Những biến đổi về chính trị NhậtBản thời kỳ sau Chiến tranh thế giới thứ hai và vấn đề nữ quyền

Một phần của tài liệu Phong trào đấu tranh đòi quyền tham chính của phụ nữ ở nhật bản từ sau chiến tranh thế giới thứ hai (1945) đến nay (Trang 28)

18 Edwin Reischauer, “Nhật Bản câu chuyền về một quốc gia”, 1998, NXB Thống kê.

1.2.1 Những biến đổi về chính trị NhậtBản thời kỳ sau Chiến tranh thế giới thứ hai và vấn đề nữ quyền

tranh thế giới thứ hai và vấn đề nữ quyền

Ngày 15 tháng 8 năm 1945, Nhật Hoàng Hirohito tuyên bố Nhật Bản đầu hàng đồng minh vô điều kiện, chấm dứt cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai. Sự kiện này đã tạo nên một cú sốc tinh thần lớn với người dân Nhật Bản lúc bấy giờ và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi hoạt động trong đời sống xã hội của họ, đặc biệt là chính trị.

Sau tuyên bố đầu hàng của Thiên hoàng, Nhật Bản rơi vào tình trạng bị chiếm đóng bởi lực lượng quân Đồng minh (GHQ), với sự hỗ trợ của quân đội Khối thịnh vượng chung Anh. Việc chiếm đóng Nhật Bản của Lực lượng Đồng minh bắt đầu từ tháng 8 năm 1945 và kết thúc vào tháng 4 năm 1952. Đây cũng là thời kỳ mà Nhật Bản tiến hành cải cách toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Sự phục hồi kinh tế và ổn định tình hình chính trị này đã tạo đà cho sự cất cánh kỳ diệu trong giai đoạn tăng trưởng cao độ của Nhật Bản. Tướng MacArthur là Tư lệnh tối cao đầu tiên của chiến dịch này.

Sự hiện diện của các lực lượng nước ngoài chính là dấu mốc đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản bị một thế lực ngoại bang chiếm đóng. Tuy nhiên, sự hiện diện của lực lượng đồng minh đó đã trở thành một điều kiện vô cùng quan trọng gây sức ép, cổ vũ và thúc đẩy Nhật Bản cải cách. Trong 5 năm ngắn ngủi (1945-1950), GHQ đã thực thi nhiều chính sách quan trọng nhằm giải giáp quân đội Nhật, xóa bỏ chủ nghĩa quân phiệt, dân chủ hóa, phục hưng và tái thiết Nhật Bản. Các chính sách này tương đối hệ thống và toàn diện.

Cuộc cải cách kinh tế - xã hội của Nhật Bản sau chiến tranh thực chất là một cuộc đấu tranh phức tạp giữa các lực lượng tiến bộ và bảo thủ trong và ngoài Nhật Bản. Công cuộc này được thực hiện dưới sự chiếm đóng của lực lượng Đồng minh, nhưng họ không thi hành chính sách trực trị mà điều hành gián tiếp qua guồng máy hành chính của người Nhật. Một trong những việc làm có tác động lớn về mặt chính trị của lực lượng đồng minh đó là vào ngày 11 tháng 10 năm 1945, tức là chỉ hai tháng sau khi chiếm đóng Nhật Bản, MacAthur đã đề nghị Chính phủ Nhật Bản thực hiện 5 cải cách cơ bản. Những nội dung yêu cầu cải cách của ông bao gồm:

1) Giải phóng phụ nữ, 2) Thành lập công đoàn, 3) Giáo dục theo đường lối dân chủ, 4) Triệt bỏ các chính sách đàn áp, 5) Tự do hoá kinh tế.

“Giải phóng phụ nữ” được đưa ra như mục tiêu đầu tiên cho công cuộc cải cách nhằm thay đổi xã hội trọng nam khinh nữ rất sâu sắc ở Nhật Bản lúc bấy giờ - yếu tố quan trọng để có thể xây dựng xã hội dân chủ ở Nhật Bản. Chủ trương “thành lập công đoàn”, “Giáo dục theo đường lối dân chủ”,... cũng góp phần quan trọng mang lại cơ hội học tập và làm việc bình đẳng như nam giới cho phụ nữ Nhật, tạo điều kiện để họ nâng cao vị trí trong xã hội. Những nội dung yêu cầu cải cách của tướng Mac Arthur đối với Nhật Bản nêu trên thể hiện một tầm nhìn chiến lược và tư tưởng tiến bộ của một vị tướng phương Tây đối với một xã hội còn nhiều định kiến ở phương Đông như Nhật Bản.

Trước những quyết tâm của tướng Mac Arthur, Chính phủ Nhật Bản cũng dần hiểu ra rằng, nâng cao địa vị phụ nữ Nhật là một trong những cải cách hết sức quan trọng vì sẽ giải phóng được hơn 50% lực lượng lao động của Nhật khỏi những tư tưởng phong kiến cố hữu đã ràng buộc phụ nữ Nhật Bản trong sự cô lập với thế giới bên ngoài. Ngay sau hôm đó, thủ tướng Shidehara đã kêu gọi Chính phủ Nhật Bản thực hiện cải cách này. Chính phủ đã thực hiện trao quyền bầu cử cho phụ nữ lần đầu tiên trong cuộc thăm dò phiếu về việc ban hành luật pháp mới.

Có thể nói, lực lượng chiếm đóng đã coi giải phóng phụ nữ là một việc quan trọng cần phải làm ngay khi bắt đầu công cuộc cải cách ở Nhật Bản. Cải cách này thể hiện tư duy rất mới, tiến bộ của tướng MacAthur nhằm đặt nền móng xây dựng vai trò bình đẳng về quyền tham gia chính trị của phụ nữ Nhật so với nam giới, góp phần thực hiện sự tôn trọng của Chính phủ đối với mỗi người dân. Do đó, 5 nội dung cải cách do tướng Mac Athur đề xuất được xem như nhân tố đầu tiên và quan trọng bậc nhất về mặt chính trị ở Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ hai dẫn tới sự phát triển vượt bậc của phong trào tham chính của phụ nữ ở nơi đây.

Ngày 17 tháng 12 năm 1945, Điều 42 của bộ luật về Quyền bầu cử Hạ nghị viên được sửa đổi. Theo đó, công dân bất luận nam nữ, trên 20 tuổi đều có quyền đi bầu cử. Tại cuộc tổng tuyển cử lần thứ 22 (cũng là cuộc tổng tuyển cử dầu tiên sau Chiến tranh) được tổ chức vào ngày 10 tháng 4 năm 1946 lịch sử Nhật Bản lần đầu tiên được chứng kiến hơn 20 triệu phụ nữ Nhật (chiếm 50,4 dân số Nhật lúc bấy giờ) đi bỏ phiếu. Và cũng trong cuộc tổng tuyển cử này, 39 phụ nữ Nhật trở thành các nghị sĩ. Đây là thắng lợi to lớn của phụ nữ Nhật trong quá trình đấu tranh giành quyền tham chính. Sự kiện này đánh dấu sự “bước chân” chính thức của phụ nữ vào cơ quan quyền lực cao nhất của Nhật Bản, cũng từ đây phụ nữ Nhật đã có tiếng nói, quyền năng trong việc quyết định các dự thảo Luật, tâm tư và nguyện vọng của phụ nữ hứa hẹn sẽ được phản ánh qua các điều Luật để xây dựng một xã hội bình đẳng. Sự kiện thành lập Quốc hội với sự tham gia của các nghị sĩ nữ năm 1946 đã hứa hẹn mở ra một thời đại mới, văn minh hơn trong xã hội Nhật Bản, thời đại mà ở đó tất cả các công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không còn tồn tại sự phân biệt về giới tính trong lĩnh vực chính trị.

Ngày 3 tháng 11 năm 1946, Hiến pháp mới của Nhật được ban hành và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 3 tháng 5 năm 1947. Các quyền cơ bản của con người được Hiến pháp đảm bảo và là những quyền vĩnh viễn, bất khả xâm phạm. Đây trở

thành một trong những nội dung quan trọng của bản Hiến pháp mới. Hiến pháp mới dành 31 điều cho “những quyền cơ bản của con người”, trong đó, Điều 14 của Hiến pháp 1946 nêu: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và sẽ hoàn toàn không có sự phân biệt trong quan hệ chính trị, kinh tế, xã hội vì chủng tộc, tôn giáo, giới tính, địa vị xã hội hoặc nguồn gốc gia đình”. Trên cơ sở bản Hiến pháp 1946, các luật dân sự, luật về bầu cử, giáo dục và lao động đã được sửa đổi cho phù hợp với nguyên tắc về bình đẳng giới. Nếu như Luật bầu cử trước đây chỉ cho phép nam giới được đi bầu cử thì sang giai đoạn này phụ nữ cũng có quyền bỏ phiếu bình đẳng với nam giới. Nói về sự thay đổi này, Edwin O.Reichauer đã nhận xét như sau: “Những luật lệ nào còn vương dư âm của dĩ vãng phong kiến như cái lệ cho người chủ gia đình được toàn quyền với vợ hoặc các con đã trưởng thành, hoặc cho dòng trưởng được toàn quyền với các dòng thứ đều bị bãi bỏ” 19

.

Bản Hiến pháp mới với ba nguyên lý nền tảng hòa bình, dân chủ, tôn trọng nhân quyền đã đặt nền móng pháp lý vững chắc để tiến hành các cải cách sâu rộng trên nhiều lĩnh vực nhằm xây dựng nước Nhật Bản mới. Hiến pháp mới của Nhật Bản đã đem đến một bước ngoặt lớn lao trong đời sống chính trị nước Nhật cũng như đối với quá trình thực hiện đối xử bình đẳng trong quyền tham gia chính trị giữa nam và nữ.

Luật dân sự Nhật Bản cũng được sửa đổi và ban hành vào năm 1947, trong đó quy định chế độ gia tộc dựa trên nguyên tắc nam nữ bình quyền. Theo luật này, người ta đã bãi bỏ “Quyền chủ hộ” (戸主権) thuộc về nam giới và quy định quyền thừa kế tài sản cũng được thực hiện một cách bình đẳng. Những cải cách về dân luật trên tinh thần bình đẳng giới nêu trên có ý nghĩa không nhỏ đối với việc thực thi các quyền bình đẳng, nâng cao vị trí của người phụ nữ trong xã hội. Đây chính là một trong những tiền đề quan trọng thúc đẩy sự ra đời của phong trào tham chính phụ nữ.

Hơn thế nữa, tinh thần giải phóng phụ nữ từ Hiến pháp 1946 góp phần quan trọng thay đổi quan niệm về vai trò của người phụ nữ trong gia đình truyền thống, góp phần xóa bỏ những định kiến, tập tục xưa đã trói buộc người phụ nữ. Điều này đã tạo cơ sở và động lực cho những hoạt động đấu tranh lớn mạnh về sau này của phụ nữ, đặc biệt là phong trào đấu tranh đòi quyền tham gia vào chính trị.

Một phần của tài liệu Phong trào đấu tranh đòi quyền tham chính của phụ nữ ở nhật bản từ sau chiến tranh thế giới thứ hai (1945) đến nay (Trang 28)