hoàng bằng cái nhìn ngưỡng vọng, thành kính mà vẫn rất trung thực, khách quan. Qua con mắt của Thành, Nguyễn Hoàng hiện lên là người tài ba về cả quân sự lẫn chính trị, ngoại giao, luôn bình tĩnh, sống chan hoà với mọi người kể cả thuộc hạ và nhân dân, vừa là người đa mưu túc kế vừa là người nhân hậu, khoan dung, thể hiện tập trung vào các mối quan hệ đối nhân và dụng nhân, với ý tứ rõ rệt "chim hồng hộc sở dĩ bay cao là nhờ có sáu trụ xương cánh vững chắc''. Con người ấy đã cố kết được lòng dân, muôn người như một, biến ước mơ khai khẩn cho riêng mình thành một cõi hiện thực chói lọi. Công lao của vị anh hùng thời loạn đã được Thái Bá Lợi đánh giá là người mở cõi tạo cho đất nước Việt chúng ta có một dáng hình, một tầm vóc như ngày nay.

Điểm nhìn nhân vật là một trong những yếu tố cơ bản giúp khắc hoạ chân dung nhân vật, là điểm nhìn theo cá tính, địa vị và tâm lý nhân vật. Cá tính nhân vật sống động hơn khi được soi chiếu từ quan điểm đánh giá của các nhân vật khác. Nhân vật Nguyễn Hoàng hiện lên qua thái độ, tình cảm của các nhân vật khác trong tiểu thuyết, có thể nhận thấy ông luôn được tướng sỹ yêu mến, muôn dân tin cẩn. Buổi đầu tiên khi ông cùng tuỳ tùng cập cửa biển Yên Việt, các bô lão cùng dân chúng tổ chức đón tiếp long trọng bởi họ biết Đoan quận công là người phi thường, thông minh, tài trí, đức rộng. Đối với Đỗ Chiêu, Nguyễn Thiệu, Phạm Dữ... những thuộc hạ thân tín ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên đều kính nể ngài và coi ông là minh chủ, chủ soái sáng suốt. Họ sẵn sàng hy sinh cả đời mình phục vụ sự nghiệp mở mang bờ cõi. Ngay cả, Ngọc Lâm - người phải thực thi nhiệm vụ mỹ nhân kế của Nguyễn Hoàng - vẫn một lòng ngưỡng phục và tin yêu ông: "thiếp xin vâng lệnh tướng công,

thiếp không nỡ nhìn cơ nghiệp của tướng công tan tành mà không xả thân được'' [32;29]. Người thiếu nữ đẹp như hoa, trong sáng như ngọc đã thầm hứa suốt đời giữ trọn lòng yêu thương trung thành với Đoan quận công, nhưng do hoàn cảnh "ngàn cân treo sợi tóc" nàng đã xả thân vì việc nghĩa. Bằng tài năng và lòng trung thành nàng giúp cho Nguyễn Hoàng hoàn toàn chiến thắng Lập Bạo. Đối với Nguyễn Hoàng và quân sỹ, nàng vừa là ân nhân, vừa là vị thánh có công lao lớn trong công cuộc giữ gìn, mở mang bờ cõi. Vẻ đẹp nhân cách của Ngọc Lâm càng được tôn vinh qua cái nhìn khâm phục ngưỡng mộ của vị chủ soái cũng như quân dân Thuận Quảng. Từ cái nhìn của Nguyễn Hoàng, người đọc càng hiểu và kính trọng vị chủ tướng tài năng, nhân hậu. Ông luôn trân trọng, biết ơn những hy sinh thầm lặng của người dân. Con người ấy đã phải hy sinh những tình cảm riêng tư để làm tròn bổn phận của vị chủ soái.

Ở phần đầu tác phẩm, Trịnh Kiểm hiện lên là người cơ mưu, đa nghi, thâu tóm quyền lực xã tắc. Trịnh Kiểm đã sát hại người em vợ là Nguyễn Uông và kế tiếp sẽ là Nguyễn Hoàng. Nhưng sau tám năm vào trấn thủ Thuận Hoá, Nguyễn Hoàng trở ra gặp lại người anh rể, ông nhận thấy Trịnh Kiểm gần gũi, thân mật, ân cần khiến cho ông bớt đi những lo lắng, ông cảm động trước những ân tình của người anh rể. Thái Bá Lợi tạo cho Nguyễn Hoàng có cái nhìn khách quan về con người Trịnh Kiểm, dù là người đối đầu nhưng Nguyễn Hoàng không hề miệt thị, trong mắt ông Trịnh Kiểm là một người bình thường, can đảm, mưu lược hơn người, tận tụy trung thành hết mình nhưng ham quyền lực, so với Trịnh Tùng sau này con người ấy sống chân tình, gần gũi với ông hơn. Qua cái nhìn của Nguyễn Hoàng về Trịnh Kiểm, người đọc có phần hiểu và thông cảm hơn với những việc làm của nhân vật lịch sử này. Trong con người cơ mưu, tham quyền lực ấy vẫn còn chút lương tâm kịp toả sáng trước khi về với đất mẹ. Qua đây, nhà văn giúp người đọc

hiểu sâu sắc về thế giới nội tâm của nhân vật, giá trị nhân phẩm của Đoan quận công càng được nâng cao khi nhân vật cảm thông cho những lỗi lầm của người anh rể. Ông vượt qua những hiềm khích cá nhân để chọn cho dân tộc một hướng đi đúng đắn. Điều này càng thể hiện rõ vai trò của người gánh vác trọng trách cao cả trong thời kỳ lịch sử dân tộc bi hùng thế kỷ XVI – nửa đầu thế kỷ XVII đầy biến động. Ông xứng đáng được tôn danh là vị “Anh hùng thời loạn''.

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết lịch sử minh sư của thái bá Lợi(LV1186) (Trang 84)