IV. Một số kiến nghị
4.3. Về xác định chủ thể phải chịu trách nhiệm bồi thường Đối với trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại:
- Đối với trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại:
Cần phân định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong trường hợp chủ sở hữu đã chuyển giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác chiếm hữu, sử dụng, cụ thể là trường hợp chuyển giao theo quan hệ lao động và chuyển giao theo quan hệ dân sự:
+ Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ được chuyển giao cho người khác theo nghĩa vụ lao động: Nếu thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong quá trình người lao động quản lý, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo nhiệm vụ được giao thì trách nhiệm bồi thường thuộc về chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ. Nếu người được giao quản lý, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo nghĩa vụ lao động nhưng lại sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ vào mục đích khác không theo nhiệm vụ mà gây thiệt hại thì họ phải tự chịu trách nhiệm.
+ Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ được chuyển giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng theo một giao dịch dân sự. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trước tiên căn cứ vào sự thỏa thuận giữa các bên khi giao kết hợp đồng. Nếu các bên không có thỏa thuận ai phải chịu trách nhiệm bồi thường thì áp dụng nguyên tắc chung của pháp luật, bên mượn, thuê, nhận cầm cố, nhận gửi giữ, được ủy quyền quản lý tài sản là những người chiếm hữu, sử dụng tài sản có căn cứ pháp luật, vì vậy họ có nghĩa vụ trông coi, quản lý nguồn nguy hiểm cao độ, không để tài sản mình quản lý gây thiệt hại cho người khác. Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại khi đang thuộc quyền chiếm hữu, quản lý của họ thì họ phải chịu trách nhiệm bồi thường.
- Đối với trường hợp thiệt hại do súc vật, cây cối gây ra
Điều 625, Điều 626 Bộ luật dân sự chỉ quy định chủ thể duy nhất phải chịu trách nhiệm bồi thường là chủ sở hữu súc vật, cây cối khi súc vật, cây cối gây thiệt hại cho người khác. Quy định này chỉ đúng trong trường hợp chủ sở hữu đồng thời là người đang có trách nhiệm quản lý, trông coi súc vật, cây cối. Còn trường hợp súc vật, cây cối được chủ sở hữu giao cho người khác quản lý, trông giữ thì ai phải chịu trách nhiệm ví dụ: Chủ sở hữu thuê hoặc ủy quyền cho người khác trông coi gia súc, cây cối của mình?
Theo chúng tôi, bộ luật dân sự cần bổ sung quy định về trách nhiệm của người chiếm hữu hợp pháp, người quản lý súc vật, cây cối trong trường hợp tài sản do họ quản lý gây thiệt hại. Cụ thể, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra trước tiên căn cứ vào sự thỏa thuận giữa chủ sở hữu với người được chuyển giao quyền chiếm hữu tài sản. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận ai phải chịu trách nhiệm bồi thường thì trách nhiệm thuộc về người có nghĩa vụ quản
68
lý, chiếm hữu tài sản. Họ bị coi là có lỗi trong việc để tài sản mình quản lý gây thiệt hại cho người khác.
- Đối với thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng xây ra
Điều 627 BLDS 2005 quy định: “Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao quản lý, sử dụng nhà
cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại, nếu để nhà cửa công trình xây dựng khác đó bị sụp đổ, hư hỏng, sụt lở gây thiệt hại cho người khác, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng”.
Điều luật chỉ ra hai chủ thể có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp nhà cửa, công trình xây dựng gây thiệt hại cho người khác. Người phải chịu trách nhiệm trước tiên đó là chủ sở hữu nếu đồng thời là người trực tiếp quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng đó. Chủ thể phải bồi thường thiệt hại tiếp theo là người được chủ sở hữu giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng.
Điều luật chưa quy định rõ người quản lý đồng thời là người sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng hay đó là 2 chủ thể độc lập. Trên thực tế có những trường hợp sau xảy ra:
Người quản lý không đồng thời là người sử dụng trong trường hợp chủ sở hữu uỷ quyền cho người khác trông coi nhà, công trình xây dựng cho mình. Người này chỉ có quyền quản lý nhà cửa, công trình xây dựng thôi mà không có quyền được khai thác giá trị sử dụng của chúng để hưởng lợi. Nếu trong thời gian đang quản lý đó mà nhà cửa, công trình xây dựng gây thiệt hại thì ai phải chịu trách nhiệm bồi thường không?
Người sử dụng không đồng thời là người quản lý nhà cửa, công trình xây dựng trong trường hợp chủ sở hữu một toà nhà chung cư cho người khác thuê từng căn phòng để làm văn phòng giao dịch hay để ở nhưng mọi vấn đề như an ninh, điện nước, sự an toàn nói chung của ngôi nhà là thuộc về nghĩa vụ của chủ sở hữu ngôi nhà. Nếu toà nhà sụt, lở gây thiệt hại thì ai phải chịu trách nhiệm bồi thường?
Người quản lý đồng thời là người sử dụng như trường hợp chủ sở hữu cho thuê nhà cửa, công trình xây dựng theo phương thức “chìa khoá trao tay”. Theo đó, người thuê có toàn quyền quản lý và khai thác giá trị của toàn bộ ngôi nhà hay công trình xây dựng đó một cách độc lập; hoặc phần diện tích riêng trong một căn hộ, căn phòng độc lập trong toà nhà chung cư, còn phần diện tích chung như cầu thang, hành lang… của toà nhà thì thuộc quyền quản lý của chủ sở hữu toà nhà.
Quy định của điều luật chưa làm rõ những chủ thể phải bồi thường trong các trường hợp trên. Người quản lý đồng thời là người sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng sẽ phải bồi thường hay chỉ người quản lý hoặc chỉ người sử dụng mới phải bồi thường?
Chủ sở hữu chỉ có thể giải thoát khỏi trách nhiệm bồi thường nếu chứng minh được lỗi của người khác đã để cho nhà cửa, công trình xây dựng gây thiệt hại như lỗi của người thi công xây dựng nhà, công trình. Vấn đề này chưa được điều luật điều chỉnh và chưa được quy định rõ.
69
Theo chúng tôi, căn cứ để xác định chủ thể phải bồi thường là người “quản lý vật chất” đối với nhà cửa, công trình xây dựng đó, họ bị coi là có lỗi trong việc quản lý, trông coi; do vậy điều luật chỉ cần chỉ ra người phải bồi thường là người có trách nhiệm quản lý nhà cửa, công trình xây dựng là đủ, bỏ đi từ “sử dụng”. Trường hợp nhà đang trong quá trình thi công hoặc đang còn thời hạn bảo hành mà sụt lở gây thiệt hại do chất lượng của công trình không đảm bảo (theo chuẩn thiết kế hay theo chất lượng trung bình của nhà cửa, công trình xây dựng cùng loại) thì tất yếu bên thi công phải chịu trách nhiệm bồi thường.