Những nhân vật là thuộc hạ thân tín của Nguyễn Hoàng

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết lịch sử minh sư của thái bá Lợi(LV1186) (Trang 72)

8. Kết cấu luận văn

2.2.1.2.Những nhân vật là thuộc hạ thân tín của Nguyễn Hoàng

* Nhân vật Nguyễn Ư Dĩ

Thái Bá Lợi phác hoạ nhân vật Nguyễn Ư Dĩ chỉ qua vài chi tiết nhưng ông hiện lên trong tác phẩm là trụ cột của Nguyễn Hoàng. Nguyễn Ư Dĩ có mối quan hệ ruột thịt với Đoan quận công, ông là cậu ruột của Chúa Tiên, Thái phó vừa là người cậu vừa là người thầy, người phò tá giúp cho Nguyễn Hoàng thành công trên con đường công danh. Nguyễn Hoàng đã được Thái phó nuôi dưỡng từ nhỏ vì vậy ông hiểu và thương yêu cháu như con ruột của mình. Ông dồn tất cả tâm trí và tài năng của mình để nuôi dạy đứa cháu nên người. Người cậu ấy đã thay cha lo toan cho cháu trong mọi hoàn cảnh. Trước âm mưu thâm hiểm của Trịnh Kiểm muốn diệt trừ dòng họ Nguyễn, ông đau xót, tìm mọi cách bảo vệ đứa cháu yêu quý. Thái phó tìm mọi kế để cứu cháu khỏi cái chết oan uổng. Ông mất ăn mất ngủ lo lắng cho số phận của người cháu và tự thân chinh tìm đến trạng Trình để tìm lời khuyên cho con đường đời của Nguyễn Hoàng. Những hành động, cử chỉ Thái phó đối với Nguyễn Hoàng giống như tình yêu của người cha đối với con, giống như ''tình bạn tri âm tri kỷ'' để người cha ấy vượt qua tất cả nguy hiểm để tìm đường sống cho người cháu ở vùng biên ải xa xôi. Sau khi Trịnh Kiểm đồng ý để Đoan quận công vào trấn thủ xứ Thuận Quảng, ông là người đầu tiên tháp tùng Nguyễn Hoàng vào Thuận Quảng. Nguyễn Ư Dĩ chính là chỗ dựa vững chắc cho người cháu vững bước trên con đường mở mang bờ cõi, khẳng định tài năng đức độ. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Nguyễn Hoàng luôn tham khảo ý kiến của người cha, người cậu để có những quyết sách đúng đắn.

Cho dù Thái Bá lợi không chú trọng nhiều trong việc xây dựng nhân vật Thái phó nhưng chỉ vài chi tiết thoáng qua vẫn tạo cho người đọc những

ấn tượng sâu sắc về nhân vật lịch sử có thật này. Ông là một trong ba công thần khai quốc đầu tiên của nhà Nguyễn mà lịch sử đã tôn vinh.

* Nhân vật Luân quận công Tống Phước Trị.

Nếu nhân vật Nguyễn Hoàng được nhà văn Thái Bá Lợi dành cho nhiều ưu ái để xây dựng thành một hình tượng văn chương đúng nghĩa, không thoát li sử kí thì các nhân vật lịch sử khác châu tuần quanh Nguyễn Hoàng lại có phần mờ nhạt, chưa có tính cách để trở thành hình tượng văn học. Dù vậy, các nhân vật lịch sử ấy có mặt trong công cuộc khai hoang, mở mang bờ cõi đã tạo nên những cảm xúc sâu sắc đối với người đọc. Trong tiểu thuyết Minh sư, Thái Bá Lợi để nhân vật Luân quân công xuất hiện khi Nguyễn Hoàng phái Đỗ Chiêu. Vốn là người điềm đạm, trước khi làm bất cứ việc gì con người ấy luôn suy xét kỹ càng. Vì vậy, từ khi vào trấn thủ Thuận Hoá trong hoàn cảnh hỗn mang ông luôn giữ cho mảnh đất này được ổn định bình yên tương đối. Tống Phước Trị là người đồng chí hướng với Đoan quận công và hai con người ấy đã bắt tay nhau cùng chung sức xây dựng vùng đất mới. Trong những năm tháng đầu tiên, sự góp mặt của Tống Phước Trị đã giúp Nguyễn Hoàng trong công tác thu phục lòng dân. Trong đêm tối hai ngài quận công đàm đạo, ông sẵn lòng phò tá Đoan quận công và đưa ra lời khuyên: "Thưa là an dân", "Dân đang đói bần cùng sinh đạo tặc. Ngài có cách nào để trữ một ít lương, khi có nạn đói có thể phát chẩn ngay, cứu sóng người đang sắp chết, rồi sau đó mới đến dạy dân mở mang đất đai, gieo cấy mùa màng... Đó cũng là cách vỗ về quân dân thu phục hào kiệt” [32;154]. Tống Phước Trị là người có nhân cách cao cả và tấm lòng trăn trở luôn lo lắng, yêu thương người dân. Tư tưởng lấy dân làm gốc của ông đã gặp tư tưởng của Đoan quận công và họ đã trở thành người bạn tri kỷ. Luân quận công đã đem tài trí, đức độ giúp Nguyễn Hoàng bình trị vùng “đất lạ" trở thành mảnh đất trù phú, bình yên. *Nhân vật Bùi Tá Hán

Trong tiểu thuyết Minh sư, nhân vật Bùi Tá Hán được nhà văn khắc hoạ có phần sinh động hơn so với nhân vật Nguyễn Ư Dĩ và Tống Phước Trị, Mạc Cảnh Huống. Theo lời kể của nhân vật Thành và cuộc gặp gỡ vô tình của Phạm Dữ, Bùi Tá Hán vốn là cận thần của nhà Lê. Ông được phái vào trấn thủ xứ Quảng Nam. Con người ấy đã có bề dày công trạng đối với triều Lê và đã được triều đình phong Bắc Quân đô đốc. Những năm tháng vào trấn thủ vùng đất Quảng Nam, ông luôn trăn trở tìm mọi cách tạo cuộc sống ấm no, bình yên cho dân. Ông là vị quan có trái tim nhân hậu, bao dung, độ lượng, thương yêu người dân. Ông coi dân như người thân, dạy họ khai phá đất hoang, trồng lương thực. Ông đã khuyến khích mọi người bảo vệ bản sắc dân tộc, bài trừ những hủ tục lạc hậu. Nhờ có chính sách đó mà đời sống của người dân trong xứ ngày càng văn minh, phát triển. Với tư tưởng thân dân, gần dân khiến cho người dân đất Quảng tin yêu, quý trọng. Luân quận công là người cùng chí hướng với Đoan quận công trong chiến lược mở mang bờ cõi khẳng định vị thế Đại Việt.

* Nhân vật Đỗ Chiêu

Bên cạnh những nhân vật lịch sử có thật, tác giả Minh sư còn xây dựng một hệ thống nhân vật hư cấu như Đỗ Chiêu, Nguyễn Thiệu, Phạm Dữ, Chế Mô, Ngọc Lâm... Những nhân vật này điển hình cho vạn người vô danh khác đã châu tuần rồi xả thân phụng sự công cuộc mở mang và giữ cõi của Nguyễn Hoàng.

Nhân vật Đỗ Chiêu xuất hiện từ đầu tới cuối công cuộc mở cõi huy hoàng của Chúa Tiên. Có thể nói, Đỗ Chiêu được nhà văn khắc hoạ thành công hơn các nhân vật hư cấu khác. Cả cuộc đời của nhân vật hết lòng xả thân vì người chủ tướng sáng suốt. Thái Bá Lợi diễn tả thành công diễn biến tâm trạng giằng co, trăn trở trong tình cảm của Đỗ Chiêu với Ngọc Lâm nhưng vì sự nghiệp phụng sự công cuộc mở cõi mà nhân vật đã hy sinh tình riêng. Những trang viết về nhân vật thật cảm động khiến người đọc càng yêu quý và

trân trọng. Trước khi Đoan quận công vào Thuận Hoá, Đỗ Chiêu đã tình nguyện vào vùng đất biên ải như một tiền thám tạo cho Nguyễn Hoàng bước đầu thành công trong công việc định cư tại vùng Ái Tử được thuận lợi. Trong năm đầu, người chủ tướng lập nghiệp gặp biết bao khó khăn, Đỗ Chiêu cùng sát cánh bên Nguyễn Hoàng, ông là cánh tay phải đắc lực được Chúa Tiên cũng như Thái Phó tin cậy. Ông được giao những trọng trách như: tiếp kiến Luân Quận công, ổn định dân cư, thanh trừ các toán cướp, cầm quân chinh phạt... Ở bất cứ công việc nào dù ngoại giao, quân sự... con người ấy luôn ''tận tâm tận lực'' hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Những chiến công của ông đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp vẻ vang của Nguyễn Hoàng và góp phần thúc đẩy lịch sử Đại Việt chuyển sang trang mới.

* Nhân vật Nguyễn Thiệu và Chế Mô

Hai nhân vật Nguyễn Thiệu và Chế Mô là hoá thân của nhân tâm thời đại bấy giờ. Nguyễn Thiệu có nguồn gốc gia đình đặc biệt, trong con người anh là sự hoà trộn hai dòng máu Việt - Chăm, cha của anh là người Việt còn mẹ là người Chăm, dòng dõi cụ Ba Thái được vua Lý Thánh Tông tin cậy giao coi sóc vùng đất mới. Chế Mô là người Chăm. Chàng trai Chăm ưu tú có hoàn cảnh gia đình vô cùng éo le, anh mồ côi cha mẹ từ rất sớm vì vậy khi lên mười tuổi phải đi ở cho một xã trưởng người Việt. Chàng trai ấy kết hôn nhưng vợ của Mô chết trong một trận lũ. Từ đó, hắn sống như người mất hồn, suốt ngày thơ thẩn dọc bờ sông, nhiều lúc gào to tên vợ, để rồi lại im lặng cả ngày. Chế Mô gặp và giúp đỡ Nguyễn Thiệu khi anh nhận lệnh tìm gặp người con của cụ Ba Thái. Anh được Thiệu cưu mang đùm bọc như anh em, cả hai đều được Nguyễn Hoàng yêu quý tin dùng. Họ đã nhiều lần cùng lập nên những chiến công vẻ vang cho sự nghiệp mở cõi. Họ đã xả thân, vì sự nghiệp mở cõi của dân tộc. Cả hai đều là chứng nhân của lịch sử: Trong dòng chảy

mấy trăm năm đại nghiệp mở cõi về phương Nam, hai dòng máu Chăm - Việt đã hoà trộn, như đã từng hoà trộn trong con người thật của Nguyễn Thiệu. * Nhân vật Ngọc Lâm

Trong số, những nhân vật nữ xuất hiện trong tiểu thuyết Minh sư,

người đọc ấn tượng hơn cả là nhân vật Ngọc Lâm, cho dù nhân vật này xuất hiện không nhiều. Nàng vốn là thiếp yêu của Đoan quận công, nàng có một tâm nguyện suốt đời phục vụ Nguyễn Hoàng, giữ trọn trinh tiết. Khi Nguyễn Hoàng phải đối mặt với hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, Lập Bạo đem quân tàn phá sự nghiệp của quân dân Thuận Quảng, Ngọc Lâm đã phải hy sinh thân mình để cứu sự nghiệp của Nguyễn Hoàng. Nàng hết sức ê chề, đau đớn nhưng vì nhiệm vụ nàng không tiếc thân và góp sức diệt được tướng Lập Bạo hung ác. Nàng đã trở thành ân nhân cứu sống cho bao người. Nàng là trang liệt nữ mà Nguyễn Hoàng cũng như nhân dân Thuận Quảng mãi mãi biết ơn "Tại sao trời đất sinh ra một người con gái xinh đẹp thế, nết na thế, quả cảm thế''. [32;315]

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết lịch sử minh sư của thái bá Lợi(LV1186) (Trang 72)